Monday, December 21, 2015

Chung một Giấc Mơ (Nguyễn Thị Thanh Bình - Danlambao)






Phải thú nhận chưa bao giờ tôi thấy tháng 12 buồn và lạnh lẽo sao đâu. Buồn như dự phóng giấc mơ của Ngày Nhân Quyền Toàn Cầu cho Việt Nam hôm 10 tháng 12 bất thành. Đã vậy, tháng 12 Nhân Quyền lại vụt biến thành tháng Phản Nhân Quyền vì là tháng “nhập kho” của những tù nhân lương tâm, và Việt Nam nước tôi đạt kỷ lục tống giam tùy tiện, tự tiện lẫn đê tiện những nhà đấu tranh vì quyền con người. Buồn hơn nữa là những cái mặt thớt trơ lì này chưa có dấu hiệu “buông dao đồ tể” và xem thường trắng trợn những quan ngại khinh bỉ của rất nhiều chính khách ngoại giao Âu Mỹ.

Ở đâu đó, tôi vẫn muốn nói về một giấc mơ và đã mơ thì mơ cho tới bến, mơ hết mình chứ không “nửa vời” như cơn mơ được đối lập trung thành, và không dám mơ… “phản tỉnh” của 127 vị trí thức nhân sĩ cán bộ đảng viên lão thành.

Và vậy là tôi lại buồn hơn, buồn đến nỗi chỉ muốn giấu mình trong thơ trong nhạc. Bài thơ gợi cảm hứng từ một khuôn mặt thực sự là chiến sĩ tự do đã ra đi, khi ước mơ và hoài bão lớn nhất của đời mình chưa thành: ca nhạc sĩ đấu tranh Việt Dzũng trong kỳ giỗ lần thứ hai hôm nay và sẽ còn tiếp nối tinh thần Việt Dzũng trong những tháng ngày kế tiếp khắp nơi.

Chung Một Giấc Mơ

Bài thơ được chính người trình bày rất đắm đuối thực hiện soạn nhạc là vua Rap Lê Huy Phong. Một ca sĩ trẻ cũng có khuynh hướng sử dụng âm nhạc như một vũ khí đấu tranh và rất thắm đẫm chất giọng và tình người.

Ờ nhỉ, làm sao giải mã nổi giấc mơ của một thi sĩ, một nhạc sĩ Việt Nam như một Việt Khang chỉ vì thôi thúc bởi 2 bản nhạc “Việt Nam Tôi Đâu?” và “Anh Là Ai?” mà lãnh đủ 4 năm tù, nhưng ra tù vẫn thấy mình cũng sẽ phải hành động và mơ… tiếp như vậy.

Việt Dzũng những ngày chưa ra khỏi cuộc đời, chính nhà cầm quyền Cộng Sản đã xử khiếm diện anh và cặp bài trùng ca sĩ Nguyệt Ánh bản án tử hình. Buồn cười thay!

Một liên tưởng về ca sĩ mà tôi hằng yêu mến khác là Thế Sơn, cũng chỉ vì kiến cắn lương tâm, có lúc bỗng muốn mang tiếng hát của mình đi chuyên chở những ca khúc… “phản động”.

Thế nào là một ca khúc phản động thì chỉ có trời mới biết họ định nghĩa ra sao. Như thể có ai cắt nghĩa được sức mạnh chất chứa trong một ca khúc phản động, và phản động như một tội danh yêu nước. Đến nỗi khi tôi được Thế Sơn hát mấy bài thơ phổ nhạc của mình, có hôm chính Thế Sơn cũng bỗng thấy coi thường những lời hù dọa khủng bố tinh thần rẻ tiền: “Thế Sơn, mày về Việt Nam tao thấy, tao bắn.”

Chao ơi, thảo nào một câu thơ của Vũ Đông Hà mà tôi choáng váng và “chịu” nhất: “gặp nhau ở con đường phản động” khi không nổi hứng đổi thành “gặp nhau ở con đường hành động” nghe hơi bị… uổng vì mất “phê”. Lại tiếc tác giả không dám mơ… “thẳng cánh cò bay”.

Vậy hóa ra giấc mơ của tôi, của Việt Dzũng, của chúng ta… là những giấc mơ có cơ may trở thành phản động? Chữ “phản động” này coi bộ đẹp và buồn như một giấc mơ chưa thể vói tới.

Giấc mơ dẫu không hoang tưởng, nhưng ai trong chúng ta là người có thể giải mã được giấc mơ quá đỗi khát khao của Việt Nam, như câu thơ trong bài hát: “Không Đảng xiềng gông quá oan khiên”?

Cũng như tôi chịu không trả lời được cây kim loại thần thánh nào sẽ mở ra được cửa ngõ của một “phương thức”, để biến giấc mơ Mùa Xuân Việt Nam thành hiện thực?

Ôi, tôi lại thấy lòng mình chùng xuống không hẳn ở những giọt hòa âm của Trúc Sinh, mà vì hình ảnh của Luật sư Nguyễn Văn Đài hiện ra cùng câu thơ: “Này tù đày lần này thứ mấy?”, mà Lê Huy Phong đã diễn tả rất sâu lắng, nghẹn ngào.

Nhạc phẩm “Chung Một Giấc Mơ” có mặt để xin thắp lại ngọn lửa Việt Dzũng, và con đường mang tên Việt Dzũng ở Quận Cam Hoa Kỳ sẽ làm sống mãi hoài bão và lý tưởng của một người VN tỵ nạn CS và luôn đau đáu về quê hương mịt mùng xa khuất.

Ước mơ của Thủy, Ước Mơ Việt Nam của Đỗ Thị Minh Hạnh, và giấc mơ những người VN không phải chạy trốn quê hương của Lý Hoàng Dũng, ước mơ bỏ Điều 88 BLHS của Phạm Thanh Nghiên vì đã oan uổng lãnh đủ, đều là những ước mơ đẹp ngời của tuổi trẻ yêu nước dấn thân.

Và hẳn nhiên, tất cả chúng ta đều “Chung Một Giấc Mơ” với họ, để ước mơ không chỉ là mơ ước và sẽ trở thành thực tại, khi “Ngày bừng lên bước xuống lòng đường”, bạn nhé!


21/12/2015






No comments: