Thursday, October 8, 2015

Nhớ nhà văn Nhật Tuấn (Văn Giá - BBC)





Văn Giá
Viết từ Hà Nội
8 tháng 10 2015

Cách đây chừng 3-4 năm, trên trang Lethieunhon.com đang nổi đình nổi đám bởi hàng loạt các chân dung nhà văn hiện đại xứ ta do cùng một nguòi viết lấy tên Trần Ngọc Lãng.

Không rõ người viết là ai? Hỏi nhiều người trong giới cũng không ai biết. Mãi sau này người ta mới rỉ tai nhau: Nhật Tuấn đấy. Xì xào vậy thôi, chứ cũng không ai dám đoan quyết đấy là Nhật Tuấn. Nói theo cái giọng trơn mồm bây giờ: đó là chuyện…nhạy cảm.

Đọc bị cuốn hút. Cuốn hút không phải bởi tư liệu, mặc dù tư liệu cũng ngồn ngộn, thậm chí nhiều chuyện khiến giật mình. Nhưng mình là thế hệ đàn em rất sau, nên không có điều kiện kiểm chứng, thành ra bụng bảo dạ: không nên tin vội những tư liệu mà mình đang còn thấy hoang mang...

Nhưng qua những trang viết này, thấy nhất quán một Nhật Tuấn nồng nhiệt tra vấn lại nhiều vấn đề về một thế hệ bạn văn lớp trên, nhất là những nguòi viết cùng thời. Ông cắt nghĩa con đường đi vào văn chương. Ông chỉ ra mỗi quan hệ phức tạp của một số cây bút với nhiều vùng tối không dễ gì biết được giữa họ với thời cuộc. Ông cũng không ngần ngại định vị mới/ định vị lại một số nhà văn với một thái độ mạch lạc, có vẻ như sòng phẳng, không che chắn...Nhờ các trang viết này màlethieunhon.com nổi như cồn. Nghe đâu sau đó cũng vì những trang viết này mà lethieunhon.com sập tiệm!

Nhiều người tiếc!

Sau này, Nhật Tuấn lập trang web riêng, mạch chân dung ấy lại nối nhau ra đời. Thế nhưng lạ lắm, đọc lại thấy không còn hấp dẫn nữa. Chả hiểu tại sao. Hình như, có những cái viết nó ăn nhau ở thời điểm ra đời thì phải. Như cách người ta thường nói: Nó chọn đúng điểm rơi.

Mang lòng yêu mến sẵn từ khi đọc “Trang 17”, “Đi về nơi hoang dã”, cộng với đọc sấp chân dung, thừa dịp đi dạy học ở Bình Dương, mình lập đội cùng mấy học viên đánh xe vào thăm trang trại Nhật Tuấn.

Í ới qua phone, anh đi xe máy ra đường lộ đón. Qua một thôi đường hai bên toàn là rừng cao su, vườn cây trái xanh rì. Trông anh vạm vỡ, sương gió. Áo đóng thùng. Kính râm đen. Xe phân khối lớn. Dừng lại trước cổng sắt. Một con chó béc-giê to vật từ trong sân lao ra, chồm lên cánh cổng. Biết được chủ, nghe mấy lời dọa dẫm ầm ừ, nó cum cúp vào chuồng. Nhật Tuấn bảo: “Mỗi khi mình về Sài Gòn, nó ở lại trông nhà. Quan trọng lắm đấy”.

Lúc này nắng chiều đã sắp tàn. Ngó vào phòng làm việc của anh, nào là bàn, giường, tủ, ghế, giá để thiết bị âm thanh điện tử, máy tính, máy ảnh, camera, sách vở, tranh ảnh…bày la liệt. Anh khoe: “Tớ ở đây một mình nên phải có đủ cả, không thiếu thứ gì. Cần nhạc có nhạc, cần phim có phim, cần internet có internet…”. Nghe anh nói, thấy anh có vẻ hài lòng về nơi ở của mình lắm.

Lúc sau, anh bảo để anh xuống bếp làm chút đồ nhậu rồi uống rượu. Thoắt cái, anh pha chế gia vị, chặt vịt, cho vào lò nướng, chả mấy chốc đã thơm điếc mũi. Mấy cô học viên phụ giúp anh làm rau thơm rau sống để đưa cay…Chả mấy chốc mâm rượu được ngả ra. Rất tinh tươm, từ khâu chế biến đến khâu bày biện, đâu ra đấy. Nguời đàn ông sống một thân một mình sẽ rơi vào hai khả năng: hoặc cơm niêu nước lọ, tạm bợ, thậm chí có phần mọi rợ; hoặc họ tự vượt lên để duy trì một cuộc sống vẫn phong lưu tươm tất như ai. Nhật Tuấn đã chọn theo cách thứ hai. Ăn bao giờ cũng ngồi bàn. Cơm bao giờ cũng đủ món, món để nhậu, món để chan, món để ăn cơm cho vừa miệng, tất cả được bày biện lên mâm đẹp mắt. Rượu lúc nào cũng thuộc loại ngon lành thứ thiệt…

Mà kể cũng lạ, mình cứ gạ chuyện văn chương để hỏi anh, nhưng anh lại có vẻ cứ vuỗi đi, chuyển sang chuyện khác.

Anh kể: mỗi lần mình về Sài Gòn khoảng mươi ngày, rồi lại lên. Từ đây về SG cách chừng già 60 cây số. Vâng, vẫn phóng xe máy, đâu có ngán. Đi một mạch khoảng hơn 2 tiếng tới nơi chứ nhằm nhò gì…Còn con chó ư? Mình có cách chứ. Mình mua loại thức ăn chuyên dụng bán sẵn ở cửa hàng, để ra thành hàng gồm 10 suất đều đặn dành cho khẩu phần mỗi suất/ ngày, bên cạnh là một thùng nước. Đến bữa nó cứ chỉ việc ăn thôi. Hết 10 ngày, mình lại lên rồi. Cái gì cũng phải quen. Ban đầu nó ăn cũng hơi lung tung. Sau mình rèn, nó chấp hành răm rắp… Mình lại muốn dứt chuyện chó để hỏi vào chuyện văn chương, anh lại kéo mình sang chuyện vườn tược: Đằng sau nhà mình là một khoảng rừng. Cũng mới để đấy, chứ chưa định làm gì. Thỉnh thoảng mình cũng ra cuốc đất như một lão nông thứ thiệt chứ lại…

Mình định bảo cái cú “Đi về nơi hoang dã” của anh là thâm lắm đấy nhé, cứ để cho cái đoàn địa chất đi tìm, tìm cái gì đếch biết, nhưng mà vẫn cứ đi tìm…Mà giá ngày ấy, nếu may mắn chút thôi là anh ẵm giải to về tiểu thuyết chứ lại. So với mấy cái kia, em thấy cái này của anh trội hơn nhiều.

Anh lại bảo: Phía trước nhà anh là cơ ngơi của thằng con ông Nhật Tiến đấy. Bên ấy thì đẹp hơn, quy củ hơn. Có nguòi ở thường xuyên nên đẹp là phải. Chứ bên mình, lâu lâu không lên, bao nhiêu khóm hoa héo chết tiệt cả luôn…

Sau lần ấy, thi thoảng anh em vẫn “còm” với nhau trên “phây”, nói đủ thứ chuyện. Thỉnh thoảng vào “còm”, anh lại đá móc mình một cái, mình biết anh đùa yêu, nên không dám đành hanh…

Thế mà nghe tin hôm nay anh đã đi xa. Bẩy tư tuổi ở thời này đâu đã hẳn già. Mà trông hình ông anh trên “phây” vẫn ngon lành cành đào lắm kia mà.

Quả thật là vẫn không tin được rằng Nhật Tuấn đã đi xa…

---------------------
Tác giả bài viết hiện là Chủ nhiệm Khoa Viết văn - báo chí Đại học Văn hoá Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN :






No comments: