RFI
ĐIỂM BÁO :
Đăng ngày 10-10-2015
Một buổi trình diễn
nhạc rock trong Festival MIDI Music, công viên Haidian, Bắc Kinh,
01/05/2015.Reuters/Grace Liang
Báo
Pháp ngày cuối tuần (10/10/2015) có khá nhiều bài viết về Trung Quốc liên quan
đến nhiều lãnh vực : kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại. Đặc biệt, tờ
Libération quan tâm đến một khía cạnh văn hóa cho đến giờ ít ai để ý tới đó là
tại Trung Quốc, giới nhạc rock – niềm đam mê của giới sinh viên trong nước
- đang trở thành nạn nhân của chính sách « bài phương Tây » do
Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng, nhất là ngay tại thủ đô.
« Bắc Kinh đập vỡ các sàn diễn » là
nhận định đầu tiên, và cũng là tựa đề bài viết. Tờ báo cho rằng năm 2015 là một
năm đen đủi của nền nhạc rock Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, nhiều tụ điểm nhạc
rock đã bị đóng cửa, chí ít 4 trong tổng số 15 chương trình biểu diễn bị hủy….
dưới nhiều cớ khác nhau, như san lấp mặt bằng xây cao ốc, có ma túy, khó khăn
kinh tế hay bị cảnh sát sách nhiễu.
Tờ báo lấy ví dụ như điểm chơi nhạc XP theo dòng
post-punk của nhóm Maybe Mars tại Mỹ đã đóng cửa. Michael Pettis, chủ nhân câu
lạc bộ thì giải thích là ông cho đóng cửa để mở phòng tranh ảnh như mơ ước từ
lâu. Nhưng trên thực tế, việc đóng cửa câu lạc bộ này xảy ra, ngay sau khi một
đoàn cảnh sát đến làm việc trong khi đang có buổi trình diễn của một ban nhạc
rock Nhật Bản.
Mùa xuân rồi còn tệ hại hơn : hai chương trình liên
hoan nhạc rock lớn hồi tháng 5/2015 của hai ban nhạc lớn nhất tại Trung Quốc
Strawberry và Midi cũng đã bị hủy do không có được giấy phép tổ chức cần thiết,
trong khi những năm trước đều được phép. Libération nhắc rõ chỉ riêng hai ban
nhạc này họ đã có thể thu hút đến hơn 200.000 khán giả ngay tại Bắc Kinh.
Nhạc rock Trung Quốc giờ không chỉ nổi danh trong nước,
với thành phần hâm mộ chính là giới sinh viên, mà cũng bắt đầu gây được sự chú
ý của nhiều hãng quốc tế lớn như Tuborg, Intel.
Bởi
vì nhạc rock đến từ phương Tây
Từ những nhận định chung đó, Libération cho rằng giới
tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc (livehouse) và các liên hoan tại Bắc
Kinh hiện nằm trong vô số các nạn nhân của chính sách chỉnh đốn ý thức hệ do Chủ
tịch Tập Cận Bình khởi xướng kể từ khi lên cầm quyền năm 2012.
Chủ tịch Trung Quốc công khai quan điểm bài « tư
tưởng và văn hóa phương Tây » đương nhiên trong đó có nhạc rock. Trong
bài diễn văn hồi tháng 10 năm 2014, Chủ tịch Tập quy định là giới nghệ sĩ phải
chuyển tải các « giá trị xã hội chủ nghĩa » và không nên phổ
biến « sự hôi hám của đồng tiền ».
Theo Bộ Văn hóa, giới nghệ sĩ cũng không nên « khêu
gợi tính tục tĩu, bạo lực, tội ác hay đe dọa xã hội ». Chính là căn cứ
vào quy định này, các nhà kiểm duyệt hồi tháng 8/2015 đã công bố danh sách 120
bản nhạc bị cấm hát. Những ai không tuân lệnh, dám lên chương trình cho những bản
nhạc này trong các mục giải trí Trung Quốc hay Đài Loan cho dù đó là một chương
trình lớn, đều có nguy cơ bị « trừng phạt nghiêm khắc ». Một
điểm mới nữa là, Bắc Kinh sở hữu cả một đạo quân « cảnh sát tin học »,
chuyên trách truy lùng những nội dung được cho là « bất chính »
trên những trang mạng lớn như Alibaba hay Tencent.
Bài viết cho rằng, trong một xã hội theo kiểu
Orwell, nơi mà việc khóa chặt tự do ngôn luận và các án phạt nặng nề đạt con số
kỷ lục, thì chẳng có gì phải lấy làm ngạc nhiên là các quan chức địa phương
luôn có xu hướng càng lấy ít rủi ro chừng nào càng tốt chừng nấy. Theo giải
thích của ông Pierre-Alexandre Blanc, một nhà tổ chức đại nhạc hội tại Bắc Kinh
« Cảnh sát khu vực chẳng được lợi ích gì khi cho phép tổ chức một buổi
biểu diễn nhạc rock (…). Lúc nào cũng có thể xảy ra vấn đề hay tai nạn trong việc
tổ chức và nếu như vậy mọi trách nhiệm lại rơi lên đầu anh ta ».
Ủng
hộ Đạt Lai Lạt Ma thì không được diễn
Bắc Kinh cũng là khu trung tâm quyền lực, do đó các
quan chức khu vực còn phải chịu nhiều áp lực hơn nữa và chính vì thế họ còn
nghiêm khắc hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nhìn các vụ tụ tập công chúng dưới
một con mắt ngờ vực.
Không chỉ có đối với các ban nhạc trong nước, các
ban nhạc nước ngoài muốn đến lưu diễn tại Trung Quốc cũng phải chịu sự kiểm
soát gắt gao của Bắc Kinh. Tờ báo nhắc lại vụ hủy chuyến lưu diễn tại Bắc Kinh
và Thượng Hải của ban nhạc Bon Jovi dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng
9/2015, chỉ vì một lý do thật ngớ ngẩn đó là ca sĩ nhạc rock FM đã từng chiếu
hình ảnh đức Đạt Lai Lạt Ma trong một chương trình biểu diễn tại Đài Loan cách
đây 5 năm. Nhưng đối với chính quyền Trung Quốc, đó là một trọng tội.
Bắc Kinh cho rằng mọi « hành động ủng hộ »
cho Tây Tạng đều « gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia ».
Không những chính quyền xem xét kỹ lai lịch, nguồn gốc và hành động của các
nhóm nhạc nước ngoài, mà còn kiểm duyệt rất kỹ lời hát. Nhiều nhà tổ chức đại
nhạc hội nước ngoài chuyên nghiệp xác nhận với Libération rằng trước đấy việc
thông qua lời hát chỉ là thủ tục. Giờ đây, các lời hát được xoi mói từng câu từng
chữ, vô hình chung kéo dài thời gian cho thủ tục xin phép.
Hàn
Quốc, một quân cờ quan trọng của Trung Quốc
Trên địa hạt ngoại giao, Le Monde có bài phân tích về
chính sách đối ngoại của Bắc Kinh với khu vực bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc
tính toán gì khi tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt với đồng minh truyền thống Bắc Triều
Tiên, đồng thời có vẻ mặn mà với Hàn Quốc ? Vì sao Bắc Kinh kiên quyết muốn
Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân ? Bài viết đề tựa « Tại Trung Quốc, Tập Cận
Bình đi nước cờ Hàn Quốc ».
Bắc Kinh quyết định gởi Lưu Vân San (Liu Yunshan),
« nhân vật số 5 » tính theo thứ bậc của chế độ cộng sản đến dự
lễ mừng 70 năm ngày thành lập đảng Lao động, diễn ra ngày hôm nay tại Bình Nhưỡng.
Một dấu hiệu cho thấy quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng đang hâm nóng trở lại.
Sau khi đưa ra một loạt cử chỉ hữu hảo với Seoul,
như tổ chức nhiều cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Park Guen hye, mà đỉnh điểm
là sự hiện diện của bà trong lễ diễu binh mừng 70 năm phát xít Nhật đầu hàng
quân đồng minh, việc cử người đến dự lễ của Bắc Kinh là một cử chỉ đáng chú ý
dành cho Bình Nhưỡng.
Kể từ sau vụ thử hạt nhân lần 3, hồi tháng 02/2013,
quan hệ Bắc Triều Tiên – Trung Quốc ngày càng lạnh nhạt. Trong vòng 2 năm Tập Cận
Bình đã gặp nữ Tổng thống Hàn Quốc đến 6 lần, trong khi đó lãnh đạo Trung Quốc
và Kim Jong-un, lên nắm quyền từ năm 2011chưa có một cuộc gặp cấp cao nào.
Theo ông Lữ Siêu (Lu Chao) chuyên gia Trung Quốc về
bán đảo Triều Tiên tại Viện Khoa học Xã hội tại Liêu Ninh, Thẩm Dương, « nguyên
nhân chính của sự lạnh nhạt đó là do ý đồ tự trang bị vũ khí hạt nhân của Bắc
Triều Tiên ». Ông cho rằng « đối với Bắc Kinh, việc giải trừ hạt
nhân của Bình Nhưỡng là không gì phải bàn cãi nữa ».
Bắc Kinh tỏ ra ngao ngán và muốn tránh những « tính
nết thất thường » của Bắc Triều Tiên, để có thể triển khai chính sách
đối ngoại mạnh dạn hơn với tư cách là một cường quốc, có khả năng rút được những
lợi thế lớn hơn, vừa là với vị thế « anh cả cộng sản » của chế
độ Bình Nhưỡng, vừa là đối tác kinh tế hàng đầu của Seoul.
Một mặt Trung Quốc gia tăng các nỗ lực hỗ trợ kinh tế như dự kiến hình thành một khu vực không đánh thuế quan cho các tiểu thương vùng biên giới với Bắc Triều Tiên.
Một mặt Trung Quốc gia tăng các nỗ lực hỗ trợ kinh tế như dự kiến hình thành một khu vực không đánh thuế quan cho các tiểu thương vùng biên giới với Bắc Triều Tiên.
Mặt khác, Bắc Kinh cẩn trọng ủng hộ chính sách thống
nhất hai miền Triều Tiên của nữ Tổng thống Park Geun-hye. Một chính sách bị phe
đối lập Hàn Quốc chỉ trích « vội vã », « xa rời thực tế »
và chỉ nhằm mục đích « tranh thủ công luận ».
Về mặt chính thức Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ một sự
« thống nhất tự chủ và hòa bình ». Đối với Trung Quốc, « tự
chủ » ở đây có nghĩa là « ngoài mọi sự can thiệp Hoa Kỳ ».
Bởi vì, trong ván cờ Triều Tiên của Trung Quốc, bóng dáng của Hoa Kỳ cũng lấp
ló không xa.
Le Monde trích lời nhận định bà Tạ Yến Mai, chuyên
gia của International Crisis Group, chi nhánh Bắc Kinh : « Trung Quốc
biết rõ là Hàn Quốc không thể trong một sớm một chiều chấm dứt làm đồng minh với
Hoa Kỳ. Nhưng, Trung Quốc nhận thấy là mình có một quân cờ để đi : Seoul vẫn
chưa thông báo sở hữu được hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ
THAAD (Terminal High Altitude Area Defense). Bằng cách xích lại gần Seoul, Bắc
Kinh hy vọng kéo dài được quy trình này ».
Cũng theo bà Tạ Yến Mai, « Trung Quốc nhận
thấy là mỗi lần có căng thẳng giữa hai quốc gia anh em thù địch làm Hàn Quốc có
thêm cớ để trang bị hệ thống tên lửa nói trên. Do đó, viễn cảnh sân sau nhà
mình lại có loại vũ khí đó đối với Bắc Kinh là một mối bận tâm quan trọng ».
Như vậy, khi đánh quân cờ « Park »,
Tập Cận Bình đã tìm cách chấn chỉnh người kế thừa triều đại họ Kim. Nhưng ông
cũng tránh đến việc đẩy họ Kim đến đường cùng. Chính vì thế báo chí trong nước
trong những tuần gần đây đã cố gắng làm lắng dịu lại sự lạnh nhạt của quan hệ
Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, đồng thời lên án những ai khai thác mối bất hòa này.
Cuối cùng, Le Monde nhận định sự việc cho thấy Chủ tịch
Trung Quốc là hiện thân cho một Trung Quốc hung hăng hơn và tự tin hơn trên
chính trường quốc tế, ít ở thế phòng thủ hơn như trước, khi mà việc duy trì vai
trò « Quốc gia đệm » của Bắc Triều Tiên từng là một sự ám ảnh.
Syria
: « Địa ngục trần gian »
Tình hình chiến sự Syria vốn dĩ đã sôi động nay còn
thêm nóng bỏng với sự trở lại ngoạn mục của Nga trên trường quốc tế. Như vậy là
Matxcơva chính thức lao vào cuộc chiến bên cạnh các đồng minh riêng của mình,
tiến hành các cuộc không kích gọi là chống khủng bố, nhưng phương Tây nghi ngờ
là chủ yếu nhắm vào quân nổi dậy Syria. Tuần san L’Obs trên trang nhất đặt một
câu hỏi lớn: “ Thế chiến thứ ba phải chăng đã bắt đầu?”
Bởi vì, hiện tại Syria, đang diễn một cuộc chơi liên
minh và đối đầu giữa hai phe. Một bên là do Hoa Kỳ dẫn đầu, bên kia là Nga. Câu
hỏi đặt ra liệu cuộc chơi đó có thể dẫn đến một sự bùng nổ toàn diện hay không
? Nhưng trong bất kỳ cuộc chơi của những “ông lớn” nào thì chính
người dân mới là kẻ gánh chịu hậu quả. Đối với người dân Syria, “Dưới những
trận mưa bom, địa ngục bất tận ”, tựa bài viết trên tuần san
L’Express.
Có thể nói Syria giờ chẳng khác gì « địa ngục
trần gian ». Một năm sau khi tung chiến dịch không kích do Hoa Kỳ dẫn
đầu, giờ với sự tham gia của Nga và Pháp, tình hình không ngừng trở nên tồi tệ
đối với người dân Syria. Họ bị kẹp giữa sự tàn bạo của quân thánh chiến khủng bố,
hành động thảm sát của quân chính phủ Damas và các trận mưa bom hoặc là của
liên quân quốc tế, hoặc là của Nga, cũng giết hại thường dân.
Theo lời thuật của nhiều nhân chứng, có những ngày
người dân phải hứng chịu không dưới 25 trận oanh kích. Quân thánh chiến chết
bao nhiêu không ai rõ, chỉ biết là mỗi trận như vậy ít nhất có vài chục thường
dân bỏ mạng. Nhà cửa tài sản ruộng vườn thì đánh sập tan hoang.
Bên cạnh đó là nỗi nơm nớp lo sợ quân thánh chiến khủng
bố, theo dõi sát sao từng cử chỉ hành động của từng người. Mọi nhất cử nhất động
đều có thể bị quân khủng bố xem như là một hành động ra dấu hiệu chỉ điểm hay
hướng dẫn máy bay liên quân đến oanh kích.
Người dân Syria nghi ngờ tính hiệu quả của các chiến
dịch không kích. Họ tự hỏi : « Quân thánh chiến Daech đến trú ngay
trong nhà chúng tôi. Họ lấy nhà chúng tôi để cả gia đình họ trú ngụ. Họ chiếm lấy
thánh đường để biến thành trung tâm vận động và giảng dạy đạo Hồi của họ. Họ bắt
trai tráng của chúng tôi làm những công việc thế chỗ họ… Làm thế nào ở trên cao
những chiếc đấu cơ đó có thể nhắm được chúng mà không chạm đến chúng tôi? ».
Tchernobyl:
Thú hoang trở về
Le Figaro cuối tuần đem đến cho độc giả một tin vui,
một vầng trời tươi sáng đẹp như trời thu Paris hôm nay đang hé mở tại
Tchernobyl. « 29 năm sau thảm họa, ở xung quanh Tchernobyl, động vật
hoang dã đang trở về ».
Theo khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu trên tạp
chí Current Biology, phát hành tuần này, tại vùng nhiễm xạ hạt nhân Tchernobyl,
lượng cá thể loài động vật có vú như nai, hươu, sói, cáo hay lợn rừng đã tăng
trở lại đáng kể.
Tuy nhiên, ông Jim Smith, tác giả chính của nghiên cứu
nhấn mạnh, sự dồi dào trở lại tương đối của động vật hoang dã trong vùng nhiễm
xạ không phải là “một bằng chứng cho là chất phóng xạ không có hại đối với động
vật, mà là dấu hiệu của việc chúng tận dụng sự vắng mặt của con người, và những
hoạt động có liên quan: săn bắn, nông nghiệp, khai thác rừng”.
Le Figaro nhắc lại, ngay sau khi xảy ra thảm học hạt
nhân, chất phóng xạ đã có những hệ quả tức thì lên động vật hoang dã và hệ thực
vật xung quanh khu vực trung tâm hạt nhân. Các loài động vật hầu như chết hàng
loạt, cây cối biến đổi màu thậm chí còn bị gọi rừng cây đỏ, do màu sắc mang
trên thân cây vì nhiễm xạ.
Các tác giả ghi nhận, sự vắng mặt của con người là
nguyên nhân chính của sự trở về của loài động vật, nhưng bên cạnh đó, một phần
lớn khu vực chỉ bị nhiễm xạ bởi những chất có đời phóng xạ yếu như iode, nên
tác động của chúng lên môi trường không dài.
No comments:
Post a Comment