Đăng ngày 31-03-2015
Cựu Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thời Tổng thống Richard Nixon
Henry Kissinger thường bị đánh giá là thân Trung Quốc. Suy nghĩ này một lần nữa
có thể được kiểm chứng qua đề nghị mới nhất hôm 28/03/2015 của ông liên quan đến
tranh chấp Biển Đông, bị cho là đã « tiếp tay » cho Bắc Kinh trong mưu đồ
thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, trong một cuộc gặp gỡ với giới
báo chí ở Singapore, bên lề tang lễ cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, ông
Kissinger đã khuyên Trung Quốc và Hoa Kỳ nên theo gương cố lãnh đạo Trung Quốc
Đặng Tiểu Bình để giảm thiểu tình trạng căng thẳng, liên quan đến các tranh chấp
chủ quyền giữa Bắc Kinh với các láng giềng tại vùng Biển Đông.
Đề nghị của tác nhân tiến trình hòa giải Bắc
Kinh-Washington vào đầu thập niên 1970 thoạt nhìn rất có lý. Ông Kissinger cho
rằng ông Đặng Tiểu Bình « đã giải quyết một vài vấn đề thời đó dựa trên
phương châm không nhất thiết mọi điều đều phải xử lý ở thế hệ hiện tại. Có lẽ
nên đợi thế hệ sau, nhưng đừng làm cho vấn đề xấu đi thêm ».
Theo các nhà quan sát, vào lúc tình hình Biển Đông căng
thẳng hẳn lên với việc Bắc Kinh ngày càng có thêm những động thái quyết đoán nhằm
áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên 80% Biển Đông, buộc Washington phải can
thiệp, xoay trục qua châu Á, và cam kết bảo vệ các đồng minh của mình trong khu
vực, lời khuyên của ông Kissinger gắn liền với một quan điểm của ông Đặng Tiểu
Bình về tranh chấp biển đảo thường xuyên được nhắc đến : Tạm gác tranh chấp để
cùng nhau khai thác.
Đây chính là diễn giải của Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học
viện Quốc phòng Úc, trả lời hãng Bloomberg, khi ông cho rằng « Nếu đề nghị của
Kissinger được lắng nghe, lời khuyên khôn ngoan của Đặng Tiểu Bình có thể giúp
Trung Quốc giữ được thể diện. Một khi các bên tranh chấp tạm gác vấn đề chủ quyền
để đồng khai thác, điều đó có thể gỡ bỏ một nhân tố gây căng thẳng trong quan hệ
Mỹ Trung ».
Tuy nhiên, việc ông Kissinger khuyên Mỹ và Trung Quốc giảm
bớt đối đầu đã bị một số chuyên gia cho là nhằm tiếp tay cho Bắc Kinh khống chế
toàn bộ Biển Đông.
Theo nhà phân tích Ấn Độ Subahash Kapila trên báo mạng
Eurasia Review ngày hôm qua, thì tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông lại
bắt nguồn từ chính các hành động leo thang của Trung Quốc nhằm xâm chiếm toàn bộ
Biển Đông. Và « chính những động thái gây mất ổn định của Trung Quốc tại
vùng chiến lược quan trọng là Biển Đông đã thúc đẩy chính sách xoay trục của Mỹ
qua Châu Á Thái Bình Dương ».
Còn chuyên gia Trang Gia Dĩnh, giảng sư tại Đại học Quốc
gia Singapore, trả lời hãng Bloomberg, cũng tự hỏi : « Liệu Trung Quốc có sẵn
sàng tự kiềm chế trong hành động bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông hay không ?
». Câu hỏi này cũng được đặt ra cho các nước khác, và trong bối cảnh đó Hoa
Kỳ có thể làm gì để giảm nhiệt. Tóm lại, theo chuyên gia này, vấn đề giảm bớt
căng thẳng ở Biển Đông không phải là đơn giản.
Một nhân tố khác cũng khiến giới quan sát quan ngại. Đó
là chủ trương của ông Đặng Tiểu Bình từng được phía Trung Quốc nêu bật là tạm
gác tranh chấp chủ quyền, cùng nhau khai thác, một chủ trương đang được Trung
Quốc thúc đẩy.
Vấn đề đặt ra là câu nói của Đặng Tiểu Bình còn có một vế
tiên quyết mà guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh ít đề cập đến : đó là « Chủ
quyền về ta » (Chủ quyền thuộc ngã). Trong bối cảnh đó, rõ ràng là Bắc Kinh
sẽ không từ bỏ tham vọng trên Biển Đông, sau khi đã công bố tấm bản đồ hình lưỡi
bò đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng biển này.
Lời cố vấn của ông Kissinger nhắm vào cả hai nước Mỹ và
Trung Quốc, nhưng rõ ràng là sẽ có tác dụng trói tay Mỹ.
No comments:
Post a Comment