Friday, February 26, 2016

ĐƯA ĐẦY ĐỦ CÁC SỰ KIỆN VÀO SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ, MỘT VIỆC LÀM CẦN THIẾT (Anh Vũ - RFA)





Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016-02-25
.
Sách giáo khoa môn lịch sử.  File photo

Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12 trước đây chỉ vẻn vẹn 11 dòng về chiến tranh Biên giới năm 1979. Song đến nay, Bộ GD&ĐT quyết định đưa vào SGK đầy đủ các vấn đề, kể cả vấn đề nhạy cảm như chiến tranh Biên giới 1979 và HS-TS…  Vấn đề này có ý nghĩa như thế nào?

“Quan hệ tế nhị”

Nhiều năm nay, khác với các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ được tuyên truyền rầm rộ, thì cuộc chiến tranh Biên giới chống quân TQ xâm lược năm 1979 được dư luận đánh giá là vấn đề tế nhị và nhạy cảm, truyền thông ít được phép nhắc đến.

Từ Hà nội, Nhà văn Phạm Viết Đào một người đã tìm hiểu và bạch hóa nhiều vấn đề “nhạy cảm” trong cuộc chiến tranh Biên giới 1979 với TQ nói với chúng tôi:

“Quan hệ VN-TQ có những sự thật lịch sử trong chiến tranh thì có những cái đã không được bạch hóa. Đó có thể do là một chủ trương có từ trên đối với các cơ quan chức năng như tuyên giáo, báo chí… buộc phải im lặng.”

Mới đây, GS Vũ Dương Ninh  đồng chủ biên cuốn SGK Lịch sử lớp 12 khi trả lời phỏng vấn của VnExpress đã thừa nhận, vào năm 2000, khi thảo luận vấn đề soạn SGK Lịch sử lớp 12 nên viết thế nào về những sự kiện có liên quan đến vấn đề hải đảo và biên giới giữa VN và TQ? Đã có ý kiến chỉ đạo là không viết vì khi đó ta vừa bình thường hóa quan hệ với nước bạn. Vì lý do "quan hệ tế nhị" với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại và rút bớt rất nhiều. Từ 4 trang xuống chỉ còn lại 11 dòng.

Việc hạn chế đưa các thông tin về các sự kiện đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo vào SGK Lịch sử để giảng dạy cho học sinh, sinh viên sẽ gây ra một hậu quả khôn lường. Ông Vũ Bằng, một thầy giáo giảng dạy môn lịch sử ở Bắc ninh bày tỏ:

“Lịch sử luôn cần phải ghi lại những sự kiện khách quan đã diễn ra và có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước. Các sự kiện lịch sử về việc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, là những sự kiện rất quan trọng, không thể không được nói tới. Với tư cách một người thầy giảng dạy môn Lịch sử, tôi rất lo nếu cứ cắt xén sự kiện thế này, thế hệ sau sẽ không tiếp nhận được thông tin đúng đắn, để có định hướng rõ ràng. Sự bưng bít thông tin một cách cố ý tạo nên hậu quả nguy hiểm khôn lường.”

Theo báo Dân trí cho biết, số đông người VN hiện nay không biết về cuộc chiến Biên giới 1979, cũng như không hề biết rằng Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974, vì không có tài liệu chính thống nào nói về việc này. Điều đó đã ảnh hưởng đến ý thức và lòng yêu nước của công dân đối với tổ quốc.

Tích hợp môn lịch sử với những môn khác trong chương trình sách giáo khoa, ảnh minh họa. Courtesy photo.

Theo báo Giáo dục, GS Vũ Dương Ninh cho rằng việc chọn lọc các sự kiện thì cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương của tổ quốc, cả đất liền và hải đảo, đều là sự kiện rất quan trọng, không thể không nói tới. Sách giáo khoa Lịch sử phải tôn trọng sự thực khách quan này, vì thế cần phải viết các sự kiện đấu tranh bảo vệ biên cương của tổ quốc trong SGK, vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và vì yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
Không thể nói rằng nếu đưa thông tin lịch sử về các sự kiện như chiến tranh biên giới 1979 sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Đây là một sự nguỵ biện thiếu cơ sở. NV. Phạm Viết Đào tiếp lời:

“Họ làm như thế là họ sai quá đi chứ, nhưng rất khó hiểu là chuyện ấy họ (chính quyền) có bị TQ lũng đoạn hay không? Nhưng dù sao, việc tìm cách che dấu lịch sử như vừa qua cũng như việc sát nhập môn lịch sử vào các môn học khác là việc không thể nói là vô tình được. Mà nó phải có một sức ép nào đó đối với công tác tuyên giáo về vấn đề lịch sử. Tôi nghĩ đó phải có một âm mưu nào đấy.”

Phải tôn trọng sự thật

Sách giáo khoa Lịch sử phải tôn trọng sự thật và cần phải viết đầy đủ, trung thực các sự kiện đó, để đảm bảo tính khách quan của lịch sử, cũng như tính giáo dục truyền thống của sử học. Bản thân cuộc chiến tranh đã diễn ra như thế nào thì ta phải nói đúng như thế ấy. Thầy giáo Vũ Bằng nhận định:

“Việc bưng bít thông tin đang khiến nhiều người nghi ngại là nếu tình hình tương tự xảy ra chúng ta sẽ xử lý như thế nào?  Với học sinh, sinh viên từ chỗ không biết sẽ không phân biệt được đúng sai, từ đó các em không chuẩn bị được tinh thần cảnh giác để nhìn nhận đúng nguy cơ và sẵn sàng đứng lên bảo vệ khi đất nước có chiến tranh.”

Theo VnExpress ngày 22/2/2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sách Lịch sử trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để đưa nội dung các cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa... vào sách giáo khoa sắp biên soạn với dung lượng phù hợp.

Nói về ý nghĩa của quyết định này của Bộ GD&ĐT, NV. Phạm Viết Đào thấy rằng, lịch sử dẫu thế nào thì chúng ta vẫn cứ phải bạch hóa, đã là lịch sử thì không được phép thêm bớt, vì thêm là bất nhân và bớt là bất nghĩa và thế hệ này không làm thì thế hệ sau họ cũng phải làm. Ông nói:

“Song bây giờ tình thế đã thay đổi, mọi sự thật lịch sử phải được trả lại và có lẽ đã đến lúc chúng ta với TQ phải sòng phẳng với nhau, chứ không thể úp mở như ngày xưa được nữa. Đó là cái xu thế tất yếu nó buộc phải như thế thôi. Vấn đề là đến bây giờ, họ không thể lấy ta để che mặt trời mãi được nữa. Theo thông tin mới nhất là Ban Tuyên giáo đã chỉ đạo phải đưa các sự kiện lịch sử ấy vào biên soạn. Điều đó cho thấy, đã đến lúc họ phải bạch hóa các thông tin này thôi. Tôi nghĩ, chúng ta phải sòng phẳng với TQ, chứ không thể kiểu úp mở, ôm nhau như hiện nay được.”

Đây là một quyết định hợp lòng người đáng hoan nghênh, góp ý về việc biên soạn SGK Lịch sử trong thời gian tới, thầy giáo Vũ Bằng đề nghị:

“Cách viết các nội dung về chiến tranh biên giới trong sách giáo khoa phải tuân thủ tính khách quan, sự thật lịch sử nhưng phải ngắn gọn, đầy đủ bản chất, dễ hiểu và dễ nhớ. Sách giáo khoa mới, nhất thiết phải nhắc tới các sự kiện về chiến tranh bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo. Các vấn đề như: Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978-1979, hay trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988… phải được phản ảnh đầy đủ.”

Được biết từ tháng 1/2014, sau buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ GD&ĐT và các cơ quan nghiên cứu đưa vấn đề Biển đông và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo HS-TS vào sách giáo khoa các cấp để phổ biến tri thức lịch sử nhằm giáo dục truyền thống dân tộc và lòng yêu nước cho mọi người.

Theo Bộ GD&ĐT, trong lúc chưa có bộ sách giáo khoa mới, thì Bộ khuyến khích các trường học, tổ bộ môn sử đưa nội dung trên vào bài giảng, hoặc có thể là hoạt động ngoại khóa, chuyên đề, như nhiều trường hiện nay đã làm.

Tin, bài liên quan




No comments: