Friday, March 20, 2015

Một năm nhìn lại : Putin được gì khi sáp nhập Crimea ? (Phúc Lai)





Chi tiết
Được đăng ngày Thứ tư, 18 Tháng 3 2015 18:12

Phần 1

Ngày 16/3, nước Nga và dân cư bán đảo Crimea kỷ niệm [1] một năm ngày hai triệu dân vùng lãnh thổ này bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Liên Bang Nga. Đây là sự kiện đáng nhớ đầu tiên trong chuỗi các sự kiện của thế giới năm 2014. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại sự kiện này, trong mối tương quan với những sự kiện khác đến với nước Nga cho đến ngày hôm nay. 

Việc Nga sáp nhập Crimea gắn liền với biến cố Maidan ở Ukraine, dẫn tới việc Tổng thống nước này, ông Yanukovich rời bỏ nhiệm sở bỏ sang Nga. Nhưng những hành động của Putin (tôi muốn gọi như vậy vì những hành động của Nga gắn liền với những hành động của vị tổng thống này, và cả thế giới đang đổ dồn mọi cặp mắt vào ông) đã cho thấy, Nga không hề bị động mà luôn theo sát tình hình. Tháng 10/2013, Ukraine của Yanukovich từ chối quá trình hòa nhập Châu Âu, thể hiện sự phản đối thông qua phong trào Maidan.

Khi tình hình đã trở nên không thể kiểm soát được, ông Yanukovich buộc phải bỏ chiếc ghế Tổng thống của mình để sang Nga. Có thể thấy những hành động khi ấy của Nga nói chung và Putin nói riêng đối với Crimea, là kịp thời, quyết liệt, có tính toán… thể hiện đúng bản chất con người Putin, một cựu trung tá KGB - lạnh lùng và quyết đoán. Nếu chỉ chậm hơn vài ngày, Mỹ và Phương Tây "nhảy" vào, coi như là thua.

Bán đảo Crimea có vị trí địa chính trị chiến lược đối trong khu vực, đối với cả Nga và Ukraine, thậm chí với nhiều nước trong vùng xung quanh biển Đen. Nếu ai đã đọc hồi ký "Đất nhỏ" của L. Breznev sẽ thấy bán đảo có vị trí cực kỳ quan trọng. Hồi năm 1943 trong Chiến tranh Vệ quốc, khi Hồng quân Liên Xô chiếm được một bàn đạp trên bán đảo mà họ gọi là "Đất nhỏ", từ đó mở rộng vùng giải phóng đóng góp quan trọng vào chiến dịch giải phóng Ukraine.

Ngay sau sự kiện, đến một nước xa xôi nhưng có nhiều duyên nợ với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Việt Nam cũng cực kỳ quan tâm đến tình hình, cả từ báo giới, cũng như những người dân bình thường. Đáng chú ý có ý kiến xuất hiện trong một phóng sự được thực hiện bởi một đài truyền hình kỹ thuật số, phỏng vấn một tiến sỹ, chuyên gia của "Trung tâm nghiên cứu về Nga và SNG của Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam" phát sóng ngày 22/3/2014.

Tôi xin tóm lược khái quát một vài nét chính trong ý kiến của chuyên gia này : Việc Nga sáp nhập Crimea nhìn chung là một thắng lợi, về lâu dài, thậm chí vĩnh viễn Nga được lãnh thổ, được dân cư của bán đảo Crimea. Nước Nga luôn luôn coi Sevastopol là căn cứ cực kỳ quan trọng và lực lượng quân sự Nga đã có lịch sử đóng quân ở đây 230 năm. Từ lúc này trở đi, Nga không phải trả tiền thuê nữa, trong khi hiện nay mỗi năm tiền thuê là 97,75 triệu USD. Đồng thời Nga được không hạm đội Biển Đen.

Chuyên gia này đưa ra con số định giá trị của hạm đội này vào năm 1992 là 80 tỷ USD. Crimea có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng ở phía Nam nước Nga, từ bây giờ Nga có thể đi ra đại dương thế giới mà không phải quan biển nào nữa và từ bây giờ Nga có được một cảng nước sâu, quan trọng hơn là nước ấm quanh năm không bị đóng băng [2]. 

Có thể nói nước Nga dưới thời của tổng thống V. Putin phục hồi mạnh mẽ nhờ giá dầu tăng cao. Phần nào, nước Nga đã có những bước tiến quan trọng trên con đường tìm lại vị thế cường quốc tưởng như đã mất sau khi Liên Xô sụp đổ. Cùng với sự phục hồi này, là sự phát triển mạnh mẽ của Chủ nghĩa Đại Nga, lòng tự hào dân tộc Nga vốn bị tổn thương do thời kỳ ốm yếu kia, nay có cơ hội để lấy lại vị thế trước cái nhìn của thế giới.

Trong quan hệ với các nước thuộc Liên Xô cũ, ưu tiên hàng đầu của nước Nga là duy trì được thể chế chính trị an toàn, "thân Nga". Việc NATO kết nạp ba nước vùng Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania) là một việc mà nước Nga khó có thể chấp nhận được, do đó việc giữ một Ukraine cùng với Belarus - hai nước "vùng đệm" cuối cùng cho nước Nga trước một NATO ngày càng tiến dần về phía Đông, là sống còn. Chính vì thế, nếu Chính phủ Ukraine được coi là "thân Nga", thì mọi chuyện sẽ nằm trong quỹ đạo, còn nếu nó bị thay thế bằng một Chính phủ khác có xu hướng rõ rệt nghiêng về Phương Tây, thì nước Nga sẽ phải hành động.

Bản đồ cho thấy vị trí của Crimea

Sáp nhập Crimea, nước Nga tuyên bố "lấy lại" được lãnh thổ tưởng như đã mất. Điều này được thể hiện rõ qua bản diễn văn của Tổng thống V. Putin được đọc vào ngày 18/3/2014. Bằng việc sáp nhập này, V. Putin muốn khẳng định với người dân Nga rằng ông là vị Tổng thống mà họ cần ; còn nước Nga muốn khẳng định với thế giới, rằng chúng tôi vẫn là một cường quốc. Vế đầu, nước Nga "được" nhiều hơn vế sau, vì vế sau còn phụ thuộc vào nhãn quan vốn muôn vẻ của thế giới.

Năm 2014, sáp nhập Crimea, Nga lấy lại được Sevastopol và được luôn lực lượng Hải quân của Ukraine đóng tại đây. Khó có thể tính đếm được hết giá trị của bán đảo này, như những nguồn lợi về dầu khí ngoài khơi khi mà vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Nga được mở rộng, hay vị trí địa chính trị của nó có tính khống chế đối với an ninh lãnh hải của một loạt các nước xung quanh Biển Đen. Chính từ phía Hắc Hải, tàu chiến Nga đã áp sát bờ biển Abkhazia, chuẩn bị phong tỏa bờ biển trong cuộc xung đột với Gruzia năm 2008. 

Hạm đội Biển Đen của Nga được xây dựng trong thời kỳ của Nữ hoàng Ekaterina vào thế kỷ 18. Sau thắng lợi của nước Nga trong Chiến dịch Biển Đen trước Đế chế Ottoman, đoạt được quyền kiểm soát bán đảo Crimea và hải cảng Sevastopol. Vì thế Crimea và Sevastopol, đã là những trang của lịch sử nước Nga.

Sau thời kỳ này, người Nga hai lần mất Sevastopol. Lần thứ nhất là thời kỳ 1854-1855 khi Anh và Pháp hỗ trợ người Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nước Nga. Lần thứ hai, khi phát-xít Đức xâm lược Ukraine trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Từ năm 1954 bằng một mệnh lệnh hành chính, bán đảo Crimea thuộc về nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết Ukraine thuộc Liên bang Xô-viết.

Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, thực trạng về lãnh thổ này được giữ nguyên và đây là lần thứ ba, bán đảo Crimea và hải cảng Sevastopol rời khỏi tay người Nga. Vì thế, trong những năm đầu của thập niên thứ hai của thế kỷ 21, người Nga đã xây dựng kế hoạch cho một hải cảng mới làm căn cứ quân sự của Hạm đội Biển Đen của mình ở thành phố Novorossiysk thuộc vùng Krasnodar. Có thể kế hoạch này sẽ có thay đổi, khi mà nước Nga có thêm được hai căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea.

Sáp nhập Crimea còn đem lại khả năng Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo này, và đây là mối lo không nhỏ cho các nước thành viên NATO xung quanh Hắc Hải : Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể sẽ có những lý lẽ cho rằng với vũ khí hạt nhân chiến lược thì việc gần thêm vài trăm kilômét ít ý nghĩa, nhưng đó là sự "tự an ủi" mà thôi. Chỉ vừa hôm 11/3/2015 vừa rồi, ông Mikhail Ivanovich Ulyanov, Vụ trưởng Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí Bộ ngoại giao Nga đã phát biểu về việc Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo này.

Đó là cái "được" của nước Nga.
Tất nhiên, không có thắng lợi nào là không phải trả giá, hay cái "mất" của nước Nga, tức cái giá phải trả là gì ? Điều này sẽ được bàn trong Phần 2 của bài viết.

Phần 2

Phần trước đã phân tích những điều nước Nga giành được khi sáp nhập Crimea. Vậy còn cái "mất" của nước Nga, tức cái giá phải trả là gì ?

Bán đảo Crimea khi còn là phần lãnh thổ của Ukraine, vốn đóng góp cho đất nước bằng tiền thuế, ít hơn nhiều so với những cung cấp mà đất nước phải ngày ngày "bơm" cho nó. Bán đảo này vốn được nối với đất liền bằng một dải đất hẹp, phụ thuộc vào đất liền tới 85% về điện năng, 90% về nước uống và tỷ lệ phụ thuộc về lương thực, thực phẩm cũng rất lớn. 
Ngay sau khi sáp nhập, Bộ trưởng tài chính Nga đã phát biểu về kế hoạch ngân sách Liên bang chi cho Crimea là 243 tỷ RUB (6,82 tỷ USD, vào thời điểm 35,6375 RUB đổi 1 USD) trong năm 2014. Khi lượng hóa cái "mất" của nước Nga khi sáp nhập Crimea, chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức "URALSIB Capital LLC" [3] ông Alexei Devaytov, từ góc độ một nhà kinh tế khá thận trọng khi đưa ra nhận định : "Chi phí phải trả trực tiếp là tương đối nhỏ đối với nước Nga, vì Crimea không phải là một vùng đất lớn. Là một nhà kinh tế, tôi lo lắng nhiều về khả năng này từ góc độ các luồng vốn với chính sách tiền tệ thắt chặt và sự suy yếu đồng RUB. Các chi phí chỉ có thể chiếm tổng số từ 1,5 - 2% GDP của Nga". Đó là vào thời điểm tháng 3/2014, khi mà giá dầu mỏ thế giới vẫn còn ở mức trên 100 USD một thùng.

Gần như ngay lập tức, nước Nga đã công bố kế hoạch xây cầu nối đất liền với bán đảo qua eo biển Kerch với giá trị ước tính tối thiểu khoảng 3 tỷ USD. Như chúng ta đã biết, mọi cung cấp cho bán đảo là từ đất liền Ukraine, còn khi vùng lãnh thổ này thuộc về Nga, thì nó bị tách rời, ngay cả giao thông không thôi với "đất mẹ" cũng phải bằng hoặc đường biển, hoặc đường hàng không. Đến nay dự án này vẫn nằm nguyên trên giấy, bởi chỉ bằng tư duy thông thường không thôi, cũng sẽ hiểu rằng nếu xây một cây cầu như vậy mà dễ dàng, thì người ta đã làm từ thời Liên Xô rồi. 

Nước Nga của V. Putin sẽ không chọn phương án này, hoặc có cũng không phải bây giờ. Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng khả năng từ  hai tỉnh đông Ukraine là Donesk và Luhansk có đường bộ đến bán đảo Crimea, là điều đang được tính toán - "Một mũi tên nhằm hai đích". Đích thứ nhất, là đường bộ đến Crimea. Đích thứ hai, là một Ukraine không ổn định nếu cứ tiếp tục muốn gia nhập NATO, một biện pháp hữu hiệu của nước Nga để ngăn chặn kế hoạch này.

Từ góc độ pháp lý, ngay từ khi V. Putin đưa ra lý lẽ "bảo vệ người nói tiếng Nga ở Crimea" rồi sau đó đến việc sáp nhập bán đảo vào Nga, những hành động này đã vấp phải nhiều sự phản đối, nhất là từ phương Tây. Ngày càng nhiều lệnh trừng phạt được áp đặt lên nước Nga và cả vùng lãnh thổ mới trở về Nga, Crimea.

Đánh giá về lực lượng Hải quân Ukraine rơi vào tay Nga, ông Alexander Khramchikhin phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự cho rằng đây là một "hạm đội nhỏ xíu, chỉ toàn là những thiết bị bằng kim loại nổi được chứ chẳng có giá trị gì". Ông nói thêm: "Nếu một quốc gia có bờ biển, nó cần một hạm đội. Nhưng những gì Ukraine đã làm cho lực lượng quân sự của mình là chưa từng có. Quân đội đã hoàn toàn bị phá hủy bởi các lãnh đạo của đất nước này". 

Quả thực, hạm đội của Ukraine có thể được định giá 80 tỷ USD vào thời điểm 1992, nhưng từ đó đến nay đã là 23 năm mà đất nước này hoàn toàn không có một bước tiến nào trong việc hiện đại hóa lực lượng Hải quân và cả quân đội của mình (vài năm gần đây, Ukraine chỉ chi cho quân đội dưới 1% GDP). Vào thời điểm Nga sáp nhập Crimea, Ukraine có 11 tàu chiến, một tàu ngầm và khoảng vài chục tàu hỗ trợ với tình trạng khá tệ.

Suốt cả một năm trời báo chí thế giới tốn nhiều giấy mực cho những câu chuyện như "dầu mỏ đá phiến Hoa Kỳ", "Hoa Kỳ bắt tay với Saudi Arabia ghìm giá dầu ở mức thấp…" như là những mảnh ghép tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về một kế hoạch chống nước Nga từ phía Hoa Kỳ.

Tất cả những yếu tố đó, cùng với một mùa đông ấm áp, một nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, một EU và Nhật Bản đang dư lượng dầu và khí hóa lỏng dự trữ… đồng loạt làm khó nước Nga về kinh tế. 

Nếu gọi việc nước Nga sáp nhập Crimea là "chiến thắng" thì nó rất có ý nghĩa với Chủ nghĩa Đại Nga. Tuy nhiên, mặt trái của Chủ nghĩa Đại Nga là Chủ nghĩa cực đoan. Trong vụ ám sát chính trị gia đối lập, cựu thủ tướng Nga Boris Nemtsov mới đây, không thể bỏ qua giả thiết thủ phạm là Chủ nghĩa cực đoan.  

Nhưng xin đừng quên cũng suốt cả một năm trời qua, chiến sự vẫn diễn ra ở Đông Ukraine làm hàng nghìn người chết, hàng vạn người mất nhà cửa phải rời nơi mình sinh sống. Hai lần đàm phán cùng ở Minsk vào tháng 9/2014 và tháng 2 năm nay, đều chứng minh nguyện vọng chấm dứt giao tranh quân sự của tất cả mọi người, không chỉ riêng ai. 

Trong những ngày này, Hoa Kỳ chuyển một loạt thiết bị quân sự trong đó có xe tăng đến các nước Cộng hòa vùng Baltic của Liên Xô cũ nay đã là thành viên của NATO, đồng thời tổ chức quân sự này cũng đang tập trận với Bulgaria ở Biển Đen. Việc ủng hộ một Ukraine gia nhập NATO còn rất xa vời, còn xa hơn việc Chính phủ nước này cần thay đổi thể chế, nhất là giảm được nạn tham nhũng để gia nhập EU. Tuy nhiên chúng ta đang thấy thế gọng kìm từ phía bắc và phía nam hướng sang phía đông, vào nước Nga vẫn tiếp tục được hình thành.

Nếu cho rằng nước Nga không kịp sáp nhập Crimea thì phương Tây sẽ "nhảy" vào, đây là một ý kiến khá mơ hồ - vì thực tiễn không đơn giản như thế, nhất là Nga vẫn còn hợp đồng thuê quân cảng với Ukraine đến tận năm 2042. Tuy nhiên những diễn biến của sự kiện Maidan cũng quá nhanh và khá bất ngờ, buộc Nga bị đặt vào tình thế phải hành động - "để lâu đêm dài lắm mộng" không ai dám chắc chắn điều gì về tương lai.

Thực ra với hợp đồng thuê quân cảng kia, lại với quan hệ đặc thù Nga - Ukraine thì Nga muốn kéo dài hợp đồng đó bao lâu cũng được, do đó về chiến lược quân sự, thì việc Nga "thu hồi" Crimea đâu có nhiều ý nghĩa. Nếu chỉ đơn thuần từ khía cạnh hải quân và vũ khí thông thường, việc sáp nhập có ý nghĩa về chính trị đối nội nhiều hơn đối với Putin.

Phúc Lai
Theo TuanVietnam (VietnamNet, 16-17/03/2015)

* Bài viết tham khảo một số phân tích, bình luận trên các tờ Washingtonpost, Reuters, BBC, v.v…
-----
[1] Crimea sẽ kỷ niệm ngày sáp nhập vào Nga hàng năm, VTC.vn, 25/12/2014.
[2] Chương trình "Góc nhìn thế giới" của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC1, ngày 22/3/2014 do Biên tập viên Mạnh Trường dẫn chương trình.
[3] "URALSIB Capital LLC" chuyên cung cấp các dịch vụ bao gồm nghiên cứu, tư vấn đầu tư tư nhân, môi giới thị trường vốn, và kinh doanh trên internet giữa các cá nhân, tổ chức Nga với khách hàng nước ngoài, có trụ sở tại Moskva.






No comments: