Tuesday, March 10, 2015

Vì sao dân tộc Israel lỗi lạc mà Việt Nam thì không? (Xuân Mai - VNTB)





Xuân Mai

(VNTB) - Israel có nhiều nhân vật lỗi lạc. Có phải là người Việt Nam hèn yếu?

Đất nước Israel, phiên âm Hán Việt là Do Thái, một quốc gia chỉ mới thành lập bởi David Ben- Gurion mấy chục năm gần đây (1948). Đất nước Do Thái không có nhiều tài nguyên, dân số có hạn, mọi thứ đều khan hiếm. Thế nhưng, nói về mức độ sáng tạo của con người thì người dân Israel luôn luôn nằm trong loại top. Thuật ngữ “Bộ óc Do Thái” được dùng phổ biến trên toàn thế giới để chỉ những người nào đó thật thông thái. Hiện nay, 1/3 số triệu phú Mỹ là người Do Thái, 20% số giáo sư tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ là người Do Thái. 
Tại sao họ làm được điều này? Tác giả bài viết nêu ra hai quan điểm khiến cho dân xứ ấy phát triển về trí tuệ đến như vậy, những quan điểm chưa thịnh hành ở Việt Nam. Đó là thực học thực tài và việc lưu hành ý thức hệ mở.

Thực học, thực tài

Có một điều có thể thấy được rõ ràng, đó là ở Israel có thực học thực tài, Việt Nam thì không.
Một em bé Do Thái có thể không có bánh mì, nhưng chắc chắn phải có sách. Người Do Thái tôn trọng nhau không phải ở chức vị mà là ở sự thông thái. Những con người thông thái luôn được người dân tôn trọng và lắng nghe ý kiến trên đất Israel. Hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của dân này luôn thuộc loại top của thế giới.

Đổi lại, em bé Việt Nam phải có bánh mì trước, sách vở để sau. Người Việt Nam phân loại nhau theo thứ bậc chứ không phải theo năng lực. Người làm quan thì được nể vì, người làm dân đen nói chẳng ai nghe. Quan niệm “giàu thì sang, nghèo thì hèn” lưu hành trong xã hội và càng ngày càng làm cho ý nghĩa việc học và việc làm giàu trở nên lệch lạc. Học để đi làm quan, nhưng số quan thì có hạn, những người đi học còn lại không hề có sáng kiến hay phát minh gì cả.

Các bậc phụ huynh Do Thái quan tâm đến thực học thực tài của con em. Nếu là một bà mẹ Việt Nam thì khi con trai đi học về nhà bà ta sẽ hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?” Đổi lại, nếu là một bà mẹ Do Thái thì lại khác: “Hôm nay con đến trường học được những gì?”. So sánh này cho chúng ta thấy được rằng người Việt rất ích kỷ và rất tham lam so với người Do Thái. Quan niệm xã hội về việc học rất khác nhau. 

Nếu xét về chất lượng mũi nhọn thì học sinh Việt Nam thuộc loại top của thế giới. Học sinh nước ta luôn luôn đạt giải cao trong các kỳ thi olympic quốc tế các môn. Nhưng đó chỉ là kết quả của phương pháp luyện gà nòi nhằm che giấu chất lượng bình quân giáo dục quá thấp. 

Với phương pháp này, chất lượng mũi nhọn sẽ rất cao, những học sinh yếu ít được hỗ trợ và chênh lệch giữa học sinh giỏi nhất và yếu nhất ở một trường phổ thông là không thể đo đếm được. Nhưng ở Israel, chênh lệch giữa em học sinh giỏi nhất và yếu nhất trường là không đáng kể, vì tất cả đều được phát huy khả năng của mình. Những đứa trẻ Do Thái có mức độ sáng tạo cao gấp sáu, bảy lần so với những đứa trẻ cùng lứa tuổi ở Việt Nam. Nền giáo dục Israel khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo. Đây là quan điểm thực học, thực tài đáng phải xem xét.

Việt Nam ngày nay thì sao? 26.000 giáo sư tiến sĩ nhưng lại không xuất khẩu được chút chất xám nào ra thế giới. Súng hơi cũng chưa chế tạo thành công. Cho tới khi những vụ việc bằng tiến sĩ rao bán 200 triệu bị rò rỉ thì lúc này người ta mới biết người Việt Nam lấy học hàm, học vị chỉ vì lương bổng và danh vọng. Hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm của người Việt quá thấp.

Ông tiến sĩ của Việt Nam lấy xong văn bằng là gấp sách lại không nghiên cứu nữa.

Ý thức hệ mở

Muốn một nền giáo dục ở một quốc gia là khai phóng thì tư tưởng chủ đạo của quốc gia đó phải là tư tưởng mở. Và ngược lại, khi ý thức hệ là khép kín thì nền giáo dục, hệ quả của ý thức hệ đó, sẽ đào tạo ra những con người sống kiểu bầy đàn. Do Thái và Việt Nam là hai ví dụ rất trực quan cho nhận định này.

Trước hết hãy xem xét với dân Do Thái. Tư tưởng tôn giáo, và cũng là tư tưởng chính trị của dân này có thể nói được chứa đựng một cách đầy đủ vẹn toàn trong một bộ sách gọi là Kinh Thánh. Kinh Thánh có những phần là huyền thoại, có những phần là thơ ca, phần lớn nhất là sử thi. Đây là bộ sách bán chạy nhất thế giới mọi thời đại, đã được dịch sang hầu hết các thứ tiếng phổ thông của các nước. Giá trị của Kinh Thánh đến từ hai tính chất của nó: Một là lối văn khải huyền, hai là sự thật.

Thứ nhất, lối văn khải huyền là một lối văn rất mở. Gần như là mỗi một người đọc lại có một cách đánh giá đối với mỗi đoạn Kinh Thánh. Người Do Thái thường tranh luận về ý nghĩa của những câu chuyện trong Kinh Thánh. Bữa cơm hàng ngày của các gia đình Do Thái vừa là nơi tụ họp các thành viên trong gia đình, vừa là nơi các thành viên đó thường trao đổi  những suy nghĩ và chiêm nghiệm rút ra từ Kinh Thánh. Họ tranh luận dựa trên những quy phạm cơ bản là Mười điều răn hay còn gọi là luật Moses. Không khí tranh luận đưa lại sự phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tư duy phản biện rất tốt cho con người. Những người ưa tranh luận là những người có khả năng thay đổi cục diện địa phương và xa hơn nữa là quốc gia và thế giới. Lối suy nghĩ cởi mở của người Do Thái dẫn đến sự phát triển và du nhập nhiều tinh hoa của thế giới. Hiện nay, một số giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa vô thần Marx- Lenin, cho dù rất ít, vẫn còn được lưu hành trong xã hội Israel. Trong một đất nước mà tuyệt đại bộ phận người dân là hữu thần khi tôn thờ Đấng Tạo Hóa, việc một học thuyết vô thần vẫn không bị bác bỏ hoàn toàn cũng là do tính “mở” của ý thức hệ.

Thứ hai là sự thật. Cuốn Kinh Thánh trải qua hai ngàn năm không phải chỉnh lý  nội dung là bởi chứa trong đó không gì khác ngoài sự thật. Sự thật cũng là điều mà Đức Giê-su, nhân vật xuyên suốt phần sau Kinh Thánh thường đề cập và yêu cầu nhân loại tôn trọng, đó là: Chỉ có sự thật mới cứu rỗi được anh em.

Trở lại so sánh với đất nước Việt Nam. Một nghìn năm Nho giáo đã kìm hãm con người Việt Nam thay đổi tư duy vì tính “đóng”. Khổng Tử đề cao các quy tắc trung quân nhưng không nói được khi gặp hôn quân thì phải làm gì, ở các cấp độ nhỏ hơn cũng như vậy. Hiện tại, nhà cầm quyền độc tôn duy nhất ý thức hệ Marx- Lenin cũng có những nét giống so với Nho giáo. Đó là một ý thức hệ “đóng”. Vì tính “đóng” đó nên Việt Nam luôn luôn gặp vấn đề về lí luận. Một chuyện hôm trước nhà nước bảo là đúng thì hôm sau đã bảo là sai và ngược lại. Xin được lấy ví dụ thời bao cấp. Bí thư Thái Bình Kim Ngọc chủ trương khoán ruộng theo đầu người, ngay lập tức ông bị cấp trên cho rằng thân tư bản và bị cách chức. Sau đó, khi các lãnh đạo ngộ ra rằng phải khoán mười, khoán một trăm thì họ lại phải thay đổi các quan niệm về nền sản xuất xã hội chủ nghĩa một lần nữa, khác hẳn với các quan niệm của Marx- Lenin.

Ý thức hệ Marx- Lenin là một ý thức hệ đóng. Khi áp dụng thì chắc chắn sẽ gặp các vấn đề và phải chỉnh sửa.

Dân tộc Do Thái với ý thức hệ mở và họ ngày càng thành công. Tại sao Việt Nam lại phải khép kín tư tưởng chủ đạo của xã hội?

Chỉ có khai phóng

Những cái tên Do Thái luôn nằm trên đầu danh sách ở hầu hết mọi lĩnh vực- những cái tên có ảnh hưởng đến toàn nhân loại: Moses, Maimonides, Spinoza, Sigmund Freud, Alberrt Eistein. Thậm chí cả Karl Marx và chúa Jesus cũng là người Do Thái.

Israel có nhiều nhân vật lỗi lạc đến như vậy. Có phải là người Việt Nam hèn yếu? Hoàn toàn không phải như vậy. Việt Nam vẫn có những con người lỗi lạc: giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Field  là giải thưởng danh giá nhất về toán học, về thiên văn học chúng ta có giáo sư Trịnh Xuân Thuận, về cơ học chúng ta có nhà vật lý lừng danh thế giới Nguyễn Đăng Hưng. Nhưng đáng tiếc, tất cả những con người này đều không phải được đào tạo ở Việt Nam. Họ được đào tạo từ bậc đại học ở phương Tây, nơi có nền giáo dục khai phóng. Khi nào có nền giáo dục khai phóng thì khi đó dân tộc Việt Nam sẽ có quyền hi vọng vào một tương lai tươi sáng.








No comments: