20.10.2015
Cuối năm 2006, trong lúc lục đống giấy tờ cũ để tìm
tài liệu cho một bài viết mới, tôi tình cờ đọc lại mấy bức thư của nhà văn Mai
Thảo (1927-1998) gửi cho tôi. Mai Thảo mất chưa tới mười năm. Vậy mà những bức
thư ấy, dù được giữ gìn khá cẩn thận, giấy đã bắt đầu ố và một số nét chữ đã bắt
đầu bị phai hay nhoè đi rồi.
Cầm những bức thư của Mai Thảo, quên bẵng cái đề tài
mình đang định tìm tòi, tôi cứ tần ngần nghĩ ngợi mông lung.
Về Mai Thảo.
Về một số nhà văn và nhà thơ khác mà tôi quen biết.
Và về thư như một thể loại văn học.
*
Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, được gợi hứng từ lời tuyên bố “Thượng đế đã chết” của Nietszche, nhiều nhà phê bình và lý thuyết văn học trên thế giới thường hay nói đến những cái chết trong văn học: thoạt đầu, cái chết của tiểu thuyết, sau, cái chết của thơ; và đâu đó, ở khoảng giữa, cái chết của tác giả. Cho đến nay, hình như không lời báo tang nào thành sự thực. Tiểu thuyết vẫn còn. Thơ vẫn còn. Tác giả vẫn còn là một quyền lực lớn lao đằng sau các văn bản. Chỉ có một thể loại hình như có nguy cơ chết thật, chết một cách lặng lẽ: thư.
Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, thư bị tấn công dồn dập:
thoạt đầu, với sự ra đời của điện thoại, sau, của điện thoại di động, và, quan
trọng nhất, của điện thư (email) và các hình thức chuyện trò qua internet. Hiện
nay, dĩ nhiên vẫn còn khá nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới tiếp tục viết
thư cho nhau. Nhưng, không còn hoài nghi gì nữa, số lượng những người duy trì
được thói quen viết thư như thế càng ngày càng hiếm; tuổi tác của họ càng ngày
càng cao: một lúc nào đó, có lẽ không lâu lắm nữa đâu, thư chỉ còn là một hoài
niệm.
Ở Việt Nam, thậm chí thư không tồn tại được như một
hoài niệm. Bởi nó chưa từng hiện hữu một cách công khai, đàng hoàng, chính thức;
hoặc nếu hiện hữu, sự hiện hữu ấy cũng quá mờ nhạt, không hình thành hẳn một thể
loại riêng. Những chiếu, biểu, tấu, sớ, hay ngay cả những Quân trung từ mệnh,
những Hải ngoại huyết thư, những Thư thất điều... tuy lừng lẫy một thời, vẫn nặng
tính chất chính trị. Giá trị của chúng rõ ràng là lệch về phía lịch sử hơn là
phía văn học.
Những bức thư, thực sự là thư, của các nhà văn và
nhà thơ, được xuất bản rất ít. Phần lớn chỉ là những trích đoạn. Và những trích
đoạn ấy cũng khá hoạ hoằn. Lâu, lâu lắm mới bắt gặp một vài trích đoạn ngắn
trên báo chí. Chỉ gần đây, tôi mới thấy một tuyển tập thư dường như là đầu tiên
bằng tiếng Việt được in: tập Hồi ức tình yêu của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và
nhà báo Thanh Hương (nxb Lao Ðộng, Hà Nội, 2001). Tiếc, đó không phải là tập
thư hay. Không hay ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, cả Vũ Tú Nam lẫn Thanh Hương đều
không phải là những văn tài lớn. Thư họ không có cái đẹp lấp lánh ở ngôn ngữ.
Thứ hai, thời gian họ viết thư cho nhau, kéo dài cả nửa thế kỷ, là thời gian
chiến tranh khốc liệt, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Stalin đè bẹp ý
thức cá nhân: thư của cặp tình nhân và cặp vợ chồng ấy biến thành thư của hai
cán bộ tận tuỵ, đầy “tính đảng”, và cũng do đó, khá nhạt nhẽo.
Điều tôi cảm thấy thú vị nhất không nằm ở bản thân tập
thư mà ở hoàn cảnh ra đời của nó: mặc dù Vũ Tú Nam và Thanh Hương nâng niu gìn
giữ hơn 500 bức thư của họ trong cả nửa thế kỷ, thế nhưng, như lời giới thiệu ở
đầu sách, người đầu tiên nhận ra ý nghĩa và khuyến khích xuất bản những bức thư
ấy lại là một nhà văn nữ người Mỹ từng sống lâu năm ở Việt Nam: Lady Borton.
Chính Lady Borton là người đầu tiên phát hiện ra giá trị của những bức thư tình
riêng tư và cũ kỹ ấy, đã khuyến khích Vũ Tú Nam và Thanh Hương chọn lọc và xuất
bản, cuối cùng, đã đứng ra viết lời giới thiệu cho tập thư tình ấy. Ngoài Lady
Borton, người thứ hai động viên việc xuất bản các bức thư ấy cũng lại là một
người Mỹ, ông Edwin Stephenson, tác giả cuốn Journey of the Wild Geese vốn tập
hợp những bức thư mà ông và vợ ông gửi cho nhau trong thời gian hoạt động từ
thiện ở châu Âu sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Vũ Tú Nam và Thanh
Hương kể: “Khi được Lady kể về cái ‘kho’ thư từ của chúng tôi, Edwin gửi tặng
ngay cuốn sách mới in chưa ráo mực, nhằm động viên chúng tôi nên soạn các bức
thư và cho công bố.”
Có thể nói lời giới thiệu của Lady Borton và sự động
viên của Edwin Stephenson không phải chỉ là lời giới thiệu và động viên của một,
hai cá nhân mà còn là, nếu không muốn nói trước hết là, lời giới thiệu và động
viên của một nền văn hoá, cái nền văn hoá, ở đó, người ta có thể dễ dàng thấy
được ý nghĩa sử liệu, văn hoá, và cả văn học ở những bức thư ngỡ như riêng tư
và thầm kín nhất.
*
Vâng, quả là dễ dàng. Ở Tây phương, chỉ cần bước vào thư viện hay các tiệm sách, người ta có thể nhận ra vô số các tuyển tập thư được xuất bản một cách trân trọng. Mà đó không phải là hiện tượng mới. Phần lớn các triết gia cổ đại của Hy Lạp, từ Plato đến Aristotle, Isocrates, Demosthenes và Epicurus đều viết khá nhiều thư, trong đó, trừ Aristotle, một số thư của những người khác vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay.
Truyền thống trao đổi thư từ ấy kéo dài mãi về sau. Ở
vô số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, bên cạnh đam mê sáng tác còn có đam mê viết
thư.
Nghĩ đến những người viết thư nhiều ở Tây phương,
trong trí nhớ tôi hiện ra ngay một số tên tuổi, như: bà de Sévigné, tác giả của
hơn một ngàn bức thư gửi cho con gái; Patrick White, nhà văn Úc, tác giả của
khoảng hơn ba ngàn bức thư, chưa kể mấy trăm bức thư khác gửi cho mẹ và cho bạn
bị ông thu hồi và đốt hết; Rainer Maria Rilke, tác giả của khoảng mười ngàn bức
thư gửi cho nhiều người khác nhau. Henry James để lại hơn mười lăm ngàn bức
thư; Voltaire để lại hơn hai chục ngàn bức thư; đặc biệt Lewis Carrol, tác giả
cuốn Alice in Wonderland, trong vòng 37 năm, viết cả thảy gần một trăm ngàn bức
thư! Theo Mary V. Dearborn, trong cuốn The Happiest Man Alive, mỗi ngày nhà văn
Henry Miller bỏ ra khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ để viết thư. Ngoài 70 tuổi,
Miller yêu một cô gái Trung Hoa tên Lisa Lu, lúc ấy mới khoảng 30 tuổi: trong
vòng chín tháng, Miller viết cho cô 224 bức thư. Liên quan đến thư tình, Graham
Greene viết còn nhiều hơn cả Henry Miller: trong vòng khoảng 30 tháng, ông viết
cho Vivien, người yêu của ông, 2000 bức thư. Có ngày ông viết tới ba bức! Mà
không phải chỉ có thư tình. Greene viết đủ loại thư. Trung bình mỗi năm ông viết
2000 bức thư. Tổng cộng số thư còn lại của ông lên đến hàng chục ngàn bức.
Không phải chỉ viết thư riêng cho nhau, nhiều người
trong giới cầm bút Tây phương còn chọn cách trình bày các luận điểm của mình dưới
hình thức những bức thư ngỏ gửi công khai cho ai đó: ở đây, thư được dùng như một
thủ pháp nhằm phát huy giọng điệu tâm tình hầu thuyết phục người đọc không phải
ở phương diện nhận thức mà còn cả ở phương diện tình cảm. Cũng có một số nhà
văn đã sử dụng thư như một hình thức chính để dẫn dắt câu chuyện và phân tích nội
tâm nhân vật trong các tác phẩm tự sự của mình. Ovid, sinh năm 43 trước Công
nguyên và mất năm 18 sau Công nguyên, tức lớn tuổi hơn hai Bà Trưng ở ta đã viết
cuốn Epistulae Heroidum (hay Heroides), dưới hình thức mười tám bức thư của những
phụ nữ nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp gửi cho những người chồng hay những
người yêu xa vắng của họ, và ba bức thư hồi đáp của chồng hay người yêu họ.
Hình thức tương tự cũng xuất hiện lại trong tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau:
La nouvelle Heloise, của Alphonse Daudet trong cuốn Lettres de mon Moulin, của
Samuel Richardson trong cuốn Pamela, của Laclos trong cuốn Les liaisons
dangereuses. Cuốn tiểu thuyết Lady Susan của Jane Austen (1775-1817) được cấu
trúc bằng 41 bức thư và một lời kết luận ngắn. Jane Austen còn có một cuốn tiểu
thuyết khác, cuốn Elinor and Marianne, tiền thân của cuốn Sense and
Sensibility, cũng được viết dưới hình thức những bức thư.
Tất cả những hiện tượng kể trên, từ việc viết thư để
thông tin, để thuyết phục và để tâm tình, cũng như việc sử dụng thư như một
hình thức tự sự chính, đã nói lên ý nghĩa quan trọng của thư từ trong nền văn học
và văn hoá Tây phương. Về phương diện sử học, chúng là những tư liệu quý báu,
không những soi sáng nhiều vẻ đẹp vốn dễ bị xem là bí ẩn trong tác phẩm của các
nhà văn, nhà thơ mà còn khai mở nhiều góc cạnh khuất khúc trong cuộc đời của
các nhà văn, nhà thơ ấy cũng như, với những mức độ khác nhau, cả cái thời đại
mà họ sống và sáng tác. Một phần nhờ những bức thư như thế, ở Tây phương, tài
liệu có tính văn học sử bao giờ cũng giàu có đến độ khiến chúng ta phải thèm
thuồng, thậm chí, ghen tị. Về phương diện nghệ thuật, thư từ là một thủ pháp đắc
dụng để bộc lộ những gì u uẩn trong nội tâm và dễ dàng khơi động sự đồng cảm ở
người đọc. Có thể nói, một cách tổng quát, thư từ là một thể loại văn học với một
lịch sử riêng và những đặc trưng nghệ thuật và mỹ học riêng, ở đó, chúng ta được
hưởng những cảm giác thích thú theo những hơi văn dìu dặt hay những triều tư tưởng
dào dạt từ những cây bút không những tài hoa trong diễn đạt mà còn cực kỳ thông
minh và tinh tế trong cách nhìn văn học cũng như nhìn cuộc đời.
*
Đó là chuyện ở Tây phương.
Đó là chuyện ở Tây phương.
Còn ở Việt Nam? Thư, với tư cách một thủ pháp nghệ
thuật và một hình thức tự sự, cũng đã được sử dụng; không nhiều, nhưng có, từ
Nhất Linh, trong truyện ngắn “Mười năm qua” đến Toàn Phong trong cuốn Đời phi
công (1960) và một số nhà văn khác, trong đó có Võ Phiến với những “Thư nhà”
(1962), Thư gửi bạn (1976) và Lại thư gửi bạn (1979), v.v... Nhưng liên quan đến
thư, với tư cách một hình thức trao đổi riêng tư giữa giới cầm bút với nhau, có
ba sự kiện không thể phủ nhận được: Một, viết thư chưa phải là một thói quen của
đa số người cầm bút; hai, việc sưu tập và bảo quản thư từ của giới cầm bút chưa
phải là một thói quen của xã hội, kể cả ở giới trí thức; và ba, việc xuất bản
những bức thư ấy chưa phải là một thói quen trong sinh hoạt văn học.
“Chưa”, trong trường hợp này, cũng có nghĩa là
không, không bao giờ: với sự phổ cập của các phương tiện truyền thông hiện đại,
thói quen viết thư cho nhau lại càng không có cơ hội để nẩy nở. Bởi vậy, những
nhà văn và nhà thơ được xem là viết thư nhiều nhất từ đầu thế kỷ 20 đến nay
cũng dễ dàng trở thành những người viết thư nhiều nhất trong cả lịch sử văn học
Việt Nam nói chung: họ là những thế hệ đầu tiên và đồng thời, có lẽ, cũng là những
thế hệ cuối cùng được nuôi dưỡng trong văn hoá thư từ. Họ mới xuất hiện chưa
bao lâu đã đối diện ngay với nguy cơ tuyệt chủng. Cũng bởi vậy, những bức thư của
các thế hệ này chắc chắn là những di sản cực kỳ quý báu, chỉ xuất hiện một lần.
Rồi thôi. Trước: không có. Từ nay về sau: càng không thể có.
Nhưng ai là những nhà văn và nhà thơ viết thư nhiều nhất lâu nay? Tôi không biết. Khi thư từ của giới cầm bút chưa được sưu tập và bảo quản, chúng ta sẽ không có cơ sở nào để biết được câu trả lời chính xác. Tôi chỉ biết chắc một điều: những bức thư ấy, dù do bất cứ nhà văn và nhà thơ nào viết ra, cũng đang tản mác khắp nơi và phần lớn đang đối diện với nguy cơ bị mục nát theo thời gian.
Trong số những bức thư đang dần dần biến mất ấy chắc
chắn sẽ có những bức thư chứa đựng những tài liệu vô giá liên quan đến những
cây bút tài hoa nhất và những vấn đề quan trọng nhất của văn học Việt Nam đương
đại. Mất chúng, nhiều bí ẩn sẽ vĩnh viễn là những bí ẩn. Vĩnh viễn.
Đối diện với tình trạng ấy, chúng ta có thể làm được
gì chăng?
Dĩ nhiên chỉ có một cách: sưu tập và in lại các bức
thư mà họ viết. Bản thân tôi, từ lâu, ngay trong thời gian tôi viết cuốn Võ Phiến
(Văn Nghệ, 1996) (1), lúc tôi nắm trong tay hàng trăm bức thư thật thú vị của
Võ Phiến, tôi đã có ý nghĩ: phải tập hợp và, một lúc nào đó, công bố những bức
thư ấy (2).
Ý định ấy trở thành một sự thôi thúc càng mạnh thêm
khi tôi nhớ, cách đây mấy chục năm, nhà văn Tam Ích từng có lần đề nghị với nhà
văn Vũ Bằng là hai người sẽ viết và in chung một tập thư, dự định lấy nhan đề
là Thư giữa Vũ Bằng và Tam Ích. Tập thư ấy vĩnh viễn không bao giờ ra đời,
thậm chí có lẽ chưa kịp bắt đầu, vì chỉ mấy tháng sau đó Tam Ích đã tự tử. Để
đưa đầu vào được sợi dây thòng lọng lơ lửng từ trần nhà, ông đã đứng lên trên một
chồng sách thật cao.
Nó lại càng mạnh mẽ hơn nữa khi tôi cầm trên tay những
bức thư của Mai Thảo tình cờ nhìn thấy trong đống hồ sơ cũ. Mai Thảo mất vào
tháng giêng năm 1998. Đến lúc ấy, cuối năm 2006, mới được chín năm. Mà giấy đã
bắt đầu vàng và chữ cũng đã bắt đầu phai rồi.
Nhanh vậy sao?
***
Chú thích:
(1) Người Việt mới tái bản dưới tên mới: Võ Phiến, Một Đời Trăn Trở.
(2) Xem cuốn Thư Võ Phiến do Nguyễn Hưng Quốc biên tập, Người Việt xuất bản năm 2015. Sách có thể mua trên Amazon.
Chú thích:
(1) Người Việt mới tái bản dưới tên mới: Võ Phiến, Một Đời Trăn Trở.
(2) Xem cuốn Thư Võ Phiến do Nguyễn Hưng Quốc biên tập, Người Việt xuất bản năm 2015. Sách có thể mua trên Amazon.
-----------------------------------------
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng
ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment