CHÍNH
HỌ PHẢI KHIÊM TỐN! CHÚNG TA ĐÚNG VÀ MẠNH, HỌ SAI VÀ YẾU
Nguyễn Gia Kiễng - Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Nguyễn Gia Kiễng - Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
“…Chúng ta, những người
dân chủ, không chỉ đúng mà còn đang ở trong thế mạnh. Họ, những người cầm đầu Đảng
Cộng Sản, không chỉ sai mà còn đang ở trong thế nguy. Chúng ta vẫn ôn hòa và
khiêm tốn vì đó là thái độ đúng. Nhưng chính họ còn phải khiêm tốn hơn…”
Tặng
Nguyễn Văn Đài
*
Thế
giới vừa kỷ niệm 67 năm ngày công bố bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập. Đây là
dịp để chúng ta nhìn lại cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, nhất là vào
lúc Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đang lúng túng chuẩn bị đại hội đảng. Tại sao
chúng ta đã không đạt được kết quả mong muốn?
Lý
do chính là vì chúng ta chưa hiểu rõ ý nghĩa của những giá trị dân chủ và nhân
quyền nói riêng và sức mạnh của tư tưởng chính trị nói chung. Cái đúng, cái phải
có sức mạnh vô địch, với điều kiện là được hiểu thật thấu đáo.
Nhìn lại
một biến cố lịch sử và một cuộc cách mạng tư tưởng lớn
Hoàn
cảnh ra đời của Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập -mà cho đến nay nhiều người vẫn gọi
là “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền”- đặc biệt đáng chú ý. Đó là một khúc quanh lịch
sử chứa đựng nhiều bài học quí báu. Tháng 4-1945, vào lúc Thế Chiến II sắp chấm
dứt, đại diện của năm mươi quốc gia họp tại San Francisco để soạn thảo hiến
chương cho một định chế quốc tế mới, sau này được gọi là Liên Hiệp Quốc, để
thay thế cho Hội Quốc Liên đã bất lực trong việc ngăn ngừa Thế Chiến II. Mục
đích đặt ra lúc đó cho Liên Hiệp Quốc chỉ là để tránh một cuộc thế chiến mới, để
cuộc chiến tranh lạnh đã ló dạng giữa hai khối tư bản và cộng sản không biến
thành chiến tranh nóng. Vấn đề nhân quyền không đặt ra.
Chính
trong khi thảo luận, nhờ những đóng góp của một số trí thức qui tụ trong 42 tổ
chức phi chính phủ (NGO) được mời đến với tư cách tham vấn mà người ta đã khám
phá ra rằng nguyên nhân chính của chiến tranh là thế giới đã chỉ biết đến các
quốc gia mà không biết đến con người. Chính sự coi thường con người đã khiến
các chính quyền hy sinh tính mạng của các công dân của mình để gây chiến giết
người dân những nước khác. Muốn tránh chiến tranh thì phải thay đổi hẳn tư tưởng
chính trị, đặt con người lên trên nhà nước.
Đó
là một cuộc cách mạng tư tưởng rất lớn. Cho tới lúc đó các quốc gia có toàn quyền
sinh sát trên các công dân của mình. Một chính quyền chỉ bị phản đối nếu giết
hoặc đầy đọa người ngoại quốc, vì như thế là xâm phạm tài sản của một nước
khác. Con người chỉ là một chi tiết thuộc quyền sở hữu của một nhà nước. Lúc
đó, hơn một thế kỷ sau khi làn sóng dân chủ thứ nhất đã bác bỏ chủ nghĩa thần
quyền và đánh đổ các chế độ quân chủ thần quyền mạnh nhất, chủ nghĩa thời thượng
là chủ nghĩa quốc gia cùng với, từ sau Thế Chiến I, đối thủ nhưng đồng thời
cũng là anh em họ của nó là chủ nghĩa cộng sản. Triết gia có ảnh hưởng nhất về
chính trị và lịch sử là Hegel. Lý thuyết biện chứng của ông cho rằng các nhà nước
là thiêng liêng và sự xung đột giữa các quốc gia là đương nhiên theo sự chỉ đạo
của một Ý Chí Tuyệt Đối không khác gì một Thượng Đế. Các quốc gia đương nhiên
phải thôn tính lẫn nhau vì quốc gia nào cũng phải mở mang bờ cõi và bành trướng
thế lực. Theo Hegel những cuộc chiến này dần dần sẽ khiến thế giới thống nhất
trong những điều kiện hợp lý nhất. Đệ tử chối thày của Hegel là Karl Marx ôm
toàn bộ lý thuyết biện chứng của ông, chỉ thay các quốc gia bằng các giai cấp.
Đối với Marx sự xung đột giữa các giai cấp cũng là lẽ dĩ nhiên vì con người chỉ
là thành phần của một giai cấp và phải đấu tranh cho giai cấp của mình. Cả hai
chủ nghĩa tập thể này đều không nhìn nhận chỗ đứng của cá nhân. Chiến tranh giữa
các nước đã liên tục xảy ra trong những tiếng hô “tổ quốc trên hết!” và dẫn tới
Thế Chiến I. Tuy vậy các chính trị gia vẫn chưa hiểu và Thế Chiến II đã bùng nổ
chỉ 21 năm sau khi Thế Chiến I chấm dứt. Thế Chiến II chưa thực sự chấm dứt thì
nguy cơ một thế chiến mới đã xuất hiện, lần này giữa hai khối tư bản và cộng sản.
Khả năng nổ ra thế chiến rất lớn vì phong trào cộng sản chủ trương xóa bỏ giai
cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực. Chính sự sáng suốt của các nhà tư
tưởng chứ không phải của các chính quyền đã giúp thế giới không bị hủy diệt vì
chiến tranh nguyên tử. Họ đã nhìn thấy là hòa bình bền vững chỉ có thể có nếu
con người được coi là giá trị cao nhất và được dành những quyền không thể xâm
phạm. Con người mà họ đề cao không phải là một ông A hay một bà B cụ thể nào mà
là một con người phổ cập xuất phát từ niềm tin rằng mọi con người không phân biệt
màu da, chủng tộc và văn hóa đều có những khả năng bẩm sinh tương đương, đều có
những ước vọng như nhau và đều chia sẻ một số giá trị chung. Con người phổ cập
đó tuy trừu tượng vì không là một ai cả nhưng lại hiện diện một cách cụ thể
trong tất cả mọi người và là cốt lõi của triết lý chính trị được gọi là chủ
nghĩa cá nhân (*). Con người đó phải được tôn trọng, và vì nó hiện diện trong mọi
người nên mọi người phải được tôn trọng.
Ý
thức về quyền con người và -chủ nghĩa cá nhân- đã xuất hiện từ thế kỷ 17 nhưng
chỉ được thể hiện trong sinh hoạt chính trị tại Mỹ và một cách rất hạn chế tại
một số nước Châu Âu từ cuối thế kỷ 18. Chủ nghĩa áp đảo vẫn là chủ nghĩa quốc
gia, và đó đã là nguyên nhân của hai cuộc thế chiến.
Lý do khiến khái niệm quyền con người không giành được thế áp đảo là vì những người tranh đấu cho nó đã thiếu lòng tin, đã không dám khẳng định rằng con người chứ không phải tổ quốc mới là giá trị cao nhất. Chỉ sau khi hàng trăm triệu người đã chết sau những cuộc chiến tranh thảm khốc, nhất là hai cuộc thế chiến, họ mới thực sự hiểu và tin rằng nhân quyền phải được coi là nền tảng bắt buộc của chính trị và mới phấn đấu cho nó một cách thuyết phục và hiệu quả, với tất cả quyết tâm.
Và
họ đã thắng. Dù không có vũ khí nào ngoài một lý tưởng đúng các tổ chức nhân
quyền đã thuyết phục được đại biểu các quốc gia đưa quyền con người vào ngay lời
nói đầu và nhiều điều khoản khác của hiến chương Liên Hiệp Quốc. Ba năm sau
Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông
qua tại Paris ngày 10-12-1948. Cố gắng đã rất khó khăn nhưng thắng lợi đã rất vẻ
vang. Nhiều chính quyền, nhất là Liên Xô và các nước cộng sản, đã phản bác quyết
liệt, coi Tuyên Ngôn này là một can thiệp không chấp nhận được vào chủ quyền quốc
gia. 168 yêu cầu tu chỉnh đã được đưa ra trong 81 buổi họp. Nhưng cuối cùng
Tuyên Ngôn đã được thông qua gần như với văn bản lúc ban đầu với 48 phiếu thuận
và không một phiếu chống nào. Liên Xô và các nước chống đối đã chỉ vắng mặt chứ
không dám chống lại. Điều cần được đặc lưu ý là bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập
này về nội dung là một tuyên ngôn dân chủ và chống chủ nghĩa cộng sản một cách
dứt khoát bởi vì nó khẳng định những quyền tự do được dùng làm tiêu chuẩn để định
nghĩa một chế độ dân chủ. Réné Cassin đại diện của Pháp trong ủy ban soạn thảo
được coi là người chấp bút tuyên ngôn. Sau này ông được giải Nobel về hòa bình
và giải nhân quyền LHQ năm 1968.
Hai
công ước đính kèm, Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (Công ước
DSCT) và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa (Công ước
KTXHVH) đã đòi hỏi thời gian và những cố gắng lớn hơn nhiều vì gặp sự chống đối
của rất nhiều chính quyền vì những lý do khác nhau, kể cả hai siêu cường Mỹ và
Liên Xô. Thêm vào đó thủ tục cũng phức tạp hơn: sau khi đại hội đồng LHQ đã biểu
quyết, sự cam kết của mỗi nước lại còn phải qua hai giai đoạn, chính phủ ký và
sau đó quốc hội biểu quyết thông qua.
Hoa
Kỳ tuyên bố không chống nhưng cũng sẽ không ký ngay từ năm 1953 và đến năm 1977
mới ký nhưng cũng chỉ thông qua năm 1992, còn Liên Xô thì chống đối mạnh mẽ rồi
mới ký nhưng lại loại trừ những điều cơ bản nhất nên cũng như không ký cho đến
khi tan vỡ. Trung Quốc chỉ ký năm 1998 nhưng vẫn chưa thông qua.
Tuy
vậy hai công ước vẫn được đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua mà không bị một
phiếu chống nào năm 1966 và có giá trị luật pháp quốc tế kể từ 1976 sau khi đã
hội đủ số nước ký nhận và thông qua. Nhân quyền đã thắng.
Chỉ cần
hành động?
Tại
sao những người tranh đấu cho nhân quyền đã thành công trong hai mươi năm điều
mà các thế hệ đàn anh của họ đã không làm được trong gần ba thế kỷ?
Dĩ
nhiên là thời gian đã làm công việc của nó và hàng trăm triệu người chết oan đã
làm thế giới thức tỉnh nhưng lý do chính là những người đấu tranh cho nhân quyền
-cũng là đấu tranh cho dân chủ như ta sẽ thấy- đã hiểu rõ hơn họ đang đấu tranh
cho cái gì; nhờ vậy họ đã có quyết tâm và phương pháp và đã đấu tranh một cách
thuyết phục và hiệu quả. Có một khác biệt rất lớn giữa những người đấu tranh với
sự hiểu biết thấu đáo và những người chỉ đấu tranh với nhiệt tình, vì rất khó để
thuyết phục và động viên những người khác hưởng ứng một lý tưởng mà chính mình
cũng không hiểu rõ.
Tư
tưởng và kiến thức chính trị cần thiết bao nhiêu thì sự thiếu vắng của chúng
cũng tai hại bấy nhiêu. Điều này đáng lẽ người Việt Nam, nhất là trí thức, phải
rất thấm thía.
Nếu
có tư tưởng chính trị thì vào năm 1945 đảng được những người yêu nước ủng hộ nhất
đã không thể là Đảng Cộng Sản, một đảng mà mục tiêu sau cùng là xóa bỏ các quốc
gia, nhưng thực tế là nhiều cán bộ cộng sản lão thành vẫn hãnh diện nói rằng
mình đã theo Đảng vì lòng yêu nước.
Nếu
có kiến thức chính trị thì chúng ta đã phải hiểu rằng sau Thế Chiến II, với hiến
chương LHQ và Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, kỷ nguyên thực dân đã chấm dứt, độc
lập chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục và cuộc đấu tranh giành độc lập
không cần một cuộc chiến đẫm máu; độc lập chỉ là một chiêu bài cho một cuộc nội
chiến mà mục tiêu là để áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin.
Nếu
có kiến thức chính trị thì trí thức Việt Nam đã phải hiểu rằng Hoa Kỳ hoàn toàn
không phải là một nước thực dân và khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” như là một
chiêu bài bịp bợm để “đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô” như lời Lê Duẩn.
Và
người ta cũng đã không tưng bừng reo hò “Chủ Nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng
muôn năm!” ngày 30-4-1975 để rồi 15 năm sau nhìn nó sụp đổ. Vả lại chủ nghĩa
Marx đã bị từ bỏ trên chính quê hương của nó từ một thế kỷ trước, năm 1875, tại
đại hội Gotha. Nếu có một chút kiến thức chính trị chắc chắn ông Hồ Chí Minh đã
không sung sướng đến nỗi gần như mê sảng khi được đọc luận cương cộng sản như
chính lời ông thuật lại rồi đem nó vào Việt Nam.
Nếu
có tư tưởng và kiến thức chính trị thì chúng ta đã tránh được cuộc nội chiến 30
năm làm đất nước tan tành và sáu triệu người chết oan, và ngày nay nước ta đã
có thể có một mức phát triển tương đương với Hàn Quốc và Đài Loan.
Nếu
có một kết luận mà chúng ta phải rút ra một cách dứt khoát thì đó là phải bỏ
sai lầm cho rằng chỉ cần hành động mà không cần lý thuyết, chỉ cần làm chứ
không cần nói. Chúng ta cần học hỏi tư tưởng và kiến thức chính trị. Chúng ta
cũng cần thảo luận để trao đổi các ý kiến và hiểu nhau.
Trước
mắt, nhân dịp kỷ niệm 67 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập chúng ta cần nắm vững
hai điều cơ bản nhất.
Một
là, không thể phân biệt nhân quyền và dân chủ. Một chế độ được coi là dân chủ
khi tôn trọng ít nhất ba quyền tự do cơ bản: tự do ngôn luận và báo chí; tự do
kết hợp, nghĩa là tự do thành lập hoặc tham gia các tổ chức; tự do bầu cử và ứng
cử. Cả ba quyền này đều được khẳng định -cùng với nhiều quyền khác- trong cả
Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập (các điều 19, 20, 21) lẫn Công Ước Quốc Tế Về Các
Quyền Dân Sự và Chính Trị (các điều 18, 19, 22, 25). Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ
Cập như vậy cũng là tuyên ngôn dân chủ. Dân chủ và nhân quyền chỉ là một, chỉ
là cùng một khái niệm được thể hiện trên hai qui mô khác nhau. Dân chủ là nhân
quyền trên qui mô quốc gia, nhân quyền là dân chủ trên qui mô cá nhân. Cũng đừng
phân biệt đấu tranh cho nhân quyền và đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh cho
nhân quyền trên thực tế đã là cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất trong lịch sử
thế giới.
Hai
là, nhân quyền ngày nay đã trở thành luật. Ba văn kiện gồm Tuyên Ngôn Nhân Quyền
Phổ Cập, Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế
Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa đã được nhìn nhận là có giá trị của một
bộ Luật Nhân Quyền Quốc Tế (The International Bill of Human Rights). Các chính
quyền vi phạm nhân quyền là những chính quyền phạm pháp.
Đừng lẫn
lộn chịu đựng với công nhận
Vậy
người Việt Nam chúng ta phải có thái độ nào với Đảng Cộng Sản?
Đây
là một câu hỏi nền tảng nhưng cũng đặc biệt có giá trị thời sự vào lúc này, khi
chúng ta vừa kỷ niệm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và Đảng Cộng Sản đang chuẩn
bị đại hội 12.
Đảng
Cộng Sản đã vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn những quyền con người đã được
qui định rõ ràng trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và hai công ước đính kèm.
Không thể kể hết những vi phạm của họ, trong nhiều trường hợp cũng đồng thời là
những tội ác lớn đối với loài người. Họ cũng đang vi phạm nhân quyền và đang
chuẩn bị nhiều vi phạm khác. Vừa qua bộ trưởng công an Trần Đại Quang tiết lộ
chính quyền cộng sản đã bắt hơn 2000 người trong ba năm qua và đang nhắm 350
người khác trong các tổ chức xã hội dân sự. Những người này có tội gì? Đây là một
hành vi bắt người và giam giữ trái phép trên qui mô lớn vi phạm nghiêm trọng
các điều 9 và 10 của Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập và các điều 9 và 14 của Công
Ước DSCT. Chế độ này là một chế độ bất hợp pháp. Không những thế nó còn đánh chết
nhiều người trong đồn công an và cho công an giả dạng côn đồ hành hung những
người đối lập, vừa vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân Quyền Quốc Tế vừa phơi bày bản
chất đạo tặc.
Hiến
pháp của chế độ dành độc quyền chính trị cho Đảng Cộng Sản và coi các lực lương
vũ trang, quân đội cũng như công an, là dụng cụ thống trị của đảng. Trên thực tế
các cấp quân đội và công an từ hạ sỹ quan trở lên đều phải là đảng viên cộng sản.
Đây không phải chỉ là một vi phạm đối với các điều cấm phân biệt đối xử trong bộ
Luật Nhân Quyền Quốc Tế mà còn xác nhận một sư kiện khác: Đảng Cộng Sản cư xử
như một lực lượng chiếm đóng. Dân tộc ta đã từng không may bị ngoại thuộc nhưng
ngay cả những lực lượng chiếm đóng nước ngoài cũng không thô bạo đến như thế.
Ngay trong thời Pháp thuộc cũng có những người Việt Nam làm đến cấp bậc sĩ
quan. Chúng ta không thể nhìn nhận hiến pháp này. Hiến pháp là luật căn bản và
luật chỉ là luật nếu vừa đúng vừa chính đáng. Hiến pháp này không đúng bởi vì
nó ngang ngược, quá ngang ngược. Nó cũng không chính đáng bởi vì không do những
đại diện do người dân chọn lựa bằng bầu cử tự do.
Đảng
Cộng Sản ngụy biện rằng đã qui định như thế nhân danh nhân dân Việt Nam mà họ
là đại điện chân chính. Họ không đại diên cho nhân dân Việt Nam nhưng ngay cả một
chính quyền thực sự chính đáng cũng không thể cướp đoạt những quyền con người
cơ bản vì đó là những quyền không thể chuyển nhượng.
Như
vậy thái độ đúng là nhìn Đảng Cộng Sản như một tổ chức tội phạm và lực lượng
chiếm đóng chứ không phải như một đảng cầm quyền bình thường có một số sai lầm
cần được phê phán để sửa sai. Chúng ta bác bỏ bao lực và hận thù nên chấp nhận
tạm thời chịu đựng chế độ này để tiếp tục đấu tranh tiến tới một chế độ khác chứ
chúng ta không nhìn nhận nó. Đừng lẫn lộn chịu đựng với nhìn nhận, ôn hòa với
khiếp nhược, bao dung với quỵ luỵ.
Chúng
ta ôn hòa và bao dung, chúng ta muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc. Chúng không
mong điều gì xấu cho những người lãnh đạo cộng sản, kể cả những người lãnh đạo
cao nhất, nhưng thái độ thiện chí đó không cho phép chúng ta phủ nhận sự thực.
Chúng ta vẫn phải nói thẳng với họ là họ sai, họ không có quyền làm những điều
họ đã làm, còn đang làm và đang có ý định làm. Chúng ta có quyền và chúng ta
đòi chứ không xin. Họ cư xử như một lực lượng chiếm đóng và chúng ta phải nói
ra vì đó là sự thực. Chúng ta muốn đối thoại hòa nhã với họ để tìm một lộ trình
dân chủ hóa đất nước trong tình tự dân tộc nhưng chúng ta vẫn phải nói thực.
Không có gì cho phép chúng ta nói sai sự thực cả. Socrates từng nói sự thực cao
hơn cả Thượng Đế và ngay cả Thượng Đế nếu không đúng cũng không đáng tôn trọng.
Chính họ
phải khiêm tốn
Thái
độ nhận nhượng quá đáng thể hiện trong những yêu cầu và kiến nghị gửi Đảng Cộng
Sản trước mỗi đại hội đảng -cũng may ngày càng ít- có lẽ đến từ hai nguyên nhân
cần được nhận diện.
Nguyên
nhân thứ nhất là một sự hiểu biết thiếu hụt về khái niệm quyền.
Quyền
thuộc về luật và vì thế nó phải thẳng thắn, nó không thể chấp nhận thỏa hiệp
trên những điểm cơ bản, nếu không nó không còn là quyền.
Quyền
luôn luôn đối nghịch với thực tại bởi vì người ta viện dẫn quyền để phản đối một
thực tại vô lý. Vì thế nhân danh thực tại để hy sinh quyền là một thái độ đầu
hàng hèn nhát; quyền đòi hỏi nhìn thực tại với con mắt của con người chứ không
chấp nhận để nhìn con người từ thực tại; sự phản kháng là cốt lõi của quyền.
Quyền
cũng không thể chấp nhận sự vô lý; nó là thành quả của trí tuệ và nó không thể
tách ra khỏi sự hợp lý vì trí tuệ là nền tảng chính đáng của nó.
Những
gì đúng với khái niệm quyền lại càng đúng với quyền con người bởi vì đó là những
quyền bắt buộc nhất. Người ta đòi quyền chứ không xin. Trong cuộc tranh đấu cho
nhân quyền, cũng là tranh đấu cho dân chủ, lập trường đúng nhất là không nhân
nhượng.
Nguyên
nhân thứ hai là một đánh giá sai lầm về tương quan lực lượng khiến người ta bi
quan nghĩ rằng chính quyền này dù sai nhưng quá mạnh nên dù muốn hay không cũng
chỉ có quan hệ xin-cho. Sai lầm lớn.
Khi
Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập được biểu quyết, mặc dù sự kiện này tự nó đã là một
thắng lợi lớn, nhiều người vẫn nghĩ nó chỉ là một tuyên ngôn nguyên tắc không
thay đổi được thực tế. Ngay cả khi hai công ước được biểu quyết và bộ Luật Nhân
Quyền Quốc Tế thành hình vẫn còn nhiều người nghĩ đó chỉ là một luật mà nếu
không tuân hành cũng không sao bởi vì thiếu những biện pháp chế tài vi phạm. Và
trên thực tế đã có vô số vi phạm, kể cả những vi phạm rất kinh khủng. Tuy nhiên
những người bi quan đã không nắm bắt được một thay đổi quan trọng. Đó là từ nay
đã có luật và những kẻ vi phạm được nhận diện và bị buộc tội chứ không thể hiên
ngang như trước. Và luật đúng có sức mạnh của nó, đủ để đánh bại những kẻ chống
lại nó. Liên Xô và các chế độ cộng sản Đông Âu đã sụp đổ, như các chế độ độc
tài tại Châu Mỹ La Tinh, rồi gần đây tại Trung Đông. Chỉ trong một tháng qua đã
có ba tin mừng: Myanma đã chuyển hóa về dân chủ, các lực lượng dân chủ đã thắng
tại Venezuela, chế độ thần quyền khắc nghiệt nhất thế giới -Ả Rập Saudi- đã phải
chấp nhận cho phụ nữ tham gia bầu cử và ứng cử. Làn sóng dân chủ thứ tư đang
gia tăng cường độ và vận tốc. Gọng kìm đang xiết lại trên các chế độ độc tài
còn lại. Chúng đang sống những ngày quằn quại cuối cùng. Riêng chế độ cộng sản
Việt Nam còn đặc biệt khốn đốn vì phân hóa nội bộ nghiêm trọng và vì sự phẫn nộ
ngày càng công khai của nhân dân. Đã thế còn đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, hậu
quả của bất tài và tham nhũng.
Chúng
ta, những người dân chủ, không chỉ đúng mà còn đang ở trong thế mạnh. Họ, những
người cầm đầu Đảng Cộng Sản, không chỉ sai mà còn đang ở trong thế nguy. Chúng
ta vẫn ôn hòa và khiêm tốn vì đó là thái độ đúng. Nhưng chính họ còn phải khiêm
tốn hơn.
Xin
kết thúc bài này bằng một đề nghị nhỏ. Cho tới nay chúng ta vẫn có thói quen gọi
bản tuyên ngôn nhân quyền 10/12/1948, tiếng Mỹ là The Universal Declaration of Human Rights, là bản “Tuyên Ngôn Quốc
Tế Nhân Quyền”, nhưng dịch như vậy là sai vì từ universal có nghĩa là phổ cập,
nghĩa là đúng và phải được tôn trọng trên khắp thế giới, chứ không phải là quốc
tế, nghĩa là thuộc về quan hệ giữa các quốc gia. Trong một số trường hợp hai từ
phổ cập và quốc tế có nghĩa gần giống nhau nhưng trong trường hợp này sự lẫn lộn
là một sai lầm lớn vì tinh thần của bản tuyên ngôn nhân quyền này chính là để
khẳng định rằng nhân quyền không phải là một vấn đề quốc tế, nghĩa giữa các quốc
gia với nhau, và mỗi chính quyền có thể hiểu một cách. Trái lại nhân quyền là
những quyền phổ cập mà mọi nước, mọi người đều phải hiểu và tôn trọng như nhau.
Vậy từ nay chúng ta nên gọi tài liệu lịch sử quan trọng này một cách chính xác
là Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập.
No comments:
Post a Comment