Sunday, March 15, 2015

Triển lãm, giới thiệu Di Sản Nhà Lao An Nam tại Guyane, Nam Mỹ (Thanh Phong - VienDongDaily)





Thanh Phong  -  VienDongDaily
13/03/2015

GARDEN GROVE - Chiều Chủ Nhật, ngày 8 tháng Ba, 2015, cô Lê Hoàng Châu, sáng lập viên Hội Lịch Sử Truyền Thống Khởi Nghĩa Yên Báy (KN Yên Báy Foundation) từ Đức Quốc đã đến Thư Viện VN tại Garden Grove, Nam California để tổ chức buổi giới thiệu và triển lãm Di Sản Nhà Lao An Nam tại Guyane, Nam Mỹ. Rất tiếc, vì phổ biến quá gấp nên chỉ một số rất ít đồng hương biết, và chỉ có đài SET/TV. Đài Free VN.Net và nhật báo Viễn Đông có mặt tham dự.

Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, rất nhiều nhà ái quốc đã bị bắt tù đày, bỏ xác trong nhà giam từ Nam chí Bắc. Nhưng ít ai ngờ, có hàng trăm chiến sĩ cách mạng, đa số thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái thất bại đã bị thực dân Pháp bắt, bị đưa đi đày biệt xứ tại Guyane (Guyana tiếng Anh), một nơi xa xôi, hẻo lánh kế bên nước Cộng Hòa Brazil, Nam Mỹ Châu.

Quãng đời tù đầy khốn khổ của các nhà cách mạng VN được chính cụ Hoàng Văn Đào, một người bị đày sang Guyane may mắn được trở về cố quốc, viết lại những trang sử bi hùng từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn và đặc biệt đến nhà giam mang tên An Nam tại Guyane. Cuốn sách trên là bằng chứng hùng hồn về chính sách cai trị dã man của chính quyền thực dân Pháp, nhưng cũng là cuốn sách nói lên tấm gương tranh đấu hào hùng của các chiến sĩ VNQDĐ cho hậu thế.

Chị Lê Hoàng Châu chỉ cho phóng viên Viễn Đông xem một số hình ảnh chị thu thập được tại nhà giam An Nam ở Guyane, Nam Mỹ. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Ngoài cuốn sách của cụ Hoàng Văn Đào được viết trước 1975, nay có cô Lê Hoàng Châu, người đã đích thân đến Guyane tìm hiểu và từ Đức Quốc, cô đã đến Nam California, giới thiệu, triển lãm hình ảnh do cô thu thập được tại Guyane, Nam Mỹ.

Trước khi giới thiệu với các đồng hương có mặt, cô Lê Hoàng Châu đã trả lời một số câu hỏi của Viễn Đông. Cô cho biết, “Hôm nay tôi đến đây là để giới thiệu với đồng hương Việt Nam tại Quận Cam, Nam California di sản nhà lao An Nam, nơi lưu đày khổ sai biệt xứ của các nhà yêu nước, và hiện nay nó trở thành chứng tích lịch sử đấu tranh oai hùng của thế hệ cha ông, và nó được chính phủ Pháp nhìn nhận đây là di sản. Trước khi tôi đến đây, tuần vừa rồi, ngày 1 tháng Ba, tôi đã đến Vancouver, Canada để tổ chức giới thiệu di sản nhà lao An Nam giống như hôm nay.”

Được hỏi, chị có liên hệ gì với các nhà yêu nước bị giam giữ biệt xứ tại Guyane để đứng ra làm công việc này?

Cô Lê Hoàng Châu trả lời, “Với tấm lòng thao thức đối với những tiên liệt yêu nước, họ đã hy sinh và họ đã bỏ mình tại vùng đất xa xôi ở Nam Mỹ mà nếu chúng ta biết được điều này mà chúng ta không nói thì cộng đồng sẽ không ai biết được điều đó, vì vậy đó là một trong những thao thức và thôi thúc tôi đi thực hiện cái điều này.”

Cô Lê Hoàng Châu kể cho Viễn Đông nghe câu chuyện của cô đến Guyane, Nam Mỹ để tìm hiểu vấn đề.

Cô cho biết, “Khởi đầu là câu chuyện này ở trong lịch sử đấu tranh cận đại của ông Hoàng Văn Đào cũng đã nhắc đến rồi nhưng chỉ sơ sài thôi, như chuyện có những đợt đi tù rồi trở về từ 535 người mà chỉ trở về có 17 người với cả con nít và người lớn. Và điều đó nó chỉ dừng ở đó thôi.

“Nói đến Guyane Nam Mỹ là vùng đất xa xôi, ngay khi chúng ta ở nước ngoài ngày hôm nay chúng ta cũng chưa biết đến và cũng chưa có điều kiện tìm hiểu nữa. Nhân khi Việt Nam nhờ Nam Mỹ phóng cái phi thuyền VNH1 thì có một nhà báo, anh ta đi với tư cách cá nhân thiện nguyện và anh ta phát hiện ra nơi đây có cái nhà lao An Nam và anh đã viết một loạt phóng sự về nhà lao này.

Hình các nhà ái quốc VNQDĐ bị Pháp bắt, đang tập trung tại cảng Alger chuẩn bị xuống tàu đi Guyan. (Thanh Phong/VĐ chụp lại).

“Đọc qua các bài phóng sự đó, cá nhân tôi cũng là một trong những người rất là quan tâm đến lịch sử đất nước, đặc biệt đến lịch sử của những nhà yêu nước VN, nên vào năm 2008 tôi đã đến Guyane, tôi đã gặp một số bạn bè qua đây làm việc, và qua họ giới thiệu, tôi đã gặp một số con cháu của những người Việt từng ở tù trong nhà giam An Nam này.

“Tôi cũng gặp ông Quận Trưởng Guyane, ông rất tốt. Tôi cũng vào Thư Khố tìm hồ sơ, tài liệu về nhà giam An Nam. Người giữ Thư khố cũng rất nhiệt tình, họ cho biết, thông thường chỉ có những ký giả, những nhà viết sử đến tìm hiểu, nhưng nay lại có người dân VN không thuộc hai giới trên đến tìm hiểu tung tích của những người Việt bị lưu đày nên họ đã đem ra rất nhiều tài liệu, trong đó có đầy đủ danh sách những nhà ái quốc Việt Nam bị đưa sang đây. Qua những sự gặp gỡ, tìm hiểu đó, cá nhân tôi đã minh định và chứng minh rõ ràng nơi đây là nơi giam giữ những nhà yêu nước Việt Nam, đặc biệt sau khởi nghĩa Yên Báy.”

Sau đó, cô Lê Hoàng Châu cũng liên lạc với Việt Nam Quốc Dân Đảng để cho họ biết nơi này giam giữ đa phần các đảng viên VNQDĐ, khoảng 325 người. Họ có ý định sẽ qua Guyane xin dựng tấm bia, và việc dựng bia được thực hiện vào năm 2010, tạo nên một cái sự kiện khiến con cháu của những nhà yêu nước còn sống sót, kể cả chính quyền tại đó cũng rất quan tâm đến điều này. Việc dựng bia của VNQDĐ cũng đã được chính quyền đưa vào trong di sản của nhà lao An Nam. Nhà lao này nằm trong khu rừng Amazon do thực dân Pháp thiết lập. Trước khi trở thành di sản, chính phủ Pháp đã có lần muốn xóa đi cái tàn tích tội ác của họ, vì vậy từ ngoài vào khu nhà giam phải đi bộ đường rừng khoảng 4 cây số.

Vào đến nơi, nhìn thấy những gì trước mắt, chị Châu cho biết, rất xúc động, “vì mình không ngờ giữa chốn rừng thiêng nước độc và cách xa quê hương nửa vòng trái đất mà lại có một nhà giam người Việt Nam với chứng tích còn sót lại là hai dãy chuồng cọp, 85 năm về trước, các nhà yêu nước của chúng ta đã bị đày sang đây, bị đàn áp đối xử tệ hại như thế nào, và đau khổ nhất là không một lần được liên hệ với gia đình cho đến khi bỏ mạng nơi chốn rừng thiêng nước độc này.”

Cô Lê Hoàng Châu đã kể cho chúng tôi nghe một danh sách dài những người từng bị giam tại đây, đặc biệt có ông Sư Trạch, ông Nguyễn Đắc Bằng là chỉ huy phó mặt trận Lâm Thao, ông Bằng là Phó Chỉ Huy của Xứ Nhu (VNQĐĐ), và ông Hoàng Văn Đào, người may mắn được trở về và viết cuốn sách “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa Lò, Côn Nôn, GuyAn.”

Sau đó, chị Lê Hoàng Châu chỉ cho chúng tôi xem một số hình ảnh của nhà giam biệt xứ Guyane, Nam Mỹ do chính chị đã chụp ảnh hoặc thu thập được qua các thư khố địa phương và qua con cháu của những tù nhân VN còn sống tại Guyane trước khi trình bày sự kiện với một số đồng hương hiện diện. (tp)






No comments: