Thursday, October 15, 2015

Miến Điện : Thỏa thuận ngưng bắn nửa vời (Thanh Hà - RFI)





Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 15-10-2015 

Các bên tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Naypyidaw, Miến Điện ngày 15/10/2015. REUTERS/Soe Zeya Tun

Lần đầu tiên kể từ khi giành được độc lập năm 1948, triển vọng chấm dứt xung đột sắc tộc đang mở ra cho Miến Điện với thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết sáng ngày 15/10/2015 giữa chính quyền Naypyidaw và 8 nhóm vũ trang. Thành công hay thất bại của tiến trình hòa bình Miến Điện nằm trong tay quân đội.

Tờ báo chính thức của Miến Điện Global New Light of Myanmar ấn bản đề hôm nay chạy tựa lớn trên trang nhất « Hòa bình bắt đầu từ đây » cho dù chỉ có 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số đòi ly khai ký kết vào thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền từ năm 2011 luôn xem việc giải quyết xung đột sắc tộc là một ưu tiên.

Buổi lễ ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Naypyidaw dưới sự chủ tọa của Tổng thống Thein Sein cùng với lãnh đạo 8 nhóm vũ trang tham gia tiến trình hòa bình được tường thuật cặn kẽ trên đài truyền hình Nhà nước.

Chứng kiến buổi lễ ký kết văn bản mang tính lịch sử này, ngoài Tổng thống Thein Sein, còn có nhiều đại diện cao cấp của chính quyền và quân đội Miến Điện, của Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản. Riêng lãnh đạo đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi vắng mặt.

Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Naypyidaw là , « bước đầu trong tiến trình xây dựng hòa bình » cho Miến Điện. Cùng lúc tại các vùng miền bắc, gần biên giới Trung Quốc, giao tranh vẫn tiếp diễn. Vẫn còn ít nhất 7 nhóm vũ trang đòi ly khai từ chối tham gia tiến trình hòa đàm. Hai nhóm vũ trang đòi ly khai thuộc sắc tộc Shan và Kachin vẫn tiếp tục đương đầu với quân đội chính phủ. Chính thái độ cương quyết này đã dẫn tới việc Naypyidaw cách nay vài hôm đã tuyên bố không thể tổ chức bầu cử tại các vùng có giao tranh.

Trả lời phỏng vấn đài RFI, chuyên gia về Đông Nam Á, bà Sophie Boisseau Du Rocher thuộc trung tâm nghiên cứu Asia Centre cho rằng, triển vọng thực sự đem lại hòa bình cho Miến Điện còn xa vời và Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trên con đường tìm kiếm hòa bình tại Miến Điện :

« Đối thoại từng bước đã được mở rộng đến nhiều nhóm sắc tộc thiểu số. Thế rồi càng gần đến đích, tức là càng gần ngày mà các bên cùng đặt bút ký vào bản hòa ước, thì xung đột hay ít ra là những bất đồng ngày càng hiện lên rõ nét. Chẳng hạn như bất đồng về tiến trình giải giới các vùng có giao tranh. Ngoài ra cần lưu ý là chính quyền Naypyidaw đã không thuyết phục được tất cả các nhóm nổi dậy như mục tiêu đề ra ban đầu. Chủ yếu các sắc tộc thiểu số ở miền Đông thì đã chấp nhận thỏa thuận ngưng bắn.
Ngược lại các tổ chức ở phía Bắc thì đã từ chối tham gia vào sáng kiến của Naypyidaw bởi các nhóm này đã đạt được một thỏa thuận với phía Trung Quốc (…) Cái khó đặt ra với chính quyền Miến Điện là làm thế nào thuyết phục được những sắc tộc thiểu số đòi ly khai ở vùng biên giới phía Bắc, sát cạnh với Trung Quốc để họ chấp nhận một mô hình nhà nước liên bang. Các nhóm này có khuynh hướng cho rằng họ có lợi hơn trong tình thế hiện nay, tức là cứ duy trì xung đột võ trang thay vì buông súng để bị hòa tan trong khuôn khổ một nhà nước liên bang ».

Miến Điện là một quốc gia với gần 52 triệu dân, và gần 1/3 dân số là người thuộc các sắc tộc thiểu số sống ở miền núi, như cộng đồng người Karen, người Mon tập trung tại khu vực Đông Nam Miến Điện ; cộng đồng người Shan ở phía Đông ; sắc tộc Kachin sống trong vùng biên giới phía bắc hay người Chin ở phía tây. Không dễ để thuyết phục được tất cả cùng chấp nhận tìm kiếm một giải pháp chính trị, hầu đem lại hòa bình bền vững cho quốc gia Đông Nam Á này.

Thêm một yếu tố cần lưu ý : mới chỉ có 8 trong số các nhóm đòi ly khai ký thỏa thuận ngưng bắn. Họ đồng ý chấm dứt đấu tranh bằng bạo lực để đổi lấy một quyền tự trị rộng rãi hơn. Theo giới quan sát, đòi hỏi đó có được thỏa mãn hay không, điều này còn tùy thuộc vào thái độ của quân đội, chứ không nằm trong quyền hạn của chính quyền dân sự trong tay ông Thein Sein.

Tại Miến Điện, quân đội đã liên tục cầm quyền với một bàn tay sắt trong nhiều thập niên và hiện vẫn còn đóng một vai trò then chốt trong các hoạt động chính trị. Các cuộc xung đột sắc tộc triền miên tại Miến Điện từng là cơ hội để giới tướng lãnh Miến Điện trong quá khứ củng cố quyền lực. Do vậy theo lời một nhà phân tích độc lập có mặt tại Naypyidaw trong buổi lễ ký kết thỏa thuận ngừng bắn sáng nay được AFP trích dẫn, đối với Miến Điện « thách thức đang được đặt ra trước mắt. Thỏa thuận được các bên ký kết hôm nay phải chứng minh rằng dù là một thỏa thuận không trọn vẹn nhưng vẫn đem lại lợi ích thực sự cả về mặt chính trị lẫn an ninh » cho Miến Điện.

*
*

Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 15-10-2015

Tổng thống Miến Điện Thein Sein trong buổi gặp các nhóm lực lượng nổi dậy ngày 09/09/2015. REUTERS/Soe Zeya Tun

Ba tuần trước bầu cử Quốc hội, ngày 15/10/2015, chính quyền Miến Điện ký kết thỏa thuận ngưng bắn với 8 tổ chức thuộc các sắc tộc thiểu số. Đây là một bước tiến quan trọng đem lại hòa bình cho quốc gia Đông Nam Á này sau hơn nửa thế kỷ xung đột sắc tộc.

Tuy nhiên theo giới quan sát, thỏa thuận ngưng bắn hôm nay không trọn vẹn, khi chỉ có 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số đòi ly khai đặt bút ký vào văn bản do chính quyền của Tổng thống Thein Sein đề nghị.

Thông tín viên đài RFI tại Rangun,  Rémy Favre cho biết cụ thể:

« Phải nhanh chóng ký kết trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 08/11/2015. Các nhà cầm quyền Miến Điện xuất thân từ hàng ngũ quân đội, bằng mọi giá muốn đạt được thỏa thuận trước cuộc bỏ phiếu để tô điểm hình ảnh của chính quyền và để chứng minh với công luận rằng, họ đã đem lại hòa bình cho đất nước.

Naypyidaw cũng đã phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận với các phe nổi dậy vũ trang cho dù là vẫn có tới gần một nửa các tổ chức đòi ly khai vẫn đứng ngoài tiến trình hòa bình. Trong số những thành phần cứng rắn nhất phải kể tới các lực lượng nổi dậy thuộc sắc tộc thiểu số Kachin hay thuộc cộng đồng người Was. Những tổ chức này vắng mặt trong buổi lễ ký kết thỏa thuận hòa bình sáng nay. Để có được một thỏa thuận ngưng bắn thực sự trên quy mô toàn quốc, khép lại 6 thập niên xung đột, Miến Điện cần phải đàm phán với tất cả các nhóm nổi dậy của các sắc tộc thiểu số.

Tuy nhiên trong quá trình đàm phán kéo dài gần ba năm qua, ba nhóm vũ trang ở miền đông bắc Miến Điện đã vắng mặt. Cả ba tổ chức này vẫn tiếp tục chiến đấu từ đầu năm tới nay. Do vậy thỏa thuận ngưng bắn được các bên chính thức ký kết hôm nay không cho phép giải quyết dứt điểm xung đột về sắc tộc đang diễn ra tại Miến Điện.

Trong những tuần qua, giao tranh xảy ra hàng ngày ở các khu vực miền Bắc. Dù sao thỏa thuận ngưng bắn vừa được các bên đặt bút ký cũng cho phép mở ra đối thoại với một số nhóm nổi dậy. Số này đòi quyền tự trị rộng rãi hơn ».

------------------------

.
(BBC  15-10-2015)






No comments: