Monday, March 16, 2015

Cơ hội hiếm có cho Việt Nam (Mặc Lâm)





03/13/2015 11:27 PM

Bàn cờ chiến lược đối ngoại của Việt Nam có nguy cơ bị chiếu bí khi Mỹ công khai lên tiếng yêu cầu Hà Nội không tiếp tục cho Nga mượn căn cứ quân sự Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các loại phi cơ chiến lược kể cả loại có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Yêu cầu này đang là bài toán xem ra có vẻ nan giải cho Hà Nội trong khi bận bịu làm thế nào để chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng được Hoa Kỳ xem là nỗ lực tiến gần hơn với Mỹ

Lời đề nghị của Nhà Trắng được một viên chức ngoại giao tại Hà Nội không muốn nêu tên nhấn mạnh đến sự tôn trọng quyết định của Việt Nam, nhưng phía sau sự tôn trọng lịch sự ấy là một câu hỏi có tính quyết định cho quan hệ hai nước. Nó không phải là sự đòi hỏi miễn cưỡng mà Hoa Kỳ thường đưa ra trước các vấn đề nhân quyền như từ trước tới nay. Nó cho thấy vấn đề an ninh quốc phòng của Mỹ bị đe dọa. Đây là chuyện thiết thân của Nhà Trắng và điện Capitol chứ không còn là con bài nhân quyền mà Việt Nam muốn chơi thế nào cũng được.

Dĩ nhiên Việt Nam phải trả lời và không thể áp dụng chính sách im lặng hay mập mờ trong ngôn ngữ ngoại giao. Tuy nhiên “Yes” hay “No” không phải lúc nào cũng có thể áp dụng, nhất là trước một vấn để trọng đại.

Nếu đề nghị này diễn ra cách đây 20 năm thì có lẽ câu trả lời sẽ là “No” một cách vừa dứt khoát vừa hãnh diện. Hãnh diện vì Nga là đất nước từng giúp vũ khí và con người cho Việt Nam, nói không với Mỹ là nhích lại gần hơn với Nga và trong cách nhìn nào đó đây là sự trả ơn mà một nước cộng sản anh em muốn chứng tỏ.

Thế nhưng bây giờ đã khác, và lại còn khác rất xa.

Nga không còn là đồng chí với Việt Nam trong mạch chảy cộng sản, mặc dù ai cũng thấy chính Việt Nam chỉ nói tới cộng sản như một chiêu bài còn trong thâm tâm thì có mấy đảng viên còn tin rằng cộng  sản vẫn hiện hữu.

Những hành động của Nga chẳng qua là nhất thời, cố tỏ ra có sức mạnh quân sự để Mỹ giật mình và xem lại chính sách bao vây kinh tế với Nga. Máy bay chiến lược của Nga chỉ ghé Cam Ranh sau khi vấn đề Ukraina bế tắt và vì vậy không thể nói đây là chiến lược đã được tính toán từ lâu của Moskva.

Nga bây giờ là đối tác kinh doanh của Việt Nam, mặc dù hàng hóa mà hai bên trao đổi với nhau là thứ hàng hóa cực kỳ nhạy cảm: vũ khí.

Người bán là Moskow còn kẻ mua là Hà Nội. Người mua thường được xem là thượng đế có toàn quyền yêu sách chất lượng sản phẩm và kể cả trả giá. Người bán thông minh phải lựa chọn thời điểm để giới thiệu hàng kể cả thời điểm thích hợp để nâng giá, nhất là vũ khí, thứ hàng hóa luôn đi kèm với biến động chính trị và bàn cờ tranh chấp thế giới.

Nga mới là kẻ phải suy nghĩ chứ không phải Việt Nam trước sự việc này.

Nga có thể áp lực để Việt Nam thấy rằng hợp đồng vũ khí mà Nga đang giao cho Việt Nam có thể bị ảnh hưởng vì quyết định của Hà Nội khiến Moskow nổi giận. Nga cũng có thể vận động sân sau, như thường làm, bôi trơn phe thân Nga để những thành viên cuồng Putin vận động cho một quyết định có lợi cho Putin.

Tuy nhiên Hà Nội không sợ Nga nổi giận vì đơn giản họ chưa lệ thuộc quá nặng vào Nga như đang lệ thuộc Tàu. Hà Nội cũng không đủ túc số cần thiết ủng hộ Nga trong Bộ chính trị để có thể làm một cuộc vận động, và vì vậy cả hai phương án vừa nói khó khả thi.

Điều mà Nga có thể làm hiện nay chỉ còn cách vuốt ve Hà Nội để tiếp tục bán vũ khí, âm thầm lôi kéo Việt Nam để nước này tiếp tục ủng hộ các chính sách mà Nga đang theo đuổi. Vận dụng mọi cơ hội để sử dụng Hà Nội như một đồng minh mới thay cho hai tiếng đồng chí nay đã lỗi thời.

Putin đang phải rối đầu với vần đề Ukraina và chắc sẽ khó lòng mang vào mình một câu chuyện khác có thể làm cho dân Nga nổi giận khi ngăn cản các công ty Nga làm ăn với Việt Nam.

Từng đồng Rúp kiếm được hiện nay giá trị hơn rất nhiều so với trước đây. Nga chắc chắn không dám dấn thân vào một cuộc khủng hoảng không kém nguy hiểm khác. Bài học Ukraina vẫn sửng sững ra đó, bất cứ quyết định nào của Putin hiện nay đều có ảnh hưởng trực tiếp tới chiếc ghế của ông ta.

Mỹ cũng không phải vừa, Nga có thể bay được tới Guam hay tất cả những nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự là điều hiển nhiên họ phải tính trước. Lên tiếng cảnh báo cũng là điều được tính toán rất kỹ trong mọi chiến lược mà Ngũ giác đài phác thảo. Tố cáo hành vi khiêu khích của Nga Nhà Trắng muốn đưa ra một thông điệp: Nước Mỹ không bao giờ quên chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Nga.

Vậy thì việc trả lời “Yes” hay “No” là cơ hội cho Việt Nam chứ  nào phải là ngõ cụt.

Việt Nam chỉ cần ra văn bản chính thức cho biết vẫn cương quyết giữ vững lập trường ba không mà từ trước tới nay Hà Nội luôn tuyên bố. Do sự yêu cầu chính đáng của Hoa Kỳ, Việt Nam quyết định thôi không tiếp tục cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình để tiếp tay liên minh với nước này để chống lại nước thứ ba.

Một văn bản như thế sẽ ngay lập tức có các kết quả sau đây:

Thứ nhất, mở một cánh cửa để Putin dễ dàng trả lời cho cử tri của Nga (nếu Nga thật sự có cử tri). Khi đã có câu trả lời hợp lý Putin vẫn sẽ tiếp tục được dân chúng suy tôn như hiện nay. Và điều này Putin cần hơn là quá giang Cam Ranh để dọa Mỹ.

Thứ hai, đóng cánh cửa lệ thuộc vào Tàu và gián tiếp cho Bắc Kinh thấy rằng thời kỳ cộng sản đã qua bây giờ là thời kỳ cộng hưởng với Mỹ. Đóng cánh cửa này có thể làm Bắc Kinh nổi giận và chính sự nổi giận ấy sẽ khiến Mỹ sát lại hơn với Việt Nam.

Sát lại vì hai mươi năm quan hệ nay đã có kết quả. Mỹ sẽ mạnh dạn hơn nếu đưa ra những quyết sách mới trước lưỡng viện quốc hội nhằm tiếp sức cho Việt Nam trong chính sách xoay trục.

Và khó thể nói rằng lần công du của ông Trọng lại không có được chút cám ơn nào từ Tòa Bạch Ốc.

Mặc Lâm







No comments: