Đặng Tiến - Diễn Đàn
Cập nhật lần cuối 30/09/2015
Nhà
Văn Võ Phiến vừa từ trần tại Los Angeles, Hoa Kỳ, vào lúc
17 giờ ngày 28.9.2015. Diễn Đàn xin chân thành chia buồn với gia đình và đông đảo
bạn hữu cũng như rất nhiều bạn đọc của ông.
Từ khi ra đời, Diễn Đàn đã có nhiều dịp giới thiệu với
bạn đọc nhà văn lớn này, qua ngòi bút của nhà phê bình Đặng Tiến, bạn ông.
Ngoài những bài viết về văn học trong và ngoài nước mà tên tuổi Võ Phiến được
nhắc tới, Đặng Tiến đã trực tiếp viết về Võ Phiến trong các bài:
1/ Võ Phiến: Điệu nhạc thầm và Truyện thật
ngắn. Báo giấy số 2 (tháng 11.1991), đã chuyển mã và đăng lại trên báo mạng
ở địa chỉ:
http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-002/vo-phien-truyen-that-ngan
http://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-002/vo-phien-truyen-that-ngan
2/ Thẩn thơ Võ Phiến, đăng hai số 73 (tháng
4.1998) và 74 (tháng
5.1998);
3/ Võ Phiến với văn học miền Nam, số 100 (tháng
10.2000).
Ngoài ra, Diễn Đàn cũng đã đăng một bài Võ Phiến viết
về Mai Thảo, số 90 (tháng
11.1999). (*)
Tin Võ Phiến từ trần đã nhanh chóng được loan trên mạng,
với nhiều bài nói lên sự nghiệp và văn tài của ông. Về phần mình, nhà phê bình
Đặng Tiến đã gửi ngay cho Diễn Đàn hai bài viết.
Cùng với bài Nhớ thương Võ Phiến dưới
đây, xin mời bạn bấm
vào đây để đọc bài thứ hai, cũ hơn nhưng được ông "cập nhật cho
ngày tang Võ Phiến". Một bài viết nói lên sự đồng cảm sâu sắc giữa nhà văn
và nhà phê bình, như chính Võ Phiến từng ghi nhận lúc sinh thời (xem Phụ chú của
bài).
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Diễn
Đàn
(*) Các số báo 73, 74, 90, 100 tạm thời chỉ có trên mạng dưới hình thức các tệp pdf, sắp tới chúng tôi sẽ đưa lên từng bài riêng.
-------------------------------
Bình Định có câu ca dao hay :
Ai về Bồ địch Giếng vuông
Để thương để nhớ để buồn cho ai
Để thương để nhớ để buồn cho ai
Bồ địch là tên một xóm quê, nơi Võ Phiến sinh ra,
năm 1925, thuộc làng Trà Bồng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Giếng vuông là di
tích của người Chăm, cách thôn Bồ địch non cây số, nơi có nghề dệt chiếu nổi tiếng.
Nhà văn tên thật là Đoàn Thế Nhơn, đinh cư tại Hoa Kỳ
từ cuối tháng 3-1975, đã tạ thế tại Los Angeles, Hoa Kỳ, lúc 17 giờ ngày
28-9-2015, một ngày thu mà từ 1993 ông đã linh cảm :
Mai kia ta đi mất…
(…)
Tháng chín rập rờn lá xoan xanh thẫm
Gió đôi khi dừng lại ghé thăm vườn
Thơ thẩn tìm, chẳng thấy ta đâu
Nháo nhác một hồi
Rồi cũng bỏ qua thôi…
Gió đôi khi dừng lại ghé thăm vườn
Thơ thẩn tìm, chẳng thấy ta đâu
Nháo nhác một hồi
Rồi cũng bỏ qua thôi…
Võ Phiến là một nhà văn, một tác gia lớn hàng đầu của
văn học Việt Nam kể từ thời có văn chương quốc ngữ, nổi bật từ giữa thế kỷ XX đến
nay.
Ông là tác giả của 25 đầu sách in tại Miền Nam trước
1975, 19 cuốn in tại Hoa Kỳ sau này, tác phẩm in lại thành 10 cuốn trong bộ
Toàn Tập Võ Phiến phân chia theo thể loại : 2 tập tùy bút, 2 tập tiểu thuyết,
2 tập truyện ngắn,phần còn lại là tiểu luận, tạp luận, tạp bút và đàm thoại.
Ngoài ra, còn có một Tuyển Tập in hai lần, lần tái bản có bổ sung.
Như vậy, Võ Phiến là tác giả sản xuất đều tay, dù cảnh
sống có thay đổi lớn. Nói chung, những sáng tác tiêu biểu đã ra đời trước 1975.
Khi ra nước ngoài, ông viết « lai rai », thường là những bài ngắn và
nhận xét về cuộc sống, nhưng đã có công lớn trong công cuộc sưu tầm, tập hợp,
bình luận các tác phẩm in ấn dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chia ra theo thể loại :
truyện (ba cuốn), ký, tùy bút và kịch, thơ, mỗi loại một cuốn, rất tiện dụng
cho độc giả. Và bảo tồn được một nền văn học mà tác giả cho là « bất hạnh ».
Dĩ nhiên là còn phải ghi nhận công trình biên khảo Văn học Miền Nam
Tổng quan, nguồn tư liệu cần yếu cho cả văn học và xã hội học một thời.
Võ Phiến là một tài năng lớn lao, một tấm lòng với đất
nước, tận tụy với văn học. Và một phong cách có một không hai.
Khi sức khỏe suy yếu, ông đã cho in tác phẩm có
tên Cuối Cùng, 2009, có một truyện ngắn bắt đầu bằng câu : « Ở
khu phố tôi trưa trưa thường có chim bay… » Ý tứ không có gì đặc sắc,
nhưng người đọc nhận ra ngay phong cách Võ Phiến.
Vì không ai viết văn như thế.
Và vì viết như thế, phải là nhà văn lớn.
Đặng
Tiến
29-9-2015
----------------
XEM
THÊM :
Phạm Xuân Nguyên
2.9.2012
No comments:
Post a Comment