Lê Phan
Saturday,
March 28, 2015 1:38:43 PM
Cố
Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã có lần bảo với nhân dân Singapore, “Thi ca là một
món xa xỉ phẩm chúng ta không thể có được.” Thực ra theo lý luận của ông Lý,
không những thi ca mà ngay cả đến những quyền căn bản nhất của nhân dân
Singapore cũng là thứ yếu cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Lời
tuyên bố cũng xin thêm được đưa ra trong những ngày khó khăn nhất của thị quốc,
khi Singapore bị buộc phải đứng một mình sau khi phải rút lui khỏi liên bang
Malaysia. Và cũng phải nói là ở một khía cạnh nào đó ông nói đúng. Một quốc gia
chỉ bằng một thành phố, với dân số hổ lốn, không có khối nào đa số, Singapore
vào cuối thập niên 1960 không biết rằng mình có tồn tại nổi không chứ đừng nói
đến phát triển.
Không
ai chối cãi cái công của ông Lý cho Singapore. Như Thông Tấn Xã Reuters nhận
xét, thành quả chính của ông Lý là ông đã làm cho Singapore giàu có. Giữa những
năm từ 1965 khi một thành phố vốn là một hải cảng tiếp tế cho đế quốc Anh khởi
đầu hành trình đầy bất trắc như là một quốc gia độc lập sau khi bị trục xuất khỏi
Liên bang Malaysia và năm 2011 khi ông Lý rút lui khỏi nội các của con mình, lợi
tức đầu người ở Singapore đã tăng 90 lần.
Dưới
sự cai trị của dòng họ Lý, bởi Thủ Tướng Goh Chok Tong thì tuy không cùng họ nhưng
cũng là đàn em, Singapore đã ra khỏi giai đoạn biến động sau Đệ Nhị Thế Chiến
trở thành một nền kinh tế thành công nhất, một sự tập hợp của chính quyền độc
tài, những cái vỏ dân chủ, một thị trường tự do, đã được một số người tiên đoán
sẽ là khuôn mẫu cho phát triển và ổn định trong thế kỷ này. Và dĩ nhiên chính
sách của Singapore với báo chí đang được lập lại trên toàn vùng Đông Nam Á.
Singapore
được nói là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới. Nhưng
không có báo chí theo dõi và kiểm soát, ai kiểm soát chính phủ, ngoài chính phủ
ra.
Trong
khi những lời ca ngợi từ khắp thế giới được phổ biến, chúng ta đừng quên là ông
Lý và gia đình ông đã thành công qua một loạt những vụ kiện chống lại báo chí
ngoại quốc và trong nước, vốn đã dám ngầm ý nói đến gia đình trị hay hành vi
sai trái nào của chế độ ông Lý, một chế độ rõ ràng là độc tài.
Suốt
mấy chục năm qua, ông Lý đã kiện và thắng kiện vô số vụ tại tòa án ở Singapore
cũng như dàn xếp ngoại tòa, đối với báo chí, báo chí ngoại quốc lẫn trong nước,
kể cả tờ International Herald Tribune, the Wall Street Journal, the Far Eastern
Economic Review, thông tấn xã Bloomberg, và tạp chí The Economist. Ấy là chưa kể
nhiều nhà báo ngoại quốc đã bị từ chối chiếu khán nhập cảnh.
Nhà
báo Murray Hiebert của the Far Eastern Economic Review chẳng hạn, người đã từng
bị Hà Nội từ chối không chịu gia hạn chiếu khán, trong nhiều năm phải tường thuật
về Singapore từ Kuala Lumpur vì chính quyền từ chối không cho nhập cảnh. Ông
Hiebert đã từng bảo với các bạn đồng nghiệp là “Singapore còn khó nhá hơn Hà Nội
nữa.”
Cũng
dễ hiểu thôi khi bộ trưởng Thông Tin, Truyền Thông và Nghệ Thuật của Singapore
K. Bhavani, đã thản nhiên giải thích, “Nhiệm vụ của nhà báo hay của báo chí ở
Singapore không phải là đề cao vấn đề, hay vận động ủng hộ hay chống đối lại
chính phủ.” Hai ông Bob Dietz và Shawn W. Crispin của CPJ đã phải hỏi. “Vậy việc
đó là việc của ai thế?”
Một
nhà báo và nhà văn Singapore đã sống lưu vong ở Hoa Kỳ suốt 22 năm nay, bà
Cheryl Lu-Lien Tan giải thích lý do tại sao phải sống lưu vong: “Nếu tôi muốn
làm một nhà văn và nhà báo, tôi muốn làm công việc đó ở một xứ sở nơi tự do
ngôn luận là một quyền được mạnh mẽ bảo đảm.”
Bà
Tan công nhận, “Chính vì viễn ảnh của ông và luật lệ của ông mà sau cùng đã làm
cho quốc gia này sạch sẽ, xanh tốt và siêu hiệu năng. Chả trách mà có người đã
từng đùa bảo Singapore là 'công ty điều hành tốt đẹp nhất thế giới.’ Hay như
nhà văn William Gibson đa có lợi gọi Singapore là ‘một Disneyland có án tử
hình.’”
Bà
Tan cũng nói bà vô cùng tự hào về nền kinh tế tiểu long, một hãng hàng không được
quốc tế tín nhiệm, đường sá sạch sẽ, và rằng ở nhiều nơi, những hàng cây đặt đều
đặn cách nhau được tỉ mỉ chăm sóc cắt tỉa. Nhưng đồng thời nay bà lại đang ở
New York, xa quê hương yêu dấu, bởi vì bà không có tham vọng trong y khoa, tài
chánh, luật hay là bất cứ một con đường sự nghiệp có ích lợi nào đã khiến bà cảm
thấy mình như một kẻ bị xua đuổi tại quê nhà, và đẩy bà đi xa hơn nữa. Bà bảo
cũng may là bố mẹ mình có đủ tinh thần “cấp tiến” để cho phép bà chọn con đường
mình muốn, trong một gia đình đầy công chức, y tế, nhiều giám đốc của các công
ty đa quốc, chỉ có bà là nhà văn duy nhất. Dĩ nhiên, bà nói thêm, đã có những
nhắc nhở là có lẽ nên kiếm một công việc ổn định hơn như public relations!
Dẫn
lời nhà điện ảnh, hí họa và văn sĩ Colin Goh, bà nói là nếu ở Singapore thì sẽ
chỉ thấy thêm tức giận. Ông Goh và bà vợ Yen Yen Woo đã chỉ ra một ảnh hưởng
đáng buồn cho sự cứng ngắc của thế hệ những người sáng tác sống dưới chế độ ông
Lý, đó là mọi tác phẩm của họ đều là về ông Lý, chống hay không chống.
Thông
tấn xã Reuters thì nhắc đến sự việc là trong khi thị quốc này chuẩn bị chào đón
năm thập niên độc lập, dân chúng Singapore đang có đà bất ổn trong dân số. Với
chỉ vỏn vẹn có 3.3 triệu dân, hầu hết thế hệ trẻ của nhóm thiểu số người Hán và
người Ấn và người dân Malay là bản xứ, đã ngày càng nghi ngờ về quyết định theo
đuổi phồn vinh mà đại diện là chính là ông Lý, vốn xuất thân từ Hoa Lục.
Tuy
Singapore đã giảm thiểu chống đối qua phát triển nhưng sự chống đó không phải
đã được dẹp hết. Trong khi đó dân chúng còn bất mãn vì nhiều vấn đề khác nữa: Hố
phân biệt giàu nghèo gia tăng, giảm tiền lương địa phương qua việc nhập cảng
công nhân; thành phố quá chật hẹp rồi; và giá nhà tiếp tục tăng khiến các sinh
viên sắp ra đời không thể nào có triển vọng sở hữu nhà riêng cho mình.
Ngày
nay, công dân Singapore, học vấn cao hơn, và giàu có hơn “yêu cầu chính phủ hãy
nới lỏng hầu bao và hãy đừng bảo với họ, như luận điệu của ông Lý, là nhà nước
biết làm cái gì tốt cho bạn.” Ngay cả những vị dân cử trong Đảng Nhân Dân Hành
Động, cũng đã kêu gọi một kiểu tư bản chủ nghĩa dễ thương hơn để giảm bớt sự bất
mãn.
Ông
Lý sẽ được nhớ đến như là cha già của dân tộc, một chính trị gia lão luyện đã học
chính trị chống lại chế độ thuộc địa. Một số sẽ nhớ ông như là một lãnh tụ được
tôn trọng hơn là kính yêu, người mà tinh thần thực tế đã biến một tiền đồn của
đế quốc Anh thành một đô thị giàu có và một trung tâm thương mại toàn cầu. Cũng
có những người sẽ nhớ ông như là người đã lớn tiếng bênh vực “giá trị truyền thống
Á Châu” và mạnh mẽ chỉ trích dân chủ kiểu Hoa Kỳ. Tất cả đều đúng và đã tả được
một phần của con người ông ta. Nhưng thêm vào đó, tờ Foreign Policy đề nghị phải
nói, “Ông Lý là nhà độc tài thành công nhất lịch sử.”
Sở
dĩ ông Lý thành công là vì ông đã thực sự tạo nên một quốc gia phồn thịnh từ một
mẩu đất không có tài nguyên thiên nhiên, không có cả đến một dân tộc thuần nhất.
Dân chúng Singapore, ngay cả những người như nhà văn Tan thấy rõ phẩm chất của
cuộc sống của mình cải thiện mỗi năm. Một số các nhà chính trị học ca ngợi
chính sách dùng kinh tế để duy trì quyền cai trị của Trung Quốc, nhưng so với
Singapore của ông Lý thì Trung Quốc thua xa. Chả thế mà Hoa Lục đã gửi nhiều
viên chức đi nghiên cứu chính sách của thị quốc này và nhập cảng bất cứ cái gì
mà họ nghĩ sẽ thành công.
Hơn
thế Singapore đạt được tiến bộ vượt mực về kinh tế mà không bị nạn tham nhũng
hoành hành. Tính thực tế của ông Lý còn biểu hiện qua việc trả lương cho công
chức. Ông trả lương cho họ thật cao để bảo vệ liêm khiết cho họ cũng như để giữ
người tài.
Nhưng
“con người đâu chỉ sống bằng bánh mì.” Nếu ông Lý có thể tạo nên một quốc gia
ít phát triển hơn nhưng còn có chỗ đứng cho thi ca thì hay biết mấy.
No comments:
Post a Comment