Những người ở vị trí lãnh đạo ở Việt Nam thường có
những phát biểu làm tôi thấy … khó lọt tai. Chẳng hạn như bà phó bí thư thành uỷ
HCM, khi được hỏi về việc bổ nhiệm các “thái tử đảng” (chữ này có gốc Tàu) vào
vị trí lãnh đạo, bà nói rằng “Tôi nghĩ điều đó quá là hạnh phúc đối với dân tộc
mình chứ sao lại nghi ngại” (1). Câu nói này, sau câu phát biểu của Phùng đại
tướng, làm thế giới mạng dậy sóng.
Tôi muốn nhìn câu phát biểu này dưới lăng kính …
khoa học. Và, khi đã nhìn dưới cái nhìn khoa học, các bạn sẽ thấy đây là một
câu nguỵ biện. Trong khoa học, làm sao chúng ta biết một can thiệp hay một loại
thuốc có hiệu quả? Cách thứ nhất và đơn giản nhất là cho một nhóm bệnh nhân
dùng thuốc đó một thời gian, rồi quan sát hiệu quả ra sao. Cách này thoạt đầu
nhìn qua thì chẳng có gì sai, nhưng thật ra là có nhiều cái sai, nhưng hai cái
sai hiển nhiên là như sau:
Cái sai thứ nhất là thiếu nhóm chứng (control), tức
là nhóm bệnh nhân không dùng thuốc. Nếu không có nhóm chứng thì chúng ta không
biết những gì mình quan sát trong nhóm điều trị là do thuốc hay do lí do gì
khác. Chỉ có những người ngây thơ mới tin những dữ liệu từ một nhóm, vì những
người am hiểu phải dùng dữ liệu của hai nhóm để so sánh rồi mới suy luận về
nguyên nhân – hệ quả được.
Cái sai thứ hai là bias, trong trường hợp này là chủ
quan. Nếu bạn để cho bác sĩ giải phẫu đánh giá hiệu quả điều trị trên bệnh nhân
do chính bác sĩ đó điều trị thì sẽ xảy ra tình trạng bias. Bias là vì bác sĩ
cũng chịu chi phối bởi yếu tố cảm tính và chủ quan, họ muốn tin những gì họ
tin. Và vì thế những gì họ đánh giá là không chính xác và cũng chẳng có độ tin
cậy cao. Người có kinh nghiệm phải để cho người khác độc lập đánh giá.
Quay lại với việc bổ nhiệm thái tử đảng mà bà Quyết
Tâm cho rằng là “quá hạnh phúc cho dân tộc” cũng có hai cái sai hiển nhiên. Cái
sai thứ nhất là nếu thay vì bổ nhiệm các thái tử đảng, chúng ta bổ nhiệm người
NGOÀI đảng xem sao. Nếu không có nhóm ngoài đảng (tức “nhóm chứng”) thì làm sao
có thể biết được các thái tử đảng có tài hay bất tài. Hiện nay, bà ấy nói rằng
các thái tử đảng là có tài, nhưng người ngoài đảng cũng có rất rất nhiều người
có tài, và không cho họ cơ hội để thi thố tài năng & đóng góp cho đất nước
phải xem là một cái tội đối với dân tộc.
Cái sai thứ hai là bias về đánh giá. Nếu đảng bổ nhiệm
thái tử đảng, rồi đảng tự đánh giá, thì chẳng khác gì bác sĩ tự đánh giá hiệu
quả điều trị của họ. Kiểu như vừa đá bóng vừa thổi còi, thì sao mà đáng tin cậy
được. Nếu có cơ chế để người dân đánh giá thì mới biết việc bổ nhiệm thái tử đảng
vào vị trí lãnh đạo có làm cho dân tộc hạnh phúc hay không. Không có đánh giá độc
lập của dân thì không thể nói như bà phó bí thư được.
Người làm nghiên cứu khoa học mà làm thí nghiệm thiếu
nhóm chứng và bias bị đánh giá là nhà khoa học tồi, dở, chẳng có uy tín gì.
Tương tự, làm thí nghiệm xã hội như kiểu bổ nhiệm thái tử đảng mà không có nhóm
so sánh (ngoài đảng) và chủ quan thì phải bị xem là [thôi nói bằng tiếng Anh
cho nhẹ :-)] incompetent. Tôi chợt nghĩ hay là người phát biểu thấy người Bắc
Hàn hạnh phúc với chế độ cha truyền con nối. Chẳng lẽ Việt Nam theo mô hình của
Bắc Hàn?
Do đó, người dân có lí do để không tin (chứ không chỉ
là “nghi ngại”), vào các thái tử đảng. Hạnh phúc thế nào được khi “Con vua thì
lại làm vua” còn “Con sãi ở chùa lại quét lá đa”.
Thật vô lí khi một nhóm người do có quan hệ huyết thống
với lãnh đạo được ưu tiên hơn những người khác cũng có tài mà đành phải an phận
với tình thế của kẻ bị trị. Hạnh phúc sao được trong khi các bậc tiền bối của
thái tử đảng để lại cái ngân sách Nhà nước chỉ còn 45000 tỉ đồng, mà một vị bộ
trưởng phải chua chát thốt lên rằng: “45.000 tỷ đồng này không biết phải làm
gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”
(2). Ai cũng thấy, chỉ có vài người trong đảng không thấy (hay không muốn thấy)
nên cứ phát ngôn gây sốc.
____
No comments:
Post a Comment