Lý
Quang Diệu và Hồ Chí Minh :
Wednesday, March 25, 2015
Ông
Lý Quang Diệu qua đời là nguồn cảm hứng của biết bao nhiêu so sánh và ngợi ca.
Nhưng có một so sánh làm tôi gãi đầu bứt tai, đó là “phát hiện” rằng ông Lý
Quang Diệu và ông Hồ Chí Minh có cùng tư tưởng về tầm quan trọng của giáo dục
(1). Bài báo này còn nâng hai vị đó, ông Hồ và ông Lý, lên bậc “thiên tài”! Tôi
thì thấy khác: tôi nghĩ hai người có suy nghĩ khác nhau về giáo dục. Cái tầm
nhìn về giáo dục của ông Lý, nói cho công bằng, cao hơn cái tầm nhìn của ông Hồ.
Có
lẽ câu phát ngôn về giáo dục của ông Lý được nhiều người trích dẫn là câu “Thất
bại trong giáo dục là thất bại không chỉ của kinh tế mà là sự thất bại toàn diện”.
Đó là một sự đúc kết từ quan sát thực tiễn và chiêm nghiệm sự phát triển của
phương Tây và so sánh với tình hình ở Á châu. Ông kết luận rằng một nền giáo dục
đại học tiên tiến là một chìa khoá cho phát triển kinh tế. Đó chính là lí do tại
sao một đảo quốc nhỏ chỉ cỡ đảo Phú Quốc mà xây dựng được hai đại học danh giá
như NUS và Nanyang. Cái tầm
nhìn giáo dục của ông Lý là tầm nhìn giáo dục cấp đại học, tầm nhìn về vai trò
của khoa học và công nghệ. Đó cũng chính là lí do người ta lấy tên ông đặt
tên cho một trường kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Còn tầm nhìn về giáo dục của ông cụ Hồ
là tầm nhìn giới hạn trong việc xoá nạn mù chữ. Cũng hợp lí thôi, bởi vì thời đó ở VN
chúng ta có rất nhiều người nghèo đói và không biết đọc biết viết chữ quốc ngữ.
Nên tôi nghĩ bất cứ lãnh đạo nào cũng phải đặt mục tiêu xoá mù chữ là hàng đầu.
Đó chính là động cơ cho câu nói nổi tiếng của ông: “Diệt giặc đói, diệt giặc
dốt và diệt giặc ngoại xâm”. Tôi nghĩ lúc đó ông Hồ chưa nghĩ gì đến giáo dục
đại học, chứ nói gì đến khoa học công nghệ.
Có
một câu nói khác về giáo dục mà rất nhiều người lầm tưởng rằng là sáng kiến của
ông Hồ. Đó là câu “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng
người”. Câu đó không phải của ông Hồ; ông có lẽ lấy hay mượn ý và chữ của một
tác gia bên Tàu mà thôi. Câu đó do tư tưởng gia Quản Trọng nói cách đây hơn
2000 năm: “Nhất niên chi kế tại ư thụ cốc; thập niên chi kế tại ư thụ mộc;
bách niên chi kế tại ư thụ nhân.” (Kế một năm trồng lúa, kế mười năm trồng
cây, kế trăm năm trồng người.) Chủ tịch Hồ Chí Minh không sáng tác ra câu đó.
Do đó, cho rằng đó là tư tưởng đào tạo nhân tài của ông Hồ thì tôi e rằng quá
gượng ép.
Nếu
nói ông cụ Hồ quan tâm đến đào tạo nhân tài thì giải thích thế nào khi những
người tài như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, và nhiều người khác bị vùi dập
trong thời gian ông ở đỉnh cao của quyền lực? Nếu ông thực sự quan tâm đến công
lí và đại học thì tại sao Trường đại học Luật Hà Nội bị đóng cửa?
Do
đó, tôi nghĩ quan tâm về giáo dục của ông Hồ ở tầm thấp hơn và địa phương hơn
so với tầm của ông Lý. Trong khi ông Lý nói về “university education”,
“innovation”, “management”, “global entrepreneuship” thì ông Hồ chỉ nói đến
giáo dục trong vai trò xoá nạn mù chữ. Cho đến cuối đời, ông Hồ cũng chỉ nói đến
ước mơ “ai cũng được học hành”, chứ ông chưa nghĩ đến cái gì cao xa như giáo dục
đại học hay khoa học và công nghệ. Mà, ông cũng chỉ nói câu đó rất chung chung,
rất ví von, chứ không phải cụ thể như ông Lý. Tôi nghĩ không nên nâng tầm những
câu ví von đó thành “tư tưởng”.
Thật
ra, sự khác biệt này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì hai người có
trình độ rất khác nhau. Tôi nghĩ trình độ học vấn và trải nghiệm quốc tế đóng
vai trò rất quan trọng trong tầm nhìn và viễn kiến. Người có cơ hội sống và học
tập trong môi trường đẳng cấp quốc tế, có dịp tiếp kiến với giới "elite"
(tinh hoa), thì gần như tự nhiên, họ có tầm nhìn cao và xa. Còn người không có
cơ hội làm việc và sống trong môi trường học thuật tốt thì tầm nhìn của họ cũng
hạn chế. Trong khoa học cũng thế, người xuất phát từ các trung tâm đẳng cấp quốc
tế rất khác với người xuất phát từ những nơi thấp hơn. Một công trình được nơi
A đánh giá là tuyệt vời, nhưng với người ở đẳng cấp cao hơn thì họ có thể xem
đó chỉ là công trình xoàng. Ông bà chúng ta có câu "Gần mực thì đen, gần
đèn thì sáng" là rất rất đúng.
Ông
Lý là một người có học đàng hoàng, học từ những trường danh giá bậc nhất trên
thế giới. Ông từng theo học và tốt nghiệp luật hạng danh dự từ Đại học
Cambridge của Anh. Ông từng tiêu ra một thời gian ngắn ở London School of
Economics, một trường kinh tế lừng danh trên thế giới. Một người học giỏi và rộng
như thế, được tiếp xúc với môi trường elite như thế thì chắc thừa đủ kiến
thức để không mắc vào cái bẫy của một chủ nghĩa không tưởng. Nên nhớ rằng ông Lý là người
không ưa cộng sản. Còn ông Hồ, thì do hoàn cảnh đất nước và gia đình,
chưa xong bậc trung học, trình độ nói chung còn hạn chế. Ông tiêu ra rất nhiều
năm nay đây mai đó làm chính trị, làm cách mạng, hơn là học hành. Do đó, sẽ là
không công bằng nếu đòi hỏi ông Hồ phải có được cái viễn kiến cao xa như ông
Lý. Nói như thế không có nghĩa là đánh giá thấp sự nghiệp và đóng góp của ông Hồ,
mà chỉ muốn đặt câu nói về giáo dục của ông trong bối cảnh thực tế, và qua đó để
thấy rằng tầm nhìn về giáo dục của ông Hồ rất khác với tầm nhìn của ông Lý
Quang Diệu.
===
1
comment:
Anonymous
said...
Anh
Tuấn ơi, ông cụ không để lại một chủ trương nào để xây dựng VN cả bởi vì ông cụ
nghĩ đã có chủ thuyết cộng sản rồi. Từ ngày ông cụ tham gia đại hội Tours đến
ngày mất, ông cụ là một chiến sĩ cộng sản. Ông cụ đã viết rõ ràng trong bài nói
về ông đến với chủ nghĩa Lenin (ghi lại cảm xúc sau khi đọc luận cương về thực
dân) và trong di chúc. Cũng không trách ông cụ được. Là phàm nhân, đâu ai biết
hai mươi năm sau thì cộng sản sụp đổ hoàn toàn. Nhưng kẻ hậu thế, đã thấy CNCS
hoàn toàn sụp đổ mà còn cố biện minh thì đó mới là vấn đề. Xin nói thêm một
chút. Phát biểu của cụ có lúc hay, lúc dỡ nhưng nó chung chung là cảm tính chứ
không khả thi. Nghĩa là, nói ra thì suông tai, nhưng không ứng dụng được. Chứ nếu
không, năm này qua tháng nọ cứ học theo gương Bác, làm theo lời Bác mà van nhiễu
nhương là sao vậy?!
No comments:
Post a Comment