Wednesday, October 7, 2015

Giáo Hoàng Francis và Đồng Tính Luyến Ái (Nguyễn Nhân Trí - Da Màu)





7.10.2015  -   2 bình luận 

Thứ Ba ngày 29 tháng Chín 2015 vừa qua, đài thông tin CNN tiết lộ rằng Giáo Hoàng Francis trong chuyến công du Mỹ đầu tiên đã gặp mặt riêng bà Kim Davis, người mới trở thành “nổi tiếng” gần đây vì thái độ cứng rắn biểu lộ tư tưởng kỳ thị đồng tính luyến ái của bà.

Kim Davis là một nhân viên hành chánh ở Kentucky làm việc trong văn phòng cấp giấy hôn thú của thành phố. Bà là một tín đồ Công Giáo sùng tín. Bà chống đối việc Tòa Thượng Thẩm Mỹ đổi luật từ tháng Sáu 2015 bắt đầu cho phép những người đồng tính luyến ái được kết hôn hợp pháp. Bà tin rằng điều nầy trái ngược lại với đạo đức tôn giáo của bà. Bà chống đối bằng cách tự ý từ chối phát hành giấy hôn thú cho những cặp đồng tính luyến ái đến nộp đơn ở văn phòng bà làm việc. Bà cũng ra lệnh các nhân viên dưới quyền bà đều phải làm theo bà. Bà cho rằng bà làm điều nầy “dưới quyền Thiên Chúa” (“under God’s authority”).

Sự việc được đưa ra tòa, Kim Davis bị thua cuộc và nhận được lệnh tòa phải chấm dứt hành vi nầy vì bà “không được quyền áp đặt tiêu chuẩn đạo đức tôn giáo và cá nhân lên trên luật pháp quốc gia”. Bà vẫn tiếp tục từ chối phát hành hôn thú cho những cặp đồng tính luyến ái. Sau nhiều lần bị cảnh cáo, vào tháng Chín 2015 bà bị bắt giam 6 ngày về tội cãi lệnh tòa. Sau khi được thả ra và trở lại làm việc, bà chịu chuẩn duyệt hồ sơ cho những người đồng tính luyến ái. Tuy nhiên trên những giấy hôn thú nầy, bà không ghi tên họ và chức vụ của bà là người đã chuẩn duyệt. Thay vào đó, bà chỉ ghi “thừa lệnh tòa án.”

Buổi gặp mặt giữa Giáo Hoàng Francis và Kim Davis xảy ra ngày Thứ Năm 24 tháng Chín 2015 tại Tòa Đại Sứ Vatican ở Washington. Bà Davis kể rằng cuộc gặp mặt kéo dài 10 phút; trong phòng gồm có Giáo Hoàng Francis, bà và chồng bà. Bà cho rằng buổi gặp mặt nầy cho thấy Giáo Hoàng ủng hộ việc làm của bà. Bà nói, “Chỉ cần biết là Đức Giáo Hoàng có theo dõi, và đồng ý với những gì chúng tôi đang làm là tất cả mọi việc đều trở thành có giá trị”. Bà cũng kể thêm, “Đức Giáo Hoàng rất nhân từ, đầy thương yêu, và rất thân thiện. Ngài còn bảo tôi hãy cầu nguyện cho Ngài. Ngài cám ơn tôi về sự can đảm của tôi và bảo tôi “Hãy kiên trì.’” Bà trả lời, “Xin Ngài cầu nguyện cho con.”

Bà còn cho biết Giáo Hoàng Francis đã ôm bà vào lòng rồi tặng bà và chồng bà một xâu hạt chuỗi.

Đài CNN cũng cho biết là lúc ban đầu, một đại diện Tòa Thánh Vatican, ông Ciro Benedettini phản ứng rằng: “Chúng tôi không thể phủ nhận hay xác nhận câu chuyện nầy. Chúng tôi sẽ không có gì để tuyên bố cả.” Tuy nhiên ngay sau đó, một đại diện khác của Tòa Thánh, ông Federico Lombardi, cho biết thêm: “Tôi không chối là buổi họp mặt đã xảy ra. Tuy nhiên tôi không có gì để bàn luận cả.”

Để cố giải tỏa sự thắc mắc mỗi lúc càng gia tăng của dư luận, ngày Thứ Sáu kế đó Tòa Thánh đã lên tiếng cải chính về cuộc gặp mặt nầy. Tòa Thánh cho biết đó không phải là một buổi gặp mặt riêng giữa Giáo Hoàng Francis và vợ chồng bà Davis mà là một buổi gặp gỡ chung cả với “mấy tá” người khác nữa cũng cùng có mặt lúc đó trong Tòa Đại Sứ. Ông Lombardi nói “Những cuộc gặp gỡ loại nầy xảy ra thường xuyên trong tất cả các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng vì Ngài là một người nhân từ và dễ tiếp xúc với mọi người. Trong chuyến đi nầy, Đức Giáo Hoàng chỉ có một buổi gặp mặt riêng duy nhất đó là giữa Ngài với một học sinh cũ của Ngài và gia đình người đó”. (*)

Điều Tòa Thánh muốn nhấn mạnh nhất là “không nên xem việc Đức Giáo Hoàng gặp bà Kim Davis là một hành động Ngài biểu lộ lòng ủng hộ cho việc làm của bà”.

Đài CNN cũng cho biết ngày 23 tháng Chín 2015, tức là một ngày trước khi Giáo Hoàng Francis gặp bà Kim Davis, ông đã gặp một người học trò cũ đồng tính luyến ái tên Yayo Grassi và người bạn đời của ông ấy. (*) Như vừa kể ở trên, đây là người mà đại diện Tòa Thánh cho rằng đã duy nhất chính thức được gặp riêng Giáo Hoàng Francis trong chuyến công du nầy. Chữ “gia đình người đó” ám chỉ người bạn đời đồng tính của ông Grassi.

Ông Grassi cho biết “Trước chuyến đi 3 tuần, Đức Giáo Hoàng đã gọi điện thoại cho tôi ngỏ ý muốn gặp tôi và ôm tôi vào lòng.” Ông Grassi, 67 tuổi đã từng là học trò môn văn chương và tâm lý học của Giáo Hoàng Francis vào khoảng năm 1964-1965. Ông nói Giáo Hoàng Francis lúc đó, cũng như mọi người khác, cũng biết về khuynh hướng tình dục của ông và việc ông có một người đời đồng tính luyến ái lâu dài, tuy vậy “Ngài không bao giờ lên án việc nầy”. Ông nói, “Đức Giáo Hoàng không bao giờ phê phán hay nói gì nặng lời. Dĩ nhiên Đức Giáo Hoàng là người của Hội Thánh thì Ngài phải tuân theo những tín điều của Hội Thánh. Tuy vậy Ngài cũng một người thông hiểu mọi tình cảnh khác nhau và mở rộng vòng tay với mọi người, kể cả những người có khuynh hướng tình dục khác nhau.”

Cuối buổi gặp mặt, Giáo Hoàng Francis lần lượt ôm ông Grassi và người bạn trai ông ấy và hôn mỗi người trên má.

Sự kiện Giáo Hoàng Francis gặp gỡ một người nổi tiếng nhân danh Thiên Chúa cực lực phản đối vấn đề đồng tính luyến ái (bà Davis) lẫn cặp đồng tính luyến ái (ông Grassi và bạn trai) đưa đến nhiều bàn luận sôi nổi.

Nhiều người đồng ý với bà Kim Davis, cho rằng buổi gặp mặt riêng với Giáo Hoàng Francis cho thấy sự ủng hộ của ông về việc làm của bà. Trong khi đó, những người Công Giáo đồng tính luyến ái cho rằng buổi họp mặt nầy “rất khó hiểu” và “phủ một tấm mền ướt” lên chuyến thăm viếng Mỹ đầu tiên của Giáo Hoàng. Ông Francis De Bernardo, người đứng đầu nhóm Công Giáo đồng tính luyến ái, cho biết đã đến lúc Giáo Hoàng Francis phải khẳng định chính sách của Tòa Thánh về vấn đề nầy. Đó là vì chính sách của Tòa Thánh có ảnh hưởng lớn đến các quyết định xem là đạo đức của vô số giáo dân.

Giáo Hoàng Francis đã nhiều lần cho thấy tuy ông tích cực cổ động quyền tự do tín ngưỡng nhưng ông không tỏ rõ lập trường của ông về một số vấn đề khác, thí dụ như vấn đề hôn nhân đồng giới tính ở đây. Năm 2013, ông đã từng tuyên bố ông không phán đoán những linh mục đồng tính luyến ái. Tuy nhiên trong cuộc tranh luận nóng bỏng về hôn nhân đồng giới tính năm 2010, lúc ấy Francis chưa nắm chức vị Giáo Hoàng, ông đã gọi hôn nhân đồng giới tính là “sản phẩm của Quỷ Satan.” Điều nầy làm người ta suy nghĩ: không lẽ chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi mà một người có thể thay đổi 180o về quan điểm trên một vấn đề trọng đại như vậy sao (nhất là nếu xét đến vị thế của ông ấy)? Hay vì lý do gì khác mà Giáo Hoàng Francis lại “tiền hậu bất nhất” như thế? Ông cũng từ chối không chịu thay đổi cương vị truyền giảng của Giáo Hội cho rằng quan hệ đồng tính là tội lỗi.

Tôi hiểu được quan điểm cho rằng việc Giáo Hoàng Francis gặp mặt một người hay một nhóm người nào đó không có nghĩa là ông biểu lộ sự đồng tình với việc làm hay tư tưởng của họ. Đó là vì ngài là một nhân vật tôn giáo, Giáo Hoàng còn là một nhân vật chính trị. Ông gặp gỡ đủ loại người với vai trò một chính trị gia, mặc dù lúc nào Tòa Thánh cũng tô điểm các cái bắt tay, những cái ôm hôn, những việc ban phép lành của ông là phát xuất từ lòng nhân từ, tính quảng đại, thân thiện dưới cương vị một Giáo Hoàng, và vì ông là một người của quần chúng, v.v.

Mặc dù Tòa Thánh đã đính chính cho đó không phải là một “buổi gặp mặt riêng” nhưng bà Kim Davis vẫn quả quyết trong phòng chỉ có 3 người: Giáo Hoàng Francis và vợ chồng bà, kéo dài 10 phút. Bà còn cho biết bà có ảnh chụp để chứng minh. Và chúng ta cũng biết 10 phút là thời gian tiêu biểu của các buổi gặp mặt riêng mà Giáo Hoàng Francis thường cho phép mỗi người. Nếu gặp mặt chung “vài tá” người cùng một lúc như lời Tòa Thánh nói thì thời gian giao tiếp dành cho mỗi người, như chúng ta thường thấy, cao nhất chỉ khoảng vài mươi giây gồm một cái bắt tay và vài câu qua loa xã giao mà thôi.

Khi đọc kỹ qua các lời tuyên bố của Tòa Thành liên quan đến buổi gặp mặt kín giữa Giáo Hoàng Francis và vợ chồng bà Davis, chúng ta có thể thấy từng câu chữ của các lời tuyên bố nầy đều được lựa chọn cẩn thận với mục đích duy nhất là hạ giá trị và ý nghĩa của buổi gặp mặt đó xuống càng thấp càng tốt.

Đối với tôi, muốn biết lập trường của Giáo Hoàng Francis ở đây thì thay vì nghe những gì ông nói, chúng ta chỉ cần xem những gì ông đã làm (và đã không làm) trong vấn đề đồng tính luyến ái từ khi ông nắm quyền đứng đầu Giáo Hội Công Giáo. Như vừa nói ở trên, cho đến nay Giáo Hoàng Francis vẫn từ chối không chịu thay đổi quan điểm chính thức của Giáo Hội cho rằng quan hệ đồng tính là tội lỗi. Dưới đây là vài thí dụ nữa.

Vào tháng Tư năm 2015, chính phủ Pháp đề cử ông Laurent Stefanini để làm đại sứ của họ với Tòa Thánh Vatican. Ông Steffanini là một người được Pháp xem là lý tưởng cho chức vụ nầy, ông đã từng làm việc với Liên Hiệp Quốc và được Tổng Hồng Y của Pháp André Vingt-Trois ủng hộ. Tuy nhiên, cho đến ngày nay Tòa Thánh vẫn chưa hồi đáp đề cử trên, ngay cả sau khi ông Steffinini đại diện chính phủ Pháp đã gặp gỡ riêng với Giáo Hoàng Francis gần đây. Im lặng ở đây đồng nghĩa với từ chối. Tuy không có gì chính thức nhưng ai cũng biết rằng lý do chính là vì ông Steffanini là một người đồng tính luyến ái công khai. Hơn nữa, ông còn là người đã cổ động cực lực trong phong trào hôn nhân đồng giới tính ở Pháp năm 2013.

Đây không phải là lần đầu tiên. Năm 2008 chính phủ Pháp cũng đã đề cử ông Jean Loup Kuhn-Delforge làm đại sứ của họ với Vatican. Ông Kuln-Delforge sống chung công khai với một người bạn đời đồng tính. Sau một năm dài, Giáo Hoàng đương thời bấy giờ là Benedict cũng đã không trả lời gì về đề cử nầy. Giới bình luận cho rằng Giáo Hoàng Francis không khác gì Benedict, thái độ của cả hai đều phản ảnh quan điểm của Giáo Hội Công Giáo đối với đồng tính luyến ái. Cho đến nay, Pháp vẫn chưa có đại sứ ở Vatican.

Đại diện của Hội Đồng Tính Luyến Ái của Paris, Robert Simon cho biết cộng đồng muốn nhìn thấy Giáo Hoàng Francis thực hành những gì ông rao giảng. Anh nói, “Bên trong hàng ngũ Giáo Hội có không thiếu những nhân vật cao cấp cũng đồng tính luyến ái nhưng một cách bí mật. Cái mà Giáo Hội đang biểu dương chỉ là đạo đức giả. Nếu bạn thực hành đồng tính luyến ái một cách kín đáo thì họ để yên cho bạn, nhưng nếu bạn công khai làm điều nầy thì họ sẽ không muốn biết đến bạn.”

Ngày 23 tháng Chín 2015 trong chuyến đi sang Mỹ lần nầy, Giáo Hoàng Francis cũng đã đến thăm nhóm Nữ Tu của Người Nghèo (Little Sisters of the Poor) ở tại trụ sở của họ. Nhóm nữ tu nầy chuyên hoạt động từ thiện giúp đỡ người già cả, đói nghèo trên khắp nước Mỹ. Vào năm 2013, Tổng Thống Obama tuyên bố chính sách y tế xã hội (thường được gọi là “Obamacare”) trong đó có bộ luật về trợ cấp hạn chế sinh sản. Luật nầy bắt buột chủ nhân các tổ chức thương mãi phải bảo trợ nhân viên làm việc cho họ về những chi phí y tế trong đó bao gồm việc hạn chế sinh đẻ. Luật nầy cũng cho phép các tổ chức không-vụ-lợi (thí dụ như nhóm Nữ Tu của Người Nghèo nầy) không phải trực tiếp cung cấp chi phí nầy mà có thể chỉ cần cho phép hảng bảo hiểm sức khỏe của họ thay mặt họ làm việc đó. Nhóm Nữ Tu nầy không đồng ý việc họ bị bắt buột phải ký tên cho phép hãng bảo hiểm bảo trợ chi phí liên quan đến hạn chế sinh đẻ cho nhân viên của họ. Họ cho rằng làm việc nầy tương đương với đồng tình trong việc hạn chế sinh đẻ, một điều mà Giáo Hội Công Giáo nghiêm cấm.

Năm 2013, nhóm Nữ Tu của Người Nghèo đã ra tòa xin họ không cần phải làm theo bộ luật nầy vì tín ngưỡng của họ không cho phép. Tuy nhiên, tháng 7 năm 2015 Tòa Kháng Cáo Liên Bang đã quyết định xử họ thua. Án lệnh của tòa nầy đòi hỏi họ phải tuân theo bộ luật y tế xã hội giống như tất cả mọi người khác.

Ông Federico Lombardi, đại diện của Giáo Hội đã nói với phóng viên CNN rằng buổi gặp gỡ (kéo dài 15 phút) giữa Giáo Hoàng Francis và nhóm Nữ Tu của Người Nghèo cho thấy “đây là dấu hiệu ủng hộ của Ngài về cuộc chiến đấu pháp lý của họ.”

Nhận định của tôi ngay sau khi đọc về chuyện nầy là Tòa Thánh có vẻ chỉ diễn giảng sự việc theo cách nào có lợi cho họ. Một mặt họ cho rằng cuộc gặp mặt dài 15 phút giữa Giáo Hoàng với nhóm nữ tu “là dấu hiệu ủng hộ của Đức Giáo Hoàng”, mặt khác họ cho rằng cuộc gặp mặt dài 10 phút giữa Giáo Hoàng với bà Kim Davis (như vừa tường trình ở trên) “không nên được xem như một biểu lộ sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng”.

Một thí dụ nữa gần đây nhất, ngày Thứ Bảy 3 Tháng Mười 2015, báo Washington Times cho biết Giáo Hội Công Giáo vừa bãi nhiệm giáo sĩ cao cấp người Ba Lan, Monsignor Krzysztof Charamsa không lâu sau khi ông đứng ra công khai nhìn nhận ông là một người đồng tính luyến ái. Ông Charamsa, 43 tuổi, đã làm việc ở trong văn phòng báo chí của Tòa Thánh và dạy giáo lý tại các Đại Học Công Giáo ở La Mã từ năm 2003.

Trong khi Tòa Thánh cho biết việc bãi nhiệm ông Charamsa không liên quan gì đến việc ông công khai hóa khuynh hướng tình dục của mình, ông Charamsa nói với báo chí Ý: “Công khai hóa việc nầy là một quyết định cá nhân rất khó khăn cho tôi vì thái độ vô cùng khắc nghiệt của Giáo Hội đối với những người đồng tính luyến ái. Tôi chỉ muốn Giáo Hội và mọi người biết rằng tôi là một tu sĩ đồng tính và hãnh diện với khuynh hướng tình dục của tôi. Tôi sẵn sàng chịu trả hậu quả của quyết định nầy, nhưng đã đến lúc Giáo Hội hãy mở mắt lớn ra và nhìn thấy rằng bắt buột những tín đồ đồng tính phải diệt bỏ tính dục của họ là một điều vô nhân đạo.”

Trong bài diễn văn tại Tòa Bạch Ốc vào sáng thứ Tư, Giáo Hoàng Francis lại một lần nữa kêu gọi “cần có sự bảo vệ mạnh mẽ trong vấn đề tự do tín ngưỡng”. Có lẽ đây là thông điệp nhất quán và trường kỳ duy nhất của ông trong suốt thời gian nắm chức vụ đứng đầu Giáo Hội. Có lẽ đó là vì ông chỉ thật sự quan tâm đến đến việc bảo vệ tín ngưỡng mà thôi.

Các hành động của ông trong chuyến công du nầy, như vừa kể trên, là vài thí dụ cho thấy nhiều việc làm của Giáo Hoàng Francis không đi đôi với những điều ông tuyên bố. Có lẽ những lời tuyên bố về “không kỳ thị đồng tính luyến ái”, “không lên án việc hạn chế sinh sản” của ông chỉ là những tuyên bố có giá trị chính trị. Đó là những tuyên bố cần phải có để bảo vệ danh nghĩa của Giáo Hội, để người ngoài không cho rằng Giáo Hội là một tổ chức thủ cựu và thiếu nhân bản.

Theo tôi, có lẽ cách giải thích hiền hòa nhất là cũng có thể Giáo Hoàng Francis không có lập trường vững chắc về các vấn đề nầy.

Nguồn:

No comments: