Friday, March 20, 2015

Tình trạng vô chính phủ ở Việt Nam (Hoàng Việt Quốc)





Chi tiết
Được đăng ngày Thứ ba, 17 Tháng 3 2015 11:13

Định nghĩa một cách đơn giản, tình trạng vô chính phủ chỉ định tình trạng không có một quyền lực và luật pháp nào ở trên để giữ sự trật tự và ổn định cho xã hội. Trong tình trạng vô chính phủ, mỗi cá nhân phải tự bảo vệ cho chính sự tồn tại của mình. Vì nhu cầu của sự tồn tại, mọi người đều là kẻ thù của nhau, sẵn sàng chém giết lẫn nhau để giành các phương tiện nhằm phục vụ nhu cầu sinh sống bản thân. Tình trạng này thiếu hẳn sự liên kết giữa các cá nhân với nhau và không hề có tính đồng loại, tinh thần vì cộng đồng. Đây chính là mức độ thấp kém của con người, ngang bằng với cuộc sống của các loài sinh vật khác vì trong tình trạng vô chính phủ sự sống của chính bản thân là mục đích cao của mỗi cá nhân.
Dựa trên sự rối loạn của xã hội Việt nam hiện nay và hệ quả tồi tệ của tệ nạn xã hội diễn ra trên đất nước này thì có thể nói đất nước Việt Nam hiện đang rơi vào tình trạng vô chính phủ.

Đảng Cộng Sản (ĐCS) hiện giờ, dù hiến pháp Việt Nam hiện hành quy định sự lãnh đạo tuyệt đối về mọi phương diện, đã hiện ra như là một tầng lớp cướp bóc với đầy đủ phương tiện. Từ sự kiểm soát đối với chính phủ, công an, quân đội và sự độc quyền về mặt kinh tế. Vì sợ hãi cho sự tồn vong của mình nên ĐCS không còn ý thức được chức năng và khiến chính quyền độc tài này nhìn người dân như những kẻ thù cần bị chà đạp, thậm chí tiêu diệt. Thứ nhất, ĐCS đã không còn khả năng đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại của một quốc gia, đó là an ninh trật tự xã hội và sự an toàn của người dân. Thứ hai, lợi ích quốc gia đã trở thành điều xa vời đối với ĐCS. Thay vào đó, mục đích của ĐCS hiện giờ chỉ là duy trì sự tồn tại của chính bản thân mình càng lâu càng tốt. Đây chính là biểu hiện rõ ràng của các cá thể sống dưới tình trạng vô chính phủ. Sự khác biệt duy nhất giữa một kẻ cướp bình thường và ĐCS là ĐCS thực hiện việc cướp bóc một cách công khai trong những họat động thường ngày của họ, tạo nhiều phương tiện hơn cho việc cướp bóc tài sản của người dân và không thấy một sự kháng cự mãnh liệt nào từ xã hội. 

Nhìn chung nguồn gốc của sự bất công và loạn lạc trong xã hội Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt của ĐCS và sự bóp nghẹt sức sống của xã hội như là hệ quả của việc độc quyền lãnh đạo này. 

Mọi nguồn lực, thay vì tập trung vào việc phát triển đất nước và xây dựng phúc lợi cho người dân, đã được sử dụng để duy trì sự tồn tại của ĐCS, một lực lượng tự cho phép mình quyền lãnh đạo đất nước nhưng lại bao gồm những kẻ cướp bóc mất nhân tính và lo cho sự an nguy của chính bản thân mình hơn những thứ khác. Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã vượt lên trên bản chất như là một vấn nạn và sự yếu kém của hệ thống chính trị. Nay đã trở thành một phương cách để các thành phần trong ĐCS cùng nhau duy trì sự sống của chính mình trên sự chịu đựng và bần cùng của người dân.

Tập quán tham nhũng đã ăn sâu vào chính quyền trung ương đến địa phương. Những viện trợ và tiền vay từ nước ngoài, khi vào Việt Nam, đều đã không được sử dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện phúc lợi của người dân và phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ. Thay vào đó, những khoản viện trợ và vay từ nước ngoài để nuôi cho sự họat động của một bộ máy công quyền cồng kềnh. Tiền từ nước ngoài qua hệ thống bộ máy quan liêu sau đó đến tay nhà thầu chịu trách nhiệm cho các dự án thường được dùng để "vỗ béo" cho hệ thống hành chính này. Nhật Bản, vốn là nước cung cấp khoản vay viện trợ ODA cho Việt Nam nhiều, cũng đã phải ngán ngẩm về tình trạng tham nhũng không điểm dừng ở Việt Nam khi thông tin về việc tham nhũng  vốn ODA, vốn dùng để hỗ trợ trong việc để đầu tư vào dự án đường sắt, bị phát hiện. Ngoài ra còn dự án khác, từ trung ương đến địa phương, đều là cơ hội cho chính quyền chiếm lấy những số tiền khổng lồ để nuôi lấy cái sinh mạng của chính nó trong khi người nhận dường như không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về mặt kinh tế, giáo dục hay y tế từ những đồng tiền thuế đóng để nuôi chính quyền.

Tâm lý giành sự sống cũng được biểu hiện rất rõ trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Dưới con mắt của ĐCS người dân Việt Nam luôn được coi là những kẻ có thể cướp lấy sự sống của chính họ. ĐCS luôn xem người dân là những thành phần có tiềm năng phản loạn và cần phải được dạy dỗ để thể hiện sự trung thành đối với chúng.

Từ tâm lý này, người ta có thể nhận xét rằng ĐCS sẽ không khước từ sử dụng quyền lực để bảo đảm sự tồn tại của nó trên trên chính xương máu và thể xác của người dân. Biểu hiện rõ của việc đàn áp người dân và duy trì quyền lãnh đạo đất nước chính là việc từ chối cho người dân có những quyền tự do và thẳng tay đàn áp những người đứng lên đấu tranh tự do, dù rằng những quyền này đã được thế giới công nhận như những quyền phổ quát của người.

Chúng ta còn có thể thấy tâm lý tranh giành sự sống của ĐCS khi chính quyền rắp tâm cướp đất và nhà cửa của người dân. Bộ máy quan liêu trải dài từ trung ương đến địa phương đều đồng lòng tiêu thụ toàn bộ nguồn lực để cho bản thân nó tồn tại mà quyền lợi và cuộc sống của người dân bị chà đạp. Từ năm 1975 khi ĐCS đã giành quyền lãnh đạo trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã có biết bao nhiêu người mất nhà cửa và đất đai. Cái gọi là nguyên tắc "đất đai sở hữu toàn dân" là một cái cớ để ĐCS thực hành hành vi cưỡng chế đất đai và nhà cửa của người dân. Từ lúc mở cửa kinh tế, dã tâm duy trì quyền lực để tồn tại đã thúc ép chính quyền cấu kết với những doanh nghiệp chiếm đọat đất đai của người dân. Trong những vụ việc này chính quyền đều đã nhận được những chi phí "bôi trơn" khổng lồ từ doanh nghiệp. 
Một khi cấp lãnh đạo đều mang tâm lý sợ hãi, "ham sống sợ chết" và tìm mọi cách đàn áp những thế lực, thành phần khác có khả năng cạnh tranh quyền lực với ĐCS thì cũng chính là lúc chính quyền này đã rời xa những vai trò đúng đắn của một chính quyền và tham gia vào việc chém giết lẫn nhau để có thể duy trì sự sống nhỏ nhoi của chính mình. Vì vậy, những vụ bạo lực, chém giết nhau và sự đối xử thiếu nhân tính giữa người với người trong Xã Hội Việt Nam cũng chỉ là những biểu hiện của sự vô chính phủ ở Việt Nam và là hệ quả của sự mất niềm tin vào luật pháp và quyền lãnh đạo của ĐCS.

Trong mắt con người Việt Nam hiện nay, luật pháp chỉ là công cụ cho ĐCS cương lĩnh hóa những ý đồ giữ quyền lãnh đạo và thâu tóm mọi nguồn lực để dành riêng cho sự tiêu thụ của chính nó. Thiếu hẳn pháp luật và một quyền lực thực sự để giữ gìn trật tự và ổn định trong xã hội thì bản năng sinh tồn của người dân cũng được bật lên như là một cơ chế bảo vệ tính mạng của cá nhân trước các mối đe dọa tiềm ẩn bên ngoài. Chính điều này đã làm gia tăng tính bạo lực trong xã hội và làm tệ hại hơn sự mất nhân tính của con người Việt Nam. Hằng ngày đọc báo, chúng ta có thể biết được những vụ chém giết giữa bạn bè với nhau hay giữa gia đình với nhau chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt. Con có thể giết cha mẹ để lấy tiền hay là một người đàn ông có thể ra tay giết bạn gái chỉ vì chuyện sứt mẻ trong tình cảm. Hay gần đây nhứt có những vụ tai nạn giao thông khi mà dù cho người bị nạn vẫn cố gắng nài nỉ van xin tài xế xe tải đừng cán qua nhưng vì nghĩ đến chi phí lo đám tang cho người chết sẽ thấp hơn lo viện phí cho một nguời bị thương nên những tên tài xế nhẫn tâm đã cán chết nạn nhân. Hay những vụ cả làng sẵn sàng đập chết một vài kẻ giết chó chỉ vì một số người trong làng này bị mất chó. Một người nước ngoài khi nhìn vào đất nước Việt Nam có thể sẽ cảm thấy ghê tởm, sợ hãi tột độ và không ngừng thắc mắc rằng tại sao con người lại có thể sử dụng phương thức hành xử của loài thú vật để giải quyết các xung đột lẫn nhau. Nhưng làm thế nào để có được sự nhân bản trong cách hành xử của con người Việt Nam khi niềm tin của người dân vào pháp luật đã biến mất, khi quyền lợi của họ đã bị chà đạp bởi nhà cầm quyền và những điều tuyệt vọng này đã khiến họ bế tắc khi giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống?

Điều tồi tệ hơn là cái tâm lý giành sự sống cũng đã ăn sâu vào thế hệ trẻ. Ngày nay, tình trạng bạo lực học đường càng ngày càng gia tăng. Một khi các bậc cha mẹ đều đã quen với thói sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề thì những đứa trẻ học theo cái lề lối này cũng là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nếu như tâm lý bế tắc và dùng bạo lực này để giải quyết thấm dần từ thế hệ này qua thế hệ kia thì chưa cần đến ngọai xâm, nước Việt Nam có khả năng sẽ tan vỡ trong bạo lực và hỗn loạn do sự leo thang của xung đột từ bên trong đất nước. 

Nguồn gốc của tình trạng vô chính phủ

Triết lý về sự vô chính phủ bắt nguồn từ triết gia Thomas Hobbes. Vào thế kỷ 16 khi nước Anh đứng trước sự xâm lược của Tây Ban Nha, cả quốc gia đã chìm trong sợ hãi. Nhưng cũng từ đó tác phẩm triết học "Con Quái Vật Của Địa Ngục" (Levathian) của Hobbes đã ra đời như là một sự cảnh tỉnh cho một trạng thái tự nhiên đầy hỗn loạn và điều cần thiết của một nhà nước dựa trên nền tảng trật tự và luật pháp cứng rắn. Trong trạng thái tự nhiên, khi không có một chính thể nào đứng lên trên để áp đặt trật tự và ổn định cho xã hội thì chắc chắn "sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn, giống như nhất định sau một ngày trong sáng sẽ là tối mịt mù vậy. Và khi đó mọi công dân bình thường sẽ phải sống cả đời như một loài vật bị săn đuổi, luôn phải tìm cách để tránh cái chết rình rập. Cuộc sống sẽ trở thành "xấu xa, tàn bạo và ngắn ngủi trong một xã hội mà mọi người chống lại mọi người giống như đang có chiến tranh."

Sau này, lý luận của tình trạng vô chính phủ đã được phát triển thêm do hai nhà chính trị học Waltz và Mearsheimer. Từ đó, tình trạng vô chính phủ đã được gán cho một cái tên là "góc nhìn thực tiễn" (realism). Tuy nhiên, thực chất là ngày nay góc nhìn thực tiễn dùng để chỉ cấu trúc của chính trường quốc tế. Đó là tình trạng không có một quyền lực nào đứng trên quyền lực của chính phủ của các quốc gia để có thể ngăn cản các quốc gia đi tới chiến tranh như là một phương thức để giải quyết xung đột. Chính vì không có một định chế nào đứng trên các quốc gia và có thực quyền duy trì an ninh và hòa bình quốc tế, các quốc gia phải tự nâng cao sức phòng vệ của chính mình (ở đây là gia tăng đầu tư quân sự). Nhưng chính vì sự nghi ngờ lẫn nhau và tâm lý phòng vệ, sự gia tăng quân sự của một nước này chính là mối đe dọa thường trực đối với những nuớc kia. Sự chạy đua vũ trang và xung đột quân sự giữa các quốc gia chính là hệ quả của sự nghi ngờ hành động giữa các nước với nhau và nỗi sợ hãi về khả năng bị tấn công dưới tình trạng vô chính phủ. Vì vậy, lịch thế giới đã chứng kiến hàng lọat các xung đột giữa các quốc gia qua từng thế kỷ, hai lần chiến tranh thế giới và chiến tranh lạnh trong TK 20. Ngày nay tình trạng xung đột giữa các quốc gia vẫn còn tồn tại dù cho đã có những định chế và tổ chức quốc tế như là Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Chừng nào chưa có một thể chế đứng trên các chính phủ quốc gia thì vẫn còn tiềm ẩn sự xung đột về lợi ích giữa các quốc gia. 

Tuy nhiên, đó là chính trị ở tầm quốc tế. Còn ngày nay, đa số các quốc gia không phải trải qua tình trạng vô chính phủ vì hiệu quả của luật pháp ở những nước này trong việc bảo vệ lợi ích cho người dân. Có thể nói tình trạng vô chính phủ đối với con người chỉ có thể xuất hiện ở hai tình trạng của xã hội như sau:

1. Khi xã hội con người còn sơ khai. Khi đó con người chưa đủ phương tiện để có thể tổ chức thành những cộng đồng, những nhóm để cùng họat động và chung sống với nhau. Trong tình trạng này, thì bức tranh mà Hobbes vẽ ra về điều kiện tự nhiên hoàn toàn trùng khớp. Đó là chiến tranh của mọi người chống lại mọi người để bảo vệ sự tồn tại của bản thân.

2. Khi một chế độ độc tài đã đi đến hồi cáo chung. Có lẽ xã hội ngày nay không còn điều nào tệ hơn bằng tình trạng của một xã hội loạn lạc trước giờ phút sụp đổ của các chế độ độc tài. Trong suốt quá trình cai trị, các chế độ độc tài đã tập trung đa phần các nguồn lực chỉ để trấn áp sự phản kháng của người dân và nuôi bộ máy công an kéo dài sự độc quyền lãnh đạo. Theo cách này, tập đoàn cầm quyền đã biến chất trở thành những kẻ mất nhân tính và sẵn sàng cướp bóc hết các nguồn lực để phát triển đất nước, và giết chết tiềm năng phát triển của cả quốc gia để đổi lấy sự tồn tại như "một xác chết biết đi" của chế độ độc tài. An ninh trật tự của xã hội không phải là mục tiêu của các chế độ độc tài mà chính là việc duy trì sự tồn tại của chế độ mới là vấn đề sống còn của tập đoàn lãnh đạo. Do vậy dưới sự cai trị của các chế độ độc tài bạo lực sẽ là luật chơi cho cả đất nước, ở đó kẻ mạnh thì sẽ thắng còn kẻ yếu hơn thì sẽ bị tiêu diệt. Và tình trạng bạo lực sẽ kéo dài đến khi chế độ không còn nguồn lực để tiêu thụ nữa thì cũng là lúc cả đất nước sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn của tình trạng vô chính phủ và sẽ vỡ ra trong bạo lực và hỗn loạn.

Điều đáng nguy cấp là tình trạng Việt nam hiện giờ lại diễn ra đúng như tình trạng thứ hai vừa nêu trên. Sự hỗn loạn và bạo lực và phương thức dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình từ phía người dân và cả nhà cầm quyền chính là những đặc tính cho tình trạng giai đoạn cuối của chế độ độc tài và nếu tiếp tục có thể dẫn đến sự vỡ tung của xã hội. Bức tranh của Thomas Hobbes về "cuộc sống sẽ trở thành xấu xa, tàn bạo và ngắn ngủi" phản ánh rất chân thực về tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay.

Chấm dứt tình trạng vô chính phủ: Sự quay trở lại đúng vai trò của nhà nước và sự nới rộng không gian họat động cho các cá nhân và xã hội ngoài chính quyền

Bài viết hy vọng nói lên được phần nào tình trạng hỗn loạn ở Việt Nam và có thể gợi ý suy nghĩ về một mô thức mới về nền chính trị và xã hội để chấm dứt tình trạng vô chính phủ, xây dựng lại sự an toàn và ổn định cho xã hội và bảo đảm và tạo dựng được sự phát triển về mặt xã hội (con người, văn hóa, giáo dục, y tế, ...) và kinh tế (tăng trưởng, phúc lợi xã hội và thu nhập và điều kiện sống được nâng cao). 

Những nguyên do và hệ quả của tình trạng vô chính phủ và những tương lai có thể dự báo trước của xã hội Việt Nam đã được trình bày chi tiết ở hai phần trên, nay xin được  gợi ý về một mô thức mới để có thể chấm dứt tình trạng của Việt Nam hiện nay.

Nếu như vào thời của Hobbes, ông mong mỏi xã hội hay đất nước có được "trùm cảnh sát đầy quyền uy - Ngài Trật Tự và Pháp Luật" để đem lại an ninh trật tự thì vào ngày nay xã hội lại không cần một thế lực quyền lực hay một ông vua như thế. Khi con người chịu sự lệ thuộc và sai khiến từ nhà nước với quyền lực tuyệt đối thì sự đổ máu của người dân cho sự tồn vong của nhà nước với cái cớ là ổn định và trật tự cho xã hội là điều sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Với quyền lực tuyệt đối nhà nuớc sẽ nhân danh vì lợi ích quốc gia để giết hại dân chúng hay là lùa họ vào những cuộc chiến tranh, gây hao tổn sinh mạng cho người dân. Kinh nghiệm của lịch sử thế giới về hai cuộc chiến tranh thế giới đã chứng minh điểm này. Cai trị bằng bạo lực và sự căm hờn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn và sự vỡ tung của xã hội trong bạo lực, đó chính là tình trạng vô chính phủ.

Do vậy chính tình trạng hỗn loạn và sự hoành hành của bạo lực ở Việt Nam hiện giờ phải càng làm cho chúng ta ý thức được rằng vai trò của nhà nước cần phải thu nhỏ lại, nhấn mạnh vào việc tạo điều kiện cho các cá nhân và xã hội tự làm giàu và tự phát triển, chứ không phải áp đặt các hướng đi mà xã hội cần phải theo. Vai trò của nhà nước chỉ có thể là: duy trì an ninh và trật tự cho xã hội, bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài và giải quyết các kiện tụng và tranh chấp giữa các cá nhân. 

Về luật pháp, người dân chỉ tin vào luật pháp được thi hành bởi nhà nước khi luật pháp đó thực sự giúp bảo vệ quyền lợi của người dân chứ không phải bảo đảm đặc quyền đặc lợi của phe cầm quyền. Luật pháp do nhà nước soạn thảo tức nhiên phải thể hiện ý chí của người dân trong đó. Và điều này chỉ được thực thi khi có một thực thể đầy quyền lực và nằm ngoài nhà nước, đó là sự kết hợp của các cá nhân xã hội. Các kết hợp trong xã hội sẽ tạo ra nguồn động lực buộc luật pháp của nhà nước phải phản ánh đúng quyền lợi của xã hội. Ví dụ luật về kinh tế phải bảo đảm rằng các doanh nghiệp được phép họat động tự do và không chịu sức ép từ nhà nước trừ phi hành động của doanh nghiệp gây hại đối với đất nước, nền kinh tế và người tiêu dùng, luật pháp phải ngăn chặn nạn độc quyền, không quy định sự dài dòng về giấy tờ để cho doanh nghiệp có cơ hội họat động càng nhanh càng tốt và phải quy định sự giới hạn của nhà nước đối với các họat động kinh tế. Pháp luật mà tạo được điều kiện cho sự phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân thì đó mới chính là sự bảo đảm ổn định và trật tự của xã hội vì các thành phần trong xã hội cảm thấy đều được có quyền lợi khi sống dưới pháp luật do nhà nước thi hành và không có lý do gì để mang tâm lý giành giật sự sống.  

Hơn thế nữa, một bộ máy quan liêu cồng kềnh với nhiều chức vụ và lãnh đạo toàn diện đối với xã hội sẽ đè bẹp ý chí và tiếng nói của cá nhân. Trong hệ thống cấu trúc phức tạp của bộ máy nhà nước như thế này, mọi cá nhân chỉ có một cách để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp: đó là kéo dài sự sống của hệ thống. Khi cá nhân đó đứng ngoài chính phủ thì chỉ sẽ cảm nhận thấy sự bất lực. Sự bất công xã hội sẽ càng ngày càng dâng cao khi những kẻ trung thành với chế độ lại được cơ cấu vào bộ máy và hưởng một cuộc sống sung túc trong khi những người mang tư tưởng cấp tiến, đặt quyền lợi của người dân lên trên thì bị lọai khỏi việc đưa ra các quyết định mang tính chính trị và có ảnh hưởng đến tất cả người dân thì bị lọai ra hoặc là thủ tiêu. Do vậy, để ngăn chặn sự bất công, nhiệm vụ của nhà nước phải là nâng đỡ những cá nhân, những người kỳ tài có tấm lòng với quốc gia và nhân dân. Nhà nước phải tạo điều kiện và không gian để cho các cá nhân có thể thể hiện tài năng và sự thông minh của chính mình, phải nhìn nhận những điều này như là những tiềm năng của đất nước chứ không phải là những mầm móng cần phải tiêu diệt. 

Ngạn ngữ của chúng ta có câu "dân giàu nước mạnh", điều đó biểu hiện rất đúng việc khi nào các cá nhân trong xã hội thoải mái và hài lòng với điều kiện sống và sự tự do của mình thì lúc đó nhà nước mới còn giữ được khế ước mà người dân đã trao cho mình, bảo đảm được sự ổn định và phồn thịnh của quốc gia và ngăn chặn khả năng quay lại tình trạng vô chính phủ.  

Hoàng Việt Quốc









No comments: