Monday, September 14, 2015

CON ĐƯỜNG TỰ DO (FB Mạnh Kim)






Ngoài những gương mặt doanh nhân lừng lẫy Steve Jobs, Bill Gates, Michael Dell, Mark Zuckerberg, Larry Ellison…, nước Mỹ còn nhiều nhân vật tên tuổi chưa từng tốt nghiệp đại học. Ít người để ý rằng James Cameron từng là sinh viên Đại học Fullerton khoa vật lý nhưng ông bỏ ngang để mưu sinh. Nghỉ đại học, Cameron lập gia đình với một cô phục vụ bàn và làm nghề tài xế xe vận tải…

Tương tự, Tom Hanks thoạt đầu học kịch nghệ Đại học Chabot rồi sau chuyển sang Đại học California-Sacramento nhưng cuối cùng bỏ học để làm… chân sai vặt cho nhà hát Great Lakes Theater Festival tại Ohio. Trong ba năm tại đây, Tom Hanks làm đủ việc, từ lắp đèn đến dựng cảnh…

Trong khi đó, Harrison Ford học triết tại Đại học Ripon. Khi gần tốt nghiệp, ông nghỉ ngang, đến Los Angeles xin vào một đài phát thanh chỉ để đọc tin quảng cáo! Bị từ chối, Harrison Ford vẫn lảng vảng Hollywood tìm cơ hội. Có lần ông ký được hợp đồng 150 USD/tuần cho chương trình New Talent của Columbia Pictures. Không đủ sống và bất mãn với những vai nhỏ trong suốt mấy năm ròng, Harrison Ford bỏ nghề đóng phim, tự học nghề mộc rồi làm thợ chuyên nghiệp cốt để có tiền nuôi vợ với hai con…

Cơn sốt nghỉ ngang đại học vẫn bùng nổ tại nước Mỹ, đặc biệt trong công nghệ thông tin. Người ta cần nhân tài chứ không cần bằng cấp. Năm ngoái, Facebook đã thuê toàn thời gian một tân sinh viên 18 tuổi. Năm 2013, Yahoo mua ứng dụng tổng hợp tin tức Summly từ cậu nhóc Nick D’Aloisio với giá 30 triệu USD. D’Aloisio hiện là giám đốc sản phẩm của Yahoo. Cách đây vài tháng, Apple cho biết họ đã đưa 20 ứng dụng lên iTunes được viết từ những cậu nhóc dưới 20 tuổi, nhằm khuyến khích tài năng trẻ với khả năng sáng tạo đặc biệt…

Không có con số chính xác bao nhiêu sinh viên Mỹ bỏ ngang đại học và càng khó có thể thống kê bao nhiêu sinh viên trên khắp thế giới bỏ dở chương trình đại học vì nhiều lý do. Tuy nhiên, có thể thấy một điều: không phải ai bỏ ngang đại học cũng làm nên sự nghiệp, được như Arash Ferdowsi, người nghỉ ngang MIT và trở thành đồng sáng lập Dropbox. Bỏ học từ một chọn lựa có ý thức khác với việc buộc phải nghỉ học vì hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, thành công chỉ đến bằng ý chí và năng lực đặc biệt. Và điều quan trọng hơn nữa: thành công chỉ thật sự đạt đến đỉnh cao nếu con đường tự chọn được trải bằng tấm thảm tự do.

Oprah Winfrey (một điển hình của bỏ ngang đại học) có thể nào thành lập được một hãng truyền thông khổng lồ nếu bà sống trong môi trường phi tự do như Trung Quốc?

Một Facebook xóa bỏ ranh giới của kiểm duyệt và đưa thông tin đến tới hạn cuối cùng của tự do thông tin chắc chắn không thể ra đời tại một quốc gia như Bắc Triều Tiên.

Không phải tự nhiên mà hầu hết trường hợp thành công xuất chúng đến mức ngoại hạng (không bằng tấm bằng đại học) chỉ xuất hiện gần như chỉ ở Mỹ.

Sự chọn lựa con đường tự do, nói cách khác, chỉ mang lại kết quả tốt đẹp trong môi trường được sáng tạo tự do, nơi mà người ta có thể đưa khả năng cá nhân vượt qua các qui luật phổ quát thông thường và mở rộng sự sáng tạo tự do đến ngưỡng của vô cùng.

Tự do sáng tạo là nguồn ánh sáng của trí thức và phát triển. Thiếu nó, đừng ngồi trách sao mãi đất nước sống trong màn đêm u tối của thua kém lạc hậu.







No comments: