19.10.2015
Tôi
hoang mang sợ hãi giữa cả đống tin tức ập vào trong cùng một thời điểm, của bạo
lực, của chết chóc mà nạn nhân là trẻ em, từ rất rất nhỏ đến dưới tuổi vị thành
niên. Khắp nơi trên đất nước này, ngày ngày những buổi chiều tôi vẫn nghe ong ỏng
tiếng loa phường vang mãi câu ca “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai.” Mà đau
lòng làm sao, tôi thấy mình vẫn đang sống trong một đất nước mịt mờ chẳng có
ngày mai khi những mầm tương lai của đất nước đang bị hủy hoại bởi bàn tay của
người lớn, của chính quyền, một cách dã man và vô nhân đạo.
Không
ai có thể quên đi những hình ảnh gây chấn động dư luận tại trường mầm non tư thục
Phương Anh, thành phố Hồ Chí Minh, khi các cô giáo hành hạ trẻ em như một sở
thích cá nhân với đủ các hình thức dọa nạt, bóp mũi, tát vào mặt, cầm 2 chân dí
ngược các em xuống bình nước. Rồi một năm sau đó, một bé trai 15 tháng tuổi tại
trường mầm non ở Quảng Bình bị trói chân tay, nhét giẻ vào mồm vì bé không chịu
ngủ trưa. Tại Lạng Sơn, một bé gái khóc quấy bị nhốt ngoài cửa. Còn biết bao
nhiêu những vụ bạo hành tuổi thơ đằng sau những cánh cửa trường mầm non kia, được
cho là nơi mà các em có những trải nghiệm đầu tiên về xã hội bên ngoài, về cuộc
sống xung quanh mình, về những người bạn thân tuổi nhỏ, về những người lớn
không phải là ông bà bố mẹ. Tâm hồn các em như một tờ giấy trắng tinh bị những
nét bút đen đúa nguệch ngoạc vẽ nên, hình thành những cảm xúc đầu tiên không phải
là niềm vui mỗi ngày đến lớp, là sự kỳ vọng thích thú khi học được điều hay, gặp
được người bạn mới, mà đó là nỗi sợ hãi, sự ám ảnh mãi đeo đuổi các em từ tấm
bé. Những vết bầm trên cơ thể rồi sẽ mờ, vết xước rồi sẽ lành da, nhưng tổn
thương về tâm hồn sẽ để lại dị tật vĩnh viễn. Nhân cách, thói quen của trẻ em
là sự phản ánh của mọi người xung quanh mình, cứ mỗi lớp mầm non được đào tạo từ
bạo lực, vô nhân tính, thử hỏi những công dân tương lai của đất nước sẽ là những
con người như thế nào?
Các
vụ việc được phơi bày ra công chúng, bị xã hội lên án rầm rộ, liên tục kêu gọi
cần phải trừng trị những kẻ ác nhân kia. Rồi sau khi họ nhận được những bản án
thích đáng, chúng ta hả hê rồi cho qua mọi việc một cách nhanh chóng. Vậy còn
biết bao nhiêu những em nhỏ khác, có thể cũng đang bị bạo hành trong bóng tối,
một cách tinh vi, được che giấu kỹ càng hơn thì sao? Các bậc cha mẹ sau khi đọc
những tin tức trên báo rồi cũng phải thầm mong rằng “chắc chúng nó chừa con
mình ra”, hoặc có những gia đình chọn lựa cách tự nuôi nấng con mình tại nhà.
Nhưng các ông bố, bà mẹ chẳng nhẽ không nhận ra một điều là chúng ta không thể
mãi bao bọc con trong vỏ, các con cần được ra ngoài để phát triển toàn diện nhất.
Và điều chúng ta cần mang lại cho những thế hệ mầm non là một môi trường tích cực,
trong lành thực sự.
Trong
tình trạng chung hiện nay đó là các trường mẫu giáo công, nơi có thể kiểm soát
được trình độ, bằng cấp của giáo viên thì quá tải hết mức. Một lớp học hiện nay
tại các trường công có thể lên tới khoảng 30 em/lớp mà mới chỉ đáp ứng được khoảng
60% số trẻ em tại nhiều khu vực. Cha mẹ muốn con được học trường mầm non có uy
tín thì hoặc phải chạy tiền “xí” chỗ tại các trường công thật sớm, hoặc bỏ thật
nhiều tiền vào các trường tư thục quốc tế. Rõ ràng, việc không đủ địa điểm, cơ
sở vật chất cung cấp cho việc giáo dục trẻ em thuộc về trách nhiệm của nhà nước.
Chưa kể các trường tư thục nhỏ lẻ không biết từ đâu mọc lên, có được cấp giấy
phép thành lập hay không, chẳng có một ai kiểm chứng. Tuy nhiên, cũng chính bởi
sự dễ dãi của không ít các gia đình khi gửi gắm con mình vào những cơ sở ngẫu
nhiên vô tình góp phần vào hệ quả của những sự bạo hành đáng tiếc kia. Tôi có
nghe anh bạn kể về một người bà con của mình vô tình được hàng xóm nhờ trông
con hộ mà rất “mát tay”, con mau ăn chóng lớn, bụ bẫm. Thế là tin lành đồn xa,
từ một nhà gửi con đến 5,6 nhà khác cũng nhờ vả, rồi dần dần là thành một nhà
trẻ lúc nào không hay. Người bà con kia cũng bỗng dưng được gọi là “cô giáo dạy
trẻ”. Khu nhà tôi ở cũng có các cô các bác nghỉ hưu rỗi việc tự “rêu rao” nhận
trông trẻ, mỗi tháng chỉ nhận vài trăm ngàn một bé. Thế mà các gia đình xung
quanh cũng gật gù giao con cho họ trông. Rõ ràng những hình thức “tự phát” như
vậy ở Việt Nam là không hiếm. Chưa hết, để có được môi trường an toàn cho con,
cha mẹ phải bỏ tiền ra “mua”, bằng cách nịnh cô giáo, quà cáp các dịp lễ tết,
mong cô quan tâm chú ý và “nhẹ tay” với cháu. Vậy tôi hỏi, nếu con cái của các
bậc cha mẹ đã “gửi gắm” cô phải chứng kiến những đứa trẻ khác bị bạo hành tại lớp,
hàng ngày đến lớp vẫn thấy bạn A bị đứng góc, tét tay, bạn B bị nhốt ngoài hành
lang, thì các con sẽ vẫn cảm thấy vui vẻ được chăng? Vẫn lớn lên với một tâm lý
khỏe mạnh được chăng?
Có
quá nhiều bất cập trong giáo dục nước ta từ cấp mầm non lên tới đại học. Trẻ em
lớn lên tại Việt Nam hẳn phải trải qua một “tuổi thơ dữ dội” hơn trẻ em tại nhiều
nước khác. Tuy nhiên, một khi nhà chức trách đang sống một cách vô cảm, bàng
quan với tương lai của đất nước, hay không cần quan tâm, nghĩ ngợi đến thế hệ mầm
non đang dần lớn lên, thì bản thân mỗi gia đình cần phải làm khác đi, nghĩ khác
đi và nhìn xa hơn lợi ích cá nhân của riêng mình. Chỉ cần mỗi người cha người mẹ
cẩn trọng hơn trong cách chọn trường lớp, lắng nghe con cái mình thay vì giao
phó hoàn toàn cho người trông trẻ, quan sát tìm hiểu môi trường con đang học,
những người con gặp hàng ngày… thì tôi tin rằng mầm mống của những nguy hiểm xảy
đến với các em sẽ không còn cơ hội phát triển. Như một vườn cây được chăm sóc
hàng ngày, sẽ không có cỏ dại mọc cản trở những nhánh mầm lớn lên khỏe mạnh từng
ngày.
-------------------------
* Blog của Hoàng Giang
là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA
nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment