Sunday, March 15, 2015

Tập Cận Bình diệt tham nhũng để xây dựng cái gì? (Hùng Tâm/Người Việt)





Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, March 11, 2015 1:51:17 PM

Tin thời sự Trung Quốc thường tập trung vào hai loại vấn đề: kinh tế sa sút và chiến dịch chống tham nhũng gia tăng. Nhiều nhà quan sát cho rằng hai loại vấn đề ấy liên hệ với nhau. Sau một giai đoạn tăng trưởng, chiến lược kinh tế Trung Quốc đã hết công hiệu và phải cải cách. Nhưng việc cải cách lại gặp sự cản trở của các thế lực kinh tế chính trị đã làm giàu nhờ chiến lược đó qua mạng lưới tham nhũng. Vì thế, muốn cải cách kinh tế thì Chủ Tịch Tập Cận Bình phải phá vỡ sự cưỡng chống chính trị này.

Tổng hợp lại các dữ kiện của hơn một năm qua, Hồ Sơ Người Việt tìm hiểu thêm về chuyện đó...

Tiến trình chuyển quyền

Sau khi lên lãnh đạo từ cuối năm 2012 khi đại hội đảng khóa 18 kết thúc, Tổng Bí Thư Tập Cận Bình mới cầm quyền từ đầu năm 2013 với hai chức vụ khác là chủ tịch nhà nước và chủ tịch Trung Ương Quân Ủy Hội. Là chủ tịch nhà nước, người lãnh đạo đảng là Tập Cận Bình cầm đầu bộ máy cai trị của nhà nước. Là chủ tịch Quân Ủy Hội, ông cầm đầu bộ máy quân đội ở cả hai góc. Quân Ủy Hội của đảng bảo đảm sự lãnh đạo của đảng trên quân đội. Có cùng một danh xưng và thành phần nhân sự 12 người, Quân Ủy Hội của nhà nước bảo đảm quyền lực của nhà nước trên mọi cấp tướng lãnh.

Nói vắn tắt, ta có thể thấy ra ba cơ chế là đảng, nhà nước và quân đội.

Lãnh đạo thật là người cầm đầu cả ba cơ chế này. Năm 2002, sau Ðại Hội 16, nguyên Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nhà Nước Giang Trạch Dân vẫn giữ lại quyền lực trong Quân Ủy Hội gần hai năm rồi mới trao cho tổng bí thư kiêm chủ tịch nhà nước là Hồ Cẩm Ðào. Song song, ông còn cài lại các thành phần nhân sự của mình, thuộc “Cánh Thượng Hải” trong Bộ Chính Trị và cơ quan tối cao của Bộ Chính Trị là Thường Vụ Bộ Chính Trị có chín ủy viên. Họ tiếp tục ảnh hưởng đến chánh sách và cả nhân sự của hệ thống lãnh đạo Hồ Cẩm Ðào.

Thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư, sau Mao Trạch Ðông, Ðặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Ðào sớm trao lại toàn bộ quyền lực trong bộ máy nhà nước và quân đội cho Tập Cận Bình ngay từ đầu năm 2013.

Mấy chi tiết xa xưa kể trên thật ra có tầm quan trọng cho hiện tại vì giúp ta hiểu được hai yếu tố cơ chế và nhân sự trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng của Tập Cận Bình.

Tại sao phải cải cách kinh tế?

Yếu tố quan trọng thứ ba là đường hướng cải cách kinh tế.

Từ khi lên nắm quyền, Hồ Cẩm Ðào và các đảng viên thuộc cấp bậc lãnh đạo trong Bộ Chính Trị đều thấy ra nhược điểm của chiến lược phát triển và trong hệ thống kinh tế. Cả Hồ Cẩm Ðào và nhân vật đứng hạng ba trong Bộ Chính Trị là Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đều nhiều lần nói đến bốn nhược điểm, là không cân đối, không phối hợp, không công bằng nên không bền vững.

Không cân đối vì dị biệt quá lớn giữa các tỉnh duyên hải với các tỉnh trong nội địa, giữa thành thị với nông thôn, công nghiệp với nông nghiệp. Không phối hợp vì chỉ thị trung ương bị các đảng bộ địa phương cản trở nên kinh tế phát triển lệch lạc. Không công bằng vì khác biệt giàu nghèo cứ mở rộng là quần chúng bất mãn. Và không bền vững vì thiếu phẩm chất và tích lũy các vấn đề đã liệt kê ở trên, chưa kể ô nhiễm gia tăng, năng suất sút giảm, v.v...
Thế hệ thứ tư muốn cải sửa mà không thành công.

Lý do bất thành là chiến lược theo đuổi từ thời Giang Trạch Dân, năm 1989 trở về sau, có đem lại mức tăng trưởng cao cho nên đa số tin là cứ nên tiếp tục. Lý do kia là việc cải sửa có nghĩa là chánh sách cũ có sai lầm, tức là mặc nhiên xúc phạm vị trí của các nhân vật được họ Giang cài lại. Lý do thứ ba, quan trọng nhất, là sự hình thành của các nhóm quyền lực đã làm giàu và củng cố thế lực chính trị từ mấy chục năm qua. Các nhóm lợi ích này không muốn thay đổi. Sự hình thành của các thế lực ấy có thể gọi là nạn cấu kết quyền lợi giữa các tay chân thân tộc của đảng viên cao cấp. Hay nói cho đơn giản là nạn tham nhũng.
Thế hệ thứ năm là Tập Cận Bình và Tổng Lý Quốc Vụ Viện (hạng thứ hai trong Bộ Chính Trị) là Thủ Tướng Lý Khắc Cường, phải giải quyết các vấn đề trên. Do Hồ Cẩm Ðào cất nhắc, Lý Khắc Cường phải giải quyết hồ sơ kinh tế. Do chính Giang Trạch Dân đề cử và tích cực vận động từ lâu, Tập Cận Bình lên giải quyết hồ sơ chính trị.

Chiến dịch đả hổ bắt ruồi

Sau khi lên lãnh đạo đảng và qua hai hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Tập Cận Bình bắt đầu mở chiến dịch diệt trừ tham nhũng từ giữa năm 2013 trở đi. Ông nói trước là cho điều tra và kỷ luật mọi cấp bộ đảng viên cán bộ, gọi đó là đả hổ bắt ruồi, lớn nhỏ hay cao thấp gì cũng sẽ sa lưới.

Mười tám tháng sau, hơn 200 ngàn đảng viên cán bộ đã bị điều tra, tống giam và tuyên án. Từ bên ngoài, không ai nắm vững con số bị thanh lọc mà chỉ có thể đoán là trên 20 vạn.

Cũng thế, về địa bàn công tác thì người ta có thể đếm rằng đa số nghi can hay thủ phạm thuộc về các tỉnh Quảng Ðông, Tứ Xuyên, và bộ máy nhà nước tại trung ương. Về thành phần bị kỷ luật, đông như ruồi (nên khó đếm) là cán bộ tại các quận huyện, rồi đảng viên ở địa phương, và đảng viên cao cấp trong các tập đoàn kinh tế nhà nước, đến giới quản lý công ty quốc doanh. Ðáng chú ý nhất, dù ít mà giữ vị trí rất cao, là các đảng viên trong bộ máy đảng và nhà nước, từ các địa phương về tới trung ương.

Nhiều tướng lãnh trong quân đội cũng không thoát, ít ra là gần hai chục người. Cao cấp nhất là các nhân vật thân tín do Giang Trạch Dân cất nhắc là hai thượng tướng (ba sao) Từ Tài Hậu và Quách Bá Xương, từng là phó chủ tịch Quân Ủy Hội cho tới Ðại Hội 18. Hôm 14 Tháng Giêng vừa qua, đến lượt Phó Ðề Ðốc (ngang hàng Thiếu tướng) Quách Chính Cương, con trai của Quách Bá Xương.

Cao cấp nhất trong hệ thống đảng vì từng là ủy viên Thường Vụ Bộ Chính Trị và trưởng ban Chính Pháp Trung Ương cho tới Ðại Hội 18 có Chu Vĩnh Khang. Bị điều tra và kỷ luật về những tội danh liên quan đến các vị trí quá khứ, kể cả từ khi làm bí thư tỉnh Tứ Xuyên và chủ tịch tập đoàn năng lượng số một là CNPC. Nhân vật đầy quyền lực khác là Tăng Khánh Hồng cũng sa lưới, sau khi được Giang Trạch Dân cài lại trong hệ thống chính trị thời Hồ Cẩm Ðào. Ðáng chú ý không kém là viên bí thư rất có ảnh hưởng của Hồ Cẩm Ðào là Lệnh Kế Hoạch cũng bị điều tra.

Vài nét trên cho thấy Tập Cận Bình tung mẻ lưới rất rộng và bắt các con hổ dữ nhất trên hệ thống quyền lực quân và dân sự của trung ương, kể cả các nhân vật thân tín của hai vị tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào.

Mục đích của Tập Cận Bình là gì?

Tham nhũng vô biên

Các nhà xã hội học đều thấy tham nhũng hiện hữu trong mọi xã hội và nằm ở vị trí bản lề giữa kinh tế và chính trị, giữa thị trường và quyền lực, là nạn trục lợi bất chính nhờ thế lực chính trị. Một ngân hàng vi phạm luật lệ về nghiệp vụ thì có thể bị kỷ luật và trừng phạt về cả tội hộ (bồi thường và phạt vạ) lẫn tội hình (thủ phạm vào tù). Nếu nhờ thế lực chính trị mà làm bậy và vẫn thoát tội thì đấy mới là tham nhũng. Vì đặc tính ấy, tham nhũng hoành hành mạnh nhất trong các xã hội bị nạn độc tài về chính trị.

Theo tinh thần đó, tham nhũng tại Trung Quốc là quy luật tất yếu và khó giải trừ.

Do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, tham nhũng tại Trung Quốc còn là thuộc tính của tinh thần “một người làm quan cả họ được nhờ.” Hoặc, bất hiếu là không ra làm quan để đem bổng lộc về cho cha mẹ: sách Lễ Ký dạy rằng tội bất hiếu thứ ba là “Bất Vi Lộc Sĩ.”

Trong khung cảnh văn hóa chính trị đó, Tập Cận Bình phải bắt hết đảng viên cán bộ tại chức hay hồi hưu thì mới giải trừ được tham nhũng. Trong số này, có cả Giang Trạch Dân, được tờ Forbes ước lượng là có tài sản trị giá một tỷ bảy, tính bằng đô la. Hay Ôn Gia Bảo, được tờ Bloomberg phanh phui là có thân tộc nắm giữ nhiều cơ sở bạc tỷ.

Hoặc ông phải làm một cuộc cách mạng văn hóa mất cả trăm năm thì mới cải tạo được dân Tầu. Hay, đơn giản mà bất khả, là giải trừ hệ thống độc tài để xây dựng dân chủ. Ông không thể làm điều ấy trong khi nạn tham nhũng vô biên đang đe dọa cả chế độ.

Tuần qua, có hai chi tiết khiến ta hiểu rõ hơn nội tình.

Thứ nhất tờ South China Morning Post (Nam Hoa Tảo Báo) xuất bản tại Hồng Kông trích trang mạng của Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản (Trung Hoa Thanh Niên Cương - youth.cn) về lời phát biểu của một thiếu tướng hồi hưu là Lưu Kiện, cháu ngoại của Thống Chế Chu Ðức, loại đệ nhất công thần thời cách mạng của Mao. Họ Lưu kết án Thượng Tướng Quách Bá Hùng về tội tham nhũng của con trai là Thiếu Tướng Quách Chính Cương vừa sa lưới.

Hiển nhiên là vì lý do chính trị, lời kết án mới được hệ thống truyền thông của đảng quảng bá rộng rãi nên mới lọt ra ngoài. Nhờ vậy, ta chú ý đến một đặc tính mới của chiến dịch diệt trừ tham nhũng do Tập Cận Bình tiến hành: vượt cả không gian lẫn thời gian và tiến vào lãnh vực giáo dục gia đình. Không biết dạy con thì cũng có tội.

Chi tiết thứ hai, có tin là Tập Cận Bình vừa thay thế bộ máy bảo vệ lãnh đạo. Nôm na là các cận vệ của đảng viên cấp lãnh đạo, kể cả của bản thân. Sau chuyện thanh lọc nhân sự trong bộ máy tình báo được Hồ Sơ Người Việt trình bày tuần trước, (“Hệ Thống Tình Báo Trung Quốc Và Nhật Bản - Nhu cầu quốc an của Nhật và đảng an của Tầu”), quyết định của Tập Cận Bình cho thấy tình hình khá bất thường của Trung Quốc trong chiến dịch diệt trừ tham nhũng của họ Tập.

Kết luận ở đây là gì?

Không thanh lọc được mọi đảng viên về tham nhũng, Tập Cận Bình mở chiến dịch thanh trừng.
“Thanh lọc” là làm cho bộ máy đảng, nhà nước và quân đội tương đối trở thành trong sạch hơn.
“Thanh trừng” là loại bỏ các đối thủ không cùng chính kiến ở trong đảng, như trường hợp thô bạo của Mao Trạch Ðông, hay khéo léo hơn theo kiểu Ðặng Tiểu Bình.

Tập Cận Bình thanh trừng để gom quyền lực về trung ương và bản thân. Và có thể đang lo sợ phản ứng... Chuyện cần theo dõi.








No comments: