Sunday, October 4, 2015

Cùng một chuyến đi (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, October 3, 2015 4:32:22 PM 

Đó là câu chuyện của chuyến công du của hai vị khách nổi tiếng đã đụng độ tại cùng một quốc gia vào cùng một thời điểm nhưng với những lý do khác hẳn nhau và đã được sự đón tiếp cũng như diễn dịch khác hẳn.

Tòa Bạch Ốc đã trải thảm đỏ cho cuộc viếng thăm thực rõ ràng là “công du” cho Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Cộng, trong khi, bên ngoài khối ngoại giao, tin tức về chuyến viếng thăm của ông chỉ làm người ta nhìn rồi bĩu môi. Và tại sao không? Ông Tập không được coi như là người của nhân dân, ngay cả ở xứ của ổng bên Bắc Kinh, và ông ta đã không bay 6,921 dặm đến Hoa Kỳ chỉ để bắt tay các công dân và hôn các em bé của họ.

Chuyến công du đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Francis đến Hoa Kỳ, ngược lại, tuy cũng có cảnh chụp hình với Tổng thống Barack Obama và gia đình, nhưng nhanh chóng trở thành sáu ngày đi liên miên ở khu vực đông bắc của Hoa Kỳ từ thủ đô Washington đến New York trở lại Philadelphia, nơi ngài tìm cách gặp tất cả mọi người từ những di dân không có giấy tờ đang lo sợ cho tương lai của mình đến những tù nhân đang bị giam giữ.

Vâng, đúng là ông Tập có được 21 phát súng thần công chào đón ở thủ đô cường quốc số một của thế giới, nhưng Đức Giáo Hoàng đã giành được hầu hết thời gian trên các hệ thống truyền thông và nhiều lời ca ngợi hơn là ngài chờ đợi. Và mỗi lời nói của ngài đều được phát ra trực tuyến, không cắt xén.

Bài diễn văn của ngài trước Quốc Hội có thể đã được đọc bằng một giọng tiếng Anh hơi ngập ngừng, có khi hơi khó nghe, nhưng những tình cảm đóng gói trong đó và giọng nói thành khẩn của ngài đã có lúc làm cho người mà sắp trở thành cựu chủ tịch Hạ Viện phải nhỏ lệ. Rồi cảnh Đức Giáo Hoàng gặp một em bé 5 tuổi chen qua hàng rào canh gác để được ngài bế lên để trao một tấm carte yêu cầu ngài ủng hộ cải tổ luật di dân. Có gì cảm động hơn.

Và rất ít người có thể quên được cảnh khi ở Philadelphia, Đức Giáo Hoàng vừa bước xuống phi cơ, chào đón những người dân tìm đến và đang trên đường leo lên xe hơi, bỗng quay trở lại vì ngài thấy một em bé ngồi xe lăn. Hình ảnh vị giáo hoàng hôn lên đầu của cậu bé Michael Keating 10 tuổi, mà cha em, ông Chuck, đang điều khiển ban nhạc của một trường trung học để chào đón Đức Giáo Hoàng, đã trở thành ngay lập tức một hiện tượng loan truyền trên Internet.

Ngược lại, âm hưởng quân sự của chuyến viếng thăm của ông Tập đã trở thành ồn ào nhưng như cái trống, rỗng tuếch. Đúng, ông Tập đã bảo chuyến viếng thăm của ông đến Thủ đô Washington là “khó quên,” nhưng rất ít người Mỹ nghĩ đến ông và cũng chẳng để ý gì đến ông dầu ông có đến hay không. Và ngay cả bữa quốc yến mời ông cũng chả thu hút được bao nhiêu sự chú ý so với những câu hỏi lan tràn trên Internet về nơi nào có thể tìm được một dấu hiệu “Popemoji,” hay là tò mò tìm hiểu các loại y phục của vị giáo hoàng.

Trên truyền thông Hoa Kỳ và thế giới, hai chuyến đi cũng được tường thuật khác hẳn, nhất là nếu so sánh với truyền thông của Trung Cộng.

Vào sáng Thứ Sáu, ông Tập Cận Bình hưởng điều được coi là cao điểm biểu tượng của chuyến công du là 21 phát súng thần công chào đón khi ông đứng kế bên Tổng Thống Barack Obama bên ngoài Tòa Bạch Ốc. Nhưng đối với đa số người dân Hoa Kỳ thì đó chỉ là chuyện phụ, các hệ thống truyền thông chính đã sang ngày thứ tư tường thuật suốt ngày đêm chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Francis đến Hoa Kỳ. Chuyến công du của ông Tập, ít nhất đối với truyền thông Hoa Kỳ, đã bị lu mờ trước chuyến công du của vị giáo hoàng được ngưỡng mộ rộng rãi, đặt câu hỏi về thời điểm cũng như đối nghịch với tường thuật của truyền thông Trung Cộng, vốn có vẻ chỉ biết đến chuyến công du của ông Tập mà quên mất chuyến công du của Đức Giáo Hoàng.

Một bản tin của Thông Tấn Xã Reuters đã gọi tường thuật “kín mít” của truyền thông nhà nước về chuyến đi của ông Tập. Truyền thông được kiểm soát chặt chẽ của Bắc Kinh đã tập trung vào nghi thức, nghi lễ để chứng tỏ là ông Tập được kính nể khi ông đến Seattle và rồi đến Washington.

Sự tường thuật rất ngưỡng mộ của truyền thông nhà nước cho ông Tập, vốn đang phải khó khăn đối phó với bất ổn trên thị trường tài chánh và một nền kinh tế đang hoạt động ngày càng yếu dần ở vào lúc mà ông đang tìm cách củng cố quyền lực của mình trước cuộc đại hội tối quan trọng vào năm 2017 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, hẳn là có chủ đích.

Truyền thông Trung Cộng cũng nhấn mạnh đến liên hệ cá nhân của ông Tập với Hoa Kỳ, với Tân Hoa Xã đưa lên trang Facebook của mình một đoạn video, mặc dầu quên không nhắc là Facebook bị cấm ở Trung Cộng, cho thấy ông Tập đưa ra một bộ mặt thân thiện cho người dân Hoa Kỳ.

Phóng viên Jane Perlez, phóng viên Bắc Kinh của nhật báo The New York Times, kể lại là khi phi cơ của Chủ Tịch Tập Cận Bình hạ cánh xuống phi trường Seattle mở đầu chuyến công du Hoa Kỳ của ông, 22 nhà báo Trung Cộng đã xuống phi cơ ở cửa sau. Họ đã được chọn lựa kỹ lưỡng từ các tờ báo và đài truyền hình CCTV, đài phát thanh quốc gia, cho một chuyến đi tường thuật quan trọng nhất của truyền thông Trung Cộng. Công việc của họ, trong sáu ngày tiếp theo đó sẽ là tường thuật cho các vụ xuất hiện công khai của ông Tập theo một kịch bản được soạn trước bởi các phụ tá của chính chủ tịch họ Tập để cung cấp cho số khán giả đông đúc trên truyền hình và Internet.

Theo một vị giáo sư báo chí ở Trường đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, người đã từng làm việc cho CCTV, thì đoan chắc là một phụ tá chính của ông Tập, cầm đầu Văn phòng Trung ương Đảng của đảng Cộng Sản, sẽ bàn thảo về cách tường thuật cho chuyến đi với CCTV. Một phát thanh viên nổi tiếng, được lãnh tụ ưa chuộng, sẽ được chọn trước chuyến đi, và có thể là giám đốc CCTV hay là một phó giám đốc cũng đi theo nữa.

Các phóng viên của Tân Hoa Xã và Nhân Dân Nhật Báo, hai cơ quan truyền thông quan trọng của chế độ, cũng được chỉ định tham dự cuộc tường thuật. Những bài tường thuật của họ sẽ được đưa lên các địa chỉ Internet nhiều khách như Tencent.com hay là Sina.com, còn riêng các địa chỉ này thì không được có phóng viên riêng theo chân lãnh tụ. Giáo Sư Trần Cương giải thích là các địa chỉ này đã nhận chỉ thị từ cái tựa đề nào được quyền xài, đến câu chuyện nào được cho phép để lại trên Internet bao lâu. Giáo Sư Trần nói đây là chuyến công du đầu tiên của một chủ tịch từ khi Internet đã trở thành quan trọng ở Trung Cộng, thành ra chính quyền sẽ chỉ muốn sử dụng các địa chỉ Internet một cách giới hạn. Ông bảo, “Họ coi Internet không đủ nghiêm trang và đứng đắn và không tạo nổi nhận thức về nghi thức. Đó là lý do tại sao ban tuyên truyền dựa chính vào CCTV.”

Nghi thức, quyền lực và tiền tài là những đề tài chế ngự tường thuật của truyền thông ở Trung Cộng. Hình ảnh ông Tập và Tổng Thống Obama đứng ở cửa của Dinh Blair House, dinh quốc khách đối diện với Tòa Bạch Ốc được trưng lên nhiều lần. Thông điệp là để nói ông Tập đã được đón tiếp trọng thể và mời vào một nơi rất đặc biệt. Điều còn có lẽ lý thú hơn mà các tay chỉ huy tuyên truyền không để ý hay coi là không quan trọng là cảnh tuy ông Obama đứng rất gần ông Tập, nhưng tay ông đã khoanh lại trong một cử chỉ rõ ràng là chán ngán.

Khi ông Tập đến gặp các tổng quản trị của các công ty hàng đầu về kỹ thuật của Hoa Kỳ ở tổng hành dinh của Microsoft ở Redmond, Washington, tựa đề trên tấm hình của Tân Hoa viết: trị giá của công ty là 2.5 ngàn tỷ, bằng GDP của Anh Quốc!

Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến Hoa Kỳ, ngược lại, hầu như là không được nhắc đến trên truyền thông Trung Cộng. Cũng xin thêm Tòa Thánh không có liên hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh kể từ khi đảng Cộng Sản lên cầm quyền hồi năm 1949. Nhưng sự việc là Đức Giáo Hoàng Francis, một trong những vị giáo hoàng cấp tiến nhất trong nhiều thế hệ nay, đã lôi cuốn được những đám đông lớn và loại chào đón mà bình thường người ta chỉ dành cho các ngôi sao âm nhạc trong chuyến viếng thăm đầu tiên đến Hoa Kỳ của ngài, vốn kết thúc ở Philadelphia hôm Chủ nhật trước. Chả trách các hệ thống truyền thông Hoa Kỳ đã tường thuật sống từng bước, từng lời của ngài.

Đặc biệt là những điều bất ngờ xảy ra trong khi ông Tập đang công du đã bị báo chí Trung Cộng lờ đi. Sự đón tiếp nồng hậu và chân thành đối với Đức Giáo Hoàng ở New York và loan báo từ chức đột ngột của Chủ Tịch Hạ Viện John A. Boehner đã đẩy sự xuất hiện của ông Tập ra khỏi truyền hình Hoa Kỳ, và đẩy ông Tập ra khỏi trang nhất của các nhật báo.
Rằng việc Đức Giáo Hoàng đã làm ông Tập bị lu mờ ở Hoa Kỳ không đời nào được CCTV nhắc đến. Và ông Boehner ư, ngay cả khi ông đang tại chức, đối với khán giả Trung Cộng, ông có gì quan trọng đâu?

Và dĩ nhiên báo chí nhà nước Trung Cộng đã quên mất là còn có một lãnh tụ nữa cũng đến thăm các tổng quản trị của các đại công ty kỹ thuật Hoa Kỳ. Sự tương phản giữa cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, cứng ngắc của ông Tập với họ so với cuộc gặp gỡ giữa Thủ Tướng Narendra Modi của Ấn Độ trong một phiên “họp làng” với Tổng Quản Trị Facebook Mark Zuckerberg thật rõ ràng. Khi ông Modi run giọng nhớ lại thời thơ ấu nghèo nàn, cả hội trường đã xúc động theo ông. Trong khi liên hệ với Trung Cộng ngày càng khó khăn cho các công ty kỹ thuật vì tấn công tin tặc và cấm cản không cho đột nhập thị trường, chuyến đi của ông Modi làm nổi bật tiềm năng vĩ đại mà ngành kỹ nghệ tin học thấy ở Ấn Độ.

Ông Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico ở Bắc Kinh từ năm 2007 đến năm 2013, hiện đang sống ở Washington, đã rất chí lý khi ông nói, “Đối chọi với một người không có quân đội, không có sức mạnh kinh tế mà bị hoàn toàn lu mờ, tôi nghĩ thật đáng kinh ngạc. Nhưng tôi không nghĩ là người Trung Quốc đã thấy sự tương phản đó.” Trong khi Giáo Sư Ming Xia, một giáo sư chính trị học của Viện Đại Học City University of New York còn huỵch toẹt hơn, “Đức Giáo Hoàng cầu nguyện với người không nhà và nói chúng ta đều bình đẳng trước Đức Chúa Trời, người cha thật của tất cả. Ông Tập nghĩ ông là cha của nhân dân Trung Quốc thành ra ông đã tự coi là mình có quyền của Thượng Đế!”







No comments: