Monday, September 21, 2015

Cái giá của sự im lặng (Lê Nguyễn, truyện ngắn)





Lê Nguyễn
Tác giả gửi tới Dân Luận
22/09/2015

Hắn tức mình đập rầm con chuột xuống bàn, nét mặt biểu lộ rõ sự tức giận. Nhắm mắt lại để cơn giận trôi đi, hắn ôm tim nhức nhối.
“Đau tim mất, nếu cứ tình trạng này tiếp diễn xảy ra. Thôi, chi bằng không để ý, không quan tâm thì hơn. Hà cớ gì không phải chuyện của mình mà cứ mua sự tức tối về bản thân”. Hắn tự nhủ và đóng facebook lại. Ngày nào cũng chứng kiến mấy chuyện bất công tràn lan trên internet mà không làm gì được hắn cảm thấy đau đáu một nỗi đau.
Sau một thời gian không online facebook, không đọc báo lề dân, không quan tâm đến chính sự, hắn thấy cuộc sống thật bình dị trôi qua, yên ả quá. Thì ra, mắt nhắm lại và tai không nghe thì chẳng thấy có gì bất an, phiền muội xung quanh mình cả.
Hắn đặt ly cà phê nghi ngút khói xuống bàn, ngả mình thư giãn trên ghế sô pha. Bữa nay, hắn cho phép mình “chơi sang” một chút, nhấm nháp ly cà phê thay cho một ly trà nóng quen thuộc mỗi sáng. Phóng tầm nhìn qua tấm kính trong veo. Bên ngoài, dòng người tấp nập đan xen nhau qua lại khá rối mắt nhưng mà rất thi vị. Hắn thấy, đời trôi đi trong bình lặng.
Những dòng xe cứ ngày một ứ đọng, ùn tắc. Hắn thanh toán tiền và định nhấc mông dậy nhưng thấy cảnh đó, hắn đành lán lại và nhấp nháp nốt phần cà phê còn lại. Đắng ngắt. Hắn nhăn mặt khống chế cái cảm xúc khó chịu đang tuôn lên trên cuống họng mình. Nuốt ực cái cực tức đó, hắn cố nén nó xuống tận đáy lòng. Mẹ kiếp, lại muốn chửi thề. Bỗng từ cửa ra vào vang lên một giọng nói tục tĩu, hậm hực đầy ức chế:
- Đường xá như cái con củ c** suốt ngày tắc với chả nghẽn. Nhà nước quản lý như cái đầu bờ, tiền thì thu cho rõ lắm, toàn mang danh bảo trì với bảo dưỡng. Đớp cho lắm mà không chịu tu sửa, nâng cấp, mở rộng để dân đi lại đỡ cực.
Hắn trợn mắt nhìn sang thì thấy một tên “giang hồ” xăm trổ chi chít đang ngồi phịch xuống chiếc ghế khiến nó lún sâu và rung lên bần bật. Y gọi một ly cà phê đen đặc và ngồi nhả khói nom rất “bố đời”, miệng vẫn không thôi lùng bùng:
- Tháng này bố mà bị trừ lương vì can tội thường xuyên đi muộn thì bố nhất quyết đéo đóng tiền thu phí bảo dưỡng đường bộ nữa, xem chúng mày làm gì được nào. Mẹ kiếp!
Cô nhân viên phục vụ trẻ măng (hình như là mới vào nghề hay sao ấy vì nhìn cung cách làm việc của của cô ta không được thành thạo cho lắm) lấm lét nhìn hắn, đặt ly cà phê dè dặt xuống bàn. Ngước lên bắt gặp ánh mắt e ngại đó, y gờm gờm đáp trả khiến cho cô gái trẻ luống cuống làm đổ ly cà phê lênh láng ra bàn. Cô hốt hoảng lắp bắp:
- Xin quý khách thứ lỗi, tôi sẽ đi làm luôn một ly khác bù vào ạ.
Y không nói gì, nhếch mép, nở một nụ cười khoái chí.
Tự dưng, hắn thấy lòng mình nhẹ nhõm và hả hê vì những câu chửi tục tĩu của người ngồi bàn kế bên. Dòng người đã vãn, hắn quyết định đứng lên. Nhưng… rào… rào…Bên ngoài bất ngờ mưa như trút nước khiến chiếc ghế kéo mông hắn lại. Thôi, có lẽ, hôm nay đành nghỉ việc buổi sáng. Hắn ngán ngẩm lẩm bẩm.
Một tiếng trôi qua, khi mưa đã rứt thì đường phố bỗng hóa… sông. Vẫn nhìn qua tấm kính, lúc này đã mờ nhòe vì những giọt nước mưa, hắn thấy dòng người bì bõm dưới đường nhìn rất cơ cực. Nhìn lại mình, hắn không lỡ: đôi giày da bóng loáng đắn đo lắm hắn mới dám tậu, sơ mi trắng vợ chắt chiu từng đồng tiền chợ mới mua cho nên hắn vẫn cứ nấn ná ở lại.
Bật lên tất cả những tiếng râm ran trò chuyện là tiếng chửi của tên “Chí Phèo” ban nãy:
- Đản ơi là Đản, mày đi chết đi. Quản lý đất nước kiểu này thì mày đâm đầu xuống cái dòng nước tạp nham, lềnh phềnh rác bẩn mà chết đi, lũ khốn!
Tất cả mọi người im bặt, hướng mắt nhìn về phía y. Hắn biết, y chửi Đản là chửi ai. Có một chuyện hồi hay lang thang facebook, hắn đọc được, thi thoảng nghĩ lại mà hắn vẫn cứ rúc rích cười một mình như kẻ tâm thần: Có một tên sát nhân tên là Đảng, sau khi bị tóm gọn, tên và mặt hắn chường ình ình kín các mặt báo. Nhưng lạ kỳ, ngay hôm sau, tất cả các tờ báo đều được chỉnh sửa đồng loạt từ tên hắn là Đảng thì nay, thay thế bằng tên Đản.
Tên “Chí Phèo” hình như vẫn chưa thể hả hê, giọng “vàng anh ngọt ngào” vẫn tiếp tục ca thán:
- Quân bán nước hại dân, ăn hại đái khai. Chứ chả được cái công trạng mẹ gì.
Mọi người không ai bảo ai lại tiếp tục câu chuyện dang dở của mình sau khi “gửi gắm” về phía y những ánh mắt đồng cảm. Hắn tự nhiên thấy ấn tượng với tên “Chí Phèo” kia quá định nấn ná sang bắt chuyện nhưng chợt kịp thời ngăn mình lại.
Đường đã rút nước, mọi người trong quán lục đục kéo nhau ra về.

Sau cơn mưa, không khí mát lạnh bao trùm lên mọi ngõ ngách làm cho cảm giác không gian của cái thành phố chật chội này giãn nở ra đôi chút so với mọi khi. Nếu không có “dòng sông”… trên đường này thì hắn cảm thấy vô cùng khoan khoái.
Nước vẫn chưa thực sự rút hết, may mắn sao, mưa có gần một tiếng thôi nên chưa đến nỗi phải… bơi. Chứ như mọi khi thì cả người lẫn xe phải bơi trong dòng nước thối làm hắn rùng mình ghê tởm. Hắn cất đôi giày da vào trong cốp xe, đi chân trần phi xe máy. Nhìn hơi kỳ quặc nhưng hắn mặc kệ.
Phi xe qua ngã tư, đám đông lố nhố tụ tập làm hắn tò mò dừng lại. Một cảnh cãi vã kịch liệt đang diễn ra trước mắt, hắn bất ngờ khi thấy, tên “Chí Phèo” ban nãy đang đôi co với viên Cảnh sát áo vàng. Viên cảnh sát không kiềm chế được cơn phẫn nộ của mình túm áo tên “Chí Phèo” nhấc lên gằn giọng:
- Mày nói lại tao xem?! Thằng ranh con, tao tống mày vào đồn vì can tội “chống người thi hành công vụ” bây giờ, ngáo đá à?
Trái ngược với ban sáng ở quán cà phê, lần này tên “Chí Phèo” ăn nói rất tự chủ và lịch sự, đĩnh đạc khiến hắn kinh ngạc về khả năng “biến hóa” của y:
- Đề nghị đồng chí Đại úy hãy tự trọng và buông cổ áo tôi ra! Nếu không, đây sẽ là bằng chứng tố cáo đồng chí vô lễ với người dân. Thử nhìn xem, bao nhiêu camera đang chĩa vào chúng ta và chẳng mấy chốc chúng được tung lên mạng để nhân dân được dịp chứng kiến tên “đầy tớ” đối xử với “ông chủ” ra sao và cũng tiện để mọi người phán xét thế nào là tội chống đối người thi hành công vụ như lời anh vừa nói. Anh hãy cân nhắc!
Viên cảnh sát tái mét mặt mày lại, răng nghiến vào nhau ken két. Hận một nỗi, hắn ta không thể lấy rùi cui phang bầm rập tên ngổ ngáo đáng ghét này cho hả dạ. Gã từ từ nhả tay ra.
Rất bình thản, tên “Chí Phèo” mặt mày tỉnh bơ, nở một nụ cười thân thiện, chìa tay ra trước mặt viên cảnh sát. Tên này thấy thế ngoảnh mặt quay đi, trên miệng lầm bầm cái gì đó mà không ai nghe rõ. Thấy sự bất hợp tác từ phía đại diện cho công quyền nên tên “Chí Phèo” cũng chẳng mảy may suy tính, y mặt mày thản nhiên chỉnh đốn lại cổ áo nhàu nát vì bàn tay tức giận kia chụp lên nắm lại. Đoạn, quay sang người đàn ông nhỏ bé bên cạnh và bảo:
- Anh có thể đi được rồi đấy.
Người đàn ông lấm lét nhìn sang viên Cảnh sát chưa biết làm thế nào thì nhìn thấy ánh mắt khích lệ của tên “Chí Phèo” nên anh ta yên tâm ngồi lên xe và chuẩn bị rồ ga thì:
- Đứng lại, ai cho phép anh đi!
- Anh ta không hề vi phạm thì cũng để cho anh ta đi chứ!
Tiếng nói nghiêm nghị và có phần dứt khoát của tên “Chí Phèo” lại vang lên, vừa dứt thì vòng người vây quanh nhao nhao lên phản đối:
- Phải đấy, anh ta không hề vi phạm thì phải để cho anh ta đi đi. Nãy giờ chúng tôi chứng kiến đều thấy anh ta vô tội.
Thấy người dân phản đối gắt gao quá, một viên áo vàng khác đến bên nói với viên áo vàng này:
- Thôi, để cho hắn ta đi đi.
- Đi đi…
Viên cảnh sát mang bảng hiệu Đại úy hất hàm nhìn người đàn ông nhỏ bé khiến anh ta mừng rơn miệng không ngớt cảm ơn rối rít.
- Cái anh này, nếu không mắc lỗi thì việc gì phải ơn với huệ. Người cần xin lỗi phải là mấy chiến sỹ cảnh sát đây chứ phải không bà con?
Giọng nói oang oang, hào sảng của tên “Chí Phèo” cất lên, mọi người nhao nhao phản ứng:
- Phải, phải, làm sai thì phải xin lỗi! Bất kể kẻ đó là ai!
Hai viên sỹ quan cúi gằm mặt xuống, tức tối chui vội vào trong chốt, ánh mắt không quên bắn một viên đạn… thủng mặt tên “Chí Phèo”.
Hắn thấy vô cùng ngưỡng mộ tên “Chí” kia, hả hê rồ ga phóng đi, dẫu cũng không phải là chuyện của mình thì cũng không cần thiết phải đỗ lại để hỏi xem nguyên do sự việc ra sao.

* * *

Bẵng đi mấy ngày sau, hắn lò mò vào facebook, giới đấu tranh dân chủ truyền tin nhau về vụ bắt người bị gán cho tội, đại loại là “tuyên truyền, kích động quần chúng nhân dân lật đổ chính quyền nhà nước”. Hắn bàng hoàng khi thấy người bị bắt chính là tên “Chí Phèo” bữa nọ. Hắn thở phào nhẹ nhõm: “gì chứ, bản thân mình rất dễ bị kích động, may sao mà hôm đó, mình ngăn cản được cái ham muốn kết giao với gã.”, “Mình đã đúng khi chọn cách im lặng, tự bịt mắt, bịt tai để khỏi phải lên tiếng”. Hắn ngây người ra nghĩ.
Bữa cơm đạm bạc được cô vợ dọn ra làm hắn chả thiết động đũa. Ăn uống thế này thì sao chịu cho nổi. Hắn gàu gàu nét mặt nhìn vào mâm cơm. Nhưng nghĩ đến số tiền tiết kiệm đã đủ để về quê cất lên ngôi nhà tử tế nên hắn phấn khởi cầm đũa, tươi cười giục vợ:
- Mình vào ăn đi, còn làm gì đấy?
Vợ hắn đang lục sục trong bếp nói vọng ra:
- Vâng, em vào ngay đây. Dở tay chút. À này anh, sáng nay, con Liên nó chuyển hóa đơn đóng học của con Hà lên đấy. Đọc mà em xuýt ngất luôn. Số tiền lên đến hơn 5 triệu.
Nghe giọng rầu rầu của vợ hắn than thở hắn đánh rớt mất một chiếc đũa:
- Thôi em, đành rút tạm ở cái khoản dành xây nhà vậy, rồi bù sau. Đóng lẹ lên kẻo con mình bị nhà trường nó trù dập.
Vợ hắn từ trong bếp trở ra bàn ăn mặt buồn thiu, ngần ngại:
- Nhưng anh, còn có rất nhiều khoản mập mờ cần phải làm rõ. Em cũng vừa gọi điện về quê cho chị Thủy xong, chị ấy có con Lan học cùng lớp ba với con Hà nhà mình đó. Chị ấy bảo, phụ huynh ở quê rất bất bình về khoản thu năm nay của nhà trường và họ muốn làm rõ một số khoản thu vì chưa rõ mục đích sử dụng…
- Thôi em, cứ gửi tiền về nhờ mẹ đóng cho con. Trước sau gì mà chả phải đóng. Bao lần bị phụ huynh phản đối mà họ vẫn tìm cách thu cho được đó thôi. Đúng là, con kiến kiện của khoai, rất mệt mỏi mà không giải quyết được gì.
Chị vợ không nói gì chỉ lặng lẽ nhai cơm. Bữa cơm đạm bạc của người nghèo trôi đi trong bộn bề lo toan. Từ đó, chả ai nói với ai câu nào, họ mải miết theo đuổi suy nghĩ riêng của mình.
Lúc sau, bỗng chị vợ lên tiếng phá bĩnh bầu không khí chỉ toàn tiếng rè xè đều đều của cái quạt máy cũ rích đã bị long lồng.
- Mà sao, bảo sáng nay, mẹ lên mà không thấy?
- Ờ nhỉ, anh quên khuấy mất. Mà cũng chẳng thấy mẹ giục đi đón nữa, không biết có chuyện gì xảy ra đây.
Nói rồi, hắn móc điện thoại ra định bấm thì có cuộc gọi đến.
- Alo, mẹ à, mẹ lên chưa để con ra đón.
-…
Hắn bần thần cả người, cô vợ thấy thế hốt hoảng:
- Anh... anh... sao thế? Mẹ bảo sao? Có chuyện gì à?
- Ừ… Có chuyện….

* * *

Ngày hôm sau, hai vợ chồng nhà hắn tức tốc về quê. Nhìn thấy căn nhà bị ủi bằng phẳng mà hắn tan nát cõi lòng. Ngổn ngang những gạch vụn, vôi vữa là những gương mặt đờ đẫn của bậc song thân hắn, là gương mặt ngây ngô tò mò của hai đứa con nhỏ dại, là những gương mặt bàng hoàng của xóm giềng sang chia buồn. Hắn hét lên rồi khụy gối xuống. Những mảnh gạch vụn găm vào chân rỉ máu nhưng hắn không có cảm nhận thấy gì hết. Bây giờ chỉ là những cảm giác căm phẫn, uất ức.
Số tiền tiết kiệm có được qua sự cơ cực của vợ chồng hắn bóp mồm, bóp miệng, sống chui rúc trong khu ổ chuột trên thành phố thì nay còn ý nghĩa gì khi không có đất cất nhà? Quân ăn cướp, quân khốn nạn, cơ chế đốn mạt để cường quyền lợi dụng ăn cắp đất của dân.
Hắn gào lên bất mãn nhưng rồi im bặt lại. Hắn hiểu. Hắn đang bị trừng phạt, hắn đang bị trả giá. Một cái giá rất đắt, cái giá của sự im lặng, cam chịu trước cường quyền.

--------------------------------


21 tháng 12 2014   Cập nhật lúc 00:05 ICT






No comments: