Monday, February 29, 2016

BẦU CỬ & DÂN CHỦ (Nguyễn Hưng Quốc)





01.03.2016

Nhân nói về phong trào tự ứng cử vào Quốc hội Việt Nam (trong bài trước), chúng ta thử bàn về mối quan hệ giữa bầu cử và dân chủ.

Trước hết, cần khẳng định ngay, không có quốc gia dân chủ nào lại không có bầu cử.  Có thể xem bầu cử là biểu hiện đầu tiên và rõ rệt nhất của dân chủ. Lý do là dân chủ, tự bản chất, là thiết chế tạo điều kiện cho người dân có quyền và có cơ hội thực thi quyền lựa chọn giới lãnh đạo cũng như tác động đến các chính sách quan trọng trong việc đối nội cũng như đối ngoại của quốc gia. Các cuộc bầu cử được tổ chức thường kỳ nhằm bảo đảm những nhà lãnh đạo phải là những người được sự tín nhiệm của đa số (trên 50%) dân chúng, hơn nữa, đó cũng là cách giới hạn thời gian cầm quyền của họ (trong ba, bốn hoặc năm năm, tuỳ quốc gia).

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cũng như từ lịch sử, chúng ta cũng có thể khẳng định một sự thật khác: Không phải cứ hễ có bầu cử là có dân chủ. Trong một cuộc phỏng vấn trước lúc chính thức nhậm chức vào đầu năm 2009, Tổng thống Barrack Obama nhận định: “Tôi nghĩ thật là lầm lẫn khi đánh đồng dân chủ và các cuộc bầu cử. Bầu cử không phải là dân chủ như cái điều mà chúng ta hiểu.” Mà không cần phải chờ đến câu tuyên bố của Obama, chỉ cần nhìn lại lịch sử cũng như tình hình chính trị thế giới hiện nay, chúng ta cũng có thể thấy vô số các nhà độc tài được lên cầm quyền từ các cuộc bầu cử. Hitler ở Đức, Ferdinand Marcos ở Philippines là những ví dụ gần gũi nhất. Hiện nay, tại nhiều quốc gia, từ Nga đến Iran, Syria, Zimbabwe, Venezuela cũng như nhiều nước khác ở châu Phi và Nam Mỹ, tuy cũng có bầu cử nhưng, tự bản chất, các nhà lãnh đạo vẫn là những tên độc tài.

Vậy khi nào thì bầu cử là biểu hiện của dân chủ?

Điều kiện đầu tiên để một cuộc bầu cử được xem là dân chủ là nó phải được tiến hành một cách tự do và minh bạch. Khái niệm tự do bao gồm ba khía cạnh: tự do ứng cử; tự do vận động tranh cử; và tự do có những quan điểm và chính sách riêng, khác với nhà cầm quyền. Sự minh bạch cần được thể hiện trong toàn bộ tiến trình bầu cử, đặc biệt trong giai đoạn kiểm phiếu. Để tạo sự tin cậy, hầu hết những quốc gia khởi sự dân chủ hoá đều mời các phái đoàn quốc tế đến chứng kiến và kiểm tra việc bầu cử.

Ở Việt Nam, cho đến nay, việc bầu cử vừa không có tự do vừa không hề minh bạch. Dân chúng khái quát hoá việc bầu cử trong một công thức rất hay: “Đảng cử, dân bầu”. Tất cả các ứng cử viên đều do đảng, thông qua Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng, lựa chọn. Qua các cuộc sàng lọc được gọi là “hiệp thương”, các ứng cử viên độc lập đều bị loại bỏ. Hơn nữa, việc kiểm phiếu hoàn toàn nằm trong tay nhà nước. Những người thắng cử, đặc biệt, những cán bộ cao cấp, bao giờ cũng đạt đến trên 90%, thậm chí, có khi 99% phiếu bầu (1). Cuối cùng, Quốc hội, với trên 90% là đảng viên, chỉ là một chi bộ được mở rộng, ở đó, người ta phải chấp hành nguyên tắc “tập trung dân chủ”, nghĩa là nhất nhất đều theo chỉ thị của cấp trên (được hiểu là Ban Chấp hành Trung ương). Chính vì thế, ở Việt Nam, hầu như không bao giờ Quốc hội có một tiếng nói ngược lại các chỉ thị của Bộ Chính trị. Đó không phải là dân chủ.

Cũng cần lưu ý là, ở Việt Nam, người dân chỉ được phép bầu cử Quốc hội, nhưng cơ quan có thực quyền cao nhất trong sinh hoạt chính trị cả nước là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị thì lại chỉ được các đại biểu đảng viên bầu lên. Dân chúng hoàn toàn là những người ngoại cuộc. Đó càng không phải là dân chủ.

Điều kiện thứ hai để có một cuộc bầu cử dân chủ là nó phải có một nền tảng pháp quyền vững chắc. Trong chính trị học Tây phương, người ta phân biệt hai khái niệm pháp quyền (rule of law) và pháp trị (rule by law) (2). Một nhà nước pháp quyền là nhà nước đặt mọi người, từ giới cai trị đến giới bị trị, dưới pháp luật. Mọi chính sách và mọi hành xử đều phải đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Ở nhà nước pháp trị, ngược lại, giới cầm quyền sử dụng pháp luật để cai trị dân chúng, trong khi chính họ thì lại nằm ngoài hoặc ở trên luật pháp. Ở Việt Nam, người ta thường tự xưng là nhà nước pháp quyền nhưng thực chất họ chỉ là nhà nước pháp trị. Chỉ có dân chúng là bị buộc phải tuân thủ theo pháp luật, còn những người lãnh đạo (hoặc do dân bầu hoặc đảng viên bầu) thì lại chỉ tuân thủ theo luật lệ của đảng. Hậu quả, người ta thường thấy nhất là: Một nhân viên kế toán quèn làm thất thoát vài triệu đồng thì bị mang ra toà xét xử, nhưng một cán bộ gộc làm thất thoát cả hàng ngàn tỉ đồng thì chỉ bị xét xử trong nội bộ đảng với một án phạt thường thấy nhất là cảnh cáo.
Điều kiện thứ ba để có bầu cử thực sự dân chủ là quyền lực phải được phân tán và được kiểm soát. Có nhiều biện pháp để phân tán và kiểm soát quyền lực. Một là cơ chế tam quyền phân lập, ở đó, lập pháp và tư pháp có quyền kiểm soát hành pháp. Hai là sự hiện diện của các đảng phái đối lập với chức năng theo dõi và phản biện lại các chính sách của đảng cầm quyền. Ba là quyền tự do ngôn luận để giới truyền thông cũng như dân chúng nói chung có thể phát hiện và phê phán các chính sách cũng như hành động sai trái của các chính trị gia, kể cả những người thuộc giới lãnh đạo cao nhất trong cả nước. Ở Việt Nam, ngược lại, mọi quyền lực đều tập trung vào đảng Cộng sản. Đảng làm luật và đảng kiểm soát luật. Đảng thực thi quyền cai trị và cũng đảng kiểm soát việc thực thi quyền lực ấy. Trong bối cảnh như thế, mọi đại biểu do dân chúng bầu lên đều chỉ là những con rối trong guồng máy lãnh đạo của đảng.

Nói một cách tóm tắt, ở Việt Nam, việc bầu cử Quốc hội, tự bản thân nó, không dân chủ. Nhưng ngay cả khi nó được tiến hành một cách dân chủ, nghĩa là ở đó dân chúng được tự do chọn lựa những người đại diện cho mình thì trong cơ chế pháp trị và độc quyền hiện nay việc bầu cử ấy cũng không dẫn đến dân chủ.

Nói cách khác, để dân chủ hoá Việt Nam, vấn đề không phải chỉ là thay đổi cách bầu cử mà là ở việc thay đổi cơ chế chính trị.

***
Chú thích:
1.    Giới nghiên cứu chính trị Tây phương thường cho hầu hết các cuộc bầu cử trong đó giới lãnh đạo đạt được trên 75% số phiếu đều là gian lận. (Xem cuốn Democracy của Charles Tilly do Cambridge University Press xuất bản năm 2007, tr. 3).
2.    Một số người khác dịch hai thuật ngữ này theo hướng ngược lại: Rule of law = pháp trị; và rule by law = pháp quyền.

-----------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


XEM THÊM :
Thiện Ý       22.02.2016



No comments: