Hoàng Giang
21.10.2015
Để mở đầu bài viết lần này, tôi xin kể về một bộ
phim của Hàn Quốc, có tên là The Attorney, nói về một luật sư
chuyên về mảng thuế quyết định trở thành luật sư biện hộ, bào chữa cho một nhóm
học sinh bị buộc tội chống lại nhà nước. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật
trong những năm 1980 về cuộc đời của tổng thống Roh Moo Hyun. Vụ án “Burim” xảy
ra năm 1981 khi mà khoảng 20 học sinh trong một câu lạc bộ sách tại thành phố
Busan, Hàn Quốc, bị bắt và bị cáo buộc là cộng sản, chống lại chính quyền lúc bấy
giờ. Đây được coi là một hình thức răn đe dành cho những người dân có tư tưởng
chống đối chính phủ. Trong phim, luật sư Song là người duy nhất đứng lên bảo vệ
quyền lợi và bào chữa để giành lại tự do cho nhóm học sinh này. Những người trẻ
tuổi này bị bắt vô căn cứ, bị đưa vào một tòa nhà hoang chuyên để tra tấn, hành
hạ dã man, bắt nhận tội và viết tường trình về những việc mình chưa bao giờ
làm. Phim The Attorney được cho là 1 trong 10 phim hay nhất
Hàn Quốc, lột tả chân thực, sắc nét sự dã man tàn bạo trong từng hình thức tra
tấn của những kẻ đường đường là cấp cao quân đội, được bao che bởi chế độ độc
tài thời Chun Doo Hwan.
Người Việt chỉ biết đến Hàn Quốc với những bộ phim
tâm lý tình cảm sướt mướt hay những nhóm nhạc nam thanh nữ tú làm mưa làm gió
trên các sân khấu ca nhạc với số fan cuồng hùng hậu. Để trở thành một đất nước
có nền kinh tế phát triển, người dân có cuộc sống ổn định, văn minh như bây giờ,
đất nước Hàn Quốc đã phải trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến chống lại đế
chế độc tài. Người Việt vẫn cứ chỉ biết rỉ tai nhau về ký ức ngọt ngào của cuộc
chiến tranh Việt Nam trong 20 năm ròng rã với việc Mỹ thất bại, hơn 50.000 chiến
binh Mỹ bỏ mạng mà không hề biết đến chiến tranh Hàn Quốc khốc liệt, mất mát nặng
nề chỉ trong 3 năm ngắn ngủi. Không một người dân Hàn nào nhắc đến nó mà cảm thấy
tự hào.
Quay trở lại với The Attorney, tôi vô
tình biết đến ngay giữa cơn bão thông tin chấn động về cái chết của em Đỗ Đăng
Dư, bị bắt bởi tội ăn cắp và tử vong sau 2 tháng bị giam, không rõ nguyên nhân.
Ngay lập tức tôi liên tưởng tới vụ án của em Đỗ Đăng Dư (sinh năm 1998).
Ngày đầu tiên khi câu chuyện về cái chết của em bùng
lên, không một chút manh mối, không một lời giải thích về những vết bầm dập
nghiêm trọng trong và ngoài cơ thể em, tôi đã hoang mang với vụ án, tôi tìm tên
em trong từng bài báo. Vụ án về em như được copy paste qua tất cả các trang
báo, không sai một dấu chấm phẩy, không tên tuổi một tác giả ghi bên dưới,
không nguồn gốc thông tin. Tất cả được ghi dưới title bài “Làm rõ vụ Đỗ Đăng Dư
tử vong”. 2 ngày sau, bỗng dưng rộ lên nguyên nhân “được làm rõ” rằng em Dư bị
người bạn tù đánh vì… rửa bát bẩn?!
Đây là thông tin mà tất cả các đoạn báo đưa tin: “Khoảng 8h30 ngày 4-10-2015, Dư, Bình, Trường
và Đức Anh ăn sáng tại buồng giam. Theo lịch phân công, sau khi ăn xong Dư phải
rửa bát cho các bị can cùng buồng. Do thấy Dư rửa bát bẩn, Bình gọi Dư đến ngồi
ở khu vực giữa 2 bệ xi măng nơi bị can ngủ. Bình đứng đối diện Dư và dùng tay
phải tát 2 cái vào má trái, dùng chân trái đá 3, 4 lần vào đầu Dư theo hướng từ
trên xuống dưới.” Đọc những dòng miêu tả trên, tôi thấy như đang đọc chuyện
chưởng Kim Dung, bạn tù của Dư là Vũ Văn Bình hẳn phải nội công mạnh lắm mới
đánh người chết ngay tắp lự chỉ với vài phát đấm đá vào người. 4 vị cảnh sát to
khỏe LAPD (Los Angeles Police Department) trong vụ Rodney King năm 1991 thay
nhau đánh anh đến nứt cả sọ (mà không chết), làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong
cộng đồng da đen của Mỹ. Rodney King trở thành vụ án biểu tượng về nạn phân biệt
biệt chủng tộc tại Mỹ. Ngẫm từng chi tiết ấy, rõ ràng chẳng thể tin, ấy thế mà
người ta cứ viết, cứ đăng, một cách vô tình, vô cảm, vô trách nhiệm và vô nhân
đạo.
Còn biết bao nhiêu những chi tiết uẩn khuất, từ số
tiền em ăn cắp 2 triệu đồng (hay 1 triệu 500 nghìn đồng) không ai xác nhận. Sự
thật bị đổi trắng thay đen, được viết nên đơn giản như những thông tin lá cải
có nhầm lẫn cũng chẳng là vấn đề gì. Những kẻ đánh chết em Dư (và liệu có đánh
đập Vũ Văn Bình để gán tội?) chúng ta đều đã biết và đáng lên án, nhưng bên cạnh
đó có nên lên án cả những thành phần đang tiếp tay cho những tội ác giết chết Đỗ
Đăng Dư, im lặng phủi tay, chui đằng sau, bám víu lấy hệ thống xã hội thối nát
để sinh tồn, hay bằng cách đăng những thông tin che giấu lấp liếm trên các
trang báo, che giấu sự thật về một cậu bé 17 tuổi ăn cắp 2 triệu đồng bị đánh
chết trong tù, che giấu về những ông lớn 40 - 50 tuổi ăn cắp hàng tỉ đồng của
dân mà vẫn nhơn nhơn sống ngoài vòng pháp luật?
Trong The Attorney, người mẹ của Jinwoo,
một trong những học sinh bị bắt trong vụ án Burim, sau một tháng đi tìm con khắp
nơi, vô vọng đến nỗi phải ra nhà xác công cộng, lật từng xác người để tìm con,
đã đến cầu cứu luật sư Song. Người trẻ Hàn Quốc có một người luật sư như thế,
chấp nhận lao đầu vào cuộc chiến không cân sức để bảo vệ quyền lợi cho họ, có
những nhà báo dám viết thật, dám kêu gọi sự hưởng ứng từ quốc tế khi mở cuộc họp
báo ngay giữa phiên tòa cuối cùng của vụ án Burim lịch sử. Để dẫu họ thất bại
khi đứng trước quan tòa lúc đó, nhưng là chiến thắng về sau khi nhân quyền của
người dân được dấy lên mãnh liệt. Bởi chính người luật sư ấy, 20 năm sau trở
thành một tổng thống mà quan điểm chính trị của ông tập trung vào vấn đề nhân
quyền của người dân Hàn Quốc.
Mẹ của Đỗ Đăng Dư sau 2 tháng vô vọng, chỉ biết ngồi
giữa hành lang bệnh viện lạnh ngắt, xung quanh đầy ắp những con người mặc đồ
xanh, đeo hàm đầy vai đại diện cho luật pháp, mà thương khóc kêu than cho cái
chết của con mình. 20 năm sau, liệu tất cả chúng ta vẫn còn đủ kiên nhẫn ngồi
đó, nhìn những kẻ đang ngày ngày dẫm đạp lên số phận của đồng loại ngay trước mắt
mình?
-------------------------------
* Blog của Hoàng
Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của
Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
BÀI
LIÊN QUAN :
No comments:
Post a Comment