Sunday, March 15, 2015

Chính trị Mỹ nằm ở địa phương (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, March 13, 2015 6:24:49 PM

Ở nước Mỹ ai làm chính trị đều phải tranh cử. Không qua những cơn thử lửa đó, coi như chưa trưởng thành. Không chỉ vận động vài ba năm một lần trong những mùa bỏ phiếu, mà phải vận động quanh năm suốt tháng. Vì vậy các chính khách phải tự hỏi: Các cử tri bỏ phiếu như thế nào? Tại sao họ chọn ứng cử viên này mà không bỏ phiếu cho người khác?

Một “quy tắc” mà các nhà chính trị Mỹ đều thuộc là “Chuyện chính trị là chuyện địa phương.” (All politics is local - hoặc All politics are local). Dù tranh cử một chức vụ có trách nhiệm toàn quốc, ông đừng quên những nhu cầu khát vọng của dân ở các tiểu bang, ở các quận! Cử tri rủ nhau bỏ phiếu bầu một ông tổng thống không phải vì chính sách của ông ấy về vấn đề môi trường sống hoặc cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mà chỉ vì ông ấy có chương trình giảm một món thuế nông phẩm vùng mình vẫn trồng, hoặc sẽ trợ cấp một nhà máy giúp vùng mình có thêm công việc làm. Quyết định chính trị của cử tri dựa trên các chuyện nho nhỏ ở địa phương.

Thí dụ, di dân bất hợp pháp là một vấn đề của cả nước Mỹ, cần một giải pháp cho do Quốc Hội liên bang hay ông tổng thống quyết định. Nhưng một dân biểu, nghị sĩ Mỹ chống di dân hay không, lập trường của họ hoàn toàn tùy thuộc cử tri đi bầu cho họ. Những người chống di dân (hợp phát hoặc bất hợp pháp) sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên cùng chống như họ. Nếu đa số cử tri chống di dân thì ứng cử viên sẽ chứng tỏ là mình chống mạnh nhất. Nhà chính trị chỉ cần “nói chống” cũng đủ rồi, vì có khi không làm được gì cả. Nhưng cứ nói để cử tri vui lòng. Ngược lại, nếu thấy trong đơn vị bầu của mình số người chống di dân chiếm tỷ số không đáng kể, thì chẳng ứng cử viên nào nói mình chống di dân, vì chẳng thu được thêm lá phiếu nào.

Tuần này mới có tin phụ nữ từ Trung Quốc sang California để sinh con, riêng một nhà thương ở Fountain Valley đã nhận bốn trăm sản phụ trong mấy năm qua. Theo Tu chính án số 14 trong Hiến Pháp Mỹ, những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ đương nhiên có quốc tịch Mỹ, trừ con các nhà ngoại giao nước khác. Hàng triệu người Trung Hoa đang muốn xin “thẻ xanh” để trở thành di dân thường trú ở Mỹ. Sang Mỹ sinh con có lẽ là một con đường nhanh và ít tốn kém nhất. California là nơi đón tiếp các sản phụ du lịch này nhiều nhất.

Các dân biểu nghị sĩ California có ai nói, hay làm gì, về chuyện ngăn chặn mưu mô này hay không? Chẳng thấy ai. Nhưng hai nghị sĩ ở nơi khác lại bắt tay hành động! Nghị Sĩ David Vitter, tiểu bang Louisiana và David Perdue, Georgia, đã đề nghị sửa một dự luật về “buôn người” sắp được Quốc Hội đem ra bàn. Họ xin thêm một điều khoản mới vào để “tu chính” dự luật này, theo đó trẻ em do các “sản phụ du lịch” sinh ra sẽ không tự động có quốc tịch Mỹ.

Một đề nghị như vậy khó lòng được Quốc Hội thông qua, vì hiển nhiên nó trái với Hiến Pháp. Hai ông Vitter và Perdue không phải là những người đầu tiên đưa ra đề nghị này. Các nghị sĩ Rand Paul, Lindsey Graham, cả hai đang nuôi tham vọng làm ứng cử viên tổng thống sang năm, cũng đồng ý nên tước bỏ quyền có quốc tịch Mỹ của những đứa trẻ sanh ra trong khi bà mẹ không cư trú hợp pháp ở Mỹ. Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner và nhiều dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa cũng chia sẻ lập trường đó.

Nhưng làm luật như vậy là trái với Tu chính án số 14. Muốn sửa Hiến Pháp Mỹ cần thủ tục rắc rối, một câu trong một đạo luật không thể thay đổi cả Hiến Pháp được! Ông Michael Gerson, một cựu cố vấn của cựu Tổng Thống George W. Bush, đã cảnh cáo rằng nếu làm luật từ chối quốc tịch tự động như vậy thì nước Mỹ sẽ có mấy trăm ngàn đứa trẻ phạm tội “sống bất hợp pháp,” chúng không vượt biên giới mà đang khóc trong nhà hộ sinh!

Tại sao các nghị sĩ Rand Paul, Lindsey Graham, Vitter và Perdue lại muốn đưa điều này vào một dự luật, dù biết Quốc Hội không thể nào thông qua được?

Bởi vì thực ra họ không quan tâm đến các sản phụ du lịch người Trung Hoa ở California. Mục tiêu của họ là mấy triệu di dân Châu Mỹ La tinh bất hợp pháp đang sống phây phây ở Mỹ! Di dân bất hợp pháp là một vấn đề toàn quốc, không riêng của tiểu bang nào. Nhưng mỗi nghị sĩ chống là vì các cử tri của họ chống; họ phải lớn tiếng chống đến cùng chứ không chịu thỏa hiệp để tìm ra một giải pháp chung cho cả nước. Dân California không mấy người chống di dân, các đại biểu Quốc Hội cũng vậy, vì họ đã quen mắt, ngày nào họ cũng thấy mấy người này đang cắt cỏ, dọn bàn, hay bưng đĩa bánh xèo ra hầu mình trong tiệm ăn. Chính trị tùy thuộc địa phương, dù vấn đề vẫn là chuyện toàn quốc.

Chúng ta thử theo dõi cuộc chạy đua giữa hai chính khách đang vận động cho cuộc “bầu cử sơ bộ” sang năm: Jeb Bush, nguyên thống đốc Florida; và Scott Walker, thống đốc Wisconsin mong được đảng Cộng Hòa đưa ra ứng cử tổng thống năm 2016. Hai người mạnh ngang nhau và họ đang qua mặt các ứng cử viên khác cùng đảng. Vì vậy họ càng phải giành nhau từng bước một. Họ bắt đầu đi vận động trong từng địa phương, quan trọng nhất là những tiểu bang tổ chức bầu sơ bộ sớm nhất. Vì ai thắng thế ngay từ đầu sẽ “có đà” dễ vượt các đối thủ ở các tiểu bang bỏ phiếu sau. New Hampshire và Iowa là hai nơi bỏ phiếu sớm nhất trong cuộc “bầu sơ bộ.”

Jeb Bush và Scott Walker đều nổi tiếng và khi làm thống đốc đều theo đường lối bảo thủ giống nhau, Cho nên khi vận động những người cùng đảng họ khó đem chuyện lập trường, chủ trương ra so sánh. Cho nên, muốn thuyết phục các cử tri Cộng Hòa rằng mình đáng được đưa ra ứng cử tổng thống hơn người kia thì mỗi người phải vạch ra những điều khác biệt nho nhỏ. Chẳng hạn, bên ông Jeb Bush mới lên tiếng phê bình ông, chê ông ta là người bất nhất, hay thay đổi ý kiến. Họ nêu một thí dụ: Trước đây ông Walker đã chống chương trình “trợ cấp cho nhà nông” của chính phủ Mỹ, nhưng bây giờ thì ông ấy lại ủng hộ!

Tại sao phe ông Bush lại kể cho cử tri nghe chuyện này? Không phải chỉ để nói xấu tính bất nhất của ông Walker đâu. Chỉ trích như vậy dễ bào chữa lắm vì khi làm thống đốc Wisconsin, ông Walker đã tỏ ra rất cương quyết, rất nhiều lần, và ông ta đã thành công. Phe ông Bush chỉ muốn nhắc đến món “trợ cấp cho nhà nông” vì đó là một vấn đề “huyết mạch” đối với nhà nông. Tiểu bang Iowa có rất nhiều nhà trồng bắp. Họ từng được hưởng tiền trợ cấp nông nghiệp trong bao nhiêu năm qua, bây giờ món đó đang bị cắt. Tuy phe ông Bush đưa tính bất nhất của ông Walker ra chê bai, nhưng chủ tâm của họ là muốn “mách” các vị chủ nông trại ở Iowa rằng chính ông Walker đã từng muốn “phá nồi cơm” của họ! Khoảng một năm nữa, dân Iowa sẽ đi chọn người thay mặt mỗi đảng ứng cử tổng thống. Cử tri hai đảng sẽ phán đoán tài năng, đạo đức của từng ứng cử viên phe mình. Các cử tri Cộng Hòa nào làm nghề nông sẽ ghi nhớ ứng cử viên nào đã chống món trợ cấp nhà nông; chuyện tuy nhỏ nhưng có thể sẽ quyết định lá phiếu! Còn những cử tri không phải nhà nông thì sao? Họ sẽ lo nếu để cái ông này ra ứng cử cho đảng mình, ông ấy sẽ mất phiếu của các nhà nông trong cả nước! Muốn an toàn, nên đưa người khác ra ứng cử!

Ðấy là một thí dụ về một tiểu bang, việc chọn người làm tổng thống cho đến chọn người ứng cử tổng thống cũng có khi do chính trị địa phương quyết định. Còn một yếu tố nữa, chung cho tất cả các địa phương, là khắp nước Mỹ nơi nào dân cũng có khuynh hướng ghét “bọn ăn trên ngồi trốc Washington,” họ gọi là “establishment,” tức là cả guồng máy cai trị thiên hạ. Dân nước nào chắc cũng vậy cả. Từ nửa thế kỷ qua, các ứng cử viên tổng thống Mỹ ai cũng lớn tiếng chỉ trích “bè lũ chính trị gia Washington;” mặc dù ứng cử viên nào cũng đang cố gắng chạy tới đó gia nhập. Nhưng dân đã ghét cái gì thì các ứng cử viên phải chứng tỏ mình cũng chống. Ông nọ sẽ tố cáo bà kia là người vẫn “ăn trên ngồi trốc” ở Washington!

Cho nên, gần đây ông Scott Walker đi đâu cũng tự giới thiệu: “Tôi chỉ là con một ông mục sư làng,” cứ thế ông nói mãi không chán. Tại sao ông lại khai gia phả nhiều lần như vậy? Không phải ông Walker muốn khoe cảnh nghèo của mình đâu! Mỗi lần nói đến “mục sư làng” ông lại nhắc cho các cử tri nhớ rằng ông Bush thuộc một gia đình giầu có nhờ kinh doanh kỹ nghệ dầu lửa. Hơn nữa, gia đình nhà Bush đã có tới hai người làm tổng thống ở Washington, cách nhau chỉ có 8 năm! Nói gì thì nói, Jeb Bush khó đứng ra tuyên bố rằng mình cũng chống “bọn Washington chúng nó!”

Hai ứng cử viên không thù ghét gì riêng nhau cả, nhưng chính trị là chính trị, vào cuộc là phải tận tình giao đấu! Năm 2010, Jeb Bush đã từng giúp Scott Walker trong cuộc tranh cử thống đốc Wisconsin. Ông đem uy tín của riêng mình và của gia đình ra giúp Walker trong bữa tiệc gây quỹ tại Milwaukee, ai muốn dự phải góp 250 đô la để được nghe Jeb Bush nói chuyện. Năm 2016 tới, ở trong đảng hai ông sẽ là đối thủ, phải giành thắng ngay từ bây giờ. Trong Tháng Ba, 2015, cả hai đều tới tiểu bang New Hampshire gặp gỡ những người ủng hộ mình - họ đến cùng một cuối tuần không nhưng có thời giờ gặp nhau. Ông Bush tới đó giúp một dân biểu gây quỹ tranh cử sang năm, chứ không gây quỹ cho chính mình. Mỗi người dự tiệc phải đóng 5,000 đô la. Chỉ có thế thôi; nhưng New Hampshire không phải là một địa chỉ của các nhà triệu phú. Một người phe ông Walker nhắc tới món tiền góp 5,000 đô la để “nói xéo” với các nhà báo: “Giá tiền Washington đấy! Giá ông Bush cao lắm! Ổng ta là cái máy hút bụi, được dùng để hút bạc!”

Sang năm, chưa biết ai sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Sau đó, ứng cử viên hai đảng sẽ giành phiếu với nhau. Ngay cả trong cuộc chạy đua toàn quốc này, các nhà chính trị cũng không quên câu “All politics is local” chính trị là các vấn đề địa phương!

Nhiều người vẫn nghĩ cựu Chủ Tịch Hạ Viện Tip O'Neill (1912-1994), nêu ra châm ngôn này. Nhưng Tip O'Neill viết hồi ký kể rằng đã được thân phụ dạy, từ lúc ông mới bước vào chính trị, năm 1935. Lần đó, O'Neill tranh cử hội đồng thị xã Cambridge Massachusetts và thất bại. Nhưng trong 50 năm sau đó, ông không bao giờ thất cử nữa, tranh cử thêm 25 lần, làm dân biểu liên bang từ 1952 đến 1987. Nhưng thực ra cụ ông O'Neill cũng chỉ nhắc lại ý kiến do ký giả Byron Price (1891-1981) nêu ra lần đầu vào năm 1932. Price viết: “Nhìn tổng quát thì các yếu tố như uy tín cá nhân, lập trường chính trị, chia chác phe phái, đều có ảnh hưởng. Nhưng cuối cùng thì mọi chuyện chính trị là do các vấn đề địa phương, yếu tố địa phương quan trọng nhất!” (The varying facets of political belief, patronage and prestige all play in the general picture, but all politics is local in the last analysis, and local considerations come first.)

Nếu thấy sinh hoạt chính trị Mỹ có những chuyện khó hiểu, hãy tìm hiểu xem có lý do nào ở địa phương ảnh hưởng trên lời nói và hành động của các nhà chính trị hay không!







No comments: