Leonvu
Quant dịch từ The
Economist 26/9/2015
Bình an không dành cho Thích Không Tánh
XE ỦI đang chờ đợi bên ngoài Chùa Liên Trì, một quần
thể các ngôi nhà màu vàng bên sông Sài Gòn. Các quan chức hoạch định phá hủy
ngôi chùa và lấp đầy khu vực dân cư thưa thớt ở TP. Hồ Chí Minh này bằng các
tòa nhà chọc trời. Một công ty bất động sản gọi khu vực này là "Phố Đông
Sài Gòn", gợi nhắc đến khu phố lộng lẫy bên sông ở Thượng Hải. Tiếc là vị
sư trụ trì ngôi chùa, Thích Không Tánh, không hào hứng vụ này. Ông đang chống lại
lệnh cưỡng chế.
Sư Tánh cho biết sức cám dỗ lợi nhuận không phải là
lý do duy nhất khiến nhà chức trách muốn loại bỏ ngôi chùa; ngôi chùa không được
Đảng Cộng sản chính thức gật đầu vì nó vốn là nơi dung thân cho các nhà bất đồng
chính kiến, các cựu tù nhân lương tâm và các thương phế binh đã từng chiến đấu
cho chính thể Miền Nam ngày trước. Các quan chức "muốn cách ly và khống chế
chúng tôi”, sư nói. "Mà di dời đồng nghĩa với cách ly, do vậy mà các nhà
sư không muốn di dời”.
Khoảng 24 triệu trong số 90 triệu người Việt Nam xác
nhận có tín ngưỡng tôn giáo; phổ biến nhất là Phật giáo và Công giáo. Nhưng Đảng
vẫn luôn nhìn tôn giáo đầy ngờ vực, một phần vì ba trong số các cựu thù – là
Pháp, Mỹ và chính thể VNCH – thân thiện với Giáo hội Công giáo. Sau khi chiến
tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, Đảng tịch thu đất đai các cơ sở tôn giáo
và áp lực các tín đồ gia nhập các giáo phái đã được chỉ định như Giáo hội Phật
giáo Việt Nam, được thành lập vào năm 1981 trực thuộc Mặt trận Tổ quốc vốn là một
tổ chức Đảng.
Nhiều lãnh đạo tôn giáo cự tuyệt không chấp nhận sự
kiểm soát của Đảng đã bị bắt giữ hay gặp phiền hà. Thích Quảng Độ, Tăng thống của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là nhóm bị cấm, đã trải qua ba thập
niên tù đày, hoặc bị quản thúc ở TP. Hồ Chí Minh – "lâu hơn cả Aung San
Suu Kyi”, theo ông Võ Văn Ái, một phát ngôn viên của Giáo hội hiện sống tại
Pháp. Lãnh đạo các nhóm tôn giáo bị cấm khác, bao gồm các mục sư Tin lành ở Tây
Nguyên, một khu vực bất ổn với nhiều nhóm sắc tộc, đã hầu như bị vô hiệu hóa.
Sau chuyến đi Việt Nam năm 2014, đăc phái viên của
Liên hiệp quốc về tôn giáo nói rằng kế hoạch thăm một số nơi ở Tây Nguyên và Đồng
bằng sông Cửu Long, thành trì của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đã "chẳng
may bị gián đoạn" và rằng một số người Việt mà ông muốn gặp đã bị công an
đe dọa. Hẳn là giới chức muốn che giấu nỗ lực đàn áp tôn giáo của họ.
Đảng cũng đã phần nào nới lỏng lập trường. Từ quãng
1990, các đền, chùa và nhà thờ đã được tân trang và cho phép mừng các ngày lễ
tôn giáo, như dịp Phật đản, mà một thời bị cấm kỵ. Nhưng chính quyền đã ban
hành thêm các quy định quản lý các tín đồ và tín ngưỡng, để gây nản lòng. Một
trong số đó là Luật Tôn giáo được thông qua năm 2004 đã hình-sự-hóa tội
"lạm dụng" tôn giáo phá hoại an ninh quốc gia. Một nghị định, ban
hành vào năm 2013, đã gây thêm khó khăn cho việc đăng ký các nhóm tôn giáo.
Tháng tới Quốc hội, cơ quan lập pháp của Việt Nam, dự
kiến thảo luận thêm luật để hợp lý hóa các chế tài này. Một phiên bản dự thảo
bao gồm một số cải thiện nhỏ, chẳng hạn như giảm tổng thời gian mà một tổ chức
tôn giáo bắt buộc phải hoạt động tại Việt Nam trước khi có thể chính thức được
nhà nước công nhận từ 23 năm xuống còn 10 năm. Theo Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời
các đại diện lập pháp cao cấp cho biết luật này giúp đưa chính sách tôn giáo
trong nước phù hợp với Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam đã ký
kết vào năm 1982. Tuy nhiên các bên chỉ trích, trong đó có Tổ chức Theo dõi
Nhân Quyền (Human Rights Watch), một tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại
New York, cho rằng luật này mơ hồ tới mức có thể cho phép Cơ quan An ninh Nhà
nước quyền lực ở Việt Nam thậm chí có thêm tự do để giám sát các nhóm tôn giáo
mà họ không ưa.
Vào tháng Năm, Hội đồng Liên tôn giáo Việt Nam – một
nhóm các lãnh đạo tôn giáo bất đồng thuộc các tín ngưỡng khác nhau – đã viết một
bức thư ngỏ phản kháng tố cáo Đảng dùng luật pháp như một mánh khóe để củng cố
quyền lực và bóp nghẹt thờ phụng. Đinh Hữu Thoại, một lãnh đạo Công giáo
và là một trong 22 người ký bức thư, nói rằng văn bản luật đánh đố với các điều
khoản tùy tiện và mơ hồ. Ví dụ, nó cho phép thờ phụng ở nhà và các địa điểm
"hợp pháp" khác, nhưng không nói thế nào là hợp pháp.
Khó dự đoán được là chính quyền sẽ giải thích đạo luật
khắc nghiệt đến mức nào. Nhưng việc thông qua nó chắc chả giúp mấy cho việc cải
thiện hình ảnh chính quyền như một người bảo vệ quyền con người. Thích Không
Tánh, vị sư ở chùa Liên Trì, nghiệm thấy rằng tự do thờ phụng chỉ được cải thiện
cho những ai trực thuộc các giáo phái được nhà nước chỉ định. "Bất kỳ ai độc
lập sẽ phải đối mặt với khó khăn và áp bức”, sư nói. Nghiệp hoạn nạn của sư còn
xa mới dứt.
.
No comments:
Post a Comment