Saturday, September 26, 2015

Robert Funseth, ân nhân của HO, qua đời (Ngọc Lan/Người Việt)





Ngọc Lan/Người Việt
Friday, September 25, 2015 7:05:12 PM

ARLINGTON, Virginia (NV) - “Ông Funseth vừa mất sáng nay, Thứ Sáu, 25 Tháng Chín, lúc 10 giờ 20 tại một bệnh viện ở Arlington, Virginia.”

Bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, nói với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, sau khi chứng kiến linh mục làm lễ và thi hài ông Robert Funseth được đưa đến nhà quàn.

Ông Robert Funseth, từng là phát ngôn nhân cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong thời gian cuộc chiến Việt Nam diễn ra. Đặc biệt, khi đang làm phó phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông là người “được trao trách nhiệm đàm phán với giới lãnh đạo Hà Nội để yêu cầu thả tù chính trị và cho họ cùng với gia đình sang Hoa Kỳ định cư, cũng như cho những người thuộc diện con lai và thân nhân của những người Việt đang sinh sống tại Mỹ được rời Việt Nam theo chương trình Ra Ði Có Trật Tự (ODP),” theo lời ông nói với đài RFA vào năm 2005.

Ông Robert Funseth (ngồi), phó phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, và các nhân viên tại Việt Nam, vận động thả tù nhân chính trị. (Hình: vietnam.ttu.edu)

Với nỗ lực không ngừng của ông Funseth, sau bảy năm, kể từ năm 1982, chính phủ Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Việt Nam đã ký xong bản thỏa hiệp vào ngày 30 Tháng Bảy, 1989, đồng ý đưa 300,000 tù nhân chính trị, những cựu quân nhân VNCH cùng gia đình họ, đến định cư tại Hoa Kỳ.

***

Nói về nguyên nhân cái chết của ông Funseth, bà Khúc Minh Thơ cho biết: “Ông mất chính là vì bệnh già. Khi vợ ông qua đời hồi đầu năm 2015, thì ông cũng yếu dần, chứ không bệnh gì. Vợ chồng ông Funseth chỉ có một con trai nhưng đã mất lâu rồi.”

“Nơi ông Funseth ở có những người hàng xóm rất tốt. Hai, ba ngày họ không thấy ông ra lấy báo trước cửa, nên gọi cảnh sát và báo cho người em trai ông ở New York biết. Khi cảnh sát đến nhà mới biết ông té nằm trên sàn cả ba ngày rồi, vậy mà ông vẫn sống. Người ta mang ông vô nhà thương,” bà Thơ cho biết.

Cũng theo lời bà, "tôi có hứa với ông bà Funseth là tôi sẽ thay mặt cho tất cả tù nhân chính trị chăm sóc ông bà khi họ đau ốm.”

Thế nên ngay sau khi từ Việt Nam trở về, được em trai ông Funseth báo tin cho biết, bà Khúc Minh Thơ đã có mặt mỗi ngày tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị.

Bà cũng cho biết, hôm Thứ Ba vừa qua, ông Funseth đã yêu cầu bệnh viện tháo ống trợ thở để ông được “ra đi tự nhiên.”

Nói về ông Funseth, bà Khúc Minh Thơ cho rằng, “Tất cả tù nhân chính trị và cả bản thân tôi đều coi ông Funseth như một người ơn mà không cách gì trả ơn nổi. Đó là người đã cứu rỗi linh hồn những người tù nhân chính trị, những người HO.”

Bà Thơ kể, “Tôi vẫn nhớ khi tôi vào nhà thương thăm ông, ông tỉnh lại nói chuyện với tôi suốt hai tiếng đồng hồ. Ông cứ sợ không gặp lại tôi. Tôi có nói ông không hề cô độc, dù vợ con ông đã mất, nhưng ông vẫn còn tụi tôi, tụi tôi hứa sẽ chăm sóc cho ông.”

“Ông nhắc, ông nhớ, ông nói thao thao về những kỷ niệm, về những người tù nhân chính trị. Ông thương họ lắm. Cho đến lúc gần chết mà ông còn nói với tôi câu như thế này: Nếu bà không để tâm, thì cho phép tôi để hình tôi trên bàn thờ của bà.”

“Vì sao biết không? Vì ông muốn khi nào những người tù chính trị ngày xưa có đến thăm tôi thì cũng sẽ gặp ông luôn. Vì ông đâu có gia đình. Ông chỉ có người em và hai người cháu lại không ở gần đây,” bà Khúc Minh Thơ giải thích tâm nguyện của ông.

Cũng theo bà Thơ, “Trong nhà ông Funseth, dưới tầng hầm, có một thư viện, nơi đó ông cất giữ rất nhiều món quà của những người tù nhân chính trị, của những hội đoàn tặng cho ông.”

Bà kể thêm, “Trong nhà thương, ông nhắc đủ thứ, nhớ kỹ đủ thứ. Nhớ lại những lúc tôi làm việc với ông. Nhắc lại lúc ông đi ký thỏa hiệp, ông về kể với tôi khi sang Việt Nam ký thì bên Việt Nam đâu có đồng ý tất cả các điều khoản đưa ra, vẫn còn một số điểm họ không chịu ký. Trong khi những người trong phái đoàn cảm thấy như vậy là cũng được, thì ông lại luôn nhớ câu tôi dặn trước khi ông rời khỏi Bộ Ngoại Giao để lên máy bay đi, là 'ông làm bằng cách nào tôi không biết, nhưng ông phải yêu cầu họ ký hết các thỏa hiệp đó mới được.' Tôi nói là nói vậy thôi chứ làm sao buộc ông như vậy được. Mọi chuyện khó khăn lắm chứ. Vậy mà đêm đó, ông kể, 1 giờ khuya ông ngồi dậy đọc kinh cầu nguyện cho Việt Cộng ký hết những điều khoản còn lại để cho gia đình tù nhân chính trị được yên lòng.”

“Sáng hôm sau, khi phái đoàn của ông đi ăn sáng trước khi chuẩn bị trở về Mỹ, thì ông Vũ Khoan là người đại diện phía Việt Nam ký thỏa hiệp đó tiến đến nơi ông Funseth, và nói phía Việt Nam đồng ý ký hết những điều khoản còn lại. Ông nói ông mừng hết lớn. Khi ông đến phi trường Bangkok gọi về cho bà Funseth, kêu bà báo tin cho tôi biết,” bà Thơ tiếp tục kể về người ơn của chương trình H.O.

Bà Khúc Minh Thơ còn cho biết, ông Funseth, trong những ngày nằm bệnh viện, đã nói nguyện vọng muốn được bà Thơ “làm cho ông một buổi Funseth's Day.”

“Tôi nói ông cố gắng khỏe lại thì sẽ tổ chức, dự định cũng đúng vào dịp 30 Tháng Bảy. Giờ ông đi rồi, nhưng tôi nghĩ tôi cũng sẽ làm ngày đó cho ông, trong một hình thức nào đó,” bà nói.

Chia sẻ về cảm xúc của một người thân thiết với ông từ 30 năm qua, bà Khúc Minh Thơ cho biết, “Ông ra đi tôi buồn nhưng cũng vui cho ông, vì ông vẫn thường nói ông nhớ vợ ông, con ông, ông cứ mơ thấy họ. Thì thôi coi như ông đã được đoàn tụ với vợ con mình. Nhớ về ông, điều cảm động nhất với tôi là việc ông cầu nguyện trong đêm để cho tất cả các điều khoản trong bản thỏa hiệp được ký hết.”

---
Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com

---------------------------

Cát Linh, RFA
2015-09-25

Ông Robert Funseth, ân nhân của những người Việt Nam đến Mỹ theo con đường HO (Humanitarian Operation), tạm dịch là Chương Trình Nhân Đạo vừa qua đời vào 10 giờ 20 phút sáng ngày hôm nay, 25 tháng Chín tại bệnh viện Nothern Virginia Hospital.

Ông Robert Funseth

Bà Phượng, người có người con trai là con đỡ đầu của ông Robert Funseth và cũng là người thường xuyên liên lạc với ông, cho biết ngay sau khi bà rời bệnh viện:
“Ông bị té từ ngày Labor Day, té trong nhà, không ai biết. Vài ngày sau thân nhân mới biết ra, và cảnh sát đến nhà, mở cửa. Vì hàng xóm không thấy báo picked up trước nhà nên hàng xóm mới gọi con cháu của ông ở xa và họ kêu cảnh sát đến, cảnh sát mở cửa thì mới thấy ông té trong nhà chắc cũng 1,2 ngày rồi.”

Theo lời bà Phượng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Funseth là do ông kiệt sức, thiếu nước uống trong thời gian bị té trong nhà nhưng không ai hay biết.

“Chị đến nhà thương lúc 10 giờ 19 phút. Chị nắm tay ông, mới vừa mở miệng nói là chị đến thì 10 giờ 20 phút ông tắt thở, tim ngừng đập.”

Bên cạnh ông Robert Funseth lúc đó là bà Phượng và một người cháu rể của ông là luật sư, từ tiểu bang Oregon đã kịp thời có mặt khi ông qua đời.

Bà Phượng có nhắn gửi một di nguyện của ông Robert Funseth rằng đám tang của ông sẽ rất nhỏ và hoàn toàn mang tính chất riêng tư.

“Có thể mình chị và bà Khúc Minh Thơ và vài người con cháu trong nhà.”

Điều này là ý nguyện của ông Funsett từ sau đám tang người vợ của ông, bà Phượng cho biết thêm rằng:

Theo lời người cháu rể luật sư của ông Funsett nói với bà Phượng trước khi bà rời bệnh viện thì:
“Ông luật sư cháu trai của ông Funseth nói thì có thể đến tháng 12 mới có một lễ “Memorial Service” vì tháng 12 là winter break họ mới về để họ tìm lại tất cả giấy tờ, liên lạc với luật sư, rồi quyết định làm 1 lễ Memorial Service  vì họ biết cộng đồng Việt Nam rất yêu mến ông Funseth.”

Ông Robert Funseth từng giữ chức Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ và là Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong thời chiến tranh Việt Nam.

Ít năm sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Hoa Kỳ bắt đầu thảo luận để đưa những cựu quân nhân Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa và gia đình sang Mỹ định cư, qua chương trình được gọi là H.O, viết tắt từ chữ Humanitarian Operation mà chúng tôi xin được tạm dịch là Chương Trình Nhân Ðạo. Ông Robert Funseth chính là người đại diện cho Washington trong các cuộc đàm phán với Hà Nội về vấn đề này.

Sau khi vợ ông qua đời vào tháng Hai năm nay, ông sống một mình tại tiểu bang Virginia.

Tin, bài liên quan

----------------------------
TÀI LIỆU :

July 31, 1989|From Associated Press

BANGKOK, Thailand — The United States and Vietnam on Sunday announced an agreement for former political prisoners and their relatives to be resettled in the United States, with the first group of 3,000 expected to leave this year.

A joint statement, released in Bangkok, said the two sides hope to begin by October "a program for the resettlement in the United States of released re-education center detainees and their close family members who wish to emigrate to the United States."

The Communists toppled the U.S.-backed South Vietnam government in April, 1975, and hundreds of thousands of people were put into the camps of manual labor and political re-education because of their ties to the old regime.

The U.S. government has sought a formal program for their resettlement since 1982, but political bickering barred progress.

The agreement was reached in Vietnam's capital, Hanoi, in talks last week between teams led by Vu Khoan, Vietnamese assistant foreign minister, and Robert L. Funseth, U.S. senior deputy assistant secretary of state.

Funseth said the pact "starts healing the last big wound remaining from the war, which is that these people who were clearly associated with the United States have not been allowed to leave Vietnam and be united with their relatives. . . . "








No comments: