Monday, December 28, 2015

Trật tự tự nhiên và kẻ nổi loạn (Joseptuat - Triết học Đường phố)





28-12-2015

Những ngày gần đây trên các phương tiên truyền thông cả lề đảng và lề dân tràn ngập các tin tức gây ra sự bất an trong xã hội.

Từ những chuyên mang tầm vĩ mô như chuyện nợ công Việt Nam đạt top một trong 12 nước có chỉ số nợ công cao nhất Châu Á, khá năng sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ; hay thực trạng tràn ngập các đồ ăn hoá chất độc hại trên thị trường khiến báo chí phải giật những tít như “Việt Nam sắp phải đối diện với đại dịch ung thư”; hoặc tình trạng phản đối dây chuyên của người dân từ bắc vào nam với các vấn đề tranh chấp đất đai, tiền thu phí ở các trạm thu phí đường bộ, bắt người trái phép của công an khi người dân tham gia các hoạt động tôn giáo… đến chuyện mang tầm vĩ mô như câu chuyện một người đàn ông bị điên sau khi bị công an nhốt 4 ngày vì nghi ăn trộm; hay như vụ học sinh lớp 9 bị thầy giáo hiếp; và mới đây là một học sinh cấp 2 bị mất tích sau khi đi học thêm… Tất cả những điều này khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi cho sự tồn tại của nhà nước trong xã hội.

Nhà nước tồn tại để làm gì?

Sự an toàn là điều chúng ta mong muốn khi thiết lập lên xã hội và nhà nước. Ban đầu nhà nước được tạo ra để mọi cá nhân có thể tham gia bảo vệ trước nhất là bản thân, sau đến là gia đình và lớn hơn là xã hội mình đang sống trước những mối hiểm nguy từ bên ngoài. Sự an toàn được kết nối bắt đầu từ những điểm rất nhỏ mang tầm cá nhân đến những điều mang tính cộng đồng mà chúng ta gọi là tổ quốc, xã hội. Như vậy mục đích ban đầu khi thiết lập lên nhà nước là đảm bảo sự an toàn cho mọi thành phần trong xã hội. Điều này khẳng định một điều là: nhà nước không phải là lý tưởng của xã hội, cũng không phải là mục đích của xã hội, nhà nước chỉ là công cụ để xã hội đạt được những lý tưởng mà những người khai sinh ra xã hội muốn xã hội đạt được, một trong những điều đó là sự an toàn cho mọi thành phần trong xã hội.

Khi đi sâu vào mối liên kết giữa lý tưởng và sự hình thành nên xã hội của những bậc tiền bối, chúng ta nhận ra rằng trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong xã hội của nhà nước phải luôn cân bằng với những thành phần còn lại trong xã hội. Sự chênh lệch các cán cân nghiêng về bên nào đều có nguy cơ tạo ra loạn lạc, và khiến xã hội phải suy tàn.

Phải làm gì khi có một nhà nước đi ra ngoài các trật tự xã hội?

Như đã nói nhà nước chỉ là công cụ mà xã hội lập nên để cân bằng quyền lợi của mọi thành phần. Và khi một nhà nước đi ra khỏi trật tự tự nhiên này, thì đồng nghĩa với việc nó phải bị đào thải để thay thế một nhà nước khác.

Nhiều người nghĩ họ phải phục tùng nhà nước bởi họ đang được nhà nước bảo vệ, và ban phát những lợi ích khác. Thật ra chính nhà nước phải phục tùng ý muốn của xã hội, bởi chính chúng ta mới là kẻ bảo vệ nhà nước, và cho họ những lợi ích như mọi thành phần khác trong xã hội. Nhưng vì khi được ban phát quá nhiều, và giao nhiều quyền lực, những kẻ làm trong nhà nước nghĩ rằng họ là cha mẹ của dân, là ông chủ của xã hội. Bên cạnh đó, có nhiều thành phần khác trong xã hội cũng tưởng nhầm nhà nước bất khả xâm phạm, nên vô tình khiến cho lòng tham của những con người trong bộ máy chính quyền có cơ hội phát triển. Sự vô minh của phần đông dân chúng, cộng với sức cảm dỗ từ quyền lực đã khiến xã hội mất đi cân bằng lợi ích giữa các thành phần, và mầm mống tạo ra chế độ độc tài.

Khi xã hội có một nhà nước độc tài cũng là lúc sự cân bằng về quyền lợi bị phá vỡ, và sự phân bố trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các thành phần khác trong xã hội trở nên bất công. Nhà nước và những kẻ thuộc thế giới của nó sẽ có nhiều quyền lợi hơn nhưng lại chịu ít trách nhiệm và nghĩa vụ trong xã hội. Ngược lại, những thành phần khác không thuộc nhà nước sẽ hưởng ít quyền lợi hơn nhưng lại phải chịu nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ hơn so với nhà nước.

Một nhà nước độc tài là một kẻ nổi loạn với xã hội, nó là kẻ làm phản vì đã biến xã hội từ một môi trường sống cân bằng giữa mọi thành phần trong xã hội, có tự do như nhau, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau trở thành một nhà tù, một trại lao động khổ sai cho những thành phần không thuộc nhà nước. Khi có một kẻ nổi loạn như vậy, nhiệm vụ của xã hội là ấn nó trở về với trật tự tự nhiên, hoặc nếu không sửa được nó thì phải đào thải nó và thay thế một công cụ nhà nước khác.

Bạn thân mến!

Trật tự tự nhiên mà tôi đề cập trên có thể tóm gọn trong lời mở đầu sau đây trong bản tuyên ngôn độc lập của hợp chủng quốc Hoa Kỳ, 4/7/1776.

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.”

Hãy biết đau buồn và phẫn nộ trước các chế độ độc tài, bởi vì bọn họ là những kẻ phá hoại, và nổi loạn vì đã dám phá bỏ những trật tự tự nhiên. Hơn nữa bọn họ đã cướp đi những quyền tất yếu của con người, và chà đạp lên những quyền bất khả xâm phạm đó từng ngày.

Chống lại một nhà nước độc tài chính là hành động của những con người yêu hoà bình, yêu tự do, và yêu cuộc sống.

Thân.






No comments: