Friday, February 26, 2016

TRUNG QUỐC DỒN SỨC MẠNH QUÂN SỰ BIẾN BIỂN ĐÔNG THÀNH AO NHÀ (GS Alexander Vuving / VietNamNet)





GS Alexander Vuving  /  VietNamNet
25/02/2016  11:42 GMT+7

GS Alexander Vuving cảnh báo, nếu các nước khác không có những bước đi mạnh mẽ ngay từ bây giờ, biển Đông sẽ bị TQ kiểm soát.

LTS: Vừa qua việc TQ đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được đánh giá là bước leo thang quân sự hoá mạnh mẽ, làm dấy lên quan ngại gia tăng bất ổn tại khu vực.
Liệu TQ sẽ còn những hành động gì tiếp theo và xa hơn là một vài thập kỷ tới. Loạt bài phỏng vấn các chuyên gia do Tuần Việt Nam tổ chức cố gắng đưa ra những phân tích, dự báo xung quanh vấn đề này.

Bài 1: Bàn cờ biển Đông – kịch bản 2030

Giáo sư Alexander Vuving cảnh báo ba "nước cờ" đến 2040 của Trung Quốc

Chiến lược phát triển hải quân của Trung Quốc mà CSIS nhắc lại bao gồm ba giai đoạn. Từ 2000 đến 2010, Trung Quốc nhắm tới việc thiết lập sự kiểm soát các vùng biển nằm trong chuỗi đảo thứ nhất nối liền từ Okinawa, Đài Loan và Philippines. Từ 2010 đến 2020, Trung Quốc tìm cách kiểm soát các vùng biển nằm trong chuỗi đảo thứ hai, nối liền từ chuỗi đảo Ogasawara tới Guam và Indonesia. Cuối cùng, từ 2020 đến 2040, Trung Quốc muốn thay thế Mỹ thống trị toàn bộ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sử dụng tàu sân bay làm chủ lực để kiểm soát biển.

Tuy nhiên cho đến lúc này (giai đoạn thứ hai), mọi sự vẫn chưa hề an bài để Trung Quốc thiết lập ưu thế áp đảo trong chuỗi đảo thứ nhất. Tôi nghĩ Trung Quốc chưa thể kiểm soát vùng biển bên trong chuỗi đảo thứ hai nếu họ chưa kiểm soát được vùng biển bên trong chuỗi đảo thứ nhất. Để giành sự kiểm soát ở đây, Trung Quốc thực hiện chiến lược lấn chiếm từng bước trong vùng xám, tức là gây nên khủng hoảng và căng thẳng nhưng không để dẫn đến đụng độ vũ trang. Đó chính là cách họ đã làm khi cắt cáp tàu Việt Nam năm 2011, chiếm bãi Scarborough của Philippines năm 2012, đưa giàn khoan HD-981 vào khoan trong vùng biển Việt Nam năm 2014, và xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa từ 2013 đến nay, cũng như liên tục đâm, cướp tàu cá của Việt Nam từ nhiều năm nay.

Các đảo mà Trung Quốc chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ tạo cơ sở hậu cần và hạ tầng để Trung Quốc có thể triển khai hàng chục máy bay, tàu chiến, hàng trăm tàu cá đi ra khống chế toàn bộ Biển Đông theo cả ba chiều : trên trời, trên mặt nước, và dưới mặt nước. Hiện Trung Quốc đã có nhiều tàu chiến, tàu cảnh sát biển, tàu ngầm ở Biển Đông.

Sau này họ sẽ có cả tàu sân bay thường trực ở đây, đưa số lượng máy bay thường trực ở khu vực lên mức độ có thể áp đảo các nước khác. Họ chưa công bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhưng họ sẽ áp dụng các quy định đơn phương đủ mọi hình thức tuỳ nơi tuỳ lúc. Tức là họ thực hiện sự chiếm hữu và kiểm soát trên thực tế, rồi biến sự đã rồi thành sự hợp pháp sau khi các nước chấp nhận chúng như một thực tế không thể thay đổi được.

Giáo sư Alexander Vuving cảnh báo, nếu các nước khác không có những bước đi mạnh mẽ ngay từ bây giờ, Biển Đông sẽ bị Trung Quốc kiểm soát

Giáo sư Alexander Vuving. Ảnh: VOV 

Bản báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ hồi tháng 1/2016 cảnh báo đến năm 2030 Trung Quốc (TQ) có thể sở hữu nhiều tàu sân bay đến mức sự hiện diện thường xuyên của các hạm đội tàu sân bay đủ biến biển Đông gần như thành một “ao nhà” của TQ. Trả lời phóng viên, GS. Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) cũng cho rằng nếu các nước khác không có những bước đi mạnh mẽ ngay từ bây giờ, trong tương lai Biển Đôngsẽ bị Trung Quốc kiểm soát.


Nếu các nước không có bước đi mạnh mẽ…

Đỗ Quyên : Trong khi Mỹ tuyên bố tái cân bằng tại châu Á và liên tục tiến hành nhiều hoạt động tuần tra biển Đông, thậm chí tại các vùng Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền thì CSIS nhận định khả năng Bắc Kinh vượt mặt Mỹ để kiểm soát biển Đông là rất lớn. Ông đánh giá như thế nào về cảnh báo từ CSIS?
GS. Alexander Vuving: Báo cáo của CSIS rất đáng chú ý và tôi không ngạc nhiên. Trong vòng 15 năm tới, TQ hoàn toàn đủ sức đóng thêm 2-3 tàu sân bay nữa ngoài tàu sân bay Liêu Ninh đã có. Vì TQ đang tập trung sức mạnh quân sự để kiểm soát vùng biển bên trong chuỗi đảo thứ nhất, tức là khu vực Biển Đông và Biển Hoa Nam, nên đến năm 2030, việc TQ có 1-2 tàu sân bay thường trực ở Biển Đông cũng không phải chuyện lạ. Lúc đó, với các đội tàu sân bay này cộng thêm các căn cứ hải-không quân liên hợp trên các đảo TQ chiếm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu các nước khác không có những bước đi mạnh mẽ ngay từ bây giờ, biển Đông sẽ thành ao nhà của TQ.

Đỗ Quyên : Sách trắng Quốc phòng TQ thẳng thắng tuyên bố “Quân đội TQ (PLA) trong tương lai gần sẽ hoạt động vượt ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất cũng như tiến vào Ấn Độ Dương”. Tham vọng bá quyền trên biển của Trung Quốc sẽ đe dọa cán cân quyền lực của Mỹ tại khu vực biển Đông ra sao? 
GS. Alexander Vuving: Tại khu vực Đông Á, TQ có lợi thế “sân nhà”. Trong khi Mỹ là cường quốc toàn cầu, chỉ có thể tập trung khoảng 60% - 70% lực lượng vào châu Á thì TQ là cường quốc khu vực, có thể tập trung 100% ở đây. Do đó khi so sánh cán cân lực lượng, chỉ cần TQ đạt được 60% của Mỹ là họ đã có thể ngang ngửa với Mỹ ở khu vực rồi.
Riêng tại Biển Đông, TQ có thể có một tàu sân bay và hàng chục máy bay chiến đấu thế hệ 4, cộng với nhiều tàu nổi, tàu ngầm thường xuyên túc trực ở đây. Trong khi hiện nay trung bình mỗi ngày có một lượt tàu của Mỹ tuần tra ở Biển Đông thì TQ có cả chục lượt tàu.
Trong tương lai, TQ có xu hướng thu hẹp khoảng cách về sức mạnh cứng đối với Mỹ. Theo nghiên cứu của tôi (đã công bố trên một số tạp chí và chuyên khảo) thì giai đoạn tăng trưởng cao của TQ sẽ chấm dứt trong vòng 5 năm tới. Sau đó khả năng TQ lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế, có thể kéo theo biến động chính trị là rất cao. Dù vậy TQ vẫn thu hẹp đáng kể khoảng cách về sức mạnh cứng với Mỹ.
Nếu lấy “GDP công nghệ cao”, tức là phần GDP làm ra bởi các ngành công nghệ cao, làm chỉ số sức mạnh cứng, thì vào năm 2010, sức mạnh cứng của TQ bằng khoảng 21% của Mỹ và khoảng 72% của Nhật. Nhưng đến năm 2020, sức mạnh cứng của TQ sẽ lên đến khoảng 44% của Mỹ và khoảng 1,7 lần của Nhật. Đến năm 2030, sức mạnh cứng của TQ có thể bằng 60% của Mỹ và ba lần của Nhật. Trong trường hợp khủng hoảng ở TQ kéo dài và trầm trọng, GDP công nghệ cao của TQ vào năm 2030 vẫn có thể vào khoảng 30-40% của Mỹ, tức là trong mọi trường hợp thì khoảng cách về sức mạnh cứng giữa TQ và Mỹ vẫn thu hẹp hơn hiện nay.

Ảnh vệ tinh chụp ngày 14/2 (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International

Cán cân lực lượng về Mỹ, cán cân ý chí về TQ

Đỗ Quyên : Có người nhận định “chính quyền Obama đã không làm gì nhiều để ngăn chặn TQ phá vỡ nguyên trạng ở châu Á”. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á-TBD nói chung và biển Đông nói riêng cho tới thời điểm này? 
GS. Alexander Vuving: Chiến lược “tái cân bằng” xuất phát từ sự nhận thức của Mỹ về tầm quan trọng ngày càng cao của khu vực Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á, với Biển Đông là bản lề. Thực lực của Mỹ còn nhiều nhưng bị dàn trải và thiếu quyết tâm. Ukraine và Syria là hai trong số các điểm nóng khiến Mỹ bị dàn trải. Nếu như cán cân lực lượng vẫn nghiêng về phía Mỹ thì cán cân ý chí lại nghiêng về phía TQ.

Đỗ Quyên : Tại sao nhận thức được tầm quan trọng bản lề của biển Đông nhưng Mỹ vẫn để cán cân ý chí nghiêng về phía Trung Quốc?
GS. Alexander Vuving: Theo tôi có ba lý do khiến Mỹ thiếu quyết tâm. Một là, Biển Đông ở xa nên khó được cảm nhận là lợi ích sống còn của Mỹ. Chỉ khi nào TQ gây hấn nghiêm trọng thì đa số người Mỹ mới cảm nhận rõ ràng, còn nếu không thì việc thuyết phục công chúng và chính giới Mỹ về tầm quan trọng của Biển Đông vẫn còn khó khăn.
Hai là, Mỹ lo ngại nếu đối đầu với TQ thì sẽ dẫn đến chiến tranh, mà chiến tranh giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân sẽ là sự huỷ diệt toàn cầu. Do đó Mỹ rất thận trọng không để căng thẳng leo thang. Khi mà Mỹ đứng trước lựa chọn giữa hai con đường, một con đường là cứng rắn nhưng có thể dẫn tới chiến tranh, và một con đường là mềm mỏng và có thể mất ưu thế ở Biển Đông về tay TQ thì có nhiều người ở Mỹ sẵn sàng chọn con đường thứ hai.
Ba là, cá nhân Tổng thống Obama thiên về mềm mỏng, hoà hoãn, đối thoại trong chính sách đối ngoại. Chính sách này thích hợp với một số trường hợp nhưng sẽ là phản tác dụng với TQ. TQ biết những điểm yếu này của Mỹ nên họ đã leo thang có tính toán và cho đến nay thì họ đã thành công.

Đỗ Quyên : Năm 2016 Mỹ vào giai đoạn cuối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong khi ông Obama dường như vẫn còn quá nhiều vấn đề đối nội phải giải quyết. Liệu Mỹ có để TQ “lấn tới” vào cuối nhiệm kỳ Obama?
GS. Alexander Vuving: Tôi không nghĩ chính quyền Obama sẽ “nới lỏng” Biển Đông trong năm cuối nhiệm kỳ. Nhưng tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào sự “tái cân bằng” lại chính chiến lược tái cân bằng trong năm cuối nhiệm kỳ này. Tuy nhiên một sự kiện có thể dẫn đến thay đổi lớn là phán quyết của Toà án quốc tế về Luật Biển trong năm nay về vụ kiện Philippines. Sự kiện này có thể làm các nước thêm quyết tâm kháng cự lại sự leo thang của TQ.

Đỗ Thiện (thực hiện)






No comments: