Wednesday, October 21, 2015

Luân Đôn trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc (Thanh Hải - RFI)





Thanh Hải  -  RFI
Đăng ngày 20-10-2015 

Chủ tịch Trung Quốc bắt đầu công du nước Anh trong 4 ngày, kể từ 20/10/2015. Luân Đôn trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình. Luân Đôn bị chỉ trích nhắm mắt trên hồ sơ nhân quyền vì lợi ích kinh tế. 

Một ngày trước khi lãnh đạo Trung Quốc đặt chân đến nước Anh, du khách đến Luân Đôn đã cảm nhận được không khí đón tiếp trọng thể, với tâm điểm là con đường trải nhựa đỏ dẫn từ quảng trường Trafalgar vào cung điện Buckingham, nơi nữ hoàng Anh đón tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc gặp cao cấp nhất. Thường mỗi năm nước Anh chỉ có hai cuộc đón tiếp như vậy. Trước đây là chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama.

Dọc hai bên đường là màu đỏ của cờ Trung Quốc pha trộn với sắc màu đỏ đen xanh của cờ Vương quốc Anh, sẽ là ấn tượng khó quên cho ông Tập Cận Bình. Khi nói đến tên Trung Quốc thì hầu như bất kể ai sống ở nước Anh này cũng đều biết, như các phóng sự truyền hình trong ngày hôm qua, dân chúng trên đường phố nói đa số hàng hóa đang dùng ở Anh được sản xuất ở Trung Quốc. Nhiều người khác nói đến Trung Quốc như một điểm du lịch với nhiều cảnh đẹp và ẩm thực đặc sắc.

Vài năm trở lại đây cứ đến Tết là các ngân hàng lớn của Trung Quốc lại tài trợ cho một lễ hội lớn trên đường phố với những chương trình biểu diễn kéo dài từ khu China Town ra tận quảng trường Trafalgar cho nên hình ảnh của Trung Quốc trở nên rất quen thuộc, bên cạnh sự xuất hiện ngày càng nhiều của các gia đình giàu ở Trung Quốc cho con cái sang Anh học rồi gửi tiền sang mua nhà và lập nghiệp. Hệ quả của xu hướng này là sự xuất hiện của các nhóm tuần hành để chào đón lãnh đạo Trung Quốc và thậm chí họ còn dự định tổ chức đánh trống mở hội tại công viên Saint James ngay bên cạnh lâu đài của nữ hoàng. Tại đây tổ chức yến tiệc tiếp đãi ông Tập Cận Bình. Đến phút cuối ban quản lý công viên phải ra lệnh cấm đánh trống vì các nhóm biểu tình phản đối ông Tập Cận Bình khiếu nại rằng lần trước khi lãnh đạo Trung Quốc sang thăm thủ tướng Anh thì họ bị cấm dùng loa để hô khẩu hiệu trong khi bên phía đối diện những người ủng hộ ông ta thì lại được gióng trống mở cờ rất là rầm rộ.

RFI : Các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc sang phương Tây thường bị phản đối trong vấn đề nhân quyền. Lần này chính phủ Anh bị chỉ trích là nhắm mắt làm ngơ chuyện nhân quyền để thu lợi về kinh tế. Các ý kiến đó được phản ánh ra sao trên chính trường nước Anh?

Lê Hải : Bất kể là tranh cãi như thế nào đi nữa thì các bên đều thống nhất sẽ không đưa vấn đề nhân quyền ra trong buổi đại tiệc tiếp đãi nguyên thủ Trung Quốc. Đây là biểu tượng cao nhất thể hiện thái độ của nước Anh đối với ông Tập Cận Bình. Tất cả chính trị gia đảng cầm quyền hay đảng đối lập đều phải nhìn vào thái độ của cử tri và nhất là các nhà tài trợ, mà ở đâu cũng thấy có doanh nghiệp đang hưởng lợi nhờ hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Đặc biệt nhất là các khu dân cư do giới doanh nhân giàu có của Trung Quốc sang đầu tư xây dựng, và nguồn khách du lịch.

Gần đây chính phủ Anh còn ra luật để cấp loại visa đặc biệt cho các đoàn khách Trung Quốc khi sang Liên Hiệp Châu Âu thì được nối tiếp đi luôn sang Anh không cần phải xin thêm visa mới. Tuy nhiên, câu chuyện được chú ý nhất trong các cuộc tranh luận chính trị mấy ngày hôm nay là ưu đãi của chính phủ cầm quyền giảm thuế cho các tập đoàn Trung Quốc sang xây nhà máy điện hạt nhân và làm đường. Người ta e ngại về vấn đề di dân, chất lượng, và đặc biệt nhất là an ninh quốc gia liên quan tới các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng tới quốc phòng.

Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp mũi nhọn của Anh như các nhà máy xe hơi ở Coventry đã bị Trung Quốc mua từ lâu. Sáng nay 20/10/2015 báo chí nước Anh cũng nhắc đến ngành sản xuất thép của Anh đang lao đao vì thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Và tất nhiên là điểm quan trọng nhất là vấn để nhân quyền. Đứng một bên đường là nhửng người Trung Quốc kéo về chiếm chỗ để chờ vẫy cờ chào đón chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng ờ một góc khác là những người cầm cờ Tây Tạng hay hô hào khẩu hiệu của Pháp Luân Công, và sinh viên tị nạn chính trị từ sự kiện Thiên An Môn. Bên trong bàn tiệc thì không có mặt thái tử Charles để tỏ thái độ ủng hộ cho Tây Tạng. Đáng tiếc là trên đường phố Luân Đôn năm nay không thấy hai nhóm người Việt cầm cờ đỏ sao vàng và cờ vàng ba sọc đỏ biểu tình phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, một sự kiện từng được báo chí nước Anh quan tâm đặc biệt trong một chuyến thăm trước của lãnh đạo Trung Quốc.
.
RFI : Còn nhìn từ góc độ văn hóa thì chuyến đi này có ý nghĩa như thế nào ?

Lê Hải : Như chúng ta đã biết, văn hóa ngoại giao của Anh nổi tiếng thế giới về nghi lễ lịch sự và ứng xử phù hợp với tất cả các loại đối tác khác nhau. Bản thân đại sứ Trung Quốc khi lên truyền hình trả lời chất vấn trong những ngày qua cũng nhắc nhiều đến đều này và ông nói rằng Trung Quốc trông đợi nước Anh hành xử gentlemen. Và nhìn vào chương trình thì có thể thấy sự kiện này là một cơ hội để nước Anh quảng bá du lịch ra thế giới, và đặc biệt là sang Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình sẽ được đón tiếp bằng 103 phát súng đại bác danh dự, sẽ sống trong lâu đài Buckingham trong những ngày tới, và thường xuyên đi lại trên những con đường trung tâm của thủ đô, cũng chính là những địa điểm du lịch nổi tiếng của nước Anh.

Thực sự ra thì câu chuyện Tập Cận Bình chỉ là một dòng tin bình thường xen giữa nhiều câu chuyện khác trên thế giới mà người Anh quan tâm. Từ phía Trung Quốc thì thấy rõ thái độ kiêng nể và trân trọng nước Anh, đặc biệt là qua các bài bình luận trên báo Trung Quốc, coi chuyến đi này là biểu tượng cho kỷ nguyên vàng về hợp tác giữa hai nước, nhưng không coi mối quan hệ đó là thắm thiết.

Thế hệ lãnh đạo Trung Quốc ngày hôm nay có vẻ như không có ý đồ áp đặt tư tưởng Trung Hoa cho nước Anh mà ngược lại, học hỏi rất nhanh ngôn ngữ ngoại giao và văn hóa Anh Quốc để tận dụng vị thế của nước Anh trong cộng đồng quốc tế. Nhìn vào các trường lớn của Anh thì có những nơi như Học viện kinh tế chính trị Luân Đôn tràn ngập sinh viên Trung Quốc du học để sau này trở thành một thế hệ lãnh đạo mới ở nước của họ. Khi đến ngôi làng chuyên bán giảm giá đồ hạng sang hết mốt ở Bicester thì cũng tràn ngập người Trung Quốc kéo va li sang mua hàng hiệu chính hãng đem về. Chỉ cần là người Anh là có thể sang Trung Quốc sống bằng nghề dạy tiếng Anh. Đó là những điểm tiếp xúc quan trọng sẽ ảnh hưởng lâu dài vào sự thay đổi văn hóa của Trung Quốc, và ngược lại.


NGHE  :  Thông tín viên Lê Hải- Luân Đôn. Ngày 20/10/2015

--------------------- 
TIN LIÊN QUAN :








No comments: