Monday, March 30, 2015

Chặt cây, lấp sông và bịt mồm khoa học (Baron Trịnh)





Baron Trịnh           
28/03/2015

1. Đề án chặt và thay mới 6.700 cây xanh của thủ đô nghìn năm vật lộn vấp phải sự phản ứng dữ dội của cần-lao thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Sự việc được đẩy lên cao trào khi những hàng cây cổ thụ vài chục tuổi bị chặt hạ không thương tiếc với các tuyến phố vắng bóng cây xanh và những phát ngôn não phẳng của các quan chức thủ đô.

Phát biểu trước báo giới, ông Long - phó ban tuyên giáo nói: “Chặt cây không cần hỏi ý kiến dân!”. Đại diện Sở Xây dựng cũng phát ngôn: “Hầu hết dân đồng thuận việc chặt cây”.

Ông Long cũng là người có những phát ngôn gây sốc trong vài tháng qua như bắn pháo hoa để “giúp họ (dân nghèo) quên đi cái nghèo, cái khó, những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay” và cướp lộc hội đền Gióng là “cướp có văn hóa”.

Có lẽ những phát ngôn não phẳng đó cũng như sự mập mờ của đề án khiến chính quyền thủ đô “đơn độc” trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận và sự “thả cửa” vào cuộc của báo chí. Đến mức ông Thảo - chủ tịch thành phố phải ra quyết định tạm dừng chặt cây và chủ trì cuộc họp khẩn trong ngày chủ nhật.

Có thể nói, sự thiếu minh bạch của đề án đã giúp cần-lao đứng dậy nói tiếng nói ôn hòa phản đối việc làm của chính quyền một cách mạnh mẽ và có phong trào, mặc dù đâu đó còn những phát ngôn và hành động chưa thực sự có tinh thần xây dựng và phản biện lại chính quyền theo cách tích cực.

Sự việc trên cho thấy, sẽ không còn kiểu “định hướng dư luận” theo hướng thuận của chính quyền và cần-lao không còn bạc nhược như trước nữa. Sự khai sáng thông qua mạng internet đã giúp cần-lao có đủ dũng khí phân biệt được những việc làm đúng sai của chính quyền và có phản ứng theo hướng tích cực. Đây sẽ là liều thuốc thử về một xã hội dân chủ, minh bạch và sòng phẳng trong mối quan hệ dân-quan của An-nam trong tương lai.

Không dân đố mày làm quan, là thế!

2. Sự mâu thuẫn trong phát ngôn của quan chức thủ đô và quyết định của ông chủ tịch cho thấy, chính quyền đã thiếu thận trọng khi phê duyệt một đề án dẫn đến bức xúc của cần-lao như vậy. Mặc dù Sở xây dựng đã đình chỉ công tác đến cấp trưởng phòng để điều tra vụ việc, nhưng sự việc không dừng lại ở đó.

Nói không dừng lại bởi lẽ dự án này rất “mập mờ” về thông tin. Đề án không làm rõ được số gỗ sau khai thác được bán cho ai? thu được bao nhiêu tiền? vì theo một số tính toán, giá trị của phần gỗ này gấp nhiều lần kinh phí gần 73 tỷ đồng của đề án. Đề án cũng không làm rõ sự thay thế cây trồng nào phù hợp với điều kiện đô thị. Sự vội vàng trồng cây vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh lại bị các nhà chuyên môn bóc mẽ đó chính là cây mỡ - một cây gỗ tạp, nhiều sâu, ít tán, có giá trị thấp và không phù hợp với mục tiêu cây xanh đô thị. Những bi hài tiếp tục xảy ra khi báo chí phanh phui việc thu mua cây mỡ non ở Yên Bái với giá vài trăm nghìn đồng và “được cho” là đưa về trồng ở thủ đô.

Bên cạnh đó, một số phát ngôn của quan chức thủ đô cho rằng, chặt hàng cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi là để phục vụ dự án đường sắt đô thị lại tiếp tục bị phản ứng dữ dội sau khi lãnh đạo Tổng cục môi trường và các chuyên gia xác nhận không có nội dung chặt cây xanh trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Điều này lại đẩy chính quyền vào một thế khó. Nếu phủ nhận việc chặt cây liên quan đến dự án đường sắt trên cao thì không giải trình được lý do và vi phạm Luật Thủ đô. Còn nếu lấy đó là nguyên nhân thì lại vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Rõ ràng sự thiếu minh bạch của đề án trên đã đẩy chính quyền vào thế bí và cần-lao lẫn nhiều quan chức chính phủ hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng, có “lợi ích nhóm” trong vụ việc này. Hầu như ai cũng biết rằng, chuyện lợi ích nhóm xảy ra thường ngày ở xứ An-nam. Nhưng đề án này đã không lường được sự phản ứng quyết liệt của cần-lao đến như thế, như lời ông Long đã phải thú nhận: “Không lường được tình cảm của dân với cây”.

Các cụ ngày xưa đã dạy: “Ngu thì chết chứ bệnh tật gì”. Là thế!

3. Vụ chặt cây ở thủ đô chưa đi đến hồi kết thì dư luận lại nóng lên với dự án kè lấp sông Đồng Nai để xây dựng khu nhà ở - văn phòng cao cấp của công ty Toàn Thịnh Phát.

Nói là kè lấp bởi lẽ dự án này có diện tích hơn 8,4ha mà có đến hơn 7,2ha diện tích mặt nước bị san lấp. Chiều ngang của khu vực lấn lấp sông lớn nhất đến 100m với gần 200 nghìn mét khối đất đá được sử dụng để san lấp.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia lên tiếng cho rằng dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ thủy văn của sông Đồng Nai khu vực hạ lưu và tác động đến 11 tỉnh thành khu vực Nam Bộ. Một vài diễn đàn bảo vệ sông Đồng Nai được lập trên mạng với sự tranh cãi gay gắt giữa nhóm người ủng hộ và nhóm người phản đối. Bên cạnh những tranh cãi mang tính chất cầu thị và tìm về một điểm chung thì cũng có những tranh cãi mang tính cực đoan, mạt sát lẫn nhau như bản chất vốn có của cần-lao An-nam về văn hóa tranh luận.

Cũng như đề án chặt cây xanh ở thủ đô. Phản ứng mạnh mẽ của dư luận cũng như việc thực hiện dự án của chủ đầu tư thiếu sự tham vấn các đối tượng liên quan và có dấu hiệu vi luật khiến Bộ Tài nguyên và môi trường phải lên tiếng về dự án, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội lập đoàn giám sát làm việc với tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan khiến chủ đầu tư phải tuyên bố tạm dừng dự án để chờ các cơ quan chức năng làm rõ.

Để phát triển kinh tế - xã hội thì việc phải hy sinh một phần về môi trường là tất yếu. Nhưng phải hài hòa giữa các yếu tố này theo hướng phát triển bền vững. Không thể phát triển bằng mọi giá mà gây tổn hại đến môi trường trong tương lai.

Rõ ràng dự án này đã chưa đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường đối với lưu vực sông Đồng Nai, và các kết luận về việc không gây ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của con sông này mà chủ đầu tư đưa ra thiếu cơ sở khoa học và không có tính thuyết phục dư luận. Phản ứng của dư luận xem ra cũng là tất yếu.

Sự việc đúng sai về tác động của dự án đến sông Đồng Nai cần phải làm rõ. Thiết nghĩ cả chủ đầu tư lẫn những người bảo vệ sông Đồng Nai cần đưa ra quan điểm của mình trên cơ sở các luận cứ khoa học và các số liệu để chứng minh. Những qua vụ việc này có thể thấy, vẫn còn tình trạng nhiều chủ dự án xem thường dư luận, xem thường các quy định về bảo vệ môi trường. Xem các giấy phép về môi trường chỉ là một thủ tục trong quá trình đầu tư dự án chứ không thực sự đứng trên tinh thần bảo vệ môi trường theo luật định.

Tư duy chụp giật vẫn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận không nhỏ những kẻ nhiều tiền lắm của. Có thể họ nghĩ rằng, có tiền có thể làm được tất cả nên bỏ qua những quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của dự án. Vụ việc con ruồi Tân Hiệp Phát, chặt cây xanh ở Hà Nội đến vụ việc này cho thấy, không thể cậy quyền lực mà xem thường dư luận cần-lao.

Đẩy thuyền - là dân, và lật thuyền - cũng là dân. Là thế!

4. Liên quan đến vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, mới đây trường đại học Lâm nghiệp ra thông báo số 337 ngày 25/3/2015 về việc phát ngôn liên quan đến cây xanh Hà Nội. Thông báo do ông hiệu trưởng ký có nêu rõ, do cơ quan công an thành phố Hà Nội (PA83) thông báo cho nhà trường và đề nghị xử lý cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Và thông báo này cho biết sẽ tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kỷ luật những đối tượng vi phạm.

Theo các thông tin trên báo chí và các diễn đàn, thì những phát ngôn trong thông báo đề cập đến là của một số nhà khoa học, giảng viên của trường lên tiếng về việc chặt cây xanh, trồng cây mới có phù hợp với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng ở thủ đô hay không và phân tích về cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm hay cây mỡ. Có nghĩa tất cả các phát ngôn nói trên đều liên quan đến chuyên môn của họ.

Những trích dẫn phát ngôn hay bài phỏng vấn trên báo chí không thấy những cá nhân này đứng trên danh nghĩa của trường ĐH Lâm nghiệp, mà với tư cách chuyên gia. Ấy vậy mà không hiểu tại sao nhà trường này lại ra một thông báo quy chụp đến như vậy.

Hài hước hơn là sau khi văn bản được ban hành. Phía công an Hà Nội đã lên tiếng phủ nhận vụ việc. Ngay lập tức người phát ngôn của trường cho rằng, đây là lỗi đánh máy. Một lỗi mà lâu nay thường được áp dụng ở xứ An-nam khi những văn bản “não phẳng” bị dư luận bóc mẽ và luôn bị cần-lao giễu cợt về sự vô liêm sĩ của những kẻ ban hành văn bản khi trốn tránh trách nhiệm và “đổ vỏ” cho cấp dưới.

Giới nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học xứ An-nam thường được xem là trí thức cao cấp. Dĩ nhiên tiêu chí thế nào là một trí thức hay trí thức cao cấp thì chả có chuẩn mực nào ở xứ này cả. Mặc dù đã tốn kém không ít giấy mực của các kẻ sĩ.

Nếu cứ tạm coi là như thế, thì một trong những phẩm chất của trí thức phải là người trung thực với khoa học, trung thực với thông tin, dám dấn thân vì cái chân lý trong khoa học và những bất công của xã hội, không luồn cúi, nịnh bợ cường quyền và làm sai lệch thông tin khoa học vì áp lực của cường quyền. Trung thực và kiên định với chân lý khoa học là điều bắt buộc phải có của một nhà khoa học. Câu nói nổi tiếng của Galilei: “Dù sao thì trái đất vẫn quay” như một minh chứng cho phẩm chất trung thực của một nhà khoa học.

Ấy vậy mà những kẻ được coi là trí thức cao cấp của trường ĐH Lâm nghiệp lại trắng trợn bịt mồm đồng nghiệp phát biểu về chuyên môn bằng một mệnh lệnh hành chính mà cho rằng là phải thực hiện theo ý kiến của công an. Khi bị công an phủ nhận và yêu cầu cải chính thông tin thì đổ lỗi cho “thằng đánh máy”. Có thể nói, sự vô liêm sỉ của những kẻ này đã đạt đến sự mạt hạng nhất của xã hội.

Giáo sư Trần Văn Đoàn (ĐH QG Đài Loan) từng nói về nền giáo dục đại học Mao trị rằng: “Trong một thế giới đóng kín, và tự cao tự đại, tự mãn... thì lối nhìn đại học cũng khác biệt lạ đời. Mục đích của giáo dục nói chung, và của đại học chúng ta nói riêng không phải là lãnh đạo, phát minh, phát triển, tiến bộ... mà là phục vụ, phục tòng và phụ giúp. Phục vụ đòi buộc phải “học theo, nghe theo, đi theo, làm theo, sống theo”. Phục tòng đòi buộc thái độ “không nhìn, không nghe, không nói”... Phụ giúp nói lên tính chất phụ thuộc, không quan trọng, đó là tính chất công cụ của người giúp việc như Ô-sin, hay nô lệ. Người ta đã đổ đốn hạ cấp giá trị trí thức thành cái giá trị công cụ, chẳng khác chi cái giá trị của người giúp việc".

Một nền giáo dục với mục đích tạo ra những công cụ ắt sinh ra lũ trí thức nô tài. Đã là nô tài dĩ nhiên chỉ là nô lệ của quyền lực như GS Trần nói trên. Những kẻ nô tài này, không xứng đáng với mỹ từ “trí thức” mà xã hội dành cho họ. Đã là nô tài, làm gì có chính kiến và sự trung thực để xưng danh là trí thức.

Có khoác lên người mớ chức tước lẫn cất trong nhà một đống tiền vàng. Nô tài cũng chỉ là nô tài mà thôi. Nghĩa là muốn ăn, muốn nói phải nhìn mặt chủ.

Thân phận nô tài, là vậy.

5. An-nam là xứ sở hình như được sinh ra để bị đày đọa. Hơn 2 nghìn năm lịch sử, dân tộc này triền miên với chiến tranh và thiên tai dịch họa. Phải chăng, đó là hậu quả một một cuộc hôn nhân đổ vỡ với cái bào thai dị dạng?

Bù lại, xứ sở này được thiên nhiên ưu đãi với rừng rậm, sông sâu, tài nguyên phong phú giúp “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” cũng như “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Vậy mà bây giờ rừng trọc đồi trống, sông hồ cạn kiệt. Đến cây xanh đô thị còn chặt, sông còn lấp để làm nhà thì lấy gì để phòng chống thiên tai và kẻ thù đây?

Mối quan hệ của con người với thiên nhiên là luật nhân quả. Con người bảo vệ thiên nhiên thì thiên nhiên bảo vệ lại con người. Ngược lại con người tàn phá thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ trả lại con người bằng bão lũ, bằng xói lở, bằng ô nhiễm môi trường.

Nhân quả này, ai cũng hiểu, phải chăng chỉ một nhóm người không hiểu?

© 2015 Baron Trịnh
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.

--------------------

.







No comments: