Wednesday, December 30, 2015

Tâm tình của Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa về đề nghị được định cư ở Hoa Kỳ (Hoà Ái - RFA)





Hoà Ái, phóng viên RFA
2015-12-30
.
Một người thương phế binh Việt Nam trong những năm tháng cuối đời.  File photo

Vào hôm 17/12/2015, 5 vị Dân Biểu Hoa Kỳ gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry xem xét để tái định cư cho các cựu sĩ quan Thương Phế Binh (TPB) VNCH còn sót lại ở VN hiện nay. Phản ứng và tâm tình của các cựu quân nhân TPB VNCH trước thông tin này ra sao?
Theo số liệu không chính thức của Hội H.O Cứu trợ Thương Phế Binh (TPB) & Quả phụ VNCH, hiện có khoảng hơn 500 cựu sĩ quan và 15 ngàn hạ sĩ quan cùng binh sĩ TPB VNCH đang sinh sống ở VN. 40 năm, kể từ khi cuộc chiến tranh VN kết thúc, có thể là một cái chớp mắt đối với nhiều người nhưng riêng với những cựu quân nhân TPB VNCH thì đây là thời gian quá dài trong tuyệt vọng khi họ phải sống kiếp lưu đày trên chính quê hương mình trong thân phận của một phế nhân.

Những tháng ngày sau 30/4/1975, dù không bị đi học tập cải tạo nhưng họ vẫn bị phân biệt đối xử, ngược đãi vì Chính phủ Hà Nội xếp họ vào thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” và “có nợ máu với nhân dân”.

Vào cuối thập niên 1980, VN tiến hành đổi mới, đời sống dân chúng có phần thay đổi mà nôm na gọi là “được dễ thở hơn”. Tuy nhiên thành phần cựu quân nhân TPB VNCH không có gì khá hơn so với trước. Họ vẫn không nhận được sự trợ giúp nào từ phía cơ quan chức năng và xã hội. Là người tật nguyền với thân thể không lành lặn, họ lê lết khắp mọi nơi tìm kế sinh nhai. Nhiều người trong số họ chọn cách đi hát dạo và bán vé số để tồn tại qua ngày. Cuộc đời như thế cứ trôi, các cựu quân nhân TPB VNCH nay đầu đã bạc, sức đã mòn, sống trong bệnh tật và tự hỏi bao giờ phận người không may mắn của họ được kết thúc.

Tin vui nhưng buồn

Mới đây nhất, thông tin về các Dân biểu Mỹ kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cứu xét cho các cựu sĩ quan TPB VNCH vào hôm 17/12 được các cựu quân nhân TPB VNCH đón nhận như tia sáng le lói ở cuối đường hầm. Một cựu Trung úy bị liệt 2 chân, thuộc Sư đoàn 9/Bộ Binh, hiện đang sống cảnh một thân một mình, cư ngụ ở vùng Đông Nam Bộ, không muốn nêu tên chia sẻ:

“Không phải riêng tôi đâu mà bất cứ một người nào nghe tin ấy thì có thể họ cũng đều vui nhưng có điều là niềm vui ấy không trọn vẹn vì đã hơi trễ đối với lứa tuổi của chúng tôi. Phải chi sớm hơn cách nay 10 năm trước! Bây giờ chúng tôi cũng già hết rồi, cũng đang bấp bênh giữa 2 bờ sinh tử. Nghe thì cảm thấy vui vui nhưng giá mà sớm hơn được thì tốt hơn”.

Thương phế binh Nguyễn Văn Lộc mất hai chân trong trận đánh ở Bến Cát

Hầu hết các cựu sĩ quan TPB VNCH đài ACTD tiếp xúc đều bày tỏ sự vui mừng khi nghe được thông tin này. Tuy vậy, tất cả họ có cùng ước nguyện nếu còn sống và không đi được thì vẫn mong chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ một cách thiết thực hơn cho cuộc sống hiện tại được vơi đi phần nào nỗi cơ cực. Cựu Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức, bị cụt chân trái, ở Tiền Giang, tâm tình:

“Bây giờ nếu ai đi được thì đi. Còn đi không được thì cũng có nguyện vọng được số vốn để sống ở VN với gia đình được thoải mái hơn một chút”.

Gia đình của cựu quân nhân TPB Nguyễn Văn Đức bao năm qua sống lây lất nhờ vào một công vườn ổi và tiền công làm thuê, làm mướn của người vợ tảo tần. Đứa con gái út, Nguyễn Thị Trúc An, đang học lớp 11, kể trong nước mắt với đài RFA về hoàn cảnh gia đình:

“Mẹ đi làm mướn ở Sài Gòn. Cha ở nhà đi làm vườn rồi cha bị té. Em về thấy cha ngồi ở trong nhà mà cha mệt lắm. Mẹ thì không về nhà được. Em mong cha được khỏe mạnh với nhà em bớt khổ. Gia đình em khó khăn quá. Nhiều lúc cha bệnh mà không có tiền cho cha đi khám bệnh”.

Mặc dù sống trong thời đại thông tin kỹ thuật số nhưng với Trúc An, Mỹ là một đất nước xa xôi bên kia Thái Bình Dương và em không hình dung nổi nếu gia đình được qua định cư ở một nơi xa lạ thì cuộc sống có bớt khổ hơn không. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng nếu gia đình được di dân đến Hoa Kỳ thì có muốn đi hay không, Trúc An khẳng định là “đi” chỉ vì:
“Đi qua bển ở với ba, để ba ở một mình không ai lo”.

Ước mơ và ước vọng

Đó cũng là câu trả lời của số đông những người con của các cựu sĩ quan TPB VNCH mà Hòa Ái ghi nhận được. Đối với họ, được di dân qua Mỹ không phải là một cuộc đổi đời vì hầu như họ không có nhiều kiến thức về xã hội ở xứ sở được cho là một trong những quốc gia văn minh nhất thế giới. Nguyện vọng của họ được đi chỉ vì tình cảm gia đình keo sơn gắn bó. Và đa số họ ước mong trở thành y tá không phải vì biết được đây là nghề thịnh hành ở Mỹ mà chỉ đơn thuần là săn sóc cho cha mẹ lúc tuổi già sức yếu vì e ngại không đủ tiền chữa bệnh như ở VN.

Trong khi trao đổi với gia đình các cựu quân nhân TPB VNCH qua điện thoại, ký ức tuổi thơ của Hòa Ái ùa về hình ảnh những người tàn phế ăn xin ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Tâm tưởng của Hòa Ái không bao giờ phai nhòa về một người TPB VNCH vô danh trên chuyến phà qua sông Tiền trong một buổi chiều mưa tầm tã. Người TPB này bị cụt 2 chân và mù 1 con mắt với cái mủm dùa treo tòn ten nơi cần cổ, bò trườn một cách khó nhọc xin từng đồng bạc lẻ của những hành khách hảo tâm. Vì nhớ đến người TPB VNCH vô danh này, Hòa Ái liên lạc với Trung sĩ nhất Phan Văn Thất, 82 tuổi, ở Long An. Dù nhớ rõ tên tuổi của mình nhưng ông là 1 TPB VNCH vô danh đúng nghĩa. Ông không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào của chế độ cũ lẫn chế độ mới. Hiện ông bán vé số ở vùng ngã 3 Thủ Thừa, Cầu sắt Lộ tẻ để sống qua ngày nhưng thật là khốn khó ở tuổi đời gần đất xa trời. Ông kể:
“Nhiều khi mình đưa cho khách mua, họ cầm trên tay rồi vọt chạy luôn, lấy hết cọc vé số vậy đó”.

Năm 2016 sắp đến với nhiều niềm hân hoan, ước vọng. Và nguyện ước cuối đời của ông Trung sĩ nhất 82 tuổi là:
“Hy vọng, ước nửa đêm nằm ngủ chết luôn. Vậy thôi!”

Trong thâm tâm mỗi người Việt chúng ta ít nhiều mong muốn năm mới đến được hạnh phúc, thành đạt và thịnh vượng. Tuy nhiên, ước mong trong năm mới được “nằm ngủ rồi chết luôn” của rất nhiều TPB VNCH dường như không phải là điều dễ dàng để thành hiện thực.







No comments: