Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 06-10-2015
Vào
ngày 05/10/2015, 12 nước hai bên bờ Thái Bình Dương đã thông qua Hiệp định Đối
tác Xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership), được đánh giá là một
thỏa thuận tự do mậu dịch lớn nhất trong lịch sử. Ngay sau khi văn kiện được
thông qua, giới quan sát đã thử phân tích xem ai được lợi nhiều nhất, và ai sẽ
bị thua thiệt nặng nhất. Một trong những câu trả lời lý thú đã được hãng tin Mỹ
Bloomberg đưa ra hôm nay : Được lợi nhiều nhất là Việt Nam, trong khi bị thua
thiệt nhiều nhất lại là Trung Quốc, một nước không được mời gia nhập khối TPP.
Tầm vóc của khối tự do mậu dịch xuyên Thái Bình
Dương phải nói là rất lớn, tập trung khoảng 40% kinh tế toàn cầu, với tổng mức
GDP lên đến gần 30 ngàn tỷ đô la, trải rộng từ Úc, New Zealand, Nhật Bản, qua
Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, để vươn tới Canada, Mỹ, Mêhicô, Chi Lê,
Peru.
Theo tính toán từ phía chính quyền Mỹ, một khi Hiệp
định TPP bắt đầu có hiệu lực, hơn 18.000 sắc thuế to nhỏ đánh vào hàng hóa do Mỹ
sản xuất sẽ bị loại bỏ, trong lúc mọi người, từ giới nuôi tôm Việt Nam cho đến
các nhà chăn nuôi bò sữa New Zealand, tất cả đều có quyền tiếp cận dễ dàng các
thị trường trên toàn vùng Thái Bình Dương.
Với
TPP Việt Nam có thể tăng được 11% GDP và 28% xuất khẩu
Để đạt được kết quả trên, các nước đã phải đàm phán
gay go trong suốt 5 năm, và nói đến đàm phán, tức là nói đến mặc cả với kết quả
là có được, có mất. Trích dẫn giới chuyên gia phân tích, hãng Bloomberg đã có một
nhận xét rõ ràng : Bên cạnh Nhật Bản, Việt Nam nằm trong danh sách các nước được
hưởng lợi nhiều nhất với hiệp định TPP.
Theo nhóm nghiên cứu Eurasia, thỏa thuận TPP có tiềm
năng giúp GDP Việt Nam tăng thêm được 11% vào năm 2025, với kim ngạch xuất khẩu
trong cùng thời điểm tăng 28% nhờ vào việc các công ty xí nghiệp di dời cơ sở sản
xuất của họ từ nước khác vào Việt Nam để tranh thủ mức lương còn thấp tại chỗ.
Một cách cụ thể hơn, hai ngành xuất khẩu chủ đạo của
Việt Nam là thủy sản và dệt may sẽ được lợi rõ nét. Việc giảm thuế nhập khẩu ở
Mỹ và Nhật Bản sẽ là một hậu thuẫn đáng kể cho ngành dệt may xuất khẩu của Việt
Nam, sẽ tranh thủ được lợi thế lương nhân công thấp của mình để giành lấy các
thị phần hiện nằm trong tay Trung Quốc…
Bên cạnh đó, ngành xuất khẩu thủy hải sản của Việt
Nam chắc chắn sẽ được lợi nhờ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu đang đánh vào các sản
phẩm như tôm, mực và cá ngừ, hiện đang ở khoảng 6,4% -7,2%.
Toàn cảnh dĩ nhiên không hoàn toàn mầu hồng : Việc
Việt Nam phải loại bỏ thuế nhập khẩu (hiện ở khoảng 2,5%) đánh trên dược phẩm,
sẽ dẫn tới một tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các công ty Việt Nam và các
công ty nước ngoài. Các quy định bảo vệ bằng sáng chế rất chặt chẽ trong TPP
cũng sẽ gây khó khăn cho các công ty dược phẩm Việt Nam trong việc tiếp cận với
các sản phẩm mới cũng như sản xuất ra các loại thuốc mới.
Trung
Quốc vừa mất thị phần, vừa phải ngồi nhìn Mỹ xoay trục
Điểm rất đáng chú ý trong bài phân tích của
Bloomberg tuy nhiên lại liên quan đến Trung Quốc, không thuộc TPP, nhưng lại bị
cho là sẽ bị thiệt thòi nhất vì phải đứng bên ngoài khối tự do mậu dịch này.
Thiệt thòi đầu tiên đối với Trung Quốc là vì đã lỡ tẩy chay TPP, cho nên giờ
đây, Bắc Kinh phải lặng yên ngồi nhìn Washington (và Tokyo) thắt chặt quan hệ với
khu vực, và thúc đẩy chính sách « xoay trục » của Tổng thống Mỹ Obama mà Trung
Quốc ghét cay ghét đắng.
Trung Quốc như đã nhận thức được sai lầm ban đầu đó,
vì thế, trong thời gian gần đây, đã bắt đầu đổi giọng, tung tín hiệu cho biết
là họ sẵn sàng gia nhập khối TPP trong tương lai.
Trong lãnh vực thuần túy thương mại, ngành xuất khẩu
Trung Quốc được cho là sẽ bị mất một số thị phần ở Mỹ và Nhật Bản vào tay các
nước Đông Nam Á trong TPP, đặc biệt là Việt Nam.
Trước mắt, theo một chuyên gia kinh tế của hãng
Bloomberg, để hạn chế tác hại đến từ TPP, Trung Quốc sẽ thúc đẩy chiến lược «
Con đường tơ lụa mới » của họ, phát huy hoạt động của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ
tầng Châu Á mà họ thành lập, và đàm phán thêm nhiều hiệp định tự do mậu dịch với
các nước khác.
No comments:
Post a Comment