Tuesday, March 10, 2015

Vì sao phải luật hóa biểu tình trong thời gian sớm nhất? (Nguyễn Cao - VNTB)





Nguyễn Cao

(VNTB) - Khi nghiên cứu vấn đề biểu tình trong thực tiễn Việt Nam, Ban Cải cách thể chế (Hội Nhà báo độc lập VN) cho rằng việc xây dựng luật biểu tình trong điều kiện nước ta ngày nay là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.

Sự đòi hỏi của một nền pháp chế

Quan điểm về một nhà nước pháp quyền là một trong những bước đi trong quá trình xây dựng mô hình nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Khái niệm về nhà nước pháp quyền được hiểu theo nguyên nghĩa là sự tối thượng của pháp luật, hay chế độ chính trị pháp trị (The rule of law). Nó bao gồm hai nội dung sau (1) nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, và (2) nhà nước bị ràng buộc bởi pháp luật.

Tư tưởng nhà nước pháp quyền không chỉ dừng lại ở việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý nhằm chế ngự quyền lực nhà nước, thực hiện quyền dân chủ, mà còn hướng tới một xã hội phát triển bền vững, toàn diện.

Nhiệm vụ của hệ thống pháp luật là phải đảm bảo các quyền con người, quyền công dân cho nhân dân Việt Nam được thực thi trong đời sống. Ý chí lợi ích của nhân dân không chỉ dựa trên các văn bản pháp luật, mà cần phải trở thành những ứng xử trên thực tế.

Tuy nhiên vẫn còn những quyền công dân mà thực tế chưa đi vào đời sống, chưa thực sự trở thành những ứng xử trên thực tế. Một trong những lý do là nhà nước vẫn chưa ban hành những văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để điều chỉnh, điển hình là vấn đề biểu tình.

Biểu tình là một hoạt động sinh hoạt chính trị phổ biến ở các nước có hệ thống pháp luật phát triển, là một hình thức thể hiện tính dân chủ của công dân trong đời sống xã hội. Đặc biệt – nếu đúng như điều nhấn mạnh của Bộ Chính trị trong nghị quyết số 48-NQ/TW, "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020", thì biểu tình còn là một hoạt động thể hiện ý chí của người dân đối với các vấn đề của xã hội nói chung và của nhà nước nói riêng, để từ đó thể hiện quyền làm chủ của công dân.

Biểu tình là một trong những kênh thông tin tốt nhất để nhà nước nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước có phù hợp hay không được phản ánh qua sự đón nhận như thế nào của nhân dân. Thông qua hoạt động biểu tình, người dân sẽ phản ánh một cách trung thực những quan điểm của họ đối với những chính sách được ban hành. Khi những đường lối không được lòng dân thì biểu tình là một cách để nhà nước nhận ra những điểm chưa hợp lý.

Nhà nước càng lắng nghe ý kiến của dân một cách tích cực thì người dân cũng có những phản ứng tích cực hơn. Nếu ý kiến của mình không được lắng nghe, người dân sẽ tiếp tục có sự đấu tranh. Sự đấu tranh ấy mà nhà nước tiếp tục thờ ơ thì nhân dân sẽ phản ứng bằng nhiều cách khác nhau, như không quan tâm gì đến những chính sách của nhà nước, không đóng góp ý kiến khi nhà nước tổ chức lấy ý kiến.

Nhiều người bất mãn còn tổ chức những cuộc bạo loạn, khủng bố, nội chiến làm cho đất nước cực kỳ hỗn loạn. Gốc rễ sự ổn định của đất nước là ở nhân dân. Vì thế, việc nhà nước tiếp thu và giải quyết những bức xúc trong lòng dân là một trong những cách để duy trì sự ổn định xã hội, tận dụng mọi nguồn lực trong nhân dân để phát triển đất nước.

Hạn chế sự lạm dụng quyền lực của Đảng và nhà nước

Hầu hết nhà nước sau khi ra đời đều có xu hướng lạm dụng quyền lực. Từ sự lạm dụng quyền lực này sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực phát sinh. Tuy có quyền lực rất lớn, nhưng Đảng và nhà nước không thể bất chấp mọi phản ứng của nhân dân để làm tất cả mọi việc theo quan điểm của mình.

Thông qua biểu tình, nhân dân có thể ngăn ngừa hoặc ít nhất cũng làm giảm bớt sự lạm dụng quyền lực của Đảng và nhà nước. Sự hạn chế quyền lực này của nhân dân thông qua cơ chế tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do thông tin, bàn bạc tranh luận. Nhân dân có thể kiểm tra và theo dõi việc thực hiện quyền lực của Đảng và nhà nước; và có thể thách thức hoặc “đạp đổ”, hoặc “đuổi chính phủ đi” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, trang 192, và tập 4 trang 283, NXB Hà Nội, năm 1983).

“Sự giám sát của nhân dân sẽ dẫn đến một hệ quả rất quan trọng là nhân dân sẽ chế ngự bằng việc biểu tình phản đối, hoặc thay đổi chính phủ một cách hòa bình, hoặc phương thức cuối cùng là nổi dây bằng khởi nghĩa, đấu tranh vũ trang” (trích “Các cách thức chế ngự quyền lực nhà nước”, Công trình nghiên cứu khoa học về Hiến pháp và Lý luận Nhà nước và pháp luật của Th.S Đỗ Minh Khôi, Đại học Luật TP.HCM).

----------------------

Cuộc Vận Động Luật Biểu Tình
.
Trà Mi - VOA     27.02.2015
.
Thảo Vy  -  VNTB       27.2.15
.
Minh Tâm  -  VNTB       26.2.15
.
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam  - VNTB    26.2.15
.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam  - VNTB     26.2.15
.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam  - VNTB     26.2.15









No comments: