Tuesday, October 13, 2015

Người Canada gốc Việt và cuộc bầu cử 2015 (Trần Giao Thủy)





Trần Giao Thủy
Posted on October 13, 2015 by editor — 0 Comments

Dân chủ kiểu CHXHCN Việt Nam là “một đảng cử, dân bầu”, và 3D hay 4S thì vẫn là Việt cộng. Dân chủ phương tây là “nhiều đảng cử để dân bầu”, và như thế mới là dân chủ, là có sự chọn lựa thực sự.

Nói chung, chính trị và người gốc Việt ở ngoài Việt Nam thường không đi đôi với nhau. Người gốc Việt thế hệ thứ nhất thường không hăng hái tham gia hay quan tâm đến sinh hoạt chính trị tại quốc gia định cư vì nhiều lý do. Trong số đó có thể kể được là những ưu tư về đời sống kinh tế, nghi ngại vì quá khứ của chiến tranh cũng như những kinh nghiệm tiêu cực về nền chính trị ở cả hai chế độ cộng hoà miền Nam, và chế độ cộng sản miền Bắc trước 1975 cùng chế độ độc đảng tại Việt Nam từ 1975 đến nay. Hoặc sâu xa hơn nữa thì đó cố thể là di sản văn hoá của một quốc gia vẫn theo chế độ quân chủ chuyên chế đến gần nửa đàu thế kỷ thứ 20, chính sự là việc của vua quan, không phải việc của thứ dân.

Nhìn lại 40 năm người Canada gốc Việt định cư tại đây thì cộng đồng 144,880 người với tiếng mẹ đẻ là Việt Nam chỉ có 3 người trong tỉnh bang Quebec được dân cử vào quốc hội Canada, 2 người là dân biểu quốc hội tỉnh bang Alberta và một nghị sĩ, người vùng Ontario, được đảng đề cử vào thượng viện Canada. Người gốc Việt hiện còn hoạt động trong chính trường chỉ có hai dân biểu thế hệ 1 1/ và thế hệ thứ 2 và một nghị sĩ, thuộc thế hệ thứ nhất, ở thượng viện.

Trong mùa hè này, người viết có dịp trực tiếp quan sát một cuộc vận động bầu chọn người đại diện cho một chính đảng lớn (tạm gọi là đảng X) để ra tranh cử tại một quận lỵ ở Montreal. Tại đây con số đảng viên được quyền tham dự bầu chọn ứng cử viên cho đảng X khoảng 5000 người. Trong số 5000 đảng viên đó có khoảng 12 người mang tên họ Việt Nam. Số đảng viên gốc Việt Nam thực sự tham gia bầu chọn người đại diện cho đảng là 2 trên 12 hay hơn 16% trong lúc tỉ số đảng viên tham gia bầu chọn hôm đó khoảng 35-40%.

Theo dữ liệu thống kê dân số của Canada năm 2011[1] thì 150.000 người Canada gốc Việt, khoảng hơn 0,4% dân số, của một quốc gia với gần 36 triệu người, sống rải rác từ đông sang tây. Người gốc Việt sinh sống đông nhất ở những thành phố Toronto, ON 70.725 (1,3%), Montréal, QC 38.960 (1%), Vancouver, BC 31.075 (1,4%), Calgary, AB 18.430 (1,5%), Edmonton, AB 12.960 (1,1%), Ottawa-Gatineau, ON/QC. 9.855 (0,8%). Những con số này hẳn không phải là một lượng cử tri có ảnh hưởng lớn đến bất kỳ cuộc bầu cử nào ở cấp thành phố, tỉnh bang, hay trên toàn quốc.

Thống kê nêu trên chứng minh quan điểm của những người ủng hộ chế độ độc đảng độc tài ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phản đối chính quyền đương nhiệm ngày 22 tháng 4, 2015 đã ban hành Luật Quốc gia công nhận 30 tháng Tư hàng năm là Ngày Hành trình tìm Tự do kỷ niệm cuộc di tản của người Việt tị nạn cộng sản đến Canada nhằm lấy phiếu của người dân gốc Việt là một vu cáo vì hoảng hốt và hoàn toàn không có cơ sở. Không phải là số cử tri có ảnh hưởng không hẳn là không được các chính đảng quan tâm. Trong mùa vận động tranh cử liên bang dài nhất lịch sử Canada năm nay nhiều cử tri gốc Việt hẳn đã nhận được thư (ngỏ) viết bằng tiếng Việt của ông nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền cũng như nhiều điện thư (có cả phiên bản tiếng Việt) của một ông dân biểu miền Tây kể công trạng của nhà nước và vận động cử tri gốc Việt dồn phiếu cho đảng của các ông. Trong thư vận động, ông nghị sĩ gốc Việt tô xanh ba điểm trực tiếp liên hệ đến cộng đồng người gốc Việt tại Canada. Điểm đầu tiên, ông viết “chính phủ của chúng ta đã: – Công nhận lá cờ của cộng đồng người Việt Canada là lá cờ Di sản và Tự do;” hai điểm sau là đạo luật về Ngày Hành trình tìm Tự do và việc đón những người Việt tị nạn cộng sản còn sót lại ở Philippines và Thái Lan.

Thư vận động cho đảng Bảo thủ trong giới cử tri nói tiếng Việt. Nguồn: Thư chuyển đến tác gỉa

Ăn cây nào rào cây ấy. Những điểm ông nghị sĩ gốc Việt hay ông dân biểu miền Tây nêu trong thư đều không sai nhưng chưa chính xác hoàn toàn. Lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng hoà hẳn là di sản và biểu tượng tự do của người dân miền Nam Việt Nam, không muốn sống với cộng sản, đã phải bỏ nước ra đi. Nhưng trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản rồi trở thành công dân Canada hôm nay không chỉ có người dân miền Nam. Trong cộng đồng đó có rất nhiều đồng bào gốc Hoa sống trong chế độ cộng sản miền Bắc chưa hề biết đến lá cờ vàng. Họ cũng là nạn nhân cộng sản bị xô đuổi ra biển khơi sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Và một số người trẻ tuổi thuộc cộng đồng này đã đứng lên cùng những người dân Canada khác mở vòng tay đón tiếp người tị nạn Syria trước cả khi tấm ảnh của bé Alan nằm úp mặt bên bờ biển chạy trên khắp màn hình, làm rúng động lương tâm thế giới về thảm trạng người tị nạn và đã trở thành đề tài thảo luận trong cuộc tranh cử đang diễn ra… được một tuần!

Không phải là nghị sĩ được đảng cử, hai dân biểu gốc Việt được dân bầu vào quốc hội trong đợt sóng màu cam của đảng Tân Dân chủ trong kỳ bầu cử năm 2011 mới là những chính khách phải vận động nhiều để giữ ghế cho mình và cho đảng trong kỳ bầu cử này. Từ khi chính phủ đảng Bảo thủ Cấp tiến (PC) gọi tổng tuyển cử vào ngày 19 tháng 10 thì đảng Tân Dân Chủ (NDP) được coi là đảng được ưa chuộng nhất để lập chính phủ mới cho đến ngày 24 tháng 9 là đỉnh điểm; trung bình của các cuộc thăm dò cử tri cho biết đảng Tân Dân chủ được 37,4% ủng hộ, đảng PC cầm quyền ở mức 28,1% và đảng Tự do (LPC) được 25,9% hậu thuẫn.

Đòn phép chính trị từ ngày 2 tháng 8 đến hôm nay đã thay đổi cục diện cho cả ba chính đảng lớn của Canada.

Niqab: “Vũ khí làm rối trí hàng loạt”

Thư ngỏ của 587 giáo sư đại học khắp Canada về Chiến thuật Vận động Tranh cử của Đảng Bảo thủ.
Nguồn: Daniel Weinstock, Professor, Faculty of Law, McGill University

Ngày 9 tháng 10, 587 trí thức thuộc giới hàn lâm Canada không phân biệt khuynh hướng chính trị, thống nhất bảo vệ tiến trình dân chủ, đã đăng một lá thư ngỏ trên blog những vấn đề công“In due course” trực tiếp lên án chiến thuật vận động tranh cử của đảng Bảo thủ. Lá thư chỉ trích sách lược kỳ thị, chia rẽ người dân thành tầng lớp công dân cũ (old-stock) và công dân mới, và thủ thuật hù doạ cử tri bằng ảo ảnh khủng bố và lấy đó làm lý cớ để chính phủ có thể lấy lại tư cách và quyền công dân của một số người dân. 587 trí thức Canada cho rằng đảng Bảo thủ Cấp tiến đã bước qua lằn ranh đạo đức khi sử dụng những tu từ, luận cứ kích động kỳ thị tôn giáo và gây thù hận ví dụ như “những tập tục văn hoá man rợ” (“barbaric cultural practices”).

Trong xã hội đa nguyên, đa văn hoá mọi người có tự do yêu mến hay không yêu mến những nếp văn hoá khác. Tuy thế xã hội dân chủ đa nguyên cũng không chấp nhận thành viên sử dụng tính ngữ kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, phỉ báng những người khác tín ngưỡng hay tập quán văn hóa. “Ứng xử chia rẽ, gây thù hận này không có chỗ đứng trong nền dân chủ của Canada.”

Bằng chính sách, có từ năm 2011, không cho cư dân hồi giáo đeo khăn che mặt (niqab) trong lễ tuyên thệ chính phủ đảng PC ngăn chận được 2 người trở thành công dân; chính phủ này còn dùng 270,000 đô-la nộp đơn yêu cầu Toà Kháng án Liên bang ngưng không áp dụng án lệnh cho phép một cư dân hồi giáo được đeo khăn che mặt trong buổi lễ tuyên thệ trở thành công dân. Tuy nhiên, ngày 9 tháng 10, 2015 bà Zunera Ishaq, 29 tuổi đã làm lễ tuyên thệ, chính thức thành công dân Canada. Sự kiện này một lần nữa minh định Canada một đất nước văn minh, công bằng, dân chủ, pháp trị, và bao dung. Dù không đáng là một vấn đề cần tranh luận trong cuộc bầu cử 2015, niqab đã được đảng Bảo thủ sử dụng như một chảo dầu sôi trong chiến thuật vận động tranh cử năm nay. Tại Quebec, đây cũng là một vấn đề rất nhậy cảm với đa số cử tri. Quebec cũng là tỉnh bang nơi đảng Tân Dân chủ đã thắng lớn trong kỳ bầu cử năm 2011 đánh bại đảng Bloc Québécois (BQ), một chính đảng chỉ phục vụ cho dân Quebec và mục đích chính là vận động để Quebec tách ra khỏi Canada. Thủ lãnh đảng Tân Dân chủ đã dứt khoát khẳng định quan điểm cá nhân cũng và cũng là chính sách của đảng NDP dù có một số đảng viên/dân biểu trong đảng công khai không bằng lòng; Ông Thomas Mulcair nói, “Không ai có quyền bảo một phụ nữa là bà ấy phải mặc quần áo thế này hay không được mặc y phục thế kia.” Bài xã luận ngày 27 tháng 9 trên tờ Globe and Mail gọi niqab là “vũ khí làm rối trí hàng loạt” (“weapon of mass distraction”) của cuộc bầu cử 2015 này. Ngay cả khi đa số người dân Canada có thể không thích niqab nhưng không ai trong đất nước dân chủ này, kể cả chính quyền, có thể bắt buộc những người phụ nữ Hồi giáo phải từ bỏ lựa chọn cá nhân của họ. Đơn giản vì đó là một trong những quyền tự do của con người đã được Hiến chương Nhân quyền của Canada bảo vệ.

Bà Zunera Ishaq tuyên thệ trở thành công dân Canada và sẽ đi bầu nhưng không tiết lộ lựa chọn của mình. Nguồn: Susan Ormiston Twitter account.

Những cuộc thăm dò đến ngày 9 tháng 10, 2015 trước cuối tuần Lễ Tạ ơn, 10 ngày trước khi cử tri toàn quốc hoàn tất việc bầu chọn quốc hội mới, kết quả trung bình cho thấy đảng Tự do (LPC) đang dẫn đầu với 33,6%, kế đó là đảng Bảo thủ Cấp tiến (PC), 31,8% và đảng Tân Dân chủ đã mất hẳn thế thượng phong ban đầu, chỉ còn được 23,8% ủng hộ.

Ở quận lỵ của dân biểu Hoang Mai (NDP, Brossard – Saint-Lambert), theo dự phóng của hãng thăm dò threehundredeight.com ngày 10 tháng 10 thì đảng Tự do đang dẫn đầu với 50,3%, kế đó là đảng Tân Dân chủ (NDP) với 23% và 13,2% ủng hộ dảng PC, và 12% cho BQ. Ở Salaberry-Suroît, vẫn theo thăm dò của threehundredeight thì tương lai chính trị của dân biểu Anne Minh-Thu Quach có phần sáng sủa hơn, nhưng vẫn không có gì chắc chắn. Đảng NDP tại đây đang được 33,6% ủng hộ, khít khao bên cạnh là đảng Bloc Quebecois (BQ) được 31.3%, sau đó mới đến các đảng Bảo thủ Cấp tiến (PC) 16,2% và Tự do (LPC) 15.4%. Con cờ niqab mà hai đảng PC và BQ đang tận dụng chẳng may, đang và vẫn là yếu tố quyết định sự nghiệp chính trị tương lai của bà Anne Minh-Thu Quách vào ngày 19 tháng 10 sắp đến.

Dù mức ủng hộ đảng Tân Dân chủ tại Quebec đã sứt mẻ lớn nhưng ông Mulcair vẫn tin tưởng vào sự chọn lựa sau cùng của cử tri vào ngày bầu cử; tuy nhiên, thắng hay thua trên toàn quốc hoặc mất ghế ở Quebec thì ông Mulcair đã can đảm giữ vững lập trường về vấn đề niqab, bảo vệ nhân quyền một cách chính trực, và đáng nể dù không được đa số cử tri, nhất là tại Quebec, ủng hộ.

Nhận định trong giới truyền thông

Về phía đệ tứ quyền, La Presse, tờ báo tiếng Pháp đông bạn đọc thứ nhất ở Quebec nếu không kể tờ báo khổ nhỏ Journal de Montréal, trong bài xã luận chính hôm 7 tháng 10 đã kêu gọi cử tri bầu cho đảng Tự do.

Báo La Presse viết dưới thời Harper, Canada bị một “thiểu số bảo thủ cực đoan” cai trị và

“Thay vì tìm sự đồng thuận, họ đã sử dụng chiến thuật chia để trị, cổ vũ sự thiếu hiểu biết và thành kiến. Đây là cách cai trị tệ hại nhất đối với một nước đa văn hóa và rộng lớn như đất nước của chúng ta.”

Nguồn: CBC. Oct. 7, 2015

Hai ngày sau, ngày 9 tháng 10, trang xã luận của tờ Toronto Star viết, “Sau 9 năm rưỡi với đảng Bảo thủ nhu cầu thay đổi đã trở thành khẩn thiết.

Nguồn Toronto Star, Oct. 9, 2015

“Stephen Harper đã cống hiến cho cử tri một mớ đồ cũ – vẫn chính sách xã hội thoái hoá, vẫn gọt đẽo chính phủ, vẫn chấp nhận một một nền kinh tế trì trệ làm cho quá nhiều người mất cơ hội. Và, tất nhiên, vẫn nhiều chia rẽ và và hận thù khi đảng Bảo thủ, đã không biết xấu hổ, đang đánh bạc trên sự lo ngại của cử tri nào là về khủng bố, về người tị nạn, và về điều không thể tưởng tượng được, tấm khăn niqab.”

Bài xã luận của Toronto Star cảnh báo rằng sự chia phiếu trong khối cấp tiến có thể cho phép đảng Bảo thủ một lần nữa lách qua cửa ải. Để tránh khỏi viễn cảnh đó khi thức dậy vào sáng ngày 20 tháng 10, tờ Toronto Star đã kêu gọi cử tri mạnh mẽ ủng hộ và trao quyền điều hành quốc gia cho đảng Tự do (LPC) trong 4 năm sắp tới để đưa Canada trở lại lộ trình hy vọng và cấp tiến.

Được sự ủng hộ của báo giới không bảo đảm sẽ thắng cử. Trong cuộc bầu cử quốc hội tỉnh bang Ontario năm 2014, The Globe and Mail, tờ báo Anh ngữ uy tín hàng đầu của Canada đã ủng hộ ông Tim Hudak và đảng Bảo thủ. Kết quả bà Kathleen Wynne và đảng Tự do đã thắng lớn không ngờ.

Ngày 12 tháng 10, 2015 Nanos Research công bố thăm dò mới nhất.

Thăm dò hàng đêm của Nanos Research làm cho CTV News và Globe and Mail, phát hành ngày 12 tháng 10, 2015.

Trong những ngày còn lại, với quỹ vận động lớn hơn tất cả các đảng khác, đảng Bảo thủ Cấp Tiến hẳn sẽ dùng tất cả vũ khí tồn kho để tấn công ông Justin Trudeau, lãnh tụ đảng Tự do (LPC), vì đến cuối tuần lễ Tạ ơn này, theo những cuộc thăm dò cử tri thì đúng như các chiến lược gia của đảng PC đã tiên liệu, đảng Tự do mới là cái gai phải nhổ. Chính trị là như thế; tuy nhiên quyết định sau cùng vẫn thuộc của người dân Canada. Mỗi công dân một lá phiếu, họ sẽ chọn đảng điều hành đất nước này vào này 19 tháng 10 sắp tới.

Công bằng, trong sang

Hơn bẩy mươi ngày vận động tranh cử, giới truyền thông Canada đã sốt sắng trong cố gắng trình bầy thật rõ quan điểm, đường lối, sách lược của ít nhất là năm chính đảng PC, NDP, LPC, BQ, và đảng Xanh (Green Party). Một điểm đáng lưu ý, qua các buổi hội luận truyền hình, truyền thanh, giới bỉnh bút, những người bình luận trong giới truyền thông Canada phần lớn đã xác định họ là những người chuyên nghiệp, công bằng, xuyên suốt. Chọn lựa chính trị của từng cá nhân – hẳn phải có – đã không ảnh hưởng lớn hay bị thô thiển phơi bày trong nhận định, bình luận thời cuộc của họ. Cũng thế, và cũng đáng kính là các chuyên gia chiến lược của các chính đảng đã tỏ ra là những con người của một đất nước dân chủ, văn minh. Họ đối đầu, xung khắc với nhau ở quan điểm chính trị, nhưng hoà nhã, lịch lãm trong tranh luận và trao đổi trước công chúng.

Khi nào những hình ảnh sinh hoạt truyền thông và chính trị như trên sẽ xẩy ra ở đài truyền hình của một Việt Nam đa nguyên, đa đảng, dân chủ và pháp trị? Điều này đến nay vẫn chỉ là một giấc mơ.

Trở lại với người Việt Nam trong và ngoài nước và chính trị quốc gia. Người dân không tham gia trực tiếp vào chính trường ở trong nước vì Việt Nam vẫn là một nước độc đảng, độc tài là điều dễ hiểu. Không được “làm chính trị” không có nghĩa là người dân không nói, không bàn chính trị. Vô số blog, diễn đàn viết, diễn đàn nói, mạng xã hội đã khẳng định một điều: người Việt Nam, cả trong và ngoài nước, rất ưa bàn luận chính trị… Việt Nam. Mức quan tâm của người gốc Việt ở hải ngoại, đặc biệt là những người thế hệ thứ nhất về chính trị ở bản xứ – Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, v.v. – nếu có thì cũng không thể so sánh với quan tâm về chính sự Việt Nam. Và sự kiện này có lẽ sẽ không thay đổi.

Còn các thế hệ thứ hai, thứ ba và những thế hệ sau đó của người gốc Việt sẽ ra sao? Người viết mong rằng họ sẽ dấn thân nhập cuộc nhiều hơn mức hiện tại vì những người gốc Việt của những thế hệ tương lai không có lý do gì chỉ nhận làm người bỏ phiếu mà không là những người dân cử trực tiếp xây dựng quốc gia ở chính trường bản xứ. Xin đừng trách kẻ mộng mơ.

Thủ lãnh năm chính đảng Liên bang tại Canada, từ trái: BQ, PC, Green, NDP, và LPC. Nguồn: CBC

Dù chọn lựa có thể khác nhau, người Canada gốc Việt sẽ trực tiếp góp phần chọn người đại diện vào quốc hội năm 2015, cũng như những quốc hội trước. Tham gia bầu cử chọn người đại diện cho mình ở quốc hội hay chọn lựa nguyên thủ quốc gia nghĩa là người gốc Việt ở hải ngoại, ở các nước dân chủ trên thế giới, đang sử dụng quyền và sức mạnh của công dân, những điều mà đến nay đồng bào trong nước vẫn không có. Người dân trong nước hiện nay chỉ có quyền theo dõi những đại hội toàn quốc lần thứ x, lần thứ y của Đảng Cộng sản Việt Nam và rồi cũng chỉ được bầu đại biểu quốc hội bù nhìn ở danh sách của những người đảng viên đảng duy nhất, do đảng CSVN chọn lựa.

Dân chủ kiểu CHXHCN Việt Nam là “một đảng cử, dân bầu”, và 3D hay 4S thì vẫn là Việt cộng. Dân chủ phương tây là “nhiều đảng cử để dân bầu”, và như thế mới là dân chủ, là có sự chọn lựa thực sự.

12 tháng 10, 2015
© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

[1] Statistics Canada, 2011 Census of Population







No comments: