Saturday, October 17, 2015

Vì sao VN thoái vốn nhà nước ở 10 công ty? (BBC Tiếng Việt)





BBC Tiếng Việt
16 tháng 10 2015

Báo trong nước bác tin quyết định thoái vốn nhà nước tại 10 công ty là do áp lực ‘trả nợ nước ngoài’ trong lúc một chuyên gia kinh tế bình luận rằng động thái này có hai nguyên nhân là khó khăn tài chính và nợ công.

Văn bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về đề án tái cơ cấu SCIC ngày 8/10/2015 nói Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) "chọn thời gian thích hợp", báo cáo thủ tướng xem xét quyết định việc thoái vốn tại Vinamilk và chín doanh nghiệp khác phải "đạt được lợi ích cao nhất".

Hôm 15/10, một số báo trong nước dẫn lời ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, hiện là cố vấn cho VinaCapital, phủ nhận chuyện nhà nước thoái vốn vì nợ nước ngoài.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn viết: “Ông Muôn cho rằng chính phủ nào cũng thiếu tiền, nhưng việc thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi 10 công ty trên không phải nhằm mục đích trả nợ trong khi đó SCIC được quyền tùy tình hình mà bán”.

‘Chưa có thông tin về dùng tiền thoái vốn’

Hôm 16/10, trả lời phỏng vấn của BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho biết: “Hai nguyên nhân chính của quyết định thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp lớn là khó khăn tài chính và nợ công trong bối cảnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là chính phủ chưa công bố thời điểm SCIC thoái vốn ở các doanh nghiệp đó và cũng chưa có thông tin chính thức là chính phủ dùng nguồn tiền này cho mục đích gì, để tăng dự trữ ngoại tệ hay tăng nguồn thu cho ngân sách, trả nợ”.

Ông Doanh nhận định quyết định này “độc lập với động thái phát hành 3 tỷ đôla trái phiếu để đảo nợ”.

Đề cập về chuyện nợ công của Việt Nam, chuyên gia kinh tế cho biết thêm: “Tôi quan ngại là đang có hai con số khác nhau về nợ công: một của Viện Nghiên cứu chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 66,4% GDP, một của Bộ Tài chính là 59,4% GDP. Đáng lưu ý là con số đầu vượt mức trần mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố là 65%”.

Ông cũng đề cập chuyện công luận có lý do để quan ngại về sức ép của nợ công với nền kinh tế sau một loạt động thái gần đây của chính phủ Việt Nam: vay thêm 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước, tiếp đó vay thêm 1 tỷ đôla của ngân hàng Vietcombank, rồi bán trái phiếu, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn.

Ông nhấn mạnh: “Mỗi người Việt Nam hiện đang gánh hơn 1.000 đôla nợ công và tôi hy vọng chính phủ sẽ giải trình rõ về vấn đề nợ công trước quốc hội. Theo tôi, nợ công là điều bình thường, vấn đề đáng chú ý là việc vay nợ đem lại hiệu quả gì trong đầu tư kinh tế”.

‘Rủi ro vỡ nợ thấp’

Cuối tháng 9/2015, Thời báo Kinh tế Sài Gòn viết: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng, rủi ro vỡ nợ của Việt Nam là thấp. Bộ này lý giải, nợ vay trong nước (năm 2013 là 51%, năm 2014 là 54%) có tỷ trọng cao hơn nợ vay nước ngoài, có xu hướng tăng, tuy kỳ hạn nợ ngắn phải đảo nợ nhưng mức độ đảm bảo thanh toán cao.

Bên cạnh đó, nợ vay nước ngoài (năm 2013 là 49%, năm 2014 là 46%) có tỷ trọng thấp hơn nợ vay trong nước, có xu hướng giảm và mức độ rủi ro rất thấp so với tiêu chuẩn an toàn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB. Bộ này cho rằng, rủi ro rút vốn của nợ nước ngoài rất thấp, nên an ninh tài chính quốc gia đảm bảo. Vì lẽ đó, bộ đề xuất ngưỡng nợ công phù hợp bình quân giai đoạn 2015-2020 là 68% GDP”.

Trước đó, WB cảnh báo nợ công Việt Nam lên đến 110 tỷ đôla và chỉ riêng khoản chi trả lãi vay đã lên đến 7,2% tổng chi ngân sách nhà nước.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành vào tuần này nói với BBC rằng vai trò của chính phủ của Việt Nam nên là tạo điều kiện cho các công ty phát triển chứ không phải để kinh doanh lấy lời.

Trả lời BBC, ông Thành nói ông không ngạc nhiên về quyết định thoái vốn nhà nước tại 10 công ty theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và rằng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) “có lối suy nghĩ tư nhân”.





No comments: