Wednesday, December 2, 2015

CÁCH ỨNG XỬ CỦA CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM VỚI NGƯ DÂN BỊ BẮN CHẾT TRÊN BIỂN (Trần Quí Cao)





Trần Quí Cao
Posted by adminbasam on 02/12/2015

Một ngư dân Việt Nam bị giết khi đang đánh cá ngoài khơi, cách đất liền tổ quốc khoảng 500 hải lý. Bị tấn công và bắn chết bởi người của tàu nước ngoài mà báo chính thống đầu tiên loan tin là “tàu lạ”, về sau có tin nói là tàu Philippines.

Không một vị nào trong chính quyền lên tiếng. Tổng bí thư đảng CSVN: im; Chủ tịch nước: im; Thủ tướng: im; các Phó thủ tướng có liên quan: im; Chủ tịch quốc hội: im; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc: im; Bộ trưởng bộ Quốc phòng: im; Bộ trưởng bộ Công an: im; Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: im…

Không một hành động tiếp ứng từ phía chính quyền. Không trực thăng hay tàu quân sự ra tiếp ứng, tiếp đón thi thể; không tàu cứu thương, tàu cảnh sát biển, kiểm ngư… Chiếc thuyền nhỏ bé của ngư dân sau khi bị tấn công, lẻ loi, nặng nề và chậm chạp chở thi hài ướp đá của ngư dân Trương Đình Bảy về đất liền. Tổ quốc của ông đã bỏ mặc ông cho những tên cướp biển hung hãn, cướp thật hay cướp từ một quốc gia nào đó, giết ông, và sau đó tổ quốc ngoảnh mặt với xác chết của ông!

Thi hài ông về tới đất liền không có một vị nào trong chính quyền nghênh đón. Chính quyền không bảo vệ được ông, đã đành! Vô trách nhiệm, đã đành! Họ cũng không có một chút tấm lòng nào cho tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Họ làm gì và nghĩ gì trong hơn 4 ngày thi thể ông lênh đênh trên biển, giữa những bạn đường cùng số phận đang uất nghẹn trong kinh hoàng? Họ nghĩ có thể do Trung Quốc giết người Việt như những lần trước đó, và họ không muốn dính vào e mất lòng thiên triều? Họ nghĩ tới cách chạy trốn trách nhiệm trước dân chúng? Hay sự thật trần trụi hơn: họ không cần phải chạy trốn trách nhiệm nào cả, chỉ đơn giản là họ không có suy nghĩ nào về việc đó hết. Họ đang bàn việc chia ghế, giành ghế cho mình và cho con cái? Họ đang tiệc tùng nốc những chai Chivas 36 năm với các em chân dài nghiêng ngả và bàn chuyện thu gom tiền của trong buổi hoàng hôn sự nghiệp?

Không một vị đại biểu quốc hội nào của vùng đất đau thương ra đón thi hài ông Bảy, chia sẽ tình cảnh và nỗi đau với gia đình, với ngư dân, với dân chúng tỉnh nhà! Họ có cần quái gì lá phiếu của những người dân cùng khổ? Cái ghế trong nghị trường của họ tới từ một nơi khác kia mà!

Vốn không xem trọng gì năng lực của chính quyền này, tôi vẫn thấy ngạc nhiên về cách ứng xử của chính quyền. Tại sao họ không phái một tàu chiến tối tân, tàu cảnh sát biển tối tân của Việt Nam tới nơi tiếp đón thi hài ông Bảy? Không phải để gây chiến với ai, chỉ để an ủi, để chứng tỏ và cam kết tấm lòng của chính quyền, của quân đội lúc nào cũng đứng bên dân chúng. Để những thế lực tàn bạo với dân Việt biết rõ thái độ kiên quyết bảo vệ tính mạng dân chúng của chính quyền Việt Nam. Trời ơi, lòng dân cảm động bao nhiêu, ủng hộ chính quyền bao nhiêu! Cho dù đã có sức mạnh của bạo lực cướp chính quyền, nếu có thêm sức mạnh của lòng dân, cái ghế họ ngồi có phải chắc chắn hơn không?

Nếu đứng ở một tầm lý tưởng hơn, nhuốm tinh thần dân tộc hơn, dễ thấy rằng chỉ cần một vài lần ứng xử như vậy là chính quyền gần dân hơn. Các hố chia rẽ trong lòng dân tộc được lấp dần. Sự nghiệp hòa hợp hòa giải dân tộc được thúc đẩy làm nền tảng chuyển dần xã hội sang dân chủ hơn. Chỉ cần thế, nhân dân Việt Nam ta phát triển mạnh giàu, đem lại quyền lợi chính đáng cho tất cả mọi thành phần dân tộc.

Cách ứng xử như vậy đòi hỏi ở chính quyền khả năng nắm bắt thời cơ và xoay chuyển tình thế. Nhưng trên nữa là một điều kiện căn bản: tấm lòng với tổ quốc, với dân tộc, dân chúng. Qua cách giải quyết sự việc này, rõ ràng là các người lãnh đạo chủ chốt của chính quyền Việt Nam không có tài ba đó, không có tấm lòng đó. Vấn đề ở chỗ: người ngồi cao không có tầm vóc, mà các phụ tá, các người ngồi thấp hơn cũng không thể hiện được mình. Một hệ thống hóa đá như vậy có thể có đủ tầm nhìn, chiến lược, sự khôn ngoan, linh hoạt và tấm lòng vì dân để đưa đất nước thoát khỏi hoàn cảnh bốn bề nguy nan như hiện nay không?

-----------------------------

Phạm Quang Tuấn
2/1/2015

Nếu công dân của một nước “đàng hoàng” bị bắn chết trên biển, hẳn là chính quyền sẽ lập tức gửi ngay tàu cao tốc, máy bay, tàu cứu thương, v.v. ra giúp đỡ và khởi sự điều tra. Còn cần thiết làm gấp hơn nữa nếu vụ án mạng có dính dáng đến chủ quyền đất nước.

Ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết tại Trường Sa vào ngày 26/11/2015, sáng 1/12 chiếc tàu cá mới về đến cảng, mang theo xác ông Bảy và tang vật bốn vỏ đạn. Trong suốt thời gian hơn bốn ngày đó, hoàn toàn không có dấu hiệu gì là chính quyền bắt tay vào điều tra vụ án mạng, họ chỉ ngồi nhà đợi thuyền nạn nhân đem xác và tang vật trở về. Chỉ có một lá thư “báo cáo” của người anh thuyền trưởng, đổ cho sát nhân là người Philippines nhưng không hề đưa bằng cớ. Thư tố cáo lại gửi cho Nghiệp đoàn nghề cá xã thay vì cho công an hay cảnh sát biển và các tuyên bố sau đó toàn là do nghiệp đoàn này!

Vị trí án mạng xảy ra gần đá Suối Ngọc, cách Quảng Ngãi khoảng 520 hải lý. Cảnh sát biển Việt Nam có những tàu mới khá tối tân như CSB 8002 (http://www.baomoi.com/Ha-thuy-tau-CSB-8002-hien-dai-bac-nhat-Viet-Nam/c/14966293.epi) với tốc độ tối đa 21 knots (hải lý/giờ) có sân đậu cho trực thăng (helipad), có thể đi từ Đà Nẵng ra tới địa điểm án mạng trong vòng 24 tiếng, nếu dùng trực thăng thì còn nhanh hơn nữa. Những tàu CSB đó để làm gì mà không chạy ngay ra để giúp đỡ ngư dân, điều tra sự việc và thậm chí săn đuổi thủ phạm? Sao lại để chiếc thuyền cá chậm chạp chở xác nạn nhân về một mình? Tại sao với lực lượng cảnh sát biển tối tân mà gần 4 ngày sau vẫn chưa có tin tức gì rõ ràng từ chánh quyền?

Mãi đến sáng 1/12, bốn ngày rưỡi sau án mạng, đợi thuyền nạn nhân cặp bến, công an mới lên thuyền lấy lời khai, chụp ảnh tang vật! Trên thế giới có kiểu điều tra án mạng nào kỳ quái như vậy không? Một ngư dân bị giết trên biển bởi người nước ngoài, chuyện có thể đụng chạm đến quyền lợi quốc gia mà không đáng để huy động những phương tiện tốt nhất của cảnh sát biển và của cả lực lượng an ninh để điều tra ngay ra thủ phạm sao? Nhà nước “do dân, vì dân” nào mà hành xử như vậy?

Hay là đã có “lệnh trên”?

P. Q. T.
Tác giả gửi BVN.




No comments: