Nguyễn
Trần Sâm
21-12-2015
Trên thế giới này, ở đâu thì cũng có người tốt người
xấu, người hay người dở. Đủ loại. Cái nét trong phong cách Việt mà tôi nói dưới
đây không phải ai là người Việt cũng có, nhưng nó có ở một số lớn. Nét phong
cách này liên quan tới chuyện ĂN.
Có thể là do sống ở một nơi mà việc kiếm ăn cho đủ
no cái bụng cũng đã rất khó khăn, và tình trạng đó đã kéo dài hàng ngàn năm,
nên trong tâm lý người Việt, vấn đề ĂN luôn ám ảnh. Nếu ở nhiều nước châu Âu,
ngay từ thời xa xưa, người ta chỉ gặp nạn đói trong và sau chiến tranh hoặc
trong những thảm họa thiên nhiên đặc biệt, còn bình thường thì dù mỗi năm có mấy
tháng băng giá, họ vẫn kiếm đủ ăn, thậm chí còn sống sung túc với những thứ
nông phẩm bổ dưỡng như lúa mỳ, khoa tây, thịt và sữa, thì ở một nước như Việt
Nam ta, bão lụt có thể cướp đi miếng ăn của người dân bất kỳ lúc nào. Nạn đói
luôn luôn là mối đe dọa thường trực, và ngay cả khi không gặp nạn đói thì việc
ăn không đủ dinh dưỡng kéo dài từ đời này sang đời khác cũng làm cho nòi giống
suy thoái, và kèm theo đó là sự hình thành và bắt rễ sâu của tâm lý quá coi trọng
miếng ăn, hay chí ít cũng là coi trọng việc ăn. Mặc dù trong vài thập niên gần
đây, do kết quả của sự hội nhập với cộng đồng quốc tế, đã có một bộ phận lớn,
cũng có thể là đa số, đã thoát khỏi tình trạng đói ăn, nhưng tâm lý quá coi trọng
việc ăn thì vẫn còn ám ảnh nhiều người.
Khi việc kiếm ăn không còn là vấn đề nan giải thì sự
coi trọng việc ăn không còn biểu hiện ở việc tiết kiệm lương thực, thực phẩm nữa.
Nó chuyển sang dạng ngược lại: phung phí. Nó giống như một sự “phục thù”. Người
ta thường xuyên tổ chức ăn uống tập thể. Trong những việc như lễ lạt, cưới xin,
ma chay, người ta bày ra những bữa tiệc linh đình, với số thực khách được mời
nhiều nhất có thể. Số bàn tiệc đã nhiều, mỗi bàn tiệc lại được dồn nén để có số
người ngồi nhiều nhất, và lượng thức ăn bày trên mỗi bàn cũng khủng khiếp, đến
mức ê hề, ăn không bao giờ hết. Đối với nhiều người thì “mâm cao cỗ đầy” vốn là
một trong những thước đo của giá trị con người.
Ăn là một chuyện. Những việc râu ria để “nâng tầm”
cho việc ăn cũng được chú ý tối đa. Người ta hát “ca ra ô kê” hoặc thuê ban nhạc
phục vụ. Hệ thống tăng âm được mở hết cỡ. Mà đó không phải là những thứ để dùng
cho gia đình. Đó là thứ mà ở phương Tây, nhất là ở Mỹ, thường chỉ dùng cho biểu
diễn văn nghệ ngoài trời, ở các sân vận động hoặc bãi trống mênh mông, với hàng
vạn, thậm chí hàng chục vạn khán giả. Một giàn máy móc đồ số với những chiếc
loa hàng nghìn watt, mỗi cái như một chiếc tủ đứng, thường là sơn đen sì, đứng
lừng lững. Khi ở bên Tây nó lỗi mốt thì người Việt ta mua lại và tìm cách đem về,
đặt vào trong các phòng của nhà hàng, vào các rạp đám cưới, thậm chí đám ma.
Nơi nào không dựng rạp được thì đặt hệ thống này ngay trong nhà! Đặt vào và bật
lên, đưa tất cả các tay gạt liên quan đến cường độ âm thanh lên vị trí cao nhất.
Không có hình dung từ nào xứng đáng để đặc tả những âm thanh mà hệ thống đó
phát ra. Chỉ có thể nói rằng nếu ở ngay nơi đó thì hai người không điếc có ghé
vào tai nhau mà gào lên đến rát cả họng thì người nghe cũng chỉ gật đại cái đầu
ra vẻ nghe được và rất tán đồng. Nếu người nói có bảo “Mày là đồ chó” thì kẻ
nghe cũng gật tới tấp và cười toe toét.
Đó là thứ âm thanh làm các cánh cửa rung lên. Không,
cả ngôi nhà cũng rung lên. Và mặt đất cũng rung lên. Cửa kính trượt ở những nhà
cách xa hàng trăm mét cũng có thể phát ra âm thanh thứ cấp kêu rè rè. Đó là thứ
âm thanh làm rung bần bật quả tim trong lồng ngực, theo nghĩa đen hoàn toàn. Thậm
chí nhiều lần tôi còn có cảm giác như óc mình muốn tách ra khỏi hộp sọ. Những lần
phải miễn cưỡng phải đến những nơi như vậy, chỉ ở đó một vài giờ là tôi đã thấy
mệt rã rời, và cơn mệt phải nhiều ngày sau mới hết.
Dùng máy móc để tăng âm đến mức điên loạn cũng chưa
đủ. Trong một phòng tiệc có nhiều bàn, người ta kéo nhau dồn lại thành mấy cụm,
mỗi cụm càng đông càng tốt, rồi “một-hai-ba-dzô-ô-…” long trời lở đất.
“Ăn không quan trọng. Vui là chính.” Tôi thường nghe
nói vậy từ miệng những người thích tổ chức nhậu nhẹt om sòm. Có vẻ như họ không
chú trọng chuyện ăn. Chỉ muốn dùng bữa ăn làm cái cớ để được gặp nhau và để tạo
ra sự náo nhiệt. Nhưng trong bầu không khí với những âm thanh như đập hàng ngàn
hàng vạn vật bằng kim loại vào nhau như thế thì sự gặp nhau đâu còn có nghĩa
gì? Có ai nghe được ai đâu mà nói gặp nhau để tâm sự? Và nếu bảo “ăn không quan
trọng”, sao chỉ khi ăn (và uống) mới phấn khích dữ dội như thế?
Đám cưới – ăn. Lễ tết – ăn. Tết ta – ăn. Tết tây,
“Nô en”, “Va len thai”,… – cũng ăn. Lên nhà mới – ăn. Con nhỏ đầy cữ –
ăn; đầy tháng – cũng ăn.
Tất nhiên ngày nào mà mọi người chẳng phải ăn. Nhưng
“ăn” đây là tiệc tùng kèm theo sự khoa trương ầm ĩ.
Ăn trong các dịp lễ lạt, trong đám cưới đã đành. Ăn
cả trong đám ma. Ba ngày. Năm mươi ngày. Một trăm ngày. Người chết đang nằm đó
hay mới chôn, người sống cũng mở tiệc rầm rộ. Cũng đủ các món. Cũng chạm li loảng
xoảng. Cũng “một-hai-ba-dzô-ô…”
Người giàu dùng sự ầm ĩ để khoe giàu đã đành. Người
nghèo cũng cố khoe giàu, cố vay mượn để tổ chức những bữa tiệc linh đình. Cũng
nhạc xập xình, chát chúa. Cũng dựng rạp rõ to, cũng mời “em xi”. “Vui” thật náo
nhiệt, hoành tráng, để rồi gánh nợ triền miên từ đời này sang đời khác.
Chẳng biết quý vị nghĩ sao. Còn tôi, mặc dù không
bao giờ ủng hộ việc chính quyền ra quy định cấm tổ chức tiệc tùng, nhưng tôi cứ
mơ hồ cảm thấy giữa cái nét phong cách này với tâm lý nô lệ có một mối liên hệ
chặt chẽ. Chìm đắm trong những cuộc vui kiểu đó và thường xuyên nghĩ cách làm
sao để những ngày “vui” như vậy có tần suất càng cao càng tốt luôn đi kèm với
việc chấp nhận để kẻ khác cưỡi lên đầu lên cổ và sai khiến suốt đời. Nhất là
khi có thể nhờ kẻ cưỡi cổ mà kiếm chác được ít nhiều để có điều kiện mở nhiều
cuộc tiệc tùng.
NGUYỄN TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment