Saturday, February 13, 2016

HỎI & ĐÁP VỀ PHONG TRÀO ỨNG CỬ TỰ DO (FB Nguyễn Huy Vũ)






Hỏi: Điều 4 Hiến pháp qui định Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước. Vậy thì các ứng cử viên tự do ứng cử đại biểu Quốc hội làm gì?
Đáp: Điều 4 Hiến pháp và một số điều luật khác như 258, 88, là những điều luật phi dân chủ mà một thể chế dân chủ phải bỏ đi. Trong khi điều 4 Hiến pháp tự cho Đảng có quyền lãnh đạo đất nước mãi mãi như một vương triều phong kiến thì các điều luật còn lại dùng để bỏ tù những người có tiếng nói khác biệt. Nếu như thể chế dân chủ là mục tiêu cuối cùng phải đạt đến thì các phong trào ôn hòa nhằm tiến gần hơn đến đích cần được ủng hộ, và phong trào ứng cử tự do là một phong trào như vậy.

Hỏi: Nếu Đảng được qui định là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước thì họ tổ chức các cuộc bầu cử làm gì?
Đáp: Tổ chức các cuộc bầu cử để giúp họ tăng tính chính danh rằng họ được dân bầu và đại diện cho dân, và họ là một chính quyền của dân, do dân, và vì dân.

Hỏi: Vậy khi tham gia ứng cử Quốc hội khác nào giúp tăng tính chính danh cho Đảng?
Đáp: Đặt một câu hỏi ngược lại, giả sử nếu không tham gia ứng cử Quốc hội, hoặc các nhà vận động dân chủ tẩy chay bầu cử Quốc hội thì có giảm bớt tính chính danh không? Câu trả lời chắc chắn là không. Với tình hình hiện nay, vài chục, thậm chí vài ngàn người tẩy chay, không bỏ phiếu bầu cử cũng chẳng thể nào làm suy suyển đi tính chính danh của Đảng.

Hỏi: Vậy thì phong trào ứng cử tự do đem lại kết quả gì?
Đáp: Một chiến lược thành công khi nó đem lại ít nhất một trong hai mục tiêu sau: hoặc là giúp phong trào tăng tính chính danh và mạnh lên, hoặc là khiến đối thủ mất dần uy tín, tính chính danh, và yếu đi.

Hỏi: Vậy thì mục tiêu nào sẽ đạt được?
Đáp: Cả hai mục tiêu đều đạt được. Ở mục tiêu đầu tiên, thông qua các cuộc vận động liên tục phong trào dân chủ sẽ được người dân biết đến nhiều hơn. Phong trào ứng cử tự do cũng sẽ giúp người dân nhận thức rằng các nhà vận động dân chủ đang thực hiện các phương pháp hòa bình để thay đổi xã hội một cách ôn hòa. Và quan trọng nhất là người dân sẽ dần hiểu rằng bầu cử hòa bình là con đường tiến tới một thể chế tự do.
Ở mục tiêu thứ hai, đây cũng là dịp để toàn dân thấy được mức độ dân chủ ở đất nước. Trong trường hợp mà các đoàn thể của Đảng dùng các cuộc hiệp thương phi dân chủ nhằm loại bỏ các ứng cử viên tự do hoặc gian lận trong tính phiếu bầu, đó cũng là dịp để phong trào phơi bày sự thật. Điều đó nếu xảy ra nó sẽ tiếp tục làm suy yếu tính chính danh trong lãnh đạo của Đảng.

Hỏi: Có hi vọng nào ở các ứng cử viên tự do ứng cử đại biểu Quốc hội?
Đáp: Vẫn còn quá sớm để nói. Tuy nhiên, ít nhất phong trào ứng cử tự do nếu tiếp tục được duy trì và ngày càng thêm nhiều người ra ứng cử nó sẽ giúp đạt được cả hai mục tiêu trên. Càng nhiều người tham gia thì tác động càng lớn.

Hỏi: Vậy ai cũng nên ra ứng cử? Hay chỉ những người có uy tín nên ra ứng cử?
Đáp: Ứng cử là một quyền công dân và những công dân trưởng thành trên 21 tuổi có quyền ra ứng cử. Ra ứng cử trước hết là thực thi một quyền công dân. Nếu bạn còn thiếu tự tin khi ra ứng cử tự do thì hãy nhìn các vị đại biểu Quốc hội Việt Nam và xem các phát ngôn, sau đó so sánh mình với họ.

Hỏi: Ứng cử tự do có dẫn đến một thể chế dân chủ không?
Đáp: Một thể chế dân chủ là một thể chế mà ở đó người dân dùng lá phiều bầu chọn nên những người lãnh đạo. Do đó, ứng cử tự do và bầu cử tự do là những bước đi đầu tiên đến với thể chế dân chủ.

Hỏi: Vậy khi nào thì Việt Nam chuyển mình thành một thể chế dân chủ?
Đáp: Một thể chế dân chủ chỉ tồn tại khi hệ thống chính trị có nhiều hơn một đảng. Khi mà nhiều người ngoài Đảng có cùng ý thức chính trị ra ứng cử tranh đua với các đảng viên Cộng sản thì đó là tín hiệu bắt đầu của một tiến trình dân chủ hóa.

Hỏi: Nhưng cho đến lúc đó các điều luật vẫn dành sân chơi cho các Đảng viên?
Đáp: Nếu các ứng cử viên ngoài Đảng đủ nhiều -- ít nhất cũng bằng một nữa số đại biểu Quốc hội, có nghĩa là khoảng 250 người -- và chứng tỏ rằng trình độ, sự hiểu biết, và lòng tận tâm của họ với quốc gia không thua kém bất kì các đại diện nào của Đảng Cộng sản thì cho dù họ không được bầu vào Quốc hội và dẫn dắt đất nước, họ vẫn luôn là lựa chọn trong trái tim và niềm tin của nhân dân rằng đất nước luôn luôn xứng đáng được dẫn dắt bởi những con người ưu tú hơn. Đó sẽ là điều kiện đủ cuối cùng của quá trình dân chủ hóa.

Hỏi: Vậy những người ra ứng cử tự do cần chuẩn bị những gì?
Đáp: Xin đọc thêm bài «Vài gợi ý cho những người ra ứng cử tự do» ở đây:
và bài «Vài gợi ý về chính sách cho mặt trận các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội» ở đây:

Hỏi: Vậy nếu tôi không ra ứng cử mà chỉ muốn ủng hộ các ứng cử viên thì làm thế nào?
Đáp: Bạn có thể liên hệ với các ứng cử viên và giúp họ làm những điều theo gợi ý «Vài gợi ý cho những người ủng hộ ứng cử, bầu cử tự do» ở đây:






No comments: