Thanh Phương - RFI
Đăng ngày 26-09-2015 11:23
Tại
cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Trung hôm qua, 25/09/2015 tại Nhà Trắng, Tổng thống
Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ quyết tâm đạt tiến bộ trên hồ
sơ khí hậu và tội phạm tin học, nhưng giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn nhiều
căng thẳng trên hai hồ sơ nhân quyền và Biển Đông.
Hôm qua, chính quyền Mỹ đã tiếp đón rất long trọng
Chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên đến thăm Nhà Trắng, thế nhưng trong cuộc họp
báo chung, giọng điệu của hai lãnh đạo Mỹ Trung đều rất cứng rắn, để lộ rõ căng
thẳng giữa hai nước, như tường trình của thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet
từ Washington :
« Nghi lễ đón tiếp với đầy đủ kèn, trống và 21 phát
đại bác, hội đàm trong Phòng bầu dục, dạ tiệc chính thức : ông Barack Obama đã
trải thảm đỏ tiếp ông Tập Cận Bình một cách long trọng .
Tuy vậy, hai lãnh đạo, mà cho tới nay không mấy thuận
hòa, không hề che giấu những bất đồng còn tồn tại giữa hai nước, cả về mặt kinh
tế, quân sự, lẫn nhân quyền.
Nhưng có một hồ sơ mà ông Obama và khách mời Trung
Quốc đạt đồng thuận, đó là hồ sơ chống biến đổi khí hậu. Ông Obama tuyên bố
: « Tôi hoan nghênh việc Trung Quốc cam kết từ đây đến năm 2017 sẽ thiết
lập một thị trường quốc gia về quota CO2, nhằm giảm bớt lượng khí thải gây hiệu
ứng lồng kính trong ngành công nghiệp ». Tổng thống cũng bày tỏ sự hài lòng
về việc Bắc Kinh sẽ tháo khoán 3 tỷ đôla để giúp các nước nghèo chống biến đổi
khí hậu.
Hai nhà lãnh đạo cũng đạt được thỏa thuận trên một hồ
sơ khác, đó là hai chính phủ sẽ cùng nhau ngăn chận các vụ tấn công tin tặc nhằm
đánh cắp các bí mật công nghiệp.
Nhưng về vấn đề nhân quyền cũng như Biển Đông, Chủ tịch
Tập Cận Bình không hề tỏ ý muốn thay đổi. Ông nói : « Những vấn đề giữa
hai nước chúng ta cần phải được đề cập đến với đầu óc cởi mở. Chúng ta cần phải
gặp nhau ở giữa đường. ».
Trong lĩnh vực nhân quyền, bị các đối thủ Cộng hòa
chỉ trích là quá thận trọng đối với Bắc Kinh,Ttổng thống Obama đã thẳng thừng
lên án những vụ vi phạm các quyền tự do ở Trung Quốc.
Trên vấn đề Biển Đông, Tổng thống Mỹ bày tỏ mối quan
ngại của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang tranh chấp, «
khiến cho càng khó mà đạt đến một giải pháp hòa bình cho các bất đồng ».
Đáp lại ông Obama, chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định quyền của Bắc Kinh bảo vệ «
chủ quyền lãnh thổ » trên các đảo « vẫn là lãnh thổ của Trung
Quốc từ ngàn đời nay ».
---------------------------
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày 26-09-2015 14:32
Bên
cạnh hồ sơ nhân quyền, có một hồ sơ khác mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dứt
khoát không nhân nhượng Tổng thống Mỹ Barack Obama, đó là Biển Đông, cho dù lần
đầu tiên ông cam kết sẽ không « quân sự hóa » các đảo nhân tạo.
Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Nhà Trắng trong bối cảnh
mà từ nhiều tuần qua, các lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ thay phiên nhau
lên án việc Bắc Kinh ráo riết bồi đắp và quân sự hóa đảo thuộc khu vực đang
tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, đồng thời đã yêu cầu Bắc Kinh dừng ngay những
hoạt động xây dựng này.
Trung Quốc cũng đã nhiều lần nói rõ là các cơ sở được
xây dựng trên đảo nhân tạo này cũng có thể sẽ được sử dụng vào mục đích quốc
phòng và các hình ảnh vệ tinh cho thấy là Bắc Kinh đã hoàn tất việc xây dựng một
phi đạo quân sự và dường như đang xây thêm 2 phi đạo khác.
Trong cuộc họp báo chung ngày 25/09/2015, sau cuộc hội
đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã nhắc lại mối quan ngại nói trên của Hoa
Kỳ, vì ông cho rằng việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo đang tranh
chấp, « khiến cho các nước trong vùng càng khó mà đạt đến một giải pháp
hòa bình cho các bất đồng ».
Đáp lại ông Obama, Chủ tịch Trung Quốc bác bỏ lời
cáo buộc rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa các đảo nhân tạo. Ông Tập Cận Bình
tuyên bố rằng những hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Nam Sa (
trên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa ) không nhắm vào nước nào hay ảnh hưởng
đến nước nào, và Bắc Kinh không hề có ý định quân sự hóa các đảo này.
Theo lời một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ,
cam kết nói trên của ông Tập Cận Bình là một điều mới, mặc dù các quan chức cấp
thấp hơn của Trung Quốc cũng đã từng cam kết như vậy với Ngoại trưởng Mỹ John
Kerry vào mùa hè vừa qua.
Về phần bà Bonnie Glaser, chuyên gia về quân sự
Trung Quốc tai Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, nêu lên câu hỏi
không hiểu ông Tập Cận Bình dùng chữ « quân sự hóa » ở đây
nghĩa là gì ? Nghĩa là sẽ không để chiến đấu cơ sử dụng các phi đạo ? Hay sẽ
không triển khai tên lửa trên các đảo này?.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama hôm
qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không nói rõ là cam kết nói trên của ông có ảnh
hưởng gì đến các hoạt động xây dựng Trung Quốc ở Trường Sa hay không.
Một chuyên gia khác về quân sự Trung Quốc, ông
Taylor Fravel, thuộc Viện Công nghệ Massachussets, cũng nhận định rằng tất cả
là tùy thuộc vào việc ông Tập Cận Bình hay Trung Quốc định nghĩa thế nào là
quân sự hóa. Thật ra theo ông Fravel, các đảo hiện do Trung Quốc và các nước
tranh chấp khác chiếm giữ trên thực tế đã được quân sự hóa rồi, vì trên các đảo
đó đã có một số binh sĩ trú đóng và một số vũ khí phòng thủ.
Tóm
lại, trên hồ sơ Biển Đông, Tập Cận Bình vẫn không lùi bước, cho dù bị Tổng thống
Obama thúc ép ngưng ngay các hoạt động xây dựng trên những đảo đang tranh chấp.
Nói cách khác, cuộc họp thượng đỉnh ở Nhà Trắng hôm qua đã chẳng giải quyết được
gì. Hoa Kỳ thật sự có quyết tâm ngăn chận tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở
Biển Đông hay không, thời gian sẽ trả lời.
No comments:
Post a Comment