Tuesday, September 15, 2015

Câu chuyện danh xưng (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, September 12, 2015 4:31:53 PM

Sau năm 1975, nhiều triệu người Việt chúng ta đã bỏ nước ra đi. Chúng ta đi không biết tương lai, không biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng chỉ biết rằng không thể ở lại trên quê hương của mình nữa vì qua đêm mình đã trở thành không những là kẻ lạ mà còn là kẻ thù của chế độ. Cũng như những người dân Syria ngày nay, chúng ta đã bỏ tiền bỏ của, phó mạng sống cho thiên mệnh, leo lên những con thuyền mong manh, chất đầy ắp người, vượt biển để đi tìm lẽ sống. Biển Đông sóng lớn, Thái Bình Dương không có chút thái bình nào cả, nhưng chúng ta vẫn liều mình ra đi. Hồi đó người ta gọi chúng ta là “boat people.” Chúng ta tự gọi mình là thuyền nhân.

Năm nay, nhiều trăm ngàn người, đa số đến từ Phi Châu hay là Trung Đông, cũng đã tìm đủ mọi cách để đến Âu Châu. Họ ra đi vì nhiều lý do. Một số bỏ chạy trốn chiến tranh đã bao trùm quê hương của họ, một số chạy thoát thân trước đe dọa cho chính mình và cho gia đình mình, một số hy vọng kiếm được công ăn việc làm với đồng lương cao hơn ở Âu Châu so với ở quê nhà mà họ đã bỏ ra đi. Và một số, chắc chắn, đã nghe được là ở Âu châu, chăm sóc sức khỏe và một lợi tức nhỏ được cung cấp cho những ai không có công ăn việc làm. Báo chí, trong cái bầu không khí vội vã của truyền thông 24 trên 24, mà cũng chả có ý muốn để đưa ra một tóm tắt toàn cảnh như vậy, thành ra họ đã đặt ra một chữ để gọi những người này, họ là “Migrants- di dân.”

Nhưng cũng như thuyền nhân, danh từ di dân tự nó có rất nhiều vấn đề. “Di dân” thực sự là những người tình nguyện ra đi để tìm một cơ hội khá hơn cho mình. Di dân không ổn nhưng ít nhất nó có cái lợi là nó tương đối trung dung, không có một ngầm ý miệt thị nào cả. Ai cũng có thể là di dân.

Nhưng một lần nữa, nó ngầm ý nói đến một quyết định đắn đo đi tìm một cuộc sống mới. Nó không gợi lên được cái cảnh cuống cuồng vơ vét những gì mình còn có thể mang theo người để bỏ chạy một cuộc chiến đang rượt đuổi đến chân, hay bạo động đang sắp đe dọa đến tính mạng của mình và gia đình mình. Những danh từ truyền thống để chỉ những người đã bỏ chạy chiến tranh, khủng bố hay đe dọa đến an toàn của bản thân, cũng không sao diễn tả được hoàn cảnh của họ. Chữ tiếng Anh “Refugee” là một tiếng có tính bị động (nó phát xuất từ tiếng Pháp kèm thêm hai chữ “ee” để chỉ một con người bị động). Dân tị nạn, lời dịch tiếng Việt tương đương với chữ “refugee” có một hàm ý “bỏ chạy và bị nạn” nhưng cũng chưa nói rõ lên được hoàn cảnh của những người đã trở thành “dân tị nạn.”

Vấn đề còn khó khăn hơn là một “người tị nạn” một “refugee,” định nghĩa hợp pháp, không thể bị gửi về nhà. Công ước về quy chế người tị nạn năm 1951, mà hầu hết những quốc gia văn minh đều đã ký kết, định nghĩa một “refugee” như là một người “không thể và không muốn trở về (quê hương mình) vì những lo sợ có nền tảng về sự đàn áp dựa trên sắc tộc, tôn giáo, quốc tích, lập trường chính trị, hay là thành viên của một nhóm xã hội đặc biệt nào đó.” Theo luật quốc tế về dân tị nạn, về cái mà được gọi là “principle of non-refoulement” - nguyên tắc không (cưỡng bách) hoàn trở về, một quốc gia gửi ai đó về nước họ để phải đối diện với những lo sợ có nền tảng bị đàn áp, đã phạm pháp. Mới đây, trên tờ Sunday Times ở Anh quốc, một tựa đề viết “Anh Quốc trục xuất 52 dân tị nạn,” điều đó có nghĩa pháp lý là Anh Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Nhưng đọc kỹ trong bài thì tờ báo nói rõ thực ra việc đó đã không xảy ra: những người bị trục xuất chưa phải là dân tị nạn, đứng về phương diện pháp lý, họ chỉ mới là “asylum seeker- những người xin được tị nạn.” Cái danh từ nghe ra có vẻ trung dung này giúp cho nhà báo và nhà cầm quyền khỏi bị phạm pháp, nhưng cái danh xưng “những người xin được tị nạn” cũng là một vấn đề. Nó dài dòng và đầy tính hành chánh, và dần đà đã trở thành bị những chính trị gia chống di dân tạo cho nó một tiếng xấu. Nói cách khác, nhiều người ở Âu Châu và ở Hoa Kỳ đã giả định là “những người xin tị nạn” đã tự nguyện ra đi khỏi xứ mình để tìm một cuộc sống sung túc với lợi tức và quyền lợi miễn phí ở Âu Châu. Một khi người ta đã coi “người xin tị  nạn” đồng nghĩa với “những kẻ ăn bám,” sự đối xử tàn nhẫn đối với những người xin tị nạn, bị nhốt vào những trại như là những kẻ phạm pháp, tự nhiên có thể biện minh được.

Lẫn lộn vào trong làn sóng người đổ vào Âu Châu ngày nay là những người đã tình nguyện bỏ xứ đi làm ăn ở Âu Châu, nơi lợi tức, y tế và nhà cửa tốt hơn là những nơi mà họ đã bỏ đi. Những người này thường bị gọi một cách miệt thị là “di dân kinh tế.” Gọi như vậy để ngầm ý là họ không phải là dân tị nạn chính hiệu. Nhưng như tạp chí The Economist đã chỉ ra, đi sang một nơi mà lương bổng cao hơn là một hành động đầy hiệu năng về kinh tế và làm vậy vì gia đình mình là một hành động cao quý, những bởi nhiều người trong số này không có quyền đi sang Âu Châu với lý do này, họ phải nói họ là dân tị nạn chính trị, tôn giáo hay chiến tranh. Việc này dĩ nhiên chứng tỏ với nhà chức trách là họ gian lận, mặc dầu mục tiêu tối hậu của họ, kiếm tiền nuôi gia đình, thì không có gì là có tội cả.

Ở Hoa Kỳ, những di dân như vậy thường chỉ vượt qua biên giới và làm việc không cần giấy tờ. Những người ủng hộ, lợi dụng sự việc những di dân này không có giấy tờ tùy thân đã gọi là “undocumented-không có hồ sơ,” trong khi những kẻ chống lại họ thì gọi họ là “illegal immigrants” (di dân bất hợp pháp) hay rút ngắn hơn “illegals.”

Các quốc gia giàu có trên địa cầu này phải hiểu sự việc là nhiều con người muốn và cần phải vượt qua biên giới quốc gia, như họ đã từng làm suốt lịch sử con người. Bà Pia Oberoi của văn phòng cao ủy trưởng về nhân quyền viết: “Đối với nhiều triệu di dân, những mức độ cưỡng bách khác nhau và đồng thuận đã che phủ con đường họ đi. Những cuộc hành trình đó khá dài và có tính đa phương, và quy chế của một người có thể thay đổi, với rất nhiều kịch tính, trong diễn tiến của cuộc hành trình.” Nói cách khác, bà đã diễn tả thật sâu sắc “Biên giới của kinh nghiệm con người không có trật tự hay phân chia rõ ràng như các thể loại pháp định mà chúng ta muốn họ trở thành.”

Danh từ rõ ràng, cuộc sống lộn xộn. Kết quả là cái hổ lốn của các chính sách của các quốc gia Tây phương đã đưa ra để cố gắng lấy được cái tốt của di dân mà không phải chấp nhận những phần không thích. “Di dân” có thể là danh từ chung tốt nhất cho những người đang di chuyển nhưng nó không có tính cách khẩn cấp. Các chính trị gia và cử tri phải đừng quên là dầu cho họ là di dân kinh tế hay là người đang xin được tị nạn thì trước hết họ là “những con người.”

Và như lịch sử đã chứng minh, những lo sợ về di dân đều đã là quá mức, với những thí dụ không đếm xiết của những người di dân trở thành những cộng đồng sinh động làm giàu cho nước đã tiếp nhận họ: người Do Thái, người Armenia, thuyền nhân Việt Nam, người Uganda gốc Nam Á, trong số bao nhiêu người khác. Chào đón họ đi vì họ không phải là những tên khủng bố trá hình. Và dầu cho họ là di dân hợp pháp hay bất hợp pháp, mục đích của họ không phải là phá hoại nơi họ tìm đến để kiếm chỗ nương thân. Thực sự họ sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho quê hương mới, và đồng thời để tạo cho mình một tương lai.








No comments: