Wednesday, October 7, 2015

Dự đám tang nhà văn Võ Phiến (Bằng Phong Đặng Văn Âu)





03:14:pm 05/10/15

Nhà biên khảo Nguyễn văn Lục từ Canada gọi điện thoại cho tôi biết vào đầu Tháng 10, anh sẽ sang Quận Cam dự lễ tưởng niệm năm thứ ba nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Hôm qua, Thứ Sáu ngày 2 tháng 10, anh Lục gọi cho tôi hay rằng anh đang ngồi chở tôi tại tiệm Café Factory. Tôi vội vàng đi thay quần áo để lái xe đi gặp anh Lục. Tới tiệm, dáo dác tìm anh chừng 20 phút, nhưng chẳng thấy anh đâu, gọi điện thoại cho anh mãi vẫn không được, tôi bỏ về nhà. Nhưng chợt nhớ mục đích anh Lục sang Quận Cam là để dự lễ giỗ anh Nguyễn Chí Thiện, tôi liền nghĩ đến một nhà văn – anh Trần Phong Vũ – thì thế nào tôi sẽ biết anh em làm giỗ anh Thiện ở đâu. Tôi liền điện thoại cho anh Vũ. Lạ lùng thay! Anh Vũ nói anh đang có ý định gọi điện cho tôi, mời tôi đi dự lễ tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Tôi lái xe đến nơi các anh chị làm lễ tưởng niệm anh Thiện ở Nhà Thờ Kính – Crystal Cathedral – thì đã thấy anh Trần Phong Vũ ở đó rồi. Anh giới thiệu tôi với những người hiện diện: Nhà văn Mặc Giao, nhà biên khảo Nguyễn văn Lục từ Canada sang, bác sĩ Cảo, bác sĩ Việt, kỹ sư Đỗ Như Điện (người chủ trương Đài Phát thanh Đáp Lời Sông Núi), Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Chủ tịch Mạng Lưới Nhân Quyền (thay thế Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang)… và nhiều nhân vật nữa mà tôi không nhớ hết. Riêng nhà báo Đinh Quang Anh Thái thì hai anh em tôi đã biết mặt nhau từ trước.

Tôi có vinh dự đọc thơ của anh Nguyễn Chí Thiện rất sớm. Từ khi anh Châu Kim Nhân – cựu Tổng trưởng Tài Chánh VNCH – được anh Đỗ Văn (nhà bình luận của Đài BBC) từ Luân Đôn trao tay mang về Hoa Kỳ cho anh Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tờ Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi quá sức cảm phục nhà thơ dũng cảm trong lao tù cộng sản. Từng lời thơ là từng giọt máu được vắt ra từ tim óc. Khi anh Thiện ra khỏi nhà tù Hà Nội, đến nói chuyện ở thành phố Houston, tiểu bang Texas, tôi được dịp gặp gỡ anh Thiện và rất đỗi vui mừng được anh Thiện nhận lời đến nhà tôi ăn với nhau một bữa cơm tình nghĩa. Dáng người anh Thiện khắc khổ, nhưng đầy lạc quan ở giọng nói. Anh tin rằng anh sẽ chứng kiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trước khi anh nhắm mắt. Nhưng tiếc thay, anh Thiện đã ra đi.

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái cho tôi biết ngày mai, Thứ Bảy, mồng 3 tháng 10, sẽ có buổi lễ đám tang nhà văn Võ Phiến lúc 2 chiều. Tuy tôi không ở trong văn giới hay báo giới, nhưng là độc giả, nên tôi sẽ dự tang lễ nhà văn Võ Phiến để bày tỏ lòng mến mộ, tiếc thương một văn tài.

Võ Phiến

Sáng Thứ Bảy 3 tháng 10, tôi lái xe đi đón anh Nguyễn văn Lục để đưa anh tới Civic Center lúc 10 giờ dự buổi ra mắt sách “Công Giáo Việt Nam 2005 – 2015” do nhiều tác giả góp bài vở. Buổi ra mắt sách đáng lý ra phải đông đảo giáo dân tham dự để hỗ trợ tinh thần cho những người dày công thực hiện tác phẩm tố giác sự bách hại của cộng sản đối với người đồng đạo ở quê nhà. Tuy là một Phật tử, nhưng tôi thường có mặt trong các buổi sinh hoạt của Công Giáo, bởi vì tôi ngưỡng mộ các linh mục công khai hài tội cộng sản làm đất nước điêu linh và giúp đỡ vỗ về những anh em thương phế binh VNCH.

Sau đó, tôi đến nhà quàn Peak Family để kịp dự tang lễ nhà văn Võ Phiến lúc 2 giờ. Anh Đinh Quang Anh Thái điều khiển chương trình tang lễ, cho biết nhà văn Lê Tất Điều ở San Diego ngày mai mới tham dự được. Tôi nghĩ thầm ngày mai mình lại đến dự tang lễ lần nữa để gặp nhà văn Lê Tất Điều, tác giả Tập thơ Cao Tần. Ban đầu không biết Cao Tần là ai, vì chưa hề nghe cái tên “Cao Tần” bao giờ, nhưng về sau tôi biết đó là Lê Tất Điều, còn có bút hiệu Kiều Phong khi làm báo ở Việt Nam trước năm 1975. Trong số nhân vật tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất Kiều Phong vừa hiên ngang vừa chung thủy. Tôi định lấy bút hiệu Kiều Phong thay vì Bằng Phong, nhưng anh Lê Tất Điều đã chọn rồi, nên không muốn mang tiếng … cầm nhầm. Một hôm, tôi đọc trong “mailbox” một câu nhận xét ngắn của nhà văn Lê Tất Điều về bài viết của mình. Vốn có cảm tình với nhà thơ Cao Tần Lê Tất Điều đã lâu, nay tình cờ đọc thấy một câu khích lệ tinh thần của nhà văn, tôi liền hồi âm và ngỏ ý kết thân để thỏa lòng mong ước gặp gỡ.

Khi nghi thức tang lễ nhà văn Võ Phiến chưa dứt, tôi lại vội vàng đến trụ sở tòa soạn Diễn Đàn Giáo Dân để tham dự buổi Thánh Lễ cầu nguyện cho LH Thomas More (tên Thánh của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện) lúc 3 giờ chiều. Trong khi mọi người đọc kinh, tôi nhìn lên ảnh Chúa Jesus và ảnh Nguyễn Chí Thiện, âm thầm cầu xin Ơn Trên ra tay sớm diệt loài Quỷ Đỏ cho dân tộc Việt Nam trường tồn.

Lúc 9 giờ 30 ngày Chúa Nhật mồng 4 tháng 10, tôi nhận được cú điện thoại của nhà văn Lê Tất Điều báo tin anh đã có mặt tại nhà quàn Peak Family. Vừa tới nơi, tôi không mất công dáo dác tìm như lần tìm anh Nguyễn văn Lục tại Café Factory, vì đã có anh Bồ Đại Kỳ – bạn làm báo với Kiều Phong – đem tôi đến giới thiệu. Nhân dịp đó tôi cũng được làm quen với nhà báo Trần Đức Tâm ở San Diego.

Đúng 12 giờ, quan tài của nhà văn Võ Phiến từ nhà quàn được đẩy sang nhà hỏa thiêu. Lúc bấy giờ trời bỗng nhỏ xuống những hạt mưa nhè nhẹ. Tôi nói: “Anh Võ Phiến ra đi không những được vợ, con cháu, đông đảo bằng hữu, người ái mộ tiễn đưa, mà Trời cũng sụt sùi. Thật là đại phước”. Nhà văn Nhã Ca đứng bên cạnh nghe tôi nói, cũng gật gù tán thành. Tôi bỗng nhớ lời mẹ tôi dạy: “Con hãy sống làm sao khi chào đời thì họ hàng, cha mẹ mừng vui và khi lìa đời thì mọi người thương tiếc”.

Trong các buổi lễ, anh Trần Phong Vũ và Đinh Quang Anh Thái giới thiệu nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi mà tôi đã từng đọc tác phẩm của họ, nhưng chưa có dịp gặp mặt. May nhờ sống vào thời đại Internet, quý vị nhà văn nhà báo lớn khi bắt tay tôi đều cho biết họ cũng đã đọc những bài viết của tôi qua email, qua mạng. Hiếm có báo thương mại nào đăng những bài chính luận của tôi, vì ngại đụng chạm và ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tôi là người viết do thời thế thúc đẩy, chứ không nuôi mộng trở thành nhà văn hay nhà báo để có tên tuổi với đời. Tôi nói với quý vị nhà văn nhà báo rằng tôi chỉ là anh nhà binh, viết thẳng thắn để góp phần xây dựng một cộng đồng tử tế, không ở phe nào, phái nào, chỉ biết lấy công tâm để định hướng. Nếu tôi viết điều gì sai, xin quý vị cứ lên tiếng chỉ giáo thì tôi cảm ơn vô cùng. Thiết nghĩ, trong sinh hoạt dân chủ, đối thoại là điều hết sức quan trọng để cùng nhau mưu tìm một giải pháp thích đáng cho Đất Nước và có một cộng đồng khiến cho dân bản địa kính trọng. Chúng ta đành tạm mất nước một thời gian, nhưng không để mất phẩm giá người Việt Nam yêu tự do.

Theo tôi, sự chia rẽ là do tính vị kỷ và do không đủ lòng yêu nước, yêu đồng bào để vượt lên trên những tham vọng thấp hèn. Chúng ta đang đối đầu với một kẻ thù cực kỳ hung hiểm, không từ bất cứ một thủ đoạn đê tiện nào và không có khả năng biết xấu hổ. Đó là những con quỷ Cộng Sản!

Ngoài những nhân vật đặc biệt tôi đã kể ở đầu bài. Hôm nay, mồng 4 tháng 10, tôi được gặp nhà văn Nguyễn Đình Toàn phụ trách mục Tao Đàn, tiếng nói thơ văn miền tự do do thi sĩ Đinh Hùng chủ trương. Mỗi khi bay đêm túc trực trên vùng trời để canh giấc ngủ cho đồng bào, tôi thường mở đài để nghe tiếng nói của anh Toàn, một tiếng nói hết sức truyền cảm. Sau 75, mỗi lần nghe bài hát “Saigon ơi, ta mất người hay người đã mất tên” do anh Toàn sáng tác, lòng tôi chùng xuống, rã rời, tiếc nhớ! Chẳng ai ngờ một thân xác võ biền “vai u thịt bắp mồ hôi dầu” như tôi mà trong lòng chất chứa mối sầu vạn cổ, không bao giờ nguôi chuyện nước non. Do đó, dù ở tuổi “mùi thiền đã bén muối dưa, mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng” mà “chuyện đời chưa tắt lửa lòng”, nên “thân còn vương chốn bụi hồng nhiễu nhương”! Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ấy là cái nghiệp đã vướng vào thân!

Một cơ duyên khác mà tôi muốn nói tới trong bài tường trình này với độc giả. Đó là tôi được gặp hai nhà tranh đấu từ trong nước: anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần.

Tôi có tham dự buổi họp báo của nhà văn Điều Cày do đài SBTN tổ chức. Sau khi dứt, mọi người vồn vã đến bắt tay nhà tranh đấu. Tôi ngại chen chúc, chờ cho đến khi cơ duyên tới thì gặp cũng chưa muộn, vì anh đã ở Hoa Kỳ. Đối với chị Tạ Phong Tần, tôi cũng giữ thái độ thế, mặc dầu tôi đã từng liên lạc với chị qua điện thoại, qua email, khi chị chưa đi tù. Tôi tự giới thiệu tôi là Bằng Phong Đặng văn Âu và nhắc lại mẩu chuyện tôi hỏi qua điện thoại viễn liên, chị được đào tạo trong lò Công An cộng sản, hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi, tại sao chị trở thành nhà tranh đấu dân chủ. Chị nói chị được ơn kêu gọi của Thiên Chúa!”. Nghe đến đó, chị Phong Tần nhớ ra ngay.

Tôi nói với anh Điếu Cày và chị Phong Tần: “Tình hình chống Cộng ở hải ngoại hết sức phức tạp. Hãy tỉnh táo quan sát, nhận định. Đừng để ai lợi dụng cho mục đích riêng tư của họ. Chắc chắn Việt Cộng sẽ dùng những phần tử mang danh nghĩa quốc gia để bôi nhọ anh, chị. Bởi vì do áp lực của Hoa Kỳ, Việt Cộng phải thả anh, chị ra thôi; chứ chẳng tử tế gì. Người nào càng yêu nước, càng bị Việt Cộng ra sức triệt hạ để chẳng còn uy tín gì nữa”.

Anh Điếu Cày tỏ ra rất khôn ngoan, chỉ im lặng lắng nghe tôi nói để ghi nhận. Còn chị Phong Tần thì rất thân mật với tôi. Có lẽ vì chúng tôi đã quen nhau, tuy ở hai phương trời cách biệt, nhưng từng nhiều lần nói chuyện qua điện thoại và trao đổi với nhau qua email.
Tôi muốn nhắn với anh Điếu Cày và chị Phong Tần điều này: “Người ta bảo rằng tôi Chống Cộng cực đoan hay quá khích là bởi vì họ không có khả năng bác bỏ những lập luận của tôi. Là người hữu thần, tôi tin Phật, tin Chúa. Cho nên tôi chống lại cộng sản vô thần. Mà đã là vô thần thì không tin vào luật nhân quả của nhà Phật hoặc vào sự trừng phạt của Thượng Đế, cho nên chúng không bao giờ biết ăn năn, sám hối do những tội ác mà chúng đã tạo ra”. Phải biết sám hối mới từ bỏ tà tâm để quay về đường ngày nẻo chánh. Có như thế mới họp nhau vì ĐẠI NGHĨA để thắng HUNG TÀN.

Anh Điếu Cày hứa hẹn sẽ dùng truyền thông làm vũ khí chống lại Cộng Sản. Tôi đồng ý. Vì như Nguyễn Chí Thiện đã nói: “Sự hiểu biết là mồ chôn cộng sản”. Tôi chỉ xin nhấn mạnh điều này để anh Điếu Cày luôn luôn ghi nhớ. Ba nguyên tắc chủ yếu mà các quốc gia dân chủ tự do áp dụng trong ngành truyền thông là: Fair (Vô tư), Balance (công bình) và Accuracy (Chính xác). Ba nguyên tắc ấy hoàn toàn đối nghịch với chủ trương bất lương của cộng sản luôn luôn ăn gian, nói dối. Nếu ai công kích, phê bình mình một cách nghiêm chỉnh, đứng đắn thì phải trả lời; chứ không thể im lặng một cách ngạo mạn. Chỉ làm điều gì khuất tất, bất minh thì mới sợ công luận. Tôi xem sự nghiệp chống Cộng giống như sứ mạng của một Phật tử chân chính đi hoằng pháp hoặc một tông đồ thuần thành Đạo Chúa đi rao giảng tin mừng. Nếu không ý thức được điều đó thì sự Chống Cộng trở nên làm dáng ttheo thời, nham nhở, làm trò cười, dù ăn mặc thật đẹp và nói năng hùng hồn.

Anh Điếu Cày và chị Phong Tần thân mến,

Dù có thời kỳ chúng ta ở hai chiến tuyến khác nhau do hoàn cảnh lịch sử. Nhưng đừng bao giờ quên mình mang nòi giống Rồng Tiên phải phấn đấu sống làm sao giống như người Nhật tự hào về dòng máu Thái Dương Thân Nữ. Việt Cộng đã làm cho dân ta bị thế giới khinh bỉ!
Nhà cầm quyền Việt Cộng đang thi hành chính sách diệt chủng vì ngang nhiên để cho thực phẩm độc hại tràn vào đất nước, nhằm giết dần giết mòn dân ta. Tất cả chúng ta ở hải ngoại phải dùng phương tiện truyền thông để kêu gọi đồng bào trong nước từ nam phụ lão ấu phải đứng lên lật đổ bạo quyền này; chứ không thể nói vì Việt Cộng được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận mà lật đổ là sai lầm. Đảng Cộng Sản Việt Nam là một đảng cướp; chứ không phải là đảng chính trị mà chúng ta có thể thương thuyết hay thỏa hiệp. Tự do không thể van xin mà có!

Từ khi đảng cộng sản ra đời, chưa bao giờ chúng có một hành động nào vì nước vì dân. Tại sao 86 triệu con người lại cam chịu để 4 triệu đứa ăn cướp bắt buộc phải làm nô lệ cho Tàu Cộng? Trước hết phải đập vỡ hình tượng Hồ Chí Minh, một thằng Tàu mang tên Hồ Quang, để diệt thằng Việt Cộng đang cưỡng bức dân ta học tập tư tưởng và noi gương đạo đức của một con quỷ. Dù anh tôi là Hùm Xám Đặng văn Việt còn coi Hồ Chí Minh như ông Thánh, tôi cũng triệt để chống!

Nhân đây, tôi xin cám ơn anh Trần Phong Vũ và anh Đinh Quang Anh Thái cho tôi được dịp gặp gỡ những nhà văn nhà báo mà tôi hằng ái mộ. Đặc biệt tôi được gặp hai nhà tranh đấu cho Việt Nam Tự Do Dân Chủ Điếu Cày Nguyễn văn Hải và Tạ Phong Tần.

Nhà văn Võ Phiến khi sống đã giúp cho đời bằng những tác phẩm nghệ thuật để xiểng dương Việt Nam Cộng Hòa là một đất nước có nền văn minh, văn hóa. Khi nhà văn Võ Phiến mất đi, chí ít cũng giúp cho tôi được gặp hai nhà tranh đấu để khẳng định một điều: Lật đổ bạo quyền cộng sản vì sự sống còn của dòng tộc Việt là nhu cầu cấp thiết; chứ không phải là sai lầm.

© Bằng Phong Đặng văn Âu
© Đàn Chim Việt






No comments: