Thursday, October 15, 2015

Tập Cận Bình khôi phục Khổng Tử: Lợi bất cập hại ? (Mai Vân - RFI)





RFI ĐIỂM BÁO 15-10-2015
Đăng ngày 15-10-2015 

Học sinh trong trang phục truyền thống trong một buổi lễ tại đền thờ Khổng Tử, ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, ngày 01/09/2013.  Reuters/路透

Châu Á ngày 15/10/2015 không bị báo chí Pháp bỏ quên với tình hình từ Trung Quốc qua Nhật Bản và xuống Indonesia. Nổi bật là Le Figaro đã dành nguyên một trang cho phóng sự ở Trung Quốc của thông tín viên Patrick Saint Paul với tựa đề : « Và Trung Quốc làm sống lại Khổng Tử ». Tờ báo phân tích cái lợi đối với Tập Cận Bình khi khôi phục Khổng Tử, nhưng tự hỏi là phải chăng lợi sẽ bất cập hại.

Tờ báo nhắc lại là nhân vật bị cấm đoán thời Mao vì bị cho là phản động, đã thật sự được phục hồi từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền : Bắc Kinh xem lời dạy của Khổng Tử như một công cụ lý tưởng để kiểm soát chế độ chính trị và bóp nghẹt nguyện vọng dân chủ. Tại Khúc Phụ (Gufu), quê quán của Khổng Tử, chính quyền đã cho trùng tu rực rỡ ngôi đền của nhà hiền triết, và đã đào tạo 400 viên chức để truyền bá những lời dạy của Khổng Tử cho số 640.000 dân.
Ở Bắc Kinh, tác giả bài phóng sự đã đến trường thực nghiệm tên tiếng Anh là Beijing Banian Experimental School, nơi mà học sinh ở đây thoạt nhìn cách ăn mặc với những màu xanh trắng hay đỏ trắng, khác hẳn với những trẻ em khác. Trước khi vào lớp học, các em phải nhắm mắt, chắp tay nghiêng mình trước tượng bằng đồng của Khổng Tử.
Tại trường này, các môn toán, khoa học, tin học, ngoại ngữ... chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất là những lời dạy của Khổng Tử. Đây là đúng với trào lưu phục hồi Khổng Tử ở Trung Quốc và được đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích. Các em tại trường tuổi từ 4 đến 14, buổi sáng là học những lời dạy của Khổng Tử, tập viết và buổi chiều tối mới học toán và Anh ngữ.
Tác giả bài viết được nghe các em trước khi học đồng thanh hô to « là con trai, tôi phải dậy sớm tự xếp quần áo, và buổi tối phải suy nghĩ về thái độ của mình trong ngày » và cũng được nghe một cô giáo giải thích là « các em học như máy, không cần hiểu, và tập cho các em khiêm tốn, không chỉ nghĩ đến thành công và tiền tài ». Theo cô giáo này, các em sẽ có một tấm lòng tốt hơn khi tôn trọng tôn ti trật tự của xã hội.
Tác giả bài phóng sự nhắc lại là đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức bắt đầu khôi phục Khổng Tử từ năm 2010. Sự khôi phục này đã tăng tốc từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Năm ngoái ông đã đến dự lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 2565 của nhà hiền triết và cũng đã đến Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông) ; mà theo lời ông, để « đưa ra tín hiệu là phải cổ vũ mạnh mẽ cho văn hóa truyền thống Trung Hoa ».
Các lãnh đạo Trung Quốc, theo bài báo, đã xem cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là mô hình đáng noi theo. Cố lãnh đạo Singapore đã dựa trên các giá trị Nho giáo : tuân thủ quy tắc, tôn trọng cấp bậc, người cao niên, làm việc có quy củ... để cai trị và đã thành công, đánh đổi kinh tế phồn thịnh với chế độ nghiêm khắc.
Bài báo đánh giá là khế ước này ở Trung Quốc giữa đảng Cộng sản và dân chúng đang bị đe dọa với mô hình kinh tế đang hụt hơi. Và Nho giáo trở thành một công cụ hữu ích để kiểm soát chặt chẽ chế độ và bóp nghẹt các nguyện vọng dân chủ. Hiện nay thì các trường dậy về Khổng Tử mọc lên khắp nơi ở Trung Quốc. Hiệp Hội Khổng Tử Trung Quốc (CFC), một cơ chế chính thức, đã lên chương trình mở thêm 10.000 trường mới trong những năm tới đây.
Tuy nhiên theo tác giả bài phóng sự, không chắc là việc khôi phục lại Khổng Tử sẽ làm các nguyện vọng dân chủ của người dân Trung Quốc im đi, mà ngược lại giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ lấy làm tiếc là đã khôi phục lại nhà hiền triết, nếu người dân đòi hỏi họ phải trung thực và làm gương như Khổng Tử đã dạy.

Nhật Bản khôi phục điện nguyên tử
Báo kinh tế Les Echos và Le Monde hôm nay cũng có bài viết về Châu Á. Les Echos chú ý đến việc Nhật Bản cho khởi động lại lò phản ứng hạt nhân thứ hai của trung tâm điện hạt nhân Sendai vào sáng nay và có thể sản xuất điện kể từ tuần tới.
Les Echos nhận thấy là điện hạt nhân đang quay trở lại Nhật, mặc dù hàng ngàn người vẫn biểu tình chống đối : Gần 2000 người đã xuống đường để phản đối việc khởi động lại lò phản ứng hạt nhân thứ hai này, nhưng phong trào có vẻ mờ nhạt đi, vì thiếu hưởng ứng chính trị. Thủ tướng Abe, người luôn cổ vũ cho điện hạt nhân, xem như đã thắng thế với những yếu tố kinh tế và cả môi trường : Giảm phần nhập nhiên liệu, giảm lệ thuộc, giảm chi tiêu, giá điện rẻ hơn và còn giúp Nhật giữ lời hứa về khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

UNESCO kích động mối bất hòa Trung Nhật
Cũng liên quan đến Châu Á, báo Le Monde trên trang quốc tế nhắc lại một hồ sơ lịch sử liên quan đến cuộc thảm sát Nam Kinh lại gây thêm căng thẳng giữa Nhật và Trung Quốc. Tuy nhiên lần này mầm mống gây họa lại là Unesco, cho nên tờ báo đã chạy hàng tựa : « Unesco khơi lại cuộc tranh cãi giũa Tokyo và Bắc Kinh ».
Tờ báo nhắc lại việc Unesco mới đây đã đồng ý với đề nghị của Trung Quốc, đưa những tài liệu mà Trung Quốc cung cấp về sự kiện lịch sử này vào danh mục Ký ức của nhân loại. Tokyo phẫn nộ tố cáo mục tiêu chính trị vì hai bên không đồng ý trên nhiều điểm, như về số nạn nhân chẳng hạn : Trung Quốc cho là có đến 300.000 người, còn sử gia Nhật chỉ nói đến từ 20.000 đến 200.000 người chết ; Tokyo cũng dứt khoát không chấp nhận từ « thảm sát » của Trung Quốc, mà chỉ nói đến « sự cố ».
Không nói thẳng nhưng tác giả bài viết nhìn thấy Unesco có cơ sở, vì định chế Liên Hiệp Quốc này đã làm theo đề nghị của một Ủy ban gồm 14 sử gia và chuyên gia nghiên cứu tư liệu, và cũng có những văn bản về các phiên tòa ở Trung Quốc và Nhật Bản sau chiến tranh, đã cho phép xử những tướng lãnh như các ông Iwane Matsui, Hisao Tani.

Vụ tàn sát người Cộng sản Indonesia cách nay 50 năm vẫn bị lãng quên
Ngày Mùng Một tháng Mười vừa qua đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày khởi đầu một sự kiện kinh hoàng tại Indonesia, với một « tội ác diệt chủng chính trị » mà ngày nay đã gần như bị lãng quên : Hơn 500.000 đảng viên và cảm tình viên đảng Cộng sản Indonesia đã bị tàn sát trong một khoảng thời gian một năm. Báo Le Monde hôm nay, đã trở lại sự kiện bi thảm này và nêu bật thực trạng là dù nửa thế kỷ đã trôi qua, bức màn cấm kỵ vẫn bao trùm tại Indonesia.
Người ta từng hoài công hy vọng là sau ngày người được cho là chủ mưu cuộc tàn sát là nhà cựu độc tài Suharto bị sụp đổ vào năm 1998, vấn đề vụ thảm sát này sẽ được đưa ra ánh sáng. Hy vọng lại lóe lên khi ông Joko Widodo, đắc cử Tổng thống.
Là lãnh đạo quốc gia Indonesia đầu tiên không nắm giữ vị trí chính trị nào thời Suharto, ông Widodo được cho là có thể ủng hộ việc Nhà nước chính thức bày tỏ sự hối tiếc về vụ tàn sát tập thể này. Thế nhưng Tổng thống Widodo đã lại gây thất vọng : Chính phủ sẽ không công khai lên tiếng xin lỗi các nạn nhân hoặc người thân của các nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1965.
Báo Le Monde đã tóm lược những gì đã xẩy ra hôm 01/10/1965 : Mọi sự bắt đầu sau 3 giờ sáng một chút khi một đoàn quân xa lặng lẽ di chuyển trên đường phố thủ đô Jakarta, dưới ánh sáng lù mù của đèn đường. Khi đến mục tiêu, lính trên xe đổ xuống và bắt giữ ngay 6 viên tướng. Ba người bị hạ sát tại chỗ, ba người còn lại sẽ bị giết sau đó.
Vào sáng sớm, những người lãnh đạo cái gọi là « Phong trào 30 tháng 9 » tức phe đã giết 6 viên tướng và tự nhận là « Ủy ban Cách mạng » đã khẳng định sự liên hệ của họ với Tổng thống Indonesia Sukarno, một trong những tiếng nói quan trọng của khối « Phi liên kết », và một nhân vật tiêu biểu của các cường quốc mà vào lúc đó vẫn còn được gọi là thế giới thứ ba.
Trung tá Untung, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Tổng thống và là người đứng đầu của « Ủy ban Cách mạng » đã loan báo là hành động của họ là nhằm bảo vệ Tổng thống và ngăn chặn một « cuộc đảo chính ». Theo nhân vật này, thì các thành phần cánh hữu trong quân đội, bực tức trước những quan hệ gần gũi giữa Tổng thống Sukarno với đảng Cộng sản Indonesia PKI, đang chuẩn bị một cuộc đảo chính với sự giúp đỡ của CIA...

Suharto ra tay với sự giúp đỡ của Mỹ
Tuy nhiên vào buổi trưa cùng ngày, Tướng Suharto, nhà độc tài tương lai của Indonesia, đã giành lại quyền kiểm soát các cơ sở khác nhau bị người của « Hội đồng Cách mạng » chiếm đóng, và đồng thời mặc nhiên chiếm lấy quyền hành. Tổng thống Sukarno đã bị Suharto gạt ra bên lề, và đã phải nhường lại toàn bộ quyền hành cho Suharto. Thế là chiến dịch đàn áp được tung ra, nhắm vào tất cả người cộng sản Indonesia, cũng như đồng minh của họ là thiểu số người Hoa, bị cáo buộc là « đạo quân thứ năm » của chế độ Bắc Kinh, đồng minh của Tổng thống Sukarno...
Với sự giúp đỡ của các tổ chức Hồi giáo hùng mạnh, quân đội và các lực lượng dân quân đã tổ chức các cuộc tàn sát ở Java, Sumatra, Bali và Borneo. Bên cạnh con số nửa triệu người bị giết, còn có 750.000 người bị tra tấn và bị đưa đến các trại tập trung.
Theo Le Monde, tất cả những sự kiện đó đều được sự đồng ý hoàn toàn của Hoa Kỳ : Vào lúc chiến tranh lạnh Đông-Tây đang diễn ra, Mỹ đã sẵn lòng cung cấp cho các lãnh đạo của «Trật tự mới », tên của chế độ mới do Tướng Suharto thành lập, danh sách các cảm tình viên của đảng Cộng sản hoặc những nhân vật có khả năng chống lại chế độ mà CIA tạo dựng.
Vấn đề được báo Le Monde nêu bật là vụ tàn sát này hầu như đã bị rơi vào quên lãng. Vào năm 2009, nhật báo tiếng Anh Jakarta Globe đã công bố một cuộc thăm dò cho thấy rằng một nửa số người được hỏi không bao giờ nghe nói về các vụ thảm sát những năm 1965-1966.
Phải chờ đến khi có những lời chứng khủng khiếp của các cựu đao phủ và gia đình các nạn nhân được ghi lại trong hai bộ phim tài liệu rất thành công của Joshua Oppenheimer, The Art of Killing (Nghệ thuật giết người) và The Look of Silence (Bóng dáng của sự im lặng) thì người ta mới bắt đầu nhắc đến tấn thảm kịch bị quên lãng đó.

Một cái bẫy do chính Suharto giăng ra ?
Năm mươi năm đã trôi qua, nhưng động cơ thúc đẩy « Phong trào ngày 30 tháng 9 » vẫn chưa rõ ràng : Tại sao những người lính ủng hộ đảng Cộng sản lại giết sáu viên tướng ? Nhà báo Úc Hamish McDonald, một chuyên gia về Indonesia, đã tiết lộ rằng một nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã tiết lộ nội dung của một cuộc họp tại Bắc Kinh vào tháng Tám năm 1965, giữa Dipa Nusantara Aidit, lãnh đạo PKI, và Mao Trạch Đông. Nhân cuộc họp này, lãnh đạo Cộng sản Indonesia đã gợi lên ý tưởng thành lập một « Ủy ban Cách mạng » để giành chính quyền. 
Nhưng MacDonald tự hỏi là vì sao các cán bộ của « Ủy ban Cách mạng » lại vội vàng hành động một vài tuần sau đó ? Vì họ thực sự nghĩ rằng một nhóm tướng phát xít sẽ lật đổ Sukarno, hay là vì « họ bị làm cho lầm tưởng » rằng cuộc đảo chính đó sắp xẩy ra ?
Một số nhà sử học không loại trừ khả năng là các thành viên của « Uỷ ban » đó bị rơi vào cái bẫy của các thành phần khiêu khích do Suharto giật dây. Có thể là từ trong hậu trường, Suharto đã thúc đẩy cho cuộc đảo chính xẩy ra để biện minh cho chiến dịch đàn áp khốc liệt chống lại những người Cộng sản sau đó...

Pháp : Đối thoại xã hội khó khăn
Cuộc tranh chấp giữa nhân viên và ban giám đốc hãng hàng không Air France càng lúc càng gay gắt đến nỗi 5 nhân viên hãng này bị câu lưu ngay tại nhà, đã chiếm gần như là hầu hết các tựa đầu báo Pháp hôm nay. Nhìn chung như tựa của Le Figaro, các báo nhìn thấy thế «khó xử » của chính phủ, hay như Le Monde sự cố minh họa cho tình hình « đối thoại xã hội khó khăn » ở Pháp.

Châu Âu bị người tị nạn thách thức
Thời sự nóng bỏng về làn sóng di dân ti nạn đổ vào Châu Âu với việc các nguyên thủ quốc gia họp vào hôm nay tại Bruxelles để tìm câu giải đáp, cũng là hồ sơ quan trong hàng đầu ngày thứ Năm này.  La Croix nhìn thấy « Châu Âu khổ nhọc trước những thách thức của vấn đề tị nạn », còn Le Figaro nhìn sang Đức, nước đón nhiều người nhất, thì ghi nhận việc « Chính sách mở cửa của bà Merkel ngày càng bị chống đối », một tựa trên trang nhất.







No comments: