Wednesday, March 25, 2015

Thắp nhang tưởng niệm những hàng cây (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng      
Tuesday, March 24, 2015 6:45:21 PM

Người Hà Nội có thể dựng những tấm bảng nhỏ tưởng niệm mỗi cây xanh mới bị đốn ngã. Chỉ viết một hàng chữ: “Nguyễn Thế Thảo - Tháng Ba năm 2015,” ghi thành tích ông chủ tịch thành phố đã chém chết những hàng cây xanh. Chỉ cần một mảnh giấy bìa làm thiếp chia buồn hay một tấm mộ bia nhỏ. Cứ tưởng niệm như vậy, một trăm, một ngàn gốc cây, cho đến bao giờ ông Nguyễn Thế Thảo xin từ chức. Ở một quốc gia bình thường, tức là những nước sống văn minh, khi hàng ngàn cây xanh trong thành phố “chết oan” thì những người cầm quyền sẽ tự nhận trách nhiệm và xin từ chức.

Nhưng Việt Nam hiện nay không phải là một nước bình thường. Những người muốn làm “bia tưởng niệm” những cây xanh bị tàn sát chắc sẽ bị ngăn cấm. Sẽ có một bọn phất cờ đỏ búa liềm, chen lấn, chửi bới tục tằn, ngăn không cho dân chúng được khóc cây. Rồi ông giám đốc công an lại phải lên đài tuyên bố ông không biết mấy tay cầm cờ búa liềm đó ở đâu chui ra cả!

Việt Nam hiện nay quả thật không bình thường. Một nước bình thường không bao giờ cấm tưởng niệm 64 chiến sĩ bị giặc xâm lăng giết - mà không được bắn lại. Không nước nào ngăn cản chính dân nước mình tưởng niệm các liệt sĩ.

Nghĩ cho cùng, trong thế kỷ 21 này không có một quốc gia bình thường nào còn hô hào “quyết tâm tiến lên Chủ nghĩa Xã hội” - kể cả nước Trung Hoa Cộng Sản!

Nước Việt Nam hiện nay không bình thường chút nào. Cho nên ông Nguyễn Thế Thảo sẽ không từ chức. Những người tưởng niệm cây sẽ bị bắt, bị đưa ra tòa xử theo những điều số 79, 88, 258 Luật Hình Sự.

Nếu họ cấm không cho dựng mộ bia, dân Hà Nội vẫn có thể bày tỏ niềm thương tiếc những hàng cây bằng cách thắp một nén nhang cho mỗi gốc cây chết oan khốc. Thắp một nén nhang, âm thầm cắm trên mỗi gốc cây bị xử trảm, ai cũng tên đao phủ rồi. Dân ta vẫn có phong tục thắp nhang tại mỗi gốc đa, gốc đề đầu làng. Không lẽ họ lại cấm mình thắp nhang khóc cây nữa hay sao?

Hồn cây xanh đang khóc, nếu như cây cũng giống người. Không tin cây có hồn, nhưng chúng ta biết cây cối cũng có cảm giác, chúng cũng biết đau, biết sợ. Nửa thế kỷ trước đây, Cleveland Backster đã khám phá ra điều này. Backster là một chuyên viên về “máy trắc nghiệm nói dối” (polygraph). Máy này đặt dây diện vào da người ta, nhìn vào điện đồ có thể biết cảm tưởng người đó như thế nào khi đang nói một câu, khi vui, khi sợ, vân vân. Nhờ máy polygraph, có thể đoán một người đang nói dối vì trên da xuất hiện dấu hiệu một cảm tưởng khó chịu, bất an.

Một bữa Backster tưới cho chậu cây cảnh trong văn phòng. Ông ta muốn nghịch, thử gắn dây điện vào lá cây xem bao lâu thì nước được đưa lên tới chiếc lá và thay đổi phản ứng của lá cây, như da người vẫn phản ứng. Ðiều bất ngờ là vừa mới tưới nước thì máy polygraph đã cho thấy cây cảnh phát ra dấu hiệu giống như phản ứng của da người khi có một cảm giác sung sướng!

Trí tò mò khiến Backster muốn làm thí nghiệm tiếp. Ông nhúng lá cây vào ly cà phê còn nóng, cây không phản ứng. Ông quyết định sẽ thử đốt lá cây. Nhưng vừa khi ông nghĩ đến điều này, trên máy polygraph xuất hiện một dấu hiệu giống như một người đang sợ hãi! Ông mời người bạn thử, cũng thấy như vậy. Nhưng khi ông châm lửa nhứ vào gần là cây mà không có ý định đốt, thì máy polygraph không cho thấy phản ứng nào cả! Cleveland Backster còn làm nhiều thí nghiệm khác, rồi kết luận rằng cây có trí nhớ (phản ứng tốt khi thấy một người đã tưới bón cho cây đến gần, và sợ hãi khi có một người hay tàn hại cây cối, giống như con chó sợ hãi khi gặp một người ăn thịt chó). Cây cũng biết phân biệt cây đồng loại hay cây lạ, cũng có cảm giác thương xót một sinh vật chết. Các bạn trẻ vào google có thể tìm thấy những thí nghiệm ông ta và những nhà nghiên cứu khác đã làm trong nửa thế kỷ qua.

Cho nên chúng ta có thể thắp một nén nhang, bày tỏ niềm tiếc thương những cây xanh đáng lẽ không chết mà phải chết oan.

Backster còn muốn dùng cây để thử coi một người nói dối hay nói thật. Ông gắn máy polygraph vào lá cây, rồi hỏi một người năm sinh của anh ta có phải năm này hay không. Khi nói đúng năm sinh mà anh ta chối, thì máy polygraph đưa ra một dấu hiệu “nói dối;” giống như khi máy được gắn lên da chính anh ta vậy!

Các ông Nguyễn Thế Thảo và Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch và phó chủ tịch thành phố Hà Nội có dám cho thử máy polygraph hay không?

Ngày Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015, ông Nguyễn Quốc Hùng họp báo nói chỉ có 500 cây bị đốn hạ, Giáo Sư Nguyễn Lân Dũng, chủ tịch Hội Sinh Học Việt Nam, tính ra phải tới hai ngàn cây đã bị tàn sát. Ông Nguyễn Quốc Hùng đổ tội đốn cây vội vã cho “sự nôn nóng của các nhà tài trợ.” Ðại diện các nhà tài trợ là VPBank, Bình Minh, tập đoàn Vingroup, công ty tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, bèn minh xác ngay lập tức rằng họ chỉ đóng góp tiền khi được các quan chức xin để ủng hộ chương trình trồng cây mới, chứ họ không hề biết, không tham dự và không hưởng lợi gì trong việc chặt hàng loạt cây trong những ngày qua. Họ góp tiền, dù biết rằng số tiền đó thế nào cũng được “rút ruột.” Những món tiền trả công cho nhà thầu đốn cây và trồng cây, món nào cũng có thể rút ruột được cả. Họ chỉ không ngờ đi làm phúc lại bị các quan chức trút tội lỗi lên đầu!

Cuối cùng, các quan chức thành phố lại dùng chiến thuật cũ kỹ, từ thời Cải Cách Ruộng Ðất: Thú nhận sai lầm, nhưng trút hết tội cho đám đàn em. Người dân Hà Nội còn ngửi được cái trò hề Làm Sai và Sửa Sai nữa hay không? Nói như cố kịch tác gia Lưu Quang Vũ: “Có những cái sai không thể sửa được!” Hàng trăm ngàn người chết oan không thể sửa cho sống lại được! Hàng ngàn cây chết oan không thể sửa cho mọc lại được! Một người dân Hà Nội đang sống ở Warszawa giận quá cũng phải văng lên (trên facebook): “Nhầm cái mả cha chúng nó chứ nhầm cái gì?”

Cho nên, dân Hà Nội đã tính chuyện đưa bè lũ lãnh đạo thành phố ra tòa. Ông Phạm Ðức Bảo, giảng viên Ðại Học Luật tại Hà Nội đề nghị “khởi tố hình sự về tội cố ý làm trái, tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Nhưng đây không phải lần đầu tiên đảng Cộng Sản Việt Nam “cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” Dân ta chưa mắc bệnh mất trí nhớ. Hà Nội đốn cây. Ðồng Nai lấp sông. Họ cứ làm, họ không cần hỏi ý kiến người dân nào cả. Như câu thơ Nguyễn Duy, “Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ - lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa.”

Ðã tới lúc người dân phải tự hỏi: “Ðây là cách người ta cai trị mình mãi mãi hay sao?” Ðã tới lúc, “Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện - ma cụt đầu phục kích nhà quan,” vẫn thơ Nguyễn Duy.

Trong khi đưa đơn kiện bầy lũ tham nhũng ra tòa, người dân Hà Nội, người dân khắp nước Việt Nam hãy thắp những nén nhang, đốt những ngọn nến tưởng niệm những hàng cây xanh đã chết. Tưởng niệm cả những người đã chết. Người khóc thương cây hay cây phải khóc thương người?





No comments: