Thursday, October 8, 2015

Đến với Võ Phiến (Nguyễn Hưng Quốc)





08.10.2015

Mãi đến năm 30 tuổi, tôi mới đọc Võ Phiến, lần đầu.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu lý do tại sao có cái sự muộn màng như thế. Tôi mê sách từ nhỏ. Ngay trong những năm đầu của trung học, tôi đã ngốn ngấu hầu như toàn bộ sách của Tự Lực Văn Đoàn cũng như của những tác giả thường được gọi là ‘tiền chiến’, từ Nguyễn Tuân đến Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Bùi Hiển, Trần Tiêu, từ Xuân Diệu, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương đến Nguyễn Bính, Huy Cận, Hồ Dzếnh, v.v... Sau khi ‘nuốt’ hết các tác phẩm được coi là kinh điển đối với học sinh trung học, tôi ‘tấn công’ dần sang các tác giả nổi tiếng của miền Nam thuở ấy. Tôi đọc nếu không hết thì cũng gần hết tác phẩm của Mai Thảo, Chu Tử, Tuý Hồng, Nhã Ca, Thuỵ Vũ, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Mạnh Côn, v.v... Nhiều vô kể. Chỉ riêng Võ Phiến, tôi chưa đọc quyển nào.

Không phải lúc ấy tôi không biết ông. Có. Trên các tạp chí xuất bản tại Sài Gòn thời bấy giờ, tôi gặp tên ông hoài. Rồi trong các tập Giảng văn dùng ở trung học, tôi vẫn thường đọc nhiều đoạn văn trích từ tác phẩm của ông để làm mẫu cho học trò về nghệ thuật tả cảnh, tả vật, tả người. Nhiều đoạn, các thầy cô giáo bắt phải học thuộc lòng và tôi nhớ, tôi cũng rất vui vẻ học thuộc lòng những đoạn văn ấy. Vì thích. Vì phục. Có đoạn, đặc biệt là đoạn ông tả tật tham ăn của Bình trong truyện “Dung”, nhiều năm sau tôi vẫn còn có thể đọc lại từng chữ:

“Vừa đối diện với mâm cơm, bằng một cái liếc rất nhanh, hắn đã định ngay được giá trị từng món ăn, chọn ngay được món ăn ngon nhất. Và từ đầu đến cuối bữa ăn hắn tấn công vào trọng tâm một cách kiên nhẫn, tàn bạo, nhưng khôn ngoan lạ kỳ... Hắn tính toán chu đáo, gắp khắp các dĩa, nhưng tổng kết lại thì thế nào hắn cũng gắp được món ngon nhiều hơn cả. Và hắn theo dõi ngọn đũa của tất cả các thực khách, không dung thứ cho một người nào hơn mình. Hắn cạnh tranh kín đáo nhưng ráo riết... Bình thường thì ngọn đũa trí trá của hắn thu lại đầy ý thức chuẩn bị, rồi đột nhiên vụt phóng ra nhanh nhẹn lạnh lùng như một con cò già lão luyện phóng mỏ bắt ruồi, trăm lần không sai đích một lần...”

Thích và phục như thế, vậy mà, không hiểu tại sao, tôi lại không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm sách của ông để đọc. Hình như, tự thâm tâm, tôi thấy, qua các đoạn văn trích ấy, hay thì thật là hay, nhưng có cái gì cổ kính và xa xôi, như văn chương của cái thuở Tự Lực Văn Đoàn mà tôi đã đọc rồi và đã chán rồi. Hình như, lúc ấy tôi đã ngầm xếp ông vào loại những tác giả ‘cổ điển’, nghĩa là những người mình sẵn sàng nhắc đến như những tên tuổi tiêu biểu và đầy thẩm quyền trong lãnh vực văn học để chứng tỏ trình độ học thức uyên bác của mình, nhưng trên thực tế thì mình lại không bao giờ cần đọc tác phẩm của họ cả. Như kiểu người ta vẫn thường nhắc đến Nguyễn Du, đến Victor Hugo, đến Leo Tolstoy, đến Shakespeare vậy mà...

Sau năm 1975, lên đại học, tôi ngạc nhiên thấy nhiều thầy giáo của mình từ miền Bắc vào - phần lớn đều là những người viết lách ít nhiều - khen Võ Phiến nức nở hoặc chửi bới Võ Phiến thậm tệ. Trong cả lời khen lẫn tiếng chê, tôi đều thấy thấp thoáng có chút gì như thán phục. Vì thán phục nên mới nghĩ là ông nguy hiểm, mới phong cho ông cái ‘chức’ là ‘tên biệt kích văn nghệ hàng đầu’. Một lần, tôi nghe chính Chế Lan Viên khen ngợi tuỳ bút của Võ Phiến sau khi kể chuyện Võ Phiến, từ Mỹ, viết thư về cho người thân ở Việt Nam, đã dẫn hai câu Kiều: “Thôi thôi còn nói chi con / Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.” Với tôi lúc ấy, mới ngoài 20 tuổi, đang rất mê Chế Lan Viên, hiểu ngay là lời khen ngợi ấy hẳn là có giá trị đáng kể. Tôi ghi nhận lời khen ngợi ấy như ghi nhận một thứ tư liệu quý. Về Chế Lan Viên. Và về Võ Phiến nữa. Vậy mà, không hiểu tại sao, tôi lại vẫn không hề tò mò tìm sách của ông để đọc dù điều đó, ngay sau 75, cũng khá dễ dàng: nghiền sách, tôi có thói quen thường xuyên la cà ở các bãi sách cũ dọc hè phố Sài Gòn và không phải không từng thấy sách ông bày bán ở đó với giá rẻ mạt.

Mãi đến năm 1986, khi đã vượt biển và định cư tại Pháp, một hôm, bước vào một tiệm sách Việt ngữ tại Paris, giữa mớ sách lèo tèo, tầm thường, không gợi lên được chút xíu hứng thú nào trong tôi, mắt tôi dừng lại cuốn Tuỳ bút 1 của Võ Phiến vừa được nhà Văn Nghệ xuất bản tại California: chắc chắn đó là cuốn sách khá nhất trong cái bầy sách thưa thớt buồn xo ấy. Bèn mua. Một cách khá uể oải. Như là một sự chọn lựa miễn cưỡng. Vì không có cái gì khác nữa.

Về, định đọc nhẩn nha. Nhưng ngay ở mấy trang đầu, tôi đã bị cuốn hút. Đọc một lèo từ đầu đến cuối. Vừa thích vừa sững sờ thán phục. Suốt cả mấy tuần lễ liên tiếp, tôi cứ đọc đi đọc lại, vầy vò hoài một cuốn sách ấy. Có khi đọc vài bài, có khi đọc một bài và cũng có khi chỉ đọc nhảy lóc cóc từng đoạn, từng đoạn. Để nghe hơi văn. Để thích thú với một vài nhận xét thông minh và dí dỏm của tác giả. Từ đó, tôi trở thành một độc giả chăm chỉ và chăm chú của Võ Phiến. Cuốn sách nào của ông in ra, bài viết nào của ông đăng báo, tôi cũng đều đọc cẩn thận. Có cái đọc đi đọc lại nhiều lần.

Rồi năm 1989, nhân từ Pháp qua Mỹ tham dự một hội nghị được tổ chức tại Chicago; từ Chicago, tôi đi cùng với Nguyễn Mộng Giác về California chơi. Con gái anh Giác ra phi trường Los Angeles đón chúng tôi, và trước khi về nhà anh Giác, chúng tôi ghé thăm Võ Phiến. Chừng hai, ba tiếng đồng hồ gì đó. Thật ngắn ngủi. Câu chuyện quanh quẩn trong các đề tài văn nghệ. Võ Phiến hỏi thăm tôi vài điều về chuyện viết lách, rồi ông kể chuyện Hoài Thanh, chuyện Chế Lan Viên, những tên tuổi lớn từ trước năm 1945 mà ông quen biết từ thuở còn là học trò. Cách nói chuyện của ông thoải mái và chân tình khiến cho tôi, nhỏ hơn ông hơn một phần tư thế kỷ và lần đầu tiên gặp ông, không có chút xíu gì là bỡ ngỡ.

Không bỡ ngỡ, nhưng lại đầy cảnh giác. Võ Phiến có dáng người hơi thô, nụ cười hiền lành, giọng nói thật thà, nhưng đôi mắt, đôi mắt của ông thật lạ lùng: nó nhìn như xoi mói, lâu lâu lại ánh lên một tia sáng tinh nghịch ngấm ngầm, làm cho tôi đôi lúc có cảm giác như là ông vừa mới phát hiện điều gì đó không đẹp ở mình. Tôi đâm hoang mang. Tự nhiên lại nhìn xuống vạt áo mình, nhìn xuống đôi giày mình. Cực.

Thực tình, tôi không thích cái đôi mắt ấy. Bởi vậy, sau lần nói chuyện ngắn ngủi ấy, tôi không hề có cảm giác gần hơn với Võ Phiến. Thỉnh thoảng tôi vẫn viết thư cho ông và nhận được thư của ông, nhưng cả thư đi lẫn thư lại đều ngắn. Thư tôi thường dừng lại trong khuôn phép. Riêng thư Võ Phiến, tuy ngắn, lại khá thân tình. Ông thường nhận xét về một bài viết hay quyển sách nào đó của tôi mới in một cách cởi mở. Dần dần, mặc dù không gặp ông lần nào nữa, chỉ qua thư từ, ấn tượng của tôi về ông khác đi. Tôi quên ánh mắt của ông. Mà chỉ nhớ đến nụ cười. Nụ cười thật lành. Và giọng nói nữa. Cũng thật lành.

Nhưng khi tôi đọc, có khi đọc lại, tác phẩm của ông, ánh mắt ấy lại hiện ra. Có điều, đó không phải là cái ánh mắt lâu lâu liếc quét lên người tôi mà là một ánh mắt khác lấp lánh trên từng dòng chữ, long lanh trên từng trang sách. Cái ánh mắt ấy, oái oăm thay, lại làm cho tôi vô cùng sảng khoái. Đọc, cứ bần thần. Trước, tôi thích văn ông. Sau, tôi nghiện văn ông. Lâu, không đọc ông, có cái gì như thể là nhớ nhung. Cuối năm 1990, sau khi hoàn tất chuyên luận Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, tự dưng có lúc tôi nôn nao muốn viết về ông.

Trong dự định ban đầu, việc phê bình Võ Phiến nằm trong một ‘dự án’ lớn hơn: phê bình văn học hải ngoại nói chung. Có lúc, trước sự khuyến khích của bạn bè trong giới cầm bút, tôi đã suýt viết một cuốn tổng luận về văn học hải ngoại, trong đó, hai bài mở đầu, “Mười lăm năm văn học lưu vong: sự hình thành và phát triển” và “Mười lăm năm văn học lưu vong: bản chất và đặc điểm” đã được đăng tải trên tạp chí VănVăn Học tại California năm 1990, hình như được một số người thích, lâu lâu lại nhắc nhở và khen ngợi, đây đó, trên báo chí. Sau hai bài ấy, tôi không viết được gì thêm. Lý do là vì tôi đột nhiên khám phá ra là cách viết như thế, cũng như cái cách tôi viết quyển Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản hay cách Võ Phiến viết quyển Tổng quan văn học miền Nam, có cái gì hơi hơi không ổn: viết tổng quan hay tổng luận là viết về những đặc điểm chính, những khuynh hướng nổi bật, những trào lưu chủ yếu, những cái chung nhất, phổ biến trong nhiều nhà văn, nhiều nhà thơ trong cùng một thời kỳ, trong khi diện mạo thực sự của của một thời kỳ văn học lại được hình thành từ những tác giả lớn, chỉ từ những tác giả lớn; và diện mạo thực sự của những tác giả lớn ấy lại nằm ở những cái riêng của họ, những chỗ họ không giống với bất cứ ai khác. Như thế, viết tổng quan hay tổng luận theo kiểu cũ, chúng ta đối diện với một nghịch lý: bàn về văn học, nhưng chúng ta lại loại trừ những tài năng văn học lớn và đích thực, chỉ tập trung vào những cây bút trung bình hoặc dưới trung bình, những người khiêm tốn ‘làm ăn’ trên cái vốn chung, cái ý thức hệ chung, cái phong cách chung của cả một thời kỳ. Cách viết như thế, tuy có thể là bổ ích, có thể cung cấp cho người đọc một số kiến thức căn bản về phương diện văn hoá và xã hội, lại chẳng giúp được gì cho ai khi muốn tìm hiểu về văn học theo cái nghĩa là một cái gì mang tính chất sáng tạo: nó chỉ tái hiện được những cái cặn chứ không phải là những tinh hoa; nó chỉ vẽ lại nên được cái nền chứ không phải là những cái đỉnh.

Phê bình văn học một thời kỳ là phê bình những tinh hoa của thời kỳ ấy. Phê bình những tinh hoa là phê bình những cái chỉ một mình nó có, những cái nó không bắt chước ai và cũng không chia sẻ với ai cả. Trong ý nghĩ như vậy, tôi có ý định phê bình một số người. Mỗi người một cuốn sách, cỡ vừa thôi, một hai trăm trang gì đó. Điều này, ngoài lý do liên quan đến phương pháp luận như vừa trình bày, còn có cái lợi là thích hợp với điều kiện viết lách ở hải ngoại: quá ít thì giờ. Thì giờ để viết thường là thì giờ ăn cắp của gia đình: trốn những sinh hoạt chung với vợ con vào các buổi tối hay các ngày cuối tuần. Tập trung vào một số tác giả, do đó, trước hết, là một cách khoanh vùng tư liệu để khỏi phải đọc quá nhiều, quá rộng, quá lan man. Hơn nữa, cũng là một cách giảm bớt nguy cơ thiếu sót. Viết một tuyển tập phê bình cho cả thời kỳ, người ta đòi hỏi phải viết đầy đủ những gương mặt tiêu biểu. Thiếu một là hỏng một. Chọn cách viết mỗi người một quyển sách coi bộ khoẻ hơn. Viết được đến đâu hay đến đó. Không viết được nữa thì nghỉ. Chẳng sao cả.

Chọn Võ Phiến là người đầu tiên, ngoài lý do là tôi thích văn ông, tôi còn một số lý do khác nữa. Thứ nhất, với sáng kiến in Toàn tập Võ Phiến của nhà xuất bản Văn Nghệ, tài liệu cần thiết trong quá trình nghiên cứu về Võ Phiến hầu như đều có sẵn. Với một người làm công việc phê bình hay nghiên cứu văn học, không có đề tài nào khác thuận lợi hơn. Thứ hai, vì tôi đọc ông một cách say mê và liên tục cả mấy năm liền, tôi hơi tự tin là có thể nói được vài điều mới mẻ về ông. Cuốn sách hy vọng là không đến nỗi nhảm.

Khi quyết định như thế, tôi liền viết thư cho Võ Phiến, hỏi xin ông thêm một ít tài liệu, chủ yếu là liên quan đến cuộc đời của ông. Ông trả lời ngay, rất vồn vã. Tôi cũng mừng. Nhưng ngay sau đó, do một sự tình cờ, tôi quyết định dời nhà sang định cư tại Úc. Thủ tục tiến hành cực nhanh: chỉ trong vòng mấy tháng sau là tôi đã rời Paris sang Melbourne. Xứ sở mới, công việc mới, văn hoá mới, ngôn ngữ mới... bao nhiêu cái ‘mới’ ấy đòi hỏi tôi phải tập trung toàn bộ thì giờ và tâm sức để hội nhập, để thích nghi. Bận đến phát ngộp. Tôi chẳng còn tinh thần đâu mà nghĩ đến chuyện văn chương, chữ nghĩa. Sách báo bạn bè gửi tặng, tôi để nguyên phong bì cất lên kệ. Thư từ bạn bè từ xa gửi tới, tôi liếc sơ qua rồi cất vào ngăn kéo. Giữa lúc ấy, ngay giữa lúc ấy, tôi nhận được những bức thư gọi là ‘cung cấp tài liệu’ của Võ Phiến. Đều đặn, thường là mỗi tháng một bức, có khi ông cao hứng, một tháng hai bức; chỉ khi nào ông bận bịu hay bệnh hoạn lắm mới hai tháng một bức. Bức nào cũng dày sáu trang giấy chi chít chữ. Sáu trang, đúng sáu trang, không hơn. Võ Phiến giải thích: để dễ dán tem, không cần phải chờ nhân viên bưu điện cân thư và tính tiền. Là người nghiên cứu văn học, quí tài liệu hơn cả một đứa keo kiệt quí tiền bạc, tôi biết rõ giá trị của những bức thư mình đang cầm: có bức kể về gia thế, có bức kể về bạn bè, có bức kể về tuổi thơ, có bức kể về những bước chập chững trên con đường đi vào nghệ thuật, có bức nói về một tác phẩm Võ Phiến tâm đắc, v.v... Tôi biết. Biết, nên tôi làm ngay bản sao từng bức thư để cất, phòng trường hợp rủi ro có thể thất lạc. Nhưng biết thế mà tôi vẫn không sao lắng mình để đọc cho kỹ, để toan tính một kế hoạch viết lách nghiêm chỉnh về ông. Có thời gian, tôi cứ nín thinh, bằn bặt, không thư từ gì với Võ Phiến cả. Như kiểu trốn nợ.

Mãi đến ba năm sau, tâm hồn mới tạm bình yên, tôi lại thập thò đến với văn thơ. Trước hết là thơ. Dù sao thì tôi cũng yêu thơ hơn văn. Viết về thơ bao giờ tôi cũng thấy ‘đã’ hơn là viết về văn. Bài đầu tiên tôi viết là bài về “Thơ con cóc” đăng trên Hợp Lưu số 17 ra vào tháng 6 và 7 năm 1994. Từ việc đánh giá lại bài “Thơ con cóc”, tôi loé thấy nhiều vấn đề khác: ý nghĩa của bài thơ, quan hệ giữa bài thơ và tác giả, giữa thơ và hiện thực, vấn đề phê bình văn học, v.v... Tôi viết miên man. Và quên bẵng Võ Phiến.

Khoảng tháng 6.1995, nhân đọc Thế Kỷ 21, thấy trong “Thư toà soạn” có thông báo sẽ làm số đặc biệt về Võ Phiến, tôi chợt thót mình nhớ lại lời hứa dạo nào, nhớ lại những thân tình ông dành cho tôi; nhớ lại những con mắt lấp lánh trên từng dòng chữ trong tác phẩm của ông mà tôi từng say mê, thích thú; nhớ lại những tư liệu quí báu mà ông gửi cho suốt mấy năm qua. Tôi quyết định tạm xếp loạt bài về “Thơ con cóc” lại để viết trước một bài gì đó về Võ Phiến. Coi như một cách trả nợ.

Dạo ấy, tôi đang say mê nghiền ngẫm về các vấn đề liên quan đến lý thuyết văn học, cho nên, nghĩ đến chuyện viết về Võ Phiến, tôi liên tưởng ngay đến khía cạnh tư tưởng văn học của ông. Tôi viết bài “Võ Phiến, nhà lý luận văn học” khá nhanh. Chỉ trong hai, ba ngày gì đó. Viết xong, lại ấm ức. Bèn viết thêm bài “Nhà phê bình văn học”. Cũng rất nhanh. Lại vẫn ấm ức. Viết thêm bài “Nhà tạp luận”. Đến đây, không còn ấm ức nhưng tôi biết là mình không thể dừng lại được nữa: Võ Phiến đã trở thành một nguồn cảm hứng mới dạt dào, một cơn ngứa ngáy trong tâm hồn và một sự bứt rứt ở đầu ngón tay. Tính tôi vốn yếu đuối: không bao giờ tôi chống lại nổi một đam mê. Mỗi ngày, đi dạy về, cơm nước xong, chờ con cái đi ngủ hết, tôi lại chong mắt lên mà đọc mà viết. Say sưa. Chỉ sáu tháng sau, trong lúc vẫn tiếp tục viết mấy chương cuối cùng của cuốn Thơ, v.v... và v.v..., tôi đã hoàn tất cuốn Võ Phiến.

Khi cuốn Thơ, v.v... và v.v... được xuất bản, Võ Phiến viết thư ngay cho tôi, trong đó ông nêu ra nhận xét, đại khái: giọng văn của tôi trong cuốn sách ấy tếu, trẻ trung, nghịch ngợm và táo bạo khác hẳn mấy cuốn sách trước. Tôi băn khoăn. Một số bạn văn khác, sau đó, viết thư cho tôi, cũng nêu nhận xét tương tự. Tôi càng băn khoăn tợn. Tếu... trẻ trung... nghịch ngợm... những thứ ấy ở đâu thò ra vậy cà? Văn của tôi từ trước đến nay, tôi biết, tuy có chút xíu thơ mộng, chủ yếu là ở hình tượng và nhịp điệu, nhưng thường thì rất nghiêm trang, nghiêm trang đến phát chán lên được. Làm gì có nụ cười nào, dù thấp thoáng, trong những cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988), Nghĩ về thơ (1989) hay Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản (1991) chứ? Tôi giật mình, nghĩ thầm: hay là... tại trong lúc viết cuốn Thơ, v.v... và v.v..., ngoài việc đọc thơ, các sách lý luận về thơ, tôi còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần các tác phẩm của Võ Phiến? Chả lẽ cái cười cợt của ông nhiễm vào trong tôi lúc nào tôi không biết?

Tôi bỗng mừng: May mà tôi không đọc Võ Phiến lúc còn trẻ.


--------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

*
Nguyễn Hưng Quốc
[07.10.2015]
[30.09.2015]
[29.09.2015]






No comments: