Thứ Sáu, ngày 09 tháng 10 năm 2015
Tháng 10 năm 2015, năm cuối cùng của nhiệm kỳ nhân sự
đảng khoá 11. Hội nghị trung ương ĐCSVN nhóm họp phiên thứ 12 để bàn về nhân sự
chủ chốt khoá tiếp theo.
Tin tức bị kiểm soát chặt chẽ, hầu hết các tờ báo đều
lấy nguyên văn tin tức từ Báo Đảng Cộng Sản hay Thông Tấn Xã Việt Nam. Nội dung
chung chung chỉ thông báo chung chung là Bộ Chính Trị trình phương án nhân sự mới.
Ngoài ra không có thông tin gì cụ thể.
Phản hồi tin này trên tờ báo Dân Trí, có đến 8 trong
13 tổng số phản hồi ý kiến cho rằng cần phải công khai, minh bạch tên tuổi những
nhân sự chủ chốt mà Bộ Chính Trị đưa ra.
Tờ báo của Chính Phủ có vẻ nguồn tin độc lập hơn, do
phóng viên của báo tường trình. Không như những tờ báo khác phải sao chép
nguyên văn bài của báo Đảng. Phóng viên Nguyễn Hoàng của báo chinhphu.vn đã có
bài tường thuật tuy kín kẽ nhưng còn cho biết thêm chút thông tin về việc bàn
nhân sự của hội nghị trung ương lần này.
Có những điều khá đặc biệt hay gọi là khác với mọi
khi ở hội nghị bàn nhân sự khoá 12.
Thứ nhất đây là lần đầu tiên Bộ Chính Trị trình xin
ý kiến trung ương về nhân sự. Điều đó có nghĩa rằng vấn đề nhân sự cao cấp lần
này sẽ do trung ương Đảng quyết định với số lượng hàng trăm phiếu bầu. Nó cũng
cho thấy một lần nữa sự chia rẽ không thống nhất ở Bộ Chính Trị, ở lần trước là
BCT không thống nhất để xử lý kỷ luật đồng chí X phải đưa ra trung ương xin ý
kiến. Ở lần này lặp lại BCT phải xin ý kiến trung ương về nhân sự.
Thứ hai là sự đặc biệt về tuổi tác nhân sự, theo quy
định sẽ có rất nhiều uỷ viên BCT phải về hưu. Nhưng hội nghị trung ương 12 này
sẽ có những người quá tuổi trong Bộ Chính Trị có thể được phép ở lại, đó là 4 vị
trí quan trọng như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Quốc Hội, Thủ tướng và
đặc biệt thêm cả người trong Ban Bí Thư cùng một vài trường hợp uỷ viên trung
ương Đảng nào đó.
Thứ ba là hội nghị trung ương 12 mới đưa ra danh
sách nhân sự được BCT và Trung ương giới thiệu cùng với những tiêu chí để xem
xét, thảo luận. Căn cứ trên những ý kiến thảo luận tại trung ương 12 sẽ quyết định
cụ thể nhân sự ở hội nghị tiếp theo. Tuy nhiên vẫn có khả năng trong hội nghị
trung ương tới sẽ có những nhân sự không có trong danh sách lần này được bổ
sung giới thiệu.
Tại sao có những điểm đặc biệt trên khác biệt với
quy định thông lệ.?
Đó là do những Uỷ viên BCT chủ chốt trước đó nắm quá
nhiều quyền lực và ảnh hưởng. Và trong suốt khoá 11 là những cuộc đấu đá, triệt
hạ tàn khốc lẫn nhau, dẫn đến những UVBCT này buộc phải nắm chặt quyền lực, ảnh
hưởng để bảo vệ mình, không dám chia sẻ quyền lực cho người kế cận vì sợ bị phản
bội. Điểm nữa là sự thay đổi quan hệ quốc tế như bang giao nâng cấp với Hoa Kỳ,
Nhật Bản. Chính sách kinh tế có những bước ngoặt như tham gia ký kết
TPP...cần có người cũ có ảnh hưởng trong BCT để duy trì, triển khai các
chính sách mới. Điển hình cho mẫu Uỷ Viên BCT này là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Dũng có quá nhiều quyền lực trong cơ chế hiện nay, các cuộc cải cách kinh
tế đang cần đến sự chỉ đạo của ông cũng như cầu nối quan hệ bang giao với
phương Tây. Ông cũng có nhiều kẻ thù và cũng có nhiều người thân của ông
cần ông bảo vệ.
Ông Dũng không thể về hưu. Vì ông về sẽ là lỗ hổng
trong bộ máy cai trị, từ lỗ hổng này sẽ dẫn đến những điều bất lợi cho cái gọi
là ổn định chính trị. Hầu hết các uỷ viên trung ương đều muốn ông Dũng ở lại để
họ được chia chác lợi lộc trong yên bình. Nhất là cơ hội lớn trước mắt là việc
hội nhập thương mại, mở rộng quan quốc tế đang tiến triển tốt đẹp và hứa
hẹn đem lại nhiều bổng lộc cho mọi uỷ viên trung ương.
Không có lý do gì để phần lớn uỷ viên trung ương
ĐCSVN bác bỏ ông Dũng tiếp tục có mặt trong Bộ Chính Trị khoá tới. Nhưng việc
ông Dũng ở lại sẽ khiến các uỷ viên BCT khác so bì, cũng như sự e ngại không có
người kiểm soát để giữ vững con đường CNXH ở Việt Nam. Để trấn an quan chức ĐCS
cũng như cho việc Nguyễn Tấn Dũng ở lại được đồng thuận. Sẽ có vài vị trí khác
trong BCT tuy quá tuổi , nhưng vẫn được ở lại để làm người giữ đền thờ lý tưởng
CNXH.
Nếu ông Dũng về, tất cả các uỷ viên BCT khác cũng phải
về theo. Như thế thì các ứng cử viên mới đã lộ diện từ giữa năm để tiếp cận những
công việc của các uỷ viên BCT sẽ về hưu. Cho đến nay trên chính trường chưa thấy
nhân vật nào hoạt động nổi bật để khẳng định được đó là người thay thế. Cho dù
bản nhân sự không được công bố, nhưng có thể đoán sẽ có 2 uỷ viên BCT trong 4
chức tứ trụ hiện nay ở lại, một người trong Ban Bí Thư quá tuổi được ở lại.
Nhân sự cơ cấu chủ chốt như vậy sẽ đảm bảo cho Đảng
CSVN tiếp tục giữ vững chế độ CNXH, duy trì cải cách , đổi mới trong an toàn. Đến
bây giờ có thể nêu tên ba nhân vật quá tuổi được dự kiến ở lại trong danh sách
nhân sự trình trung ương ở hội nghị 12 này là Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang
và Lê Hồng Anh, cả ba đều là người miền Nam.
Trước đây yếu tố nhân sự miền Bắc thường được
chú trọng, vì quan niệm cho rằng nhân sự miền Bắc trung thành với lý tưởng cộng
sản vì gốc gác, cội rễ. Nhưng sau 40 năm thống nhất đất nước đến nay, khái niệm
CNXH truyền thống đã mai một, thay thế vào đó là chủ nghĩa tiền và quyền núp
bóng CNXH. Trong cái chủ nghĩa mới như vậy, cộng sản miền Nam không kém gì
cộng sản miền Bắc trong việc giữ cái bình phong CNXH. Nên việc nhân sự là người
miền Bắc trở thành một tiêu chí lỗi thời. Vả lại trong suốt 40 năm qua, thực tế
chứng minh rằng những người cộng sản gốc miền Nam cũng trung thành với lý tưởng
cộng sản không hề kém bất kỳ người cộng sản vùng miền nào khác.
Với cơ cấu diễn ra như trên cho thấy không có
gì thay đổi đáng kể trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Sự trông
chờ ĐCSVN trao trả dân chủ, quyền lực cho người dân tự quyết chỉ là giấc mơ hão
huyền. Khi mà việc nhân sự cấp cao lãnh đạo đất nước còn do đảng CS quyết định
trong bóng tối với nhau êm ấm, người dân thờ ơ không quan tâm, không phản đối.
Đương nhiên chả có lý gì đảng CSVN sẽ không có đại hội đảng khoá 13, 14, 15 hay
20...
Được đăng bởi Thanhhieu
Hieubui vào lúc 17:48
No comments:
Post a Comment