Tuesday, March 3, 2015

Hoa Kỳ và Israel với hồ sơ Iran (Nguyễn-Xuân Nghĩa)





Nguyễn-Xuân Nghĩa
Monday, March 02, 2015 4:32:14 PM

Đồng minh trên hai lằn ranh đối nghịch

Hôm nay Thứ Ba Mùng Ba, Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu đọc bài diễn văn tại Quốc Hội Hoa Kỳ và tập trung vào hồ sơ là Iran, vốn có ảnh hưởng sinh tử cho Israel. Trên bàn cân là sự tồn tại của Israel và mối quan hệ chiến lược của Israel với Mỹ. Vì nhiều người Việt có ấn tượng là Hoa Kỳ đã bỏ rơi miền Nam do sức ép của Do Thái năm xưa, đây là chuyện ta nên theo dõi...

Và bắt đầu ở những phát biểu của Ngoại Trưởng John Kerry.

Nhìn từ bên ngoài, ta có thể tin rằng làm ngoại trưởng của Hoa Kỳ không là điều khó. Hôm Thứ Tư 25 tháng trước, khi ra điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, Ngoại Trưởng Kerry có ngôn từ thiếu ngoại giao và thừa lầm lạc khi nhấn mạnh đến hai điều. Thứ nhất, Israel nay đã an toàn hơn nhờ Hoa Kỳ đang thương thuyết với Iran về chương trình (chế tạo vũ khí) hạch tâm của Tehran, một việc mà thủ tướng Israel chống đối. Đấy là một sai lầm của Netanyahu. Sai lầm thứ hai là ông Netanyahu cũng lầm khi ủng hộ việc chính quyền George W. Bush mở chiến dịch tấn công Iran năm 2003.

Về chuyện Iran, việc Mỹ cùng năm cường quốc là Anh, Pháp, Đức, Nga, Tầu (P-5 + 1), đang đàm phán với Iran về chương trình hạch tâm, với vai trò chủ động Ngoại Trưởng Kerry, là điều gì đó còn bí mật nên chưa ai rõ nội dung và hậu quả. Thủ Tướng Netanyahu e ngại hậu quả cho Israel vì Tehran không che giấu lập trường thù nghịch đến không đội trời chung với Israel. Ông tới Mỹ trình bày về hậu quả đó như lời cảnh báo và đề nghị chính quyền Obama công khai hóa nội dung đàm phán. Người Việt ta liên tưởng đến việc Mỹ hòa đàm với Hà Nội và đến Hiệp định Paris năm 1973 đối với số phận của miền Nam. Israel đang gặp hoàn cảnh đó và Thủ Tướng Netanyahu còn bị Ngoại Trưởng Kerry công khai đả kích là lầm!

Chuyện thứ hai là vụ Iraq, chẳng những Kerry đã sai mà còn gian.

Chính Kerry khi còn là nghị sĩ đã ủng hộ việc chính quyền Bill Clinton bên Đảng Dân Chủ tấn công chế độ Saddam Hussein qua một thỉnh nguyện thư năm 1998. Và năm 2003, Nghị Sĩ Kerry đã ủng hộ Nghị Quyết Tấn Công Iraq dưới thời Tổng Thống George W. Bush. Còn Netanyahu chỉ làm Thủ tướng Isral sáu năm sau.

Khi phê phán khả năng suy xét của Netanyahu, Kerry giấu nhẹm khả năng phán đoán của mình, mà còn coi thường khả năng suy xét của dân Mỹ. Vậy mà cũng là ngoại trưởng! Cho nên ta chẳng ngạc nhiên khi Kerry được xếp loại ngoại trưởng tệ nhất của Mỹ từ 50 năm qua. Đó là kết quả khảo sát ý kiến đầu Tháng Hai của The Ivory Tower Survey, một công trình hỗn hợp của tạp chí Foreign Policy với tổ chức Teaching, Research, and International Policy (TRIP).

Trở lại chuyện Israel và Iran cùng chuyến thăm viếng của Thủ Tướng Netanyahu, ông được Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner bên Cộng Hòa mời qua phát biểu trước lưỡng viện Quốc Hội mà không thông báo cho Hành Pháp và lãnh đạo Dân Chủ. Chủ tịch Hạ Viện có quyền hiến định như vậy, nhưng cố tình gây ra sự thất thố chính trị để cho thấy mâu thuẫn bên Đảng Dân Chủ.

Trước hết, từ sáu năm qua, quan hệ giữa Thủ Tướng Netanyahu với Tổng Thống Obama chưa bao giờ được gọi là nồng ấm. Đây là điều bất thường khi Israel là đồng minh chiến lược và duy nhất dân chủ của Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông đầy khói lửa hiện nay. Thứ hai, xưa nay, cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái thường ủng hộ - và từ 70 đến 80% vẩn chi tiền co phe Dân Chủ. Lần này, họ phân vân về lập trường của chính quyền Obama đối với quốc gia Israel. Có lẽ Chủ Tịch John Boehner thấy ra điều ấy nên ngỏ lời mời Thủ tướng Israel.
Ông Netanyahu chọn thời điểm này vì sẽ phát biểu trước hội nghị thường niên của AIPAC (American Israel Public Affairs Committee), tổ chức vận động có thế lực của người Mỹ gốc Do Thái, hôm sau mới vào Quốc hội Mỹ. Khi trở về, ông còn có cuộc bầu cử ngày 17 tới đây.

Netanyahu quả là cố tác động vào công chúng và chính trường Mỹ để bảo vệ quyền lợi Israel và vị trí của Đảng Likud do ông đang lãnh đạo. Mục tiêu có thể là để thuyết phục dư luận cùng các dân biểu nghị sĩ Hoa Kỳ ủng hộ lập trường của Israel để Quốc Hội Mỹ có đủ túc số hai phần ba mà vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống khi biểu quyết đạo luật The Nuclear Free Iran Act (Đạo luật chống Hạch tâm tại Iran) với đề nghị gia tăng mức cấm vận nếu Iran không chấp hành sự cam kết khi đàm phán về kế hoạch hạch tâm.

Như năm 2012, AIPAC và Netanyahu cùng vận động Quốc Hội Mỹ trừng phạt Ngân hàng Trung ương của Iran để gây sức ép. Hành pháp Obama chống lại quyết định ấy mà không nổi và nay lại viện dẫn là nhờ Ngân hàng Trung ương của Iran bị phong toả mà Tehran phải đàm phán!

Những chuyện rắc rối ấy đưa ta đến câu hỏi thật trong truyện dài Hoa Kỳ - Do Thái.

Nhiều người lý luận là tài phiệt Do Thái có thể làm mưa làm gió trong nhiều lãnh vực sinh hoạt của nước Mỹ, từ khoa học, nghệ thuật, điện ảnh đến kinh doanh và nhất là chính trị. Sự thật lại chẳng đơn giản như vậy. Chính giới Mỹ chỉ có thể bị Do Thái vận dụng hay lợi dụng nếu họ làm Hoa Kỳ lấy những quyết định có lợi cho Israel mà có hại cho quyền lợi của nước Mỹ. Điều ấy chưa từng xảy ra từ khi quốc gia Israel được tái thành lập vào năm 1948 tại khu vực Palestine.

Ngược lại, đã có thời Israel ngả theo Liên Bang Xô Viết và bị Mỹ gây áp lực rất mạnh. Mâu thuẫn ấy đang tái diễn khi chính quyền Obama có chủ đích riêng với Iran khiến Thủ tướng Israel chạy qua vận động cả người Mỹ gốc Do Thái lẫn chính trường Hoa Kỳ - mà chưa chắc đã thành công.

Nhìn từ bên ngoài, ta nên kết luận rằng Hoa Kỳ hành xử vì quyền lợi của mình và các đồng minh của Mỹ đều phải hiểu ra điều ấy mà tự chuẩn bị. Và dù có ảnh hưởng của dân Do Thái tại Mỹ, Israel vẫn có lúc bẽ bàng!

Chúng ta hiểu ra điều ấy nếu theo dõi tuần báo The New Republic đầy uy tín. Tờ báo này thuộc loại trí thức khuynh tả, thiên về Dân Chủ, mà có lập trường kín đáo ủng hộ Israel chứ không bảo thủ và lộ liễu như tờ Commentary. Trong đòn vận dụng này của Netanyahu, tờ TNP cố nín thinh!

Nhìn rộng hơn ra ngoài, và khỏi tập trung vào quan hệ giữa Israel với Mỹ, ta thấy vị trí then chốt của Iran với ảnh hưởng rất lớn tại Iraq và Syria, trên các tổ chức Hồi giáo cực đoan, từ al Qaeda tại Trung Đông tới Hezbollah tại Lebanon, Hamas trên Dải Gaza và cả lực lượng Huynh đệ Hồi giáo Muslim Brotherhood tại Egypt. Iran giữ vai trò bản lề làm nhiều đồng minh khác của Mỹ e ngại. Trong hoàn cảnh đó, chiến lược của chính quyền Obama với Iran là gì thì vẫn là một ẩn số hãi hùng. Chưa khi nào Hành pháp Mỹ nói rõ chủ trương của mình về chuyện đó. Cũng mơ hồ như chiến lược của Hoa Kỳ với lực lượng khủng bố ISIL đang tung hoành khắp nơi...

Đấy mới là điều đáng ngại, dù có Do Thái hay không!

Chuyện chỉ xảy ra tại nước Mỹ
Một ngày sau khi Ngoại Trưởng John Kerry khẳng định là chưa khi nào nước Mỹ lại an toàn như bây giờ - ngoài mối nguy từ nạn nhiệt hóa địa cầu - thì hôm Thứ Năm 26, giám đốc Tình Báo Quốc Gia DNI là ông James Clapper lại trình bày trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện một sự thể khác về mối nguy cho toàn cầu và riêng cho Hoa Kỳ xuất phát từ nạn khủng bố. Có vai trò phối hợp hoạt động của 16 cơ quan tình báo quân sự và dân sự Mỹ, ông Clapper nói gọn rằng năm 2014 bị nạn khủng bố mạnh nhất kể từ 45 năm qua. Hình như hai nhân vật của cùng một chính quyền Obama lại nói về hai thế giới trái ngược! May là Hoa Kỳ có Quốc hội để công chúng thấy ra mâu thuẫn đáng ngại này...








No comments: