Wednesday, March 25, 2015

Trí thức Hà Nội nói về việc chặt cây (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
Bauxite Việt Nam  26/03/2015

Có một chuyện từ lâu đã trở thành giai thoại, thứ giai thoại đậm chất hài hước đến mức khó có thể kiếm đâu ra trên thế giới ngoại trừ mảnh đất Việt Nam anh hùng. Ấy là mỗi khi về địa phương đăng đàn chém gió, các quan chức chóp bu, lúc hứng lên thường hỏi một câu giống hệt nhau, chẳng biết là thiểu năng trí tuệ hay quá thông minh: “Chúng ta phải nuôi con gì, trồng cây gì để cải thiện đời sống, làm giầu nhanh trên chính mảnh đất của mình?”. Câu trả lời rất đơn giản nhưng tuyệt đối chính xác: trồng cây anh túc (thuốc phiện) và nuôi “con” ca ve!

Vâng, thật ra đây chỉ là trò chơi chữ mang đậm màu sắc tiếu lâm hiện đại, do “các thế lực thù địch” nghĩ ra, nhưng sức liên tưởng của nó để tạo nên sự xung đột hoàn cảnh thì vô cùng lớn. Vụ scandal chủ trương chặt 6700 cây ở Thủ đô để thay bằng loại cây mới có một cái gì đó hao hao như giai thoại “trồng cây thuốc phiện” (để thu hồi vốn và lãi nhanh) vậy. Từ danh mộc vàng tâm đến cây mỡ vốn chỉ để làm que diêm được các nhà hoạch định chính sách Thủ đô phù phép theo một kịch bản không thể tuyệt vời hơn. Sự lừa đảo đã đến giai đoạn không cần mảnh lá nho nào che đậy. Một chính quyền hành xử theo kiểu ca ve (nói dối như cuội) và hệ thống truyền thông khổng lồ với 800 tờ báo và hơn trăm đài phát thanh truyền hình phảng phất khói thuốc phiện, không ngoài mục đích làm ngu dân, thì “kế sách mười năm không gì bằng chặt cây”* chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Nợ công cao ngất ngưởng, nợ xấu lu bù, vượt cả ngưỡng an toàn. 2, 8 triệu công chức phần lớn vô công rồi nghề nhưng vẫn sống khỏe từ nguồn thuế hữu hạn của dân. Hết nguồn thu, hiển nhiên, người ta phải bán biển, bán đất, bán đường cao tốc, bán sân bay, bán cây… Còn cái gì có thể quy ra tiền được sẽ bán hết, bán ăn dần (BAD)…đến nỗi, kiến trúc sư Trần Thanh Vân phải thốt lên: “Chính họ đang tự phá họ. Những ông ngồi trên cao ngất ngưởng chỉ nghe lời nịnh nọt và sử dụng những kẻ ngu xuẩn để hành động theo ý mình thì có lúc họ sẽ ăn đòn. Tôi là người rất chấp nhận khoa học tiên tiến nhưng tôi cùng là người theo đuổi quan niệm cổ xưa là: có nhân có quả. Họ sẽ là người hứng đòn của tất cả những chuyện này”.

Bauxite Việt Nam

Chú thích:
* Nhại một vế trong câu nói của Quản Di Ngô, Tể tướng của Tề Hoàn Công thời Chiến Quốc: “Thập niên chi kế mạc như chủng mộc” (Kế sách mười năm không gì bằng trồng cây).

-------------------------------


Câu chuyện cây xanh Hà Nội vẫn tươi rói khi người dân Thủ đô tiếp tục có những phàn ứng tích cực đã khiến UBND Hà Nội lúng túng và ông Phạm Quang Nghị buộc phải tuyên bố mạnh mẽ là sẽ làm rõ cán bộ thi hành việc phá hoại cây xanh. Mặc Lâm tìm hiểu thêm tâm tình người Hà Nội qua câu chuyện với kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người có hơn 40 năm gắn bó và làm việc dưới bóng cây xanh rợp mát của Thủ đô, trước tiên bà Trần Thanh Vân chia sẻ:

KTS Trần Thanh Vân: Tôi chỉ có thể nói một câu là hết sức đau lòng. Đau đến xót xa coi như mất hết không phải chỉ là những cái chung như người ta đang nói mà những gì riêng tư của tôi cũng mất hết. Bởi vì cách đây hơn 40 năm khi tôi mới ra trường để học những cái cây tôi coi đó là một vật liệu sống dùng trong nghề nghiệp. Chúng tôi mỗi một tháng phải đạp xe đạp đi vòng quanh thành phố học tên từng cái cây, vì học kiến trúc thì không biết về cây, học về tán cây, lá cây. Mùa ra hoa, mùa lá rụng….
Vừa qua họ cưa các cây xà cừ mà đường kính một mét rưỡi. Cây xà cừ là cây người Pháp mang từ châu Phi về và nó rất tốt. Chúng tôi nghiên cứu cả cái rễ cây. Rễ cây xà cừ là rễ nông cho nên khi trồng ở vùng đất trũng thì sẽ đổ nhưng vùng cao và khô thì cây xà cừ rất tốt và nó có thể oằn theo gió bão.
Chúng tôi đã nghiên cứu cả cây xà cừ trồng ở Thái Nguyên thì hiểu rằng cây này rất tốt. Vậy thì cây gì, trồng ở đâu, cụ thể thế nào mà mình không có nghề thì mình phải học vì đấy là thứ chất liệu xây dựng của mình và cuộc sống. Nhưng những cái đó bây giờ người ta bất chấp. Tôi nói ví dụ những ý tưởng để trồng cây và chặt cây đã là tồi tệ mà chọn cây trồng còn gian dối nữa.
Mấy ngày hôm nay tôi đọc phát biểu của một số các chuyên gia về ngành lâm nghiệp thì họ nói là trên đường Nguyễn Chí Thanh đã chặt mấy trăm cây và trồng vào đấy mấy trăm cây vàng tâm. Không phải vàng tâm mà là cây mỡ loại cây chỉ dùng làm bao diêm, bút chì. Họ không những phá hoại mà còn lừa dối. Họ làm nhiều thứ tồi tệ lắm.
Lúc mà anh Mặc Lâm gọi tôi thì tôi đang đọc bài của phóng viên báo Tiền Phong, họ đi truy lùng những cái cây đã cưa rồi nằm ở đâu, và họ phát hiện ra kho chứa cây để đưa đi bán kinh doanh. Thế là người chặt cây không những lấy được tiền để chặt là 10 triệu đồng một cây mà còn mang cây đi bán nữa.
Người trồng cây thì hăm hở lấy tiền của các nhà tài trợ. Các nhà tài trợ có người hoàn toàn vô tư nhưng cũng có người không vô tư lắm, như chuyện họ mua cây về trồng có khi chỉ năm ba năm sau một cơn bão nho nhỏ cũng oằn. Loại cây phải như thế nào mới có thể trồng ở thành phố là điều quan trọng. Tôi không phải trong ngành lâm nghiệp,  không hiểu lắm về ngành sinh học nhưng làm nghề mấy chục năm nay chúng tôi đã học rất kỹ cách chọn cây. Biết màu xanh, màu lá, màu tán, đặc điểm của từng cây để khắc phục…thì bây giờ họ đều bỏ hết.

Mặc Lâm: Thưa bà đối với một công việc trọng đại có liên quan đến rất nhiều mặt, thứ nhất là cảnh quan thành phố, thứ hai là môi trường và thứ ba là kỷ niệm sống của người dân đối với cây xanh Hà Nội. Một chính sách lớn như vậy mà UBND Hà Nội rất bất cẩn khi đưa ra đã làm cho người dân bức xúc…thông qua việc này bà nhận xét thế nào về cách làm việc của họ?

KTS Trần Thanh Vân: Bây giờ xin nói một câu mà chính ông Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói: đây là cái sai của hệ thống, Nó chi phối tất cả cái sai. Vừa rồi tôi kể anh nghe việc tôi làm từ ngày tôi mới ra trường từ lúc xưa thôi nhưng ít ra tôi cũng có những năm tôi có theo dõi về cây cối và tôi viết ra. Viết ra thì phải được dùng chứ? Nhưng người ta không cần dùng cái đó, người ta có tiền người ta ra lệnh là xong.
Ngày hôm qua tôi đọc một bài nói về bí ẩn Phạm Nhật Vượng. Ông Phạm Nhật Vượng là ai? Là một Tiến sĩ gì đó học ở Liên Xô hồi xưa làm giàu bằng cách sản xuất mì ăn liền để trở thành một tỉ phú và hiện nay. Họ bảo ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất Việt Nam có vốn 1.3 tỉ đô la. Ông ta làm chủ rất nhiều công trình lớn tại Việt Nam và ông ta là nhà tài trợ cho việc trồng cây hiện nay. Ông ta nói một câu rất là vô ý thức: Ông ta ước mơ là Hà Nội mở mắt ra là có thể nhìn thấy như Singapore. Thưa Singapore là gì? Singapore là một thành phố vườn nó đẹp như thế nhưng ông lại nói là nó phải ngay ngắn trật tự! Thế thì những cây lớn quan trọng về kiến trúc về sinh học về quản lý đô thị thì không nói, tự nhiên nói chuyện chặt cây? Một người có 1 tỷ ba đô la bây giờ họ chỉ ho một câu thôi thì Hà Nội răm rắp nghe theo. Ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo là kỹ sư, ông Phạm Quang Nghị là nhà sử học nhưng họ có biết gì đâu? Họ chỉ thấy sự gật gù ra lệnh của một anh trẻ con lớn lên làm nghề vớ vẩn, may mắn nó làm giàu và nó nói ra cái gì thì phải nghe cái đó.
Ngay câu nói của người ta có hàm ý gì cũng chưa biết, chỉ biết chặt cây đi để trồng cây mới thế là về chặt cây có lãi trồng cây có lãi! Thấy người ta nhiều tiền nên cứ chiều ý mà không biết nhục nhã.

Mặc Lâm: Vâng xin được hỏi bà một câu cuối nữa bà nghĩ gì khi thấy các em sinh viên trẻ cùng diễu hành với đủ thành phần dân chúng Hà Nội cùng chống lại việc này. Đây là việc chưa từng xảy ra, bà nghĩ sao về hiện tượng này?

KTS Trần Thanh Vân: Tôi cho là cái gì thì nó cũng có lý do của nó. Bởi vì sự suy thoái nó suy thoái toàn bộ, không phải là về mặt này hay mặt khác vì tất cả các việc mà họ làm bị phản ứng hết sức là ngẫu nhiên rất kịp thời của các anh chị em trẻ ấy nó thể hiện cái bức xúc ý nguyện của con người và tôi cho rằng sẽ có lúc nó thành một sức mạnh mà không ai ngăn cản được nữa, tôi tin là thế.
Chính họ đang tự phá họ. Những ông ngồi trên cao ngất ngưởng chỉ nghe lời nịnh nọt và sử dụng những kẻ ngu xuẩn để hành động theo ý mình thì có lúc họ sẽ ăn đòn. Tôi là người rất chấp nhận khoa học tiên tiến nhưng tôi cùng là người theo đuổi quan niệm cổ xưa là: có nhân có quả. Họ sẽ là người hứng đòn của tất cả những chuyện này.

Mặc Lâm: Xin cám ơn bà.










No comments: