Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 27-10-2015
Vào
sáng sớm hôm nay, 27/10/2015, Hải quân Mỹ đã đưa một khu trục hạm được trang bị
tên lửa dẫn đường tiến vào bên trong vùng 12 hải lý chung quanh hai hòn đảo
nhân tạo vừa được Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Bắc
Kinh đã lập tức tố cáo Washington là đã có hành động « khiêu khích ».
Theo hãng tin Anh Reuters, trích dẫn một quan chức
quốc phòng Mỹ xin giấu tên, khu trục hạm USS Lassen đã tiến vào gần Đá Xu Bi
(Subi Reef), một rạn san hô trên đó Trung Quốc gần đây đã cho xây dựng một phi
đạo dài, đủ cho máy bay chiến đấu lên xuống.
Một quan chức thứ hai nói thêm rằng chiến dịch tuần
tra này kéo dài khoảng vài tiếng đồng hồ, và khu vực tuần tra cũng bao gồm Bãi
Vành Khăn (Mischief Reef).
Quan chức này khẳng định rằng chiến dịch hôm nay chỉ
là hành động đầu tiên trong loạt tuần tra « vì quyền tự do hàng hải » của Hải
quân Mỹ, và trong những tuần lễ sắp tới nhiều cuộc tuần tra khác sẽ được thực hiện
và cũng có thể được tiến hành quanh các tính năng Việt Nam và Philippines đã
xây dựng trong vùng quần đảo Trường Sa.
Quan chức quốc phòng này nói rõ : « Đây sẽ là một hoạt
động thường xuyên, chứ không phải là một sự kiện làm một lần rồi thôi... Đây không
phải là một điều nhằm riêng vào Trung Quốc ».
Thông tin của giới chức quốc phòng Mỹ đã được Bắc
Kinh xác nhận. Trong một tuyên bố chung chung không nói rõ là sự kiện xẩy ra ở
đâu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết là các « cơ quan có liên quan » đã giám
sát, theo dõi và cảnh cáo chiến hạm Mỹ USS Lassen là đã xâm nhập « bất hợp pháp
» vào vùng biển gần đảo của Trung Quốc tại Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo : « Trung Quốc sẽ
kiên quyết đáp trả hành động cố tình khiêu khích của bất kỳ nước nào… sẽ tiếp tục
giám sát chặt chẽ vùng biển và vùng trời có liên quan, và tiến hành các bước cần
thiết tiếp theo tùy theo nhu cầu ».
Tuyên bố của của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dĩ nhiên
đã kêu gọi Mỹ « lập tức sửa sai và không có bất kỳ hành vi nguy hiểm hoặc khiêu
khích nào đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc ».
-------------------------
BBC Tiếng Việt
27 tháng 10 2015
Tàu
khu trục USS Lassen vào hôm 27/10 đã vào trong khu vực biển 12 hải lý mà Trung
Quốc tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.
Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt động thái
thách thức trước việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại một trong các tuyến đường
biển đông tàu bè đi lại nhất trên thế giới.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng
tuyên bố tai Bắc Kinh: "Hành động
liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc,
nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại
đến hoà bình và ổn định của khu vực".
"Trung Quốc cực
lực bất bình và kiên quyết phản đối việc này."
Ông Lục Khảng nhấn mạnh rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi
đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và vùng biển phụ cận".
"Trung Quốc
kiên quyết phản đối bất cứ nước nào gây phương hại đến chủ quyền và lợi ích an
ninh của Trung Quốc với cớ tự do hàng hải và hàng không."
"Trung Quốc cực
lực hối thúc Mỹ nghiêm túc đối xử với sự phản ứng nghiêm khắc của Trung Quốc,
lập tức uốn nắn sai lầm, tránh tiếp tục gây tổn hại cho quan hệ Trung-Mỹ và
hoà bình, ổn định của khu vực".
Trung Quốc gần đây cũng nhiều lần tuyên bố
"không bao giờ cho phép bất cứ nước nào" xâm phạm vùng biển và không
phận của họ sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ điều tàu và phi cơ "tới bất kỳ nơi nào
luật pháp quốc tế cho phép" và vào thời điểm mà Hoa Kỳ lựa chọn.
Trước đó tin cho hay Hải quân Mỹ có khả năng điều
phi cơ do thám P-8A và P-3 hộ tống khu trục hạm USS Lassen.
Các chuyến tuần tiễu bổ sung sẽ được tiến hành trong
những tuần tới và cũng có thể được tiến hành xung quanh các cơ sở mà Việt Nam
và Philippines xây tại Trường Sa, một quan chức quốc phòng Mỹ ẩn danh nói với
Reuters.
Theo Công ước LHQ về Luật Biển, giới hạn 12 hải lý
không được áp dụng xung quanh các đảo nhân tạo được xây trên các bãi đá ngầm.
Bốn trong số bảy bãi đá Trung Quốc xây cất trong
vòng hai năm qua bị hoàn toàn ngập nước lúc thủy triều lên trước khi thi công
xây dựng, giới học giả luật được nhà báo Greg
Torode của Reuters dẫn lời.
'Tuần
tiễu thường xuyên'
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia an ninh tại viện
nghiên cứu CSIS ở Hoa Kỳ nói việc tuần tiễu của Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ diễn
ra thường xuyên vì hải quân Mỹ muốn đảm bảo rằng họ không bị cấm cửa tại khu vực
này.
"Tôi biết là
Hoa Kỳ không muốn thấy như vậy. Không ai muốn cho Trung Quốc có khu vực cấm đi
lại mới cả.”
Tin Hoa Kỳ điều tàu chiến vào khu vực có tranh chấp
chủ quyền tại Biển Đông được một loại các báo trong khu vực và quốc tế đưa tin
trong đó có CNN
của Hoa Kỳ, Kyodo
News của Nhật, The
Guardian của Anh.
Truyền thông tại Việt Nam trong đó có Đài
tiếng nói Việt Nam, Thanh
Niên, Tuổi
Trẻ, An
ninh Thủ đô và vnxpress
cũng đã chạy tin này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ gần đây nói sẽ không chấp nhận
các giới hạn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông.
Thông điệp được đưa ra trong khuôn khổ họp cấp ngoại
trưởng Hoa Kỳ và khối Asean tại New York.
Không đề cập tới tên của bất kỳ nước nào đang tạo ra
thách thức, ông Kerry nói:
“Tôi nói rõ thế
này. Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc giới hạn tự do hàng hải và hàng không và những
việc sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác.
“Bất kể đó là tàu
chiến lớn hay là một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, nguyên tắc là rất rõ ràng: quyền
của tất cả các nước phải được tôn trọng".
Tàu khu trục USS Lassen được điều tới Biển Đông từ
căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Tàu này từng do Hạm trưởng Lê
Bá Hùng chỉ huy (04/2009- 12/2010) và đã ghé thăm Đà Nẵng vào tháng
11/2009.
"Người dân VN mong muốn Mỹ tiến vào biển đông của
VN để ngăn chặn sự bành trướng của TQ", Thành Nguyễn bình luận trên Facebook của
BBC tiếng Việt. Trong khi đó Nguyễn Hòa nhận xét: "Ngư dân VN có thể an
tâm đánh bắt trên vùng biển của mình rồi."
'Dễ
mất ổn định'
Tại Quốc hội VN, ngày 22/10, Đại tướng Phùng Quang
Thanh đã phát biểu về tình hình quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia
trong đó có đề cập tới điều ông gọi là "các nước lớn" mặc dù không
nêu tên đó là nước nào.
“Ở khu vực Đông Nam
Á, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tăng lên, diễn ra việc tập hợp
lực lượng, lôi kéo các nước nhỏ, nếu xử lý không khéo có thể dẫn đến mất ổn định.
“Trong hội nhập quốc
tế và đối ngoại quân sự, chúng ta luôn luôn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập
tự chủ.
“Độc lập tự chủ là
nguyên tắc vô cùng quan trọng, vì nếu nhận thức lệch lạc, đứng về phía nước lớn
này mà quay lưng vào nước lớn khác sẽ dẫn đến những hệ quả phức tạp cho đất nước,” ông Phùng Quang Thanh phát biểu.
Trong cuộc phỏng vấn với Hồng Nga, BBC Việt Ngữ, bên
lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore diễn ra hai ngày 30-31/5, Thượng tướng Nguyễn
Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng nói "Tình hình càng căng thẳng thì càng phải
giữ độc lập, tự chủ. Đó là nguyên tắc nhất quán của Việt Nam."
Ông Vịnh cũng bác bỏ khả năng Việt Nam tham gia liên
minh quân sự với bất cứ quốc gia nào.
No comments:
Post a Comment